Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 26/8: Gõ từng nhà, rà từng người để đảm bảo tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19
D.Ngân - 26/08/2022 07:35
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Công điện số 755/CĐ-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, tiêm vắc-xin vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Trong nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; 

Nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng... 

Ảnh minh họa

Việt Nam đã tăng nhanh tỷ lệ bao phủ vắc-xin, song tại một số nơi, việc tiêm vắc-xin chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên còn thấp. 

Để tiếp tục bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng chống dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang có nguy cơ gia tăng, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Về tiêm vắc-xin phòng Covid-19:

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vắc-xin theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc-xin cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tiêm vắc-xin trên địa bàn, đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia và sử dụng kịp thời, hiệu quả số vắc-xin phòng Covid-19 được phân bổ, tránh lãng phí. Chỉ đạo các cấp chính quyền trên địa bàn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm chủng lưu động, tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên để bảo đảm mục tiêu đề ra.

Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tiêm vắc-xin, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với các địa phương không bảo đảm tiến độ.

Về việc ứng phó với các biến thể mới:

Bộ Y tế bám sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, tăng cường trao đổi, thông tin, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và ý kiến các chuyên gia để có đánh giá, dự báo diễn biến dịch bệnh do biến thể mới gây ra, triển khai đánh giá miễn dịch cộng đồng, chủ động tham mưu các giải pháp ứng phó phù hợp và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, cập nhật kịch bản, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở; kiên quyết ứng phó kịp thời, hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.

Cơ quan, địa phương nào không kịp thời kiểm soát, để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Về công tác thông tin, truyền thông:

Bộ Y tế chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh, nhất là nguy cơ do các biến thể mới gây ra, các biện pháp phòng chống dịch.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch, tích cực tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Báo động tình trạng người Việt Nam trưởng thành bị mỡ máu cao

Tại Việt Nam có đến gần 50% người trưởng thành sống tại thành thị bị mỡ máu cao. Trong đó, thừa cholesterol do chế độ dinh dưỡng và vận động không hợp lý là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.

Mỡ máu cao đã và đang trở thành vấn đề báo động, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhưng cộng đồng vẫn chưa được trang bị kiến thức đúng trong khi tình trạng này có thể dự phòng và kiểm soát được.

Theo thống kê về gánh nặng bệnh tật toàn cầu vào năm 2019, rối loạn lipid máu, thường được biết tới với tên gọi mỡ máu cao gây ra gần 4,4 triệu ca tử vong, tương đương 7,78% số ca tử vong trên toàn cầu và được xác định là một trong các yếu tố nguy cơ chính của nhiều bệnh mạn tính không lây.

Tại Việt Nam, cứ 10 người trưởng thành có 3 người cholesterol máu cao (chiếm tỉ lệ 30%), ở thành thị là 44,3%. Hơn 50% phụ nữ 50-65 tuổi bị thừa cholesterol máu. Con số này điều tra theo mẫu dịch tễ học, con số thực tế số người cholesterol máu cao có thể còn cao hơn nhiều.

Sai lầm của người Việt Nam cho rằng để giảm cholesterol, ngừa mỡ máu cao thì cần loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi khẩu phần ăn. Đây là quan niệm không đúng vì chất béo là một nhóm chất thiết yếu mà cơ thể cần bổ sung mỗi ngày với hàm lượng hợp lý. Nhiều chế độ ăn tốt cho sức khoẻ trên thế giới cũng nhấn mạnh đến việc không cần thiết phải kiêng sử dụng chất béo hoàn toàn.

Các chuyên gia cho rằng một trong số những giải pháp chính giúp dự phòng và cải thiện tình trạng mỡ máu cao là thay đổi chế độ dinh dưỡng; cập nhật những hướng dẫn chế độ ăn uống mới nhất để ngăn ngừa tình trạng mỡ máu cao.

Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về mức độ nguy hiểm và những hậu quả nghiêm trọng do tình trạng thừa cholesterol, mỡ máu cao gây ra đồng thời hướng dẫn chế độ ăn lành mạnh tới toàn thể cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cũng như cải thiện chế độ ăn uống của người Việt nói chung theo hướng tốt cho sức khỏe hơn.

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thấp dưới 55%

Ngày 25/8, Bộ Y tế thông tin cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19, tổng số vắc-xin đã tiêm đến nay ở nước ta là: 255.188.869 mũi.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi, đến nay sau 4 tháng 10 ngày triển khai tiêm trên toàn quốc, tổng số mũi vắc-xin đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 14.935.438, trong đó mũi 1: 9.120.115 trẻ (đạt tỷ lệ 81,8%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 64% là: Đà Nẵng (57,3%); Quảng Nam (53,3%); Bình Thuận (63,2%); TP. Hồ Chí Minh (53,6%); Bình Dương (60,6%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao là: Kon Tum (98%); Cần Thơ (98,6%); Bạc Liêu (99,9%).

Mũi 2: 5.815.323 trẻ (đạt tỷ lệ 52,2%); 

5 tỉnh, thành có tỷ lệ thấp dưới 36% là: Đà Nẵng (20,9%); Quảng Nam (19,1%); Khánh Hòa (35,5%); TP. Hồ Chí Minh (31,5%); Bình Dương (27,2%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao là: Bắc Giang (81,9%); Sóc Trăng (89,8%); Vĩnh Long (80,5%).

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm mũi 3: Tổng số có 49.744.563 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 75,9%).

5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp là: Bình Định (56,8%); Khánh Hòa (55,2%); Đồng Nai (52,6%); Cần Thơ (56,9%); Bình Phước (57,5%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao là: Thanh Hóa (95,6%); Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%).

Tiêm mũi 4: Tổng số có 13.682.607 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 72,4%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (52,9%); Đà Nẵng (45,3%); TP. Hồ Chí Minh (50,4%); Đồng Nai (52,1%); Tây Ninh (53,1%).

3 tỉnh tỷ lệ tiêm cao: Hưng Yên (97,2%); Lạng Sơn (96,5%); Long An (99,5%).

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 4.311.068 trẻ (đạt tỷ lệ 49,9%).

5 tỉnh. thành có tỷ lệ tiêm thấp: Phú Yên (14,8%); Bình Thuận (26,4%); BR-VT (14,7%); Đồng Nai (22,7%); Bình Dương (22,7%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (88,4%); Quảng Ninh (84%); Sóc Trăng (84,8%).

Hải Phòng: Số ca mắc mới Covid-19 tăng cao

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng, trong ngày 25/8/2022, toàn thành phố ghi nhận 112 ca mắc Covid-19 mới. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, địa phương này ghi nhận có ca nhiễm Covid-19 tăng.

Trước đó, ngày 23/8, Hải Phòng ghi nhận 153 ca nhiễm mới Covid-19. Tiếp đến ngày 24/8, địa phương này tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới là 101 ca.

Tính đến ngày 25/8, toàn thành phố có 517.908 ca mắc Covid-19, công bố khỏi trong ngày 152 ca, hồi phục xuất viện 516.690 ca. Hiện số ca đang điều trị là 801 ca, trong đó điều trị tại nhà 617 trường hợp.

Liên quan công tác phòng chống dịch Covid-19, Hải Phòng đang tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin bổ sung cho các nhóm đối tượng đủ điều kiện tiêm. 

Theo đó, tổng tích lũy mũi tiêm trên địa bàn thành phố tính đến ngày 25/8 là 5.384.541 mũi; Đối với trẻ em từ 12-17 tuổi đã có 3.131 người tiêm (Mũi 1: 327; Mũi 2: 376; Mũi 3: 2.428) và số trẻ từ 5-11 tuổi là 2.229 trường hợp (Mũi 1: 908; Mũi 2: 1.321).

Vắc-xin vẫn là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu
Tiêm chủng vắc-xin vẫn là chìa khóa hữu hiệu để phòng bệnh không chỉ với Covid-19, mà còn với nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm khác.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư