Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 22/4: Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại; Cảnh báo tình trạng rắn độc cắn trong mùa nồm, ẩm
D.Ngân - 22/04/2023 08:25
 
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại

Trong 5 năm qua, bệnh dại ở Việt Nam đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh dại. Nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định của Luật Thú y, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh hoạ

Đặc biệt, tổ chức triển khai có hiệu quả, đạt được các mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030 (Chương trình quốc gia) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021. Trong đó, chú trọng các nội dung sau:

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành văn bản chỉ đạo UBND các cấp và các sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người và động vật.

Người đứng đầu UBND các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

Các tỉnh, thành phố xây dựng, phê duyệt và bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh dại của địa phương, ưu tiên mua vắc-xin, tổ chức tiêm vắc-xin dại cho đàn chó, mèo đồng loạt vào cùng một thời điểm.

Hỗ trợ mua vắc-xin, tổ chức tiêm vắc-xin dại cho đàn chó, mèo tại các ổ dịch, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi khu vực 2, 3, vùng biên giới...

Các địa phương tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định; báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS).

UBND các cấp chủ động phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2023-2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026-2030; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo.

Các đơn vị chuyên môn y tế và thú y kịp thời chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.

Tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi và đối tượng trẻ em) về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; biện pháp, các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại hiệu quả.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, rà soát và tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị xã, khu đông dân cư; tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc-xin dại được quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ.

Kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong xây dựng kế hoạch cụ thể để chủ động phòng, chống bệnh dại; tổ chức thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm nhanh chóng kiểm soát bệnh dại theo mục tiêu đã đề ra trong Chương trình quốc gia.

Ưu tiên bố trí nguồn lực, kinh phí để chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động của Chương trình quốc gia, các chiến dịch truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên các phương tiện truyền thông của Trung ương nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng; chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dại tại các địa phương...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành tăng cường nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp để sản xuất vắc-xin dại, chủ động nguồn cung ứng vắc-xin trong nước và giảm giá thành sản phẩm vắc-xin.

Đề xuất với cấp có thẩm quyền hỗ trợ vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại điều trị dự phòng cho người nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; bổ sung chính sách bảo hiểm y tế đối với người bị chó cắn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế.

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức biểu dương các địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân làm tốt, phê bình nơi làm chưa tốt công tác phòng, chống bệnh dại.

Cảnh báo tình trạng rắn độc cắn trong mùa nồm, ẩm

Trong gần 1 tháng qua, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận điều trị cho 6 trường hợp bị rắn độc cắn.

Các trường hợp nhập viện hầu hết có các triệu chứng: Bầm tím, sưng nề vùng da bị rắn cắn, vết cắn có 1 hoặc 2 móc độc…

Trong đó có nhiều trường hợp biến chứng nặng. Một bệnh nhân nữ 18 tuổi, bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn vào gót bàn chân trái, sau xuất hiện bầm tím, sưng nề lan rộng tới cẳng chân, đùi, khiến bệnh nhân hạn chế vận động, rối loạn đông máu nặng phải truyền máu cấp cứu.

 Một bệnh nhân nữ khác, 78 tuổi, bị rắn hổ mang bành cắn vào ngón 4 bàn tay phải, vị trí vết cắn bị hoại tử, bầm tím, sưng tấy lan rộng tới cẳng, cánh tay, tiên lượng sẽ phải điều trị ngoại khoa vùng cắn. Điều đáng nói là hầu hết các trường hợp đều bị rắn cắn tại nhà.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, diện tích đồi rừng lớn nên loài rắn có điều kiện phát triển. Đặc biệt, thời điểm này là giai đoạn sinh sản của rắn nên chúng có xu hướng tìm nơi kín đáo, khô thoáng để sinh sản.

Khi rắn mang bầu thì nọc độc cao hơn bình thường. Mỗi loại rắn cắn có đặc điểm khác nhau, rắn độc thường cắn người rồi nhả ra ngay, nọc rắn gây tử vong giai đoạn đầu do gây liệt cơ hô hấp, cơ hầu họng, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, giai đoạn sau do rối loạn đông máu nặng, hoại tử, tiêu cơ, suy thận cấp...

Nếu nạn nhân không được đưa đến các cơ sở Y tế, điều trị, cấp cứu kịp thời có thể có nguy cơ tử vong. Nhiều trường hợp sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như nhiễm trùng, viêm cơ xương khớp kéo dài gây biến dạng, suy thận, suy thần kinh….

Khi bị rắn cắn, cần thực hiên ngay các bước sau:

Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn.

Trấn an người bị rắn cắn, giữ tâm lý bình tĩnh, hạn chế cử động, bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc.

Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo nhằm tránh gây chèn ép và làm sưng vết thương.

Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý, hoặc bằng nước sạch.

Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.

Điều chỉnh tư thế cho vùng bị rắn cắn nằm thấp hơn tim, khẩn trương đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất (có thể cầm theo xác con rắn hay chụp lại hình ảnh rắn cắn, mô tả loại rắn cắn).

Đặc biệt, khi bị rắn cắn, cần lưu ý KHÔNG được làm những việc sau:

Không tự ý garo, sơ cứu bởi nếu không đúng cách có thể dẫn tới hoại tử.

Không nên tự ý chích rạch vết cắn, không hút nọc bằng miệng hay cố tình bôi các loại hóa chất như xăng, dầu, nước tẩy.

Không bôi hay đắp thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm trùng

Không cố đợi có triệu chứng mới đến viện, làm chậm thời gian cấp cứu kịp thời

Đề phòng ngừa rắn cắn, người dân cần lưu ý dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cỏ, phát quang bụi rậm, kiểm tra kỹ các kẽ nứt, khe hở ở tường xung quanh nhà; nhất là trong thời điểm sau các cơn mưa, mùa nồm ẩm.

Nếu đi ra vườn, ruộng, đi rừng nên đi ủng, giày cao cổ, đội mũ rộng vành và mặc quần áo dài, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ. Khi gặp rắn, không đe dọa rắn, không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín.

Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất, mắc võng ngủ ngoài vườn. Cần hướng dẫn để ý đến trẻ em, không để trẻ chơi gần nơi rắn thích cư trú như đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm của gia đình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư