Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 2/8: Cảnh báo lợi dụng y, bác sĩ để bán hàng
D.Ngân - 02/08/2023 08:39
 
Cục An toàn thực phẩm vừa phát đi cảnh báo khẩn về việc lợi dụng hình ảnh, danh tính của bác sĩ, giả mạo giấy tờ của Cục An toàn thực phẩm để quảng cáo bán sản phẩm Hưng Phục Khí.
TIN LIÊN QUAN

Lừa đảo bán thực phẩm chức năng 

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi cảnh báo khẩn về việc lợi dụng hình ảnh, danh tính của bác sĩ, giả mạo giấy tờ của Cục An toàn thực phẩm để quảng cáo bán sản phẩm Hưng Phục Khí.

Ảnh minh hoạ.

Cục An toàn thực phẩm, cho biết đơn vị mới nhận được đơn kiến nghị, phản ánh của PGS.TS. Trần Thị Hồng Phương, nguyên Phó Cục trưởng Cục Y, Dược cổ truyền Bộ Y tế về việc một số trang mạng xã hội đã lợi dụng hình ảnh và danh tính của Bà quảng cáo cho sản phẩm Hương Phục Khí để bán hàng lừa đảo người tiêu dùng, trên thực tế bà không có công trình này.

Tại các đường link nêu trên có đăng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 204/2019/ĐKSP ngày 08/01/2019 và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 1312/2020/XNQC-ATTP ngày 13/4/2019.

Cục An toàn thực phẩm khẳng định các giấy tờ này là giấy tờ giả mạo, không có sản phẩm tên Hương Phục Khí đăng ký tại Cục An toàn thực phẩm.

Trong khi Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm Hương Phục Khí được quảng cáo vi phạm nêu trên, tránh thiệt hại về kinh tế và sức khỏe.

WHO cảnh báo về tiếp thị sữa công thức dành cho trẻ em tại Việt Nam

Ngày 1/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phát đi thông điệp liên quan đến những tuyên bố gây hiểu lầm khi tiếp thị sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cả trên thế giới và ở Việt Nam.

Tuyên bố này đang làm suy yếu những nỗ lực trong việc thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, một thực hành mang lại lợi ích sức khỏe suốt đời cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhân Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ Thế giới (1-7 tháng 8).

Báo cáo toàn cầu mới đây của WHO đã tiết lộ nhiều chiến lược tiếp thị sữa công thức sai lệch ở Việt Nam, trong đó thường bao gồm những tuyên bố không có đủ căn cứ khoa học như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, cân nặng hoặc sự phát triển trí não của trẻ.

Những tuyên bố tiếp thị này làm trầm trọng thêm những thách thức mà các bậc cha mẹ phải đối mặt, bằng cách làm gia tăng sự lo lắng về việc cho con bú và chăm sóc trẻ sơ sinh.

Sữa công thức thường được giới thiệu như một giải pháp thuận tiện và tăng cường hỗ trợ cho các bà mẹ đi làm trở lại.

Tuy nhiên, WHO và UNICEF nhấn mạnh phụ nữ không cần phải lựa chọn giữa việc nuôi con bằng sữa mẹ và công việc của họ, như chủ đề của Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ vào năm 2023, đó là: “Hãy tăng cường hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc”.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Tiến sỹ Angela Pratt cho biết, việc tiếp thị sữa công thức ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác là nhằm lợi dụng sự thiếu hỗ trợ cho việc nuôi con bằng sữa mẹ để giới thiệu sữa công thức như một giải pháp cho các bà mẹ đi làm.

Giải pháp thực sự là chấm dứt vĩnh viễn các chiến thuật tiếp thị gây hiểu lầm và ảnh hưởng của ngành công nghiệp này. Bên cạnh đó, ở nơi làm việc, các nhân viên y tế và cộng đồng cần hỗ trợ phụ nữ - bao gồm cả những bà mẹ đang đi làm - những người mong muốn và có thể cho con bú.”

Đắk Lắk ghi nhận trường hợp thứ 3 mắc viêm não Nhật Bản

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Như vậy, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản.

Bệnh nhân là H.H.K (sinh năm 2001), trú tại Buôn Năng, xã Cư Prao, huyện M’Đrắk. Theo người nhà bệnh nhân, ngày 12/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao kèm đau đầu, mệt mỏi.

Ngày 13/7, bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư nhân uống thuốc nhưng không đỡ sốt.

Ngày 14/7, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện đa khoa khu vực 333 huyện Ea Kar. Tại đây, bệnh nhân sốt cao kèm co giật toàn thân tri giác xấu dần được chẩn đoán viêm màng não.

Cùng ngày, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị đến ngày 19/7 với chẩn đoán viêm màng não kém đáp ứng điều trị, dị ứng Vancomycin.

Ngày 19/7, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh điều trị đến ngày 26/7 với chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Ngày 26/7, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị.

Ngay sau khi ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng phối hợp Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk và Trạm Y tế xã Cư Prao triển khai điều tra, giám sát và thực hiện các biện pháp xử lý môi trường phòng bệnh tại nơi bệnh nhân sinh sống.

Qua điều tra, giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho thấy, tại khu vực bệnh nhân sinh sống vệ sinh môi trường chưa bảo đảm. Người dân còn nuôi bò, heo ngay trong khu vực nhà ở. Điều tra vec-tơ gây bệnh ghi nhận có muỗi, lăng quăng, bọ gậy…

Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành phun hóa chất xử lý và vệ sinh môi trường cho hơn 40 hộ gia đình chung quanh khu vực gia đình bệnh nhân.

Về tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản, tại xã Cư Prao có 424 trẻ dưới 5 tuổi, hầu hết các trẻ đã được tiêm mũi 1, mũi 2 và mũi 3 vaccine phòng bệnh. Riêng tại buôn Năng, có 80 trẻ dưới 5 tuổi và đều đã được tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, nhất là tại thời điểm hiện nay khi thời tiết đang vào mùa mưa, thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển, bên cạnh việc đi tiêm vắc-xin cho trẻ, người dân cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng bệnh như phòng, chống muỗi đốt; vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu;

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc; thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống sôi; thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh…

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây theo đường máu, do muỗi đốt hút máu động vật nhiễm virus rồi đốt cho người. Bệnh gây nhiễm trùng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương ở trẻ em và người lớn.

Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm gây nhiều biến chứng nặng nề có thể dẫn đến tử vong. Các biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, suy kiệt, loét, suy hô hấp.

Ngoài ra, bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ để lại di chứng rất nặng nề, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các di chứng như rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư