Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 5/2: Tiếp tục cho sử dụng thuốc Evusheld dự phòng Covid-19
D.Ngân - 05/02/2023 08:27
 
Bộ Y tế họp và quyết định tiếp tục cho sử dụng thuốc Evusheld để dự phòng Covid-19.

Việt Nam tiếp tục cho sử dụng thuốc Evusheld dự phòng Covid-19

Sau khi Mỹ thông báo tạm dừng cấp phép thuốc Evusheld sử dụng dự phòng cho người chưa, không thể tiêm vắc-xin Covid-19, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế họp và quyết định tiếp tục cho sử dụng thuốc Evusheld.

Ảnh minh họa.

Đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, thuốc Evusheld là sinh phẩm kết hợp bộ đôi kháng thể đơn dòng, được AstraZeneca phát triển với chỉ định dự phòng trước phơi nhiễm Covid-19 ở người lớn và thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên có trọng lượng ít nhất 40kg.

Evusheld hiện đã được sử dụng tại gần 40 quốc gia. Tại Việt Nam, thuốc Evusheld đã được cấp giấy đăng ký lưu hành ngày 25/10/2022.

Theo Cục Quản lý dược, ngày 26/1, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (USFDA) tạm dừng cấp phép sử dụng Evusheld cho tới khi có thông báo cập nhật, lý do Evusheld không bảo vệ được một số biến chủng mới đang chiếm ưu thế tại Hoa Kỳ, như XBB.1.5 của Omicron (hiện Hoa Kỳ có hơn 90% ca nhiễm do biến chủng này).

Theo USFDA, việc sử dụng Evusheld tại Mỹ sẽ bị giới hạn cho đến khi tỉ lệ biến chủng SARS-CoV-2 không nhạy cảm với Evusheld giảm xuống dưới 90%.

Tại Việt Nam, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế đã họp khẩn cấp vào ngày 31/1, cho rằng thuốc vẫn có tác dụng đối với các biến chủng của virus SARS-CoV-2 đang lưu hành phổ biến tại Việt Nam.

Hội đồng thống nhất đề xuất tiếp tục cho phép lưu hành, sử dụng thuốc Evusheld tại Việt Nam, đồng thời tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ và cập nhật thông tin về tính an toàn, hiệu quả của thuốc đối với các biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại các nước trên thế giới và Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, qua giải trình tự gene ca bệnh Covid-19 trên 541 mẫu thực hiện tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương từ tháng 6 đến tháng 11/2022, biến thể BA5 chiếm ưu thế, bên cạnh đó ghi nhận một số biến thể phụ khác như BA.2.74, BE.1.1; tháng 12/2022, biến thể phụ BN.1.3 chiếm ưu thế; tiếp đó là các biến thể phụ BA.5.2, BA.2.75.6…).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.559 ca nhiễm, đứng thứ 13/230quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.485 ca nhiễm).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Trong ngày 3/2 có 1.253 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 266.175.551 liều, trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.786.161 liều: Mũi 1 là 71.082.367 liều; Mũi 2 là 68.701.457 liều; Mũi bổ sung là 14.534.330 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.926.900 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.541.107 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.894.802 liều: Mũi 1 là 9.127.824 liều; Mũi 2 là 8.957.315 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.809.663 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.494.588 liều: Mũi 1 là 10.247.641 liều; Mũi 2 là 8.246.947 liều.

Nguyên tắc người bệnh xương khớp cần nhớ trong mùa xuân

Theo chuyên gia, để xương khớp khỏe mạnh và dự phòng những cơn đau người bệnh cần chú ý giữ ấm cho cơ thể. Nếu nhạy cảm với sự thay đổi của các mức nhiệt độ, thì nên học cách bảo vệ khớp của mình trước khi những thay đổi xảy ra.

Cần theo dõi thời tiết để giữ ấm cơ thể bởi khi nhiệt độ giảm bằng cách mặc quần áo nhiều lớp khi ra ngoài và nên tắm nước ấm. 

Lưu ý giữ ấm cơ thể, cổ, ngực, tay, chân, trong đó đặc biệt lưu ý giữ ấm các khớp dễ bị thoái hóa như (khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay…). Ngoài ra, tránh tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá lạnh, nhiều gió, độ ẩm cao hay có mưa phùn …

Cần nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng, cần giảm hoạt động và áp lực cho khớp như dùng gậy chống, vịn tay, mang găng hay miếng dán ở các khớp xương, đeo đai lưng, masage, chườm ấm…với những nhân viên văn phòng chúng ta cần hạn chế ngồi làm việc lâu quá hai giờ.

Để phòng ngừa các bệnh xương khớp, người dân cũng nên từ bỏ thói quen ngồi làm việc quá lâu tại một vị trí mà hãy tranh thủ một vài phút giải lao đi lại, vận động nhẹ nhàng vừa giúp tinh thần thoải mái vừa ngăn ngừa bệnh thoái hóa khớp cổ, vai, cột sống.

Có thể xoa bóp, massage làm nóng khớp, giãn mạch và tăng tốc độ lưu thông của máu. Từ đó giảm tình trạng đau sưng khớp cũng như tiến triển bệnh nguy hiểm hơn.

Bên cạnh đó, điều chỉnh chế độ ăn uống, đây là nền tảng quan trọng để ngăn ngừa đau khớp. Cần có chế độ ăn hợp lý, đủ chất và cân bằng để duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải, tránh béo phì, thừa cân. 

Nên chú ý chế độ ăn uống như cần phải chú ý bổ sung đầy đủ protein, các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, D và các nguyên tố vi lượng; đồng thời ăn nhiều thực phẩm hàm chứa nhiều canxi như sữa, chế phẩm từ đậu, các loại hạt, rau củ quả. Sử dụng đồ ăn có nhiều collagen.

Tránh xa một số loại thực phẩm có thể tác động tới bệnh xương khớp vì những thực phẩm này sẽ sinh ra các chất có thể làm tăng gánh nặng cho khớp, trong đó bao gồm: các chất kích thích, thịt đỏ, đồ đông lạnh, phủ tạng động vật, đồ ăn nhanh, đồ ăn có tính nóng, quá chua hay quá mặn.

Ngoài ra, cần uống đủ nước nhất là thời tiết mưa lạnh, nhiều người thường quên uống nước, khiến hệ miễn dịch bị suy giảm, tăng quá trình viêm và khiến sụn khớp dễ tổn thương, gây đau nhức nhiều hơn. Do đó, cần bổ sung đủ lượng nước cần thiết (khoảng 2-2,5 lít nước/ngày), ưu tiên uống nước ấm.

Khi khớp bị đau nhức, nên đi khám bác sĩ sớm để được chỉ định điều trị phù hợp. Không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau (thường chứa corticoid dễ gây tổn thương dạ dày, phù nề, suy giảm hệ miễn dịch…).

Với bệnh khớp, cần tránh thực hiện theo các kinh nghiệm truyền miệng thiếu tính khoa học, các thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc nếu không muốn bệnh tình thêm nặng.

Có thể giảm đau nhức, tê cứng, cần làm ấm xung quanh vị trí đau bằng xoa dầu hoặc cao nóng, sử dụng túi chườm, lá ngải sao với muối… để các mạch máu giãn ra, khí huyết lưu thông được dễ dàng đến nuôi các khớp.

Tuyệt đối không chườm hay xoa dầu nóng trực tiếp lên vùng khớp đang viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau) sẽ khiến tình trạng sưng viêm trở nên tồi tệ hơn.

Nhiều người khi bị đau nhức xương khớp thường sợ đau nên không dám cử động khiến các khớp càng trở nên tê cứng.

Tuy nhiên, thực chất, khi bị khớp, mọi người càng nên vận động thường xuyên nhưng nhẹ nhàng để giúp khí huyết lưu thông, mô sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất và tăng tiết dịch, bôi trơn các khớp.

Người bệnh có thể tập luyện hợp lý để cải thiện chức năng của khớp, hoặc có thể masage, dùng phương pháp trị liệu.

Thay vì ngồi một chỗ, mỗi ngày bạn chỉ cần dành khoảng 30 phút - 1 giờ đồng hồ để thực hiện những bài tập thể dục đơn giản như: Bơi lội, đạp xe, đá bóng, cầu lông, võ thuật, tập thái cực quyền, khí công dưỡng sinh, Yoga…

Lưu ý, luyện tập theo nguyên tắc nhẹ nhàng, mang tính cá thể và khi thực hành xong cảm thấy các khớp dễ chịu, giảm đau, vận động được cải thiện.

Điều này rất hữu ích không chỉ cho hệ xương khớp mà còn tăng cường sức khỏe, mang lại sự sảng khoái về tinh thần và làm việc có hiệu quả hơn.

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC mổ cấp cứu thành công bé trai 5 tuổi bị vỡ ruột thừa, mủ tràn ổ bụng

Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC vừa phẫu thuật thành công cho bé trai 5 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do viêm phúc mạc ruột thừa (ruột thừa bị vỡ, mủ tràn ra ổ bụng). Để trẻ tránh xa biến chứng khôn lường, cha mẹ đừng chủ quan với các dấu hiệu trẻ mắc bệnh này.

Trường hợp nguy kịch trên là bé T. V. D (5 tuổi, Hà Nội) vừa được tiếp nhận cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Theo lời mẹ bé kể lại, thấy con than đau bụng, buồn nôn, chị nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa nên cho uống thuốc như bình thường. Tuy nhiên, cơn đau của con không thuyên giảm, thậm chí còn kèm theo sốt cao không hạ. Tới khi thấy cơn đau bụng của con tăng dần, vợ chồng chị mới vội vàng đưa vào viện cấp cứu.

Tại bệnh viện, sau khi tiến hành một số xét nghiệm và thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ kết luận bé bị viêm phúc mạc toàn thể do viêm ruột thừa hoại tử, điều mà gia đình bé trước đó không nghĩ đến. Rất nhanh chóng, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi cấp cứu cho bé.

Ê kíp bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi cấp cứu cho bé trong tình trạng ruột thừa bị vỡ khiến mủ và dịch tràn vào ổ bụng gây nhiễm trùng nặng

Trong khi mổ, ê kíp ghi nhận, ổ bụng bệnh nhi rất nhiều mủ và dịch do ruột thừa viêm hoại tử đã vỡ. Sau gần 2 giờ khẩn trương trong phòng mổ, các bác sĩ đã cắt thành công ruột thừa cho bệnh nhi, rửa sạch mủ trong bụng và dẫn lưu kèm kháng sinh phổ rộng.

Do được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật nội soi, chỉ một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhi đã tỉnh, sức khỏe dần bình phục và may mắn được xuất viện sau 4 ngày điều trị.

Trường hợp trên là lời cảnh tỉnh cho sự chủ quan của cha mẹ khi thấy con đau bụng thường dễ dàng bỏ sót dấu hiệu nguy hiểm của bệnh viêm phúc mạc ruột thừa.

Trên thực tế, viêm phúc mạc ruột thừa là một biến chứng nặng, nguy hiểm và hay gặp của bệnh viêm ruột thừa cấp. Nguyên nhân chính là do bệnh không được phát hiện và điều trị sớm dẫn đến tình trạng vỡ mủ vào trong ổ bụng, làm viêm nhiễm khắp ổ bụng, sốc nhiễm trùng, điều trị phức tạp, tốn kém và có thể gây tử vong.

BS.CKII Nguyễn Văn Thưởng, Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, dấu hiệu để nhận biết viêm phúc mạc ruột thừa ở trẻ không dễ phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng đau bụng khác. Đặc biệt, trẻ chưa biết diễn đạt rõ ràng nên gây khó khăn cho quá trình chẩn đoán".

Đồng thời BS.CKII Thưởng nhấn mạnh cha mẹ nên đặc biệt chú ý đến một số dấu hiệu sau: Đau bụng, sốt, chán ăn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa.

Nếu phát hiện trẻ gặp các triệu chứng được kể trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Viêm ruột thừa ở trẻ tiến triển rất nhanh, chỉ cần 6-8 giờ có thể vỡ. Do đó, việc phát hiện và chẩn đoán sớm viêm ruột thừa để phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm là rất cần thiết nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Tổng giám đốc WHO: Giai đoạn khẩn cấp toàn cầu của dịch Covid-19 chưa kết thúc
Ủy ban khẩn cấp về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa nhóm họp để thảo luận về việc liệu tình hình dịch Covid-19 hiện nay còn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư