Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 4/8: Kỹ thuật khó giúp bệnh nhân có cuộc sống bình thường
D.Ngân - 04/08/2023 09:15
 
Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ của Bệnh viện Răng Hàm mặt Trung ương (Hà Nội) đã thực hiện thành công ca phẫu thuật dính khớp thái dương hàm 2 bên phức tạp.
TIN LIÊN QUAN

Kỹ thuật khó trả lại cuộc sống bình thường cho bệnh nhân

Bệnh nhân Đỗ Phương L. ở Hải Phòng đã nhiều năm qua không thể ăn uống, giao tiếp như những người bình thường khác vì miệng của em chỉ có thể mở được 0,5 cm.

Các bác sĩ của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương đang thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân. 

Theo chia sẻ của bệnh nhân, khoảng năm 15 tuổi, em có đau hàm nhẹ, sau đó đau tăng lên và hàm khép hẳn. Mặc dù thời điểm đó, gia đình đã cho em đi khám nhưng không chẩn đoán ra bệnh. Khi đến khám tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội), được các bác sĩ chẩn đoán và chỉ định phẫu thuật.

TS.BS Đồng Ngọc Quang, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội)- phẫu thuật viên chính của ca mổ cho biết, bệnh nhân có tình trạng dính khớp thái dương hàm, tức là phần xương hàm dưới và phần xương thái dương của bệnh nhân bị dính vào nhau khiến cho bệnh nhân không thể há được miệng như những người bình thường mà chỉ mở được 0,5cm.

Điều này gây ra rất nhiều hậu quả nặng nề cho bệnh nhân. Vấn đề đầu tiên, bệnh nhân không thể ăn uống được nên thể trạng rất gầy yếu. Bệnh nhân năm nay 21 tuổi nhưng chỉ nặng 35kg.

Thứ hai là chuyện vệ sinh răng miệng hàng ngày rất khó khăn. Bình thường chúng ta phải há được miệng mới có thể đưa bàn chải, tăm nước… vào miệng để vệ sinh bộ răng của mình. Tuy nhiên, với bệnh nhân này, hầu như không thể vệ sinh, chải rửa cơ học được, chỉ có thể vệ sinh bên ngoài hoặc dùng nước súc miệng để hỗ trợ việc làm sạch răng miệng.

Thứ ba, khi hàm dưới kém vận động sẽ dẫn đến sự biến dạng của xương hàm. Theo đó xương hàm dưới của bệnh nhân bị lùi ra phía sau, cằm cũng lùi ra phía sau.

“Khi xương hàm bị biến dạng như vậy, điều đầu tiên có thể nhìn thấy là thẩm mỹ của bệnh nhân bị ảnh hưởng, cụ thể hàm của bệnh nhân bị hô, cằm thì bị lẹm”, TS. Quang chia sẻ.

Theo TS. Quang, không chỉ vậy, điều này còn ảnh hưởng đến đường hô hấp của bệnh nhân, bởi trên cơ thể chúng ta có lưỡi bám vào mặt sau của cằm, khi cằm lùi ra sau, lưỡi cũng sẽ ở vị trí lùi ra phía sau hơn trước, làm hẹp cổ họng của bệnh nhân.

Khi bệnh nhân ngủ, đường thở hẹp sẽ gây ra ngáy, nặng hơn, nhất là khi bệnh nhân ở độ tuổi trung niên, lớn tuổi sẽ gây ngưng thở khi ngủ.

Theo bác sĩ Đồng Ngọc Quang, trường hợp bệnh nhân này tương đối khó, ca phẫu thuật cho bệnh nhân này cũng chưa từng thấy ở Việt Nam.

Vị bác sĩ này cũng cho biết anh chưa chứng kiến bệnh nhân nào tại Việt Nam sau khi giải phóng ổ khớp dính thái dương hàm, lại được chỉnh hình lại xương hai hàm cho giống người bình thường về mặt thẩm mỹ.

"Với những bệnh nhân không bị dính khớp, việc tiến hành phẫu thuật để sửa lại khuôn mặt hết hô, lẹm hay lệch mặt thì chúng ta làm rất nhiều rồi vì đây là kỹ thuật rất phổ biến. Vì thế, ca bệnh này có thể được coi là ca đầu tiên khi kết hợp hai phương pháp này cùng lúc”, TS. Quang cho biết.

Cảnh giác ung thư đường mật

Ung thư đường mật là một loại ung thư ác tính phát sinh từ bất kỳ thành phần nào của đường mật (hay gặp nhất, chiếm 95% là xuất phát từ biểu mô đường mật).

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Khiêm, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư đường mật chiếm 2% các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa và được phân loại thành ung thư đường mật trong gan (chiếm 20%) hoặc ngoài gan (chiếm 80%).

Ung thư đường mật ngoài gan bao gồm ung thư đường mật rốn gan (u Klatskin) và ung thư đường mật của ống mật chủ. U Klatskin là nhóm hay gặp nhất của ung thư đường mật, chiếm 50-60% của ung thư đường mật nói chung.

U Klaskin được định nghĩa là những khối ung thư biểu mô đường mật nằm trong phạm vi 2cm quanh chỗ phân nhánh của ống gan chung.

Về tiên lượng sống của u Klaskin, tỉ lệ sống thêm toàn bộ sau 5 năm với nhóm bệnh nhân được phẫu thuật triệt căn là 20-30% tùy theo từng nghiên cứu, tuy nhiên với nhóm bệnh nhân không thể phẫu thuật triệt căn, tỉ lệ này là 0%

Vì vậy, mặc dù là một loại ung thư có tính chất ác tính cao, phẫu thuật triệt căn giúp nâng cao tiên lượng sống đáng kể cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ, trước đây, u Klaskin tuýp IV được phân loại vào nhóm không thể cắt bỏ, phẫu thuật được lựa chọn thường là nối gan ruột, một phẫu thuật điều trị triệu chứng (palliative), không có tác dụng cắt bỏ khối u, vì vậy tiên lượng sống sau mổ của bệnh nhân thường rất kém.

Hiện nay, các phương pháp phẫu thuật triệt căn đối với U Klaskin tuýp IV đã được triển khai thành công tại một số Trung tâm phẫu thuật gan mật lớn trên thế giới.

Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và phẫu thuật triệt căn thành công cho nhiều trường hợp bệnh nhân u Klaskin tuýp IV.

Khó khăn điều trị các bệnh lý tâm thần

Việt Nam có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần nhưng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu. Tuy nhiên dịch vụ tâm lý lâm sàng chưa phải là dịch vụ chính thức được bảo hiểm y tế chi trả.

Theo báo cáo của Bệnh viện Tâm thần Trung ương, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. Tỷ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân.

Theo Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM có tới 8-20% trẻ em và vị thành niên Việt Nam gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần chung.

Nghiên cứu trên các nhóm đối tượng đặc biệt khác cũng cho thấy tỷ lệ trầm cảm trong khi mang thai là 5% và trầm cảm sau sinh là 8,2%, tỷ lệ mắc mới trầm cảm sau sinh là 6,5% (2018), tỷ lệ trầm cảm ở người bệnh ung thư phổi là 24,6% (2017).

Hầu hết người dân chưa được nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Dịch vụ sức khỏe tâm thần chủ yếu có ở cơ sở chuyên khoa tuyến trung ương và tỉnh.

Tuyến huyện và xã chủ yếu quản lý, điều trị tâm thần phân liệt và động kinh, trong khi đó theo điều tra của Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 thì 2 bệnh này chỉ chiếm khoảng 0,5% dân số và tổng các rối loạn tâm thần là 14,2% dân số.

Ước tính 0,5% rối loạn tâm thần khác được điều trị tại cơ sở chuyên khoa, như vậy có tới trên 90% (13/14) người rối loạn tâm thần chưa được nhận dịch vụ chính thức, trong khi đó tình hình rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng về số lượng cũng như đa dạng thêm về nhiều mặt bệnh như lo âu, nghiện chất, sa sút trí tuệ, tự kỷ, tăng động giảm chú ý.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư