Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 25 tháng 10 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 25/6: Thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng; Đắk Lắk có bệnh nhi thứ 2 mắc viêm não Nhật Bản
D. Ngân - 25/06/2023 09:14
 
Bệnh tay chân miệng đang ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới ở khu vực phía Nam, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã có 5 ca tử vong xác định do chủng Enterovirus 71 (EV71), 2 trường hợp tử vong khác.

Chủ động nguồn cung ứng thuốc

Nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng nặng cần chỉ định Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG), trong khi nhiều địa phương không chủ động được nguồn thuốc IVIG, đây là một thách thức không nhỏ đối với hệ thống y tế Việt Nam. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thăm bệnh nhi tay chân miệng tại TP.HCM.

Thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) được xem là một trong những thuốc điều trị hỗ trợ hiệu quả đối với những trường hợp tay chân miệng nặng, giảm tỉ lệ chuyển độ cũng như giảm tỉ lệ biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng ở trẻ em. 

IVIG là một chế phẩm của globulin người, được tổng hợp từ người hiến máu khỏe mạnh và chứa các kháng thể trung hòa chống lại các loại enterovirus khác nhau. IVIG tạo miễn dịch thụ động nhờ tác dụng làm tăng kháng thể và tăng khả năng phản ứng kháng thể - kháng nguyên.

Khác với các loại thuốc khác, IVIG được điều chế trực tiếp từ huyết tương người nên việc sản xuất sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp huyết tương thông qua hiến máu, nên việc tăng đột biến nhu cầu về số lượng thuốc sẽ gặp khó khăn hơn so với các loại thuốc khác. 

Tại Việt Nam, chế phẩm Immunoglobulin chưa được sản xuất trong nước mà phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Trong 2 năm qua, nguồn cung ứng huyết tương trên toàn cầu bị sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Do điều chế trực tiếp từ huyết tương người, IVIG chỉ được phép đưa ra lưu hành, sử dụng sau khi có giấy chứng nhận chất lượng do Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế cấp, xác nhận lô sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn, hiệu quả. 

Mới đây, ngày 23/6/2023, Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đã cấp giấy chứng nhận xuất xưởng cho 6.000 lọ thuốc ProIVIG do Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Duy Anh nhập khẩu. 

Các bệnh viện chuyên khoa Nhi của Thành phố đã tiếp cận được nguồn thuốc IVIG mới nhập khẩu này và khẩn trương thực hiện các thủ tục để mua sắm thuốc, đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung ứng thuốc cho công tác điều trị bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng là một loại dịch bệnh lưu hành và sẽ còn tiếp tục diễn biến trong nhiều năm tới, do đó, cần sớm có những giải pháp căn cơ và chủ động hơn về cung ứng thuốc IVIG cho công tác phòng chống dịch tay chân miệng.

Bộ Y tế sẽ triển khai mua sắm tập trung các thuốc hiếm đảm bảo cung ứng thuốc cho nhóm bệnh dịch bệnh lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng…) và một số bệnh nguy hiểm, ít gặp khác.

Cần có chính sách khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp dược trong nước nghiên cứu sản xuất Immunoglobulin từ nguồn cung ứng huyết tương sẵn có tại chỗ thông qua hoạt động hiến máu thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thuốc nhập khẩu.

Không nên mua viên sủi huyết áp tại một số địa chỉ

Hypercare là viên sủi, hỗ trợ giảm triệu chứng chóng mặt do huyết áp cao. Sản phẩm do Công ty TNHH Nature Origin, địa chỉ: tầng 2, tòa nhà HKL Building, số 154-156 Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM, công bố và chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên trang web https://shipthuocnhanh.com quảng cáo sản phẩm Calbriona EU vi phạm quy định của pháp luật, sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật công dụng.

Tại buổi làm việc với cục hôm 16/6, Tổng giám đốc Công ty Biophar Việt Nam Nguyễn Xuân Lộc khẳng định website trên không phải của Công ty. Ông này cũng cho biết không thực hiện quảng cáo, không uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo sản phẩm Calbriona EU trên website này.

Đối với sản phẩm viên sủi Hypercare, Cục An toàn thực phẩm phát hiện tại các địa chỉ https://xkoguminu.site; https://knutimes.com; https://www.cdprg.org; https://nhipdapsuckhoe.com thực hiện quảng cáo sản phẩm này vi phạm quy định của pháp luật.

Cụ thể, nội dung quảng cáo sản phẩm Hypercare gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh bác sĩ, ý kiến bệnh nhân mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh, quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.

Tại buổi làm việc với Cục An toàn thực phẩm vào ngày 8/6, đại diện Công ty TNHH Nature Origin khẳng định không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo sản phẩm Hypercare tại các địa chỉ nêu trên.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm trên các website nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế

Đắk Lắk có bệnh nhi thứ 2 mắc viêm não Nhật Bản

Ngày 24/6, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm một trường hợp bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản. Đây là trường hợp mắc viêm não Nhật Bản thứ 2 tính từ đầu năm 2023 đến nay.

Bệnh nhi là N.X.N (nam, sinh năm 2019, trú tại xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk). Ngày 16/6, ở nhà, trẻ có biểu hiện sốt không rõ nhiệt độ. Đến ngày 19/6, trẻ nôn ói ra nước, người nhà đưa trẻ nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk.

Ngày 20/6, trẻ chuyển nặng được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị với chẩn đoán co giật chưa rõ nguyên nhân/ theo dõi viêm não màng não/ theo dõi nhiễm trùng huyết, đã xử trí dịch truyền và các thuốc hỗ trợ khác.

Ngày 23/6, kết quả xét nghiệm MAC ELISA do Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xác nhận bệnh nhi dương tính IgM viêm não Nhật Bản. Hiện bệnh nhi vẫn đang được tích cực chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Được biết, bệnh nhi chưa được tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản.

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở châu Á-Thái Bình Dương, chưa có điều trị đặc hiệu. Cách phòng bệnh hữu hiệu là tiêm vắc-xin.

Tin mới về y tế ngày 24/6: Thông tin về vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết hiện đã có một công ty sản xuất vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư