Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 27/11: Báo động mất cân bằng giới tính; Nhiều trẻ bị ngộ độc
D.Ngân - 27/11/2023 11:15
 
Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về nhiều lĩnh vực.

Đáng lo mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh của TP. Hà Nội đã giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019; 9 tháng đầu năm, tỷ số giới tính khi sinh là 112 trẻ trai/100 trẻ gái. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động.

Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về nhiều lĩnh vực.

Cũng nói tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, lãnh đạo Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn so với các nước nhưng tăng nhanh và lan rộng.

Hiện tất cả 6 vùng kinh tế - xã hội tại nước ta đều có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt tại đồng bằng Sông Hồng và vùng miền núi trung du phía Bắc.

Như vậy, tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh ở Việt Nam không chỉ diễn ra ở các vùng đô thị phát triển mà còn cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo Cục Dân số cũng cho hay mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn tới dư thừa nam giới, thiếu hụt nữ giới. Điều này khiến nhiều đàn ông phải sống độc thân. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034.

Theo các chuyên y tế, kế hoạch hóa gia đình không những góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời giảm số ca tử vong mẹ và tử vong trẻ em.

Để thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cần đầu tư chăm sóc, giáo dục, yêu thương chia sẻ, giúp đỡ trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, đây là một việc làm hết sức nhân văn cho trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng mà lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền TP.Hà Nội luôn hướng tới, luôn dành những gì tốt đẹp nhất.

Nhiều trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Ngày 26/11, liên quan tới vụ việc nhiều học sinh của Trường THCS thị trấn Cái Rồng (ở khu 3 thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn kẹo mua ở cổng trường sáng 25/11, các lực lượng liên ngành của huyện đang điều tra làm rõ vụ việc.

Nhà trường cũng đã xác định có 126 học sinh (chủ yếu khối 8 và 9) sử dụng loại kẹo này. Trong đó, có 5 em bị tê môi, chóng mặt, tức ngực, khó thở, đau đầu…, được đưa đến trung tâm y tế huyện điều trị và sức khỏe các em đã ổn định.

Loại kẹo mà các học sinh đã mua có vỏ màu xanh, nhãn mác Haiyan cùng dòng chữ nước ngoài, không có tem phụ chữ Việt.

Lực lượng chức năng huyện Vân Đồn đã gửi mẫu kẹo trên tới cơ quan chuyên môn để xét nghiệm kiểm tra thành phần trong kẹo; yêu cầu các trường học, gia đình trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không được mua và sử dụng các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, các loại đồ ăn, thức uống bày bán ở cổng trường học rất phong phú, màu sắc bắt mắt, rẻ tiền và hấp dẫn trẻ nhỏ, như xúc xích, que cay, thạch dừa, nước ngọt có ga…

Phần nhiều trong số này không có nhãn mác hoặc có nhãn mác chữ nước ngoài. Giá của những đồ ăn vặt này cũng rất rẻ với học sinh, chỉ 1.000-5.000 đồng mỗi loại.

Giá rẻ kèm theo tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Theo các chuyên gia y tế, tất cả thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đều có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.

Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho thấy, có tới 70-80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli, gây tiêu chảy, bệnh đường ruột.

Ngoài nguy cơ ngộ độc cấp tính, gây tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, khó thở…, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản xuất không đúng quy trình bày bán ở gần cổng các trường học còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lâu dài cho sức khỏe mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, gây ra các bệnh mạn tính như: Béo phì, tim mạch, đái tháo đường, thậm chí gây ung thư.

Do vậy, để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, các gia đình nên bố trí cho con ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ để con sử dụng trong giờ nghỉ.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện bày bán trước cổng trường, kiểm soát chất lượng đồ ăn vặt bằng các test nhanh và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư