Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 5/11: Cập nhật nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư; 30 bệnh tâm thần thường gặp trong giám định pháp y tâm thần
D.Ngân - 05/11/2022 09:53
 
Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam và Sở Y tế TP Hà Nội tổ chức Hội thảo Phòng chống ung thư Hà Nội năm 2022.

Cập nhật nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư

Hội thảo Phòng chống Ung thư Hà Nội năm 2022 diễn ra trong 2 ngày với 7 phiên thảo luận. Hội thảo có sự tham gia của gần 1.000 chuyên gia tới từ 150 cơ sở y tế, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ung bướu, các viện và trường đại học, cao đẳng cùng hàng chục chuyên gia quốc tế.

Với 46 báo cáo khoa học có chất lượng cao, đa dạng trong các lĩnh vực: Cập nhật tiến bộ trong ngoại khoa ung bướu, miễn dịch, điều trị đích, sinh học phân tử, dinh dưỡng trong ung thư, tâm lý học - xã hội học ung thư, công nghệ thông tin trong bệnh viện.

Tại Việt Nam, mỗi năm có 183.000 ca mới mắc và 123.000 người tử vong do ung thư, hiện có 354.000 người "sống chung" với ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới và 106 người tử vong do ung thư.

Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy tình trạng mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng.

Ảnh minh hoạ

Nền kinh tế càng phát triển, các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng. Nguyên nhân gây tử vong nhóm bệnh không truyền nhiễm như ung thư, tim mạch… chiếm 74% nguyên nhân gây tử vong ở người. Trên toàn cầu có 19,3 triệu người mắc mới và tử vong vì ung thư.

Thực tế trong những năm gần đây cho thấy sự hoang mang, lo lắng của người dân khi biết tin mắc bệnh ung thư đã giảm, nhiều người đã có thể kéo dài được tuổi thọ và chung sống với căn bệnh này.

Kết quả đó đều nhờ vào những tiến bộ trong điều trị ung thư ở nước ta. Do đó, Hội thảo Phòng chống ung thư năm nay càng có ý nghĩa, là cơ hội để những người làm chuyên môn chia sẻ và học hỏi lẫn nhau với mục đích cùng nâng cao kiến thức, kỹ năng, từ đó ứng dụng vào thực tiễn tại đơn vị công tác mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh.

30 bệnh tâm thần thường gặp trong giám định pháp y tâm thần

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 2999/QĐ-BYT ngày 03/11/2022 về quy trình giám định pháp y tâm thần 30 bệnh/rối loạn tâm thần thường gặp. Trong đó quy định các bệnh tâm thần thường gặp như sau:

(1) Mất trí trong bệnh pick (F02.0)

(2) Mất trí không biệt định (F03)

(3) Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng cần sa (F12) 

(4) Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng cocaine (F14)

(5) Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất kích thích khác bao gồm cafeine (F15)

(6) Tâm thần phân liệt thể căng trương lực (F20.2)

(7) Rối loạn loạn thần đa dạng cấp với các triệu chứng của tâm thần phân liệt (F23.1)

(8) Hưng cảm nhẹ (F30.0)

(9) Rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại giai đoạn hỗn hợp (F31.6)

(10) Rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại thuyên giảm (F31.7)

(11) Giai đoạn trầm cảm nhẹ (F32.0)

(12) Giai đọan trầm cảm vừa (F32.1) 

(13) Rối loạn trầm cảm tải diễn, hiện tại thuyên giảm (F33.4)

(14) Khí sắc chu kỳ (F34.0)

(15) Rối loạn hoảng sợ (F41.0)

(16) Rối loạn lo âu lan tỏa (F41.1)

(17) Phản ứng trầm cảm ngắn (F43.20)

(18) Phản ứng trầm cảm kéo dài (F43.21)

(19) Phản ứng hỗn hợp lo âu và trầm cảm (F43.22)

(20) Sững sờ phân ly (F44.2)

(21) Các rối loạn vận động phân ly (F44.4). 

(22) Co giật phân ly (F44.5)

(23) Các rối loạn phân ly (chuyển di) hỗn hợp (F44.7)

(24) Rối loạn cơ thể hóa (F45.0)

(25) Xu hướng tình dục quá mức (F52.7)

(26) Các rối loạn tâm thần và hành vi nhẹ, kết hợp với thời kỳ sinh đẻ, không phân loại ở nơi khác (F53.0)

(27) Các rối loạn tâm thần và hành vi nặng, kết hợp với thời kỳ sinh đẻ, không phân loại ở nơi khác (F53.1)

(28) Biến đổi nhân cách kéo dài sau trải nghiệm sự kiện bi thảm (F62.0)

(29) Biến đổi nhân cách kéo dài sau bệnh tâm thần (F62.1)

(30) Loạn dục trẻ em (F65.4)

Đào tạo trị liệu, phục hồi chức năng cho người cao tuổi ở Việt Nam

Đại học Y Hà Nội và Đại học Kobe (Nhật Bản) vừa phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến chuyên đề về hoạt động trị liệu ở ASEAN, trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng cho người cao tuổi mắc bệnh mãn tính ở miền Bắc Việt Nam.

Bốn bệnh viện tại Hà Nội được lựa chọn gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Phục hồi Chức năng Hà Nội. Các bệnh viện trên cũng giới thiệu các dịch vụ hoạt động trị liệu đang được phát triển trong lĩnh vực phục hồi chức năng tại Việt Nam.

Lãnh đạo Đại học Kobe và Đại học Y Hà Nội hy vọng hội thảo sẽ đóng vai trò định hướng cho mục tiêu chung của Dự án góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cũng như phòng chống suy giảm trí tuệ ở người cao tuổi khu vực phía Bắc, thông qua phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng cho người cao tuổi, chủ yếu bằng hoạt động trị liệu.

Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được dự báo sẽ tăng nhanh trong 20 năm kể từ năm 2010, mạnh hơn Nhật Bản. Mặc dù các liệu pháp y tế đối với các bệnh mãn tính đã được Việt Nam thực hiện từ đầu thế kỷ 21, khi các bệnh không lây nhiễm có chiều hướng gia tăng, việc thực hiện các liệu pháp đối với các bệnh lão khoa như suy giảm về trí tuệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục hồi chức năng như hoạt động trị liệu vẫn chưa đạt được nhiều kết quả.

Vì vậy, việc chuyển giao các kỹ thuật phục hồi chức năng cho người cao tuổi từ Nhật Bản cho Việt Nam là điều rất quan trọng và có ý nghĩa đối với Việt Nam.

Đắk Lắk: Ca nghi mắc đậu mùa khỉ có kết quả âm tính

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, trường hợp người dân có yếu tố dịch tễ từ Nam Phi trở về tỉnh Đắk Lắk đã có kết quả xét nghiệm Realtime PCR âm tính với virus gây bệnh đậu mùa khỉ.

Trước đó, ngày 2/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận trường hợp bệnh nhân ở Trung tâm Quảng Phú, huyện Cư M’gar trở về từ Nam Phi có biểu hiện đau mỏi các khớp và xuất hiện nhiều nổi mụn đỏ ở bụng và lưng, bệnh nhân đã thực hiện khai báo y tế và tự cách ly tại nhà.

Ngành Y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống bệnh, điều tra, xác minh trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời lấy mẫu dịch gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên làm xét nghiệm.

Ngay khi ghi nhận một trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ có tiền sử đi du lịch từ nước ngoài về trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đề nghị Sở Y tế tỉnh này tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để xét nghiệm chẩn đoán; cách ly, điều trị trường hợp nghi ngờ, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

Trên 70% ca ung thư vú được phát hiện và điều trị sớm
Những năm gần đây, tỷ lệ khám phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm (giai đoạn 0, 1, 2) tại nước ta đã đạt trên 70% và tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư