Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 6/10: Thêm nhiều cách chẩn đoán nhanh bệnh lao
D.Ngân - 06/10/2023 10:26
 
Các phương pháp chẩn đoán lao hiện nay bộc lộ nhiều mặt hạn chế về thời gian, độ nhạy, chi phí và loại mẫu bệnh phẩm.

Hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị

Vừa qua, tại Hội thảo về phương pháp chẩn đoán mới trong điều trị, thanh toán bệnh lao, PGS-TS. Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết khả năng tiếp cận chẩn đoán vẫn là một rào cản đáng kể đối với việc chăm sóc và điều trị lao.

Các phương pháp chẩn đoán lao hiện nay bộc lộ nhiều mặt hạn chế về thời gian, độ nhạy, chi phí và loại mẫu bệnh phẩm

Các phương pháp chẩn đoán lao hiện nay bộc lộ nhiều mặt hạn chế về thời gian, độ nhạy, chi phí và loại mẫu bệnh phẩm. Hầu hết các chẩn đoán lao vẫn hạn chế khi áp dụng cho bệnh nhân mắc lao ngoài phổi, lao phổi ít vi khuẩn, hay bệnh nhân HIV...

Do đó, việc nghiên cứu, phát triển xét nghiệm mới để chẩn đoán bệnh lao sử dụng bệnh phẩm không phải lấy mẫu đờm cho các nhóm đối tượng trên rất cần thiết.

Theo PGS. Nguyễn Bình Hòa, phát hiện bệnh lao dựa trên lấy mẫu đờm khiến cho việc chẩn đoán kéo dài vài ngày thậm chí vài tuần dẫn tới người bệnh không được xét nghiệm, chẩn đoán lao kịp thời, làm gia tăng số ca tử vong do bệnh lao.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu về một số mẫu bệnh phẩm mới trong chẩn đoán lao tại cơ sở y tế, đại diện Viện Chiến lược chính sách y tế, Bộ Y tế, cho biết hai phương pháp sàng lọc bệnh lao mới là phết lưỡi và sử dụng nước tiểu để tìm vi khuẩn lao đang được thí điểm tại một số cơ sở y tế thuộc 4 tỉnh, thành phố có số ca mắc lao mới và tái phát hàng đầu là TP.Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và An Giang.

Theo đó, các phương pháp này có nhiều ưu điểm so với phương pháp truyền thống đó là quy trình lấy mẫu nhanh, nguy cơ lây nhiễm thấp, tăng tiếp cận với xét nghiệm lao, phù hợp với chiến dịch sàng lọc cộng đồng quy mô lớn...

Ngoài ra, phương pháp này cũng phù hợp với những bệnh nhân ốm nặng; những người không thể khạc đờm như người già và nhóm dễ bị bỏ sót là trẻ em; bệnh nhân HIV... Hiện các nghiên cứu đang tiếp tục được thực hiện để đánh giá độ nhạy của phương pháp.

Giới chuyên gia đánh giá, việc nghiên cứu và áp dụng các phương pháp xét nghiệm lao mới, sử dụng mẫu bệnh phẩm khác ngoài xét nghiệm đờm là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thanh toán bệnh lao.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng hàng số 11 trong 30 nước có tỷ lệ bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 169.000 ca bệnh lao mới mắc, 8.900 trường hợp kháng đa thuốc và khoảng 14.200 ca tử vong.

Theo thống kê, tỷ lệ mắc lao cao nhất là trong độ tuổi lao động (từ khoảng 41-50 tuổi) chiếm gần 40%, với những người từ 21-30 và 31-40 tuổi chiếm khoảng 16% ở mỗi độ tuổi.

Sáng kiến truyền thông sáng tác vũ điệu “Smoke-free dance - Cuộc sống không khói thuốc”

Ngày 6/10, Trung tâm Vì sự phát triển Phụ nữ Bắc Trung Bộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế tổ chức Sáng kiến truyền thông sáng tác vũ điệu “Smoke- free dance-Cuộc sống không khói thuốc” năm 2023.

Mục tiêu của hoạt động là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kết nối cộng đồng, kêu gọi sự chung tay hành động góp phần ngăn chặn tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác; thúc đẩy xây dựng môi trường không khói thuốc để bảo vệ sức khoẻ thanh thiếu niên, phụ nữ, trẻ em và cộng đồng nói chung.

Thông qua Sáng kiến truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng, ban hành các quy định nhằm ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác.

Đồng thời hoạt động này cũng thể hiện sự chung tay, vào cuộc của hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với hệ thống ngành Y tế và cộng đồng trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác.

Hoạt động Sáng kiến có sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies, là đối tác chính của Sáng kiến Bloomberg nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá trên toàn cầu với tầm nhìn và sứ mệnh vì một thế giới nơi tất cả mọi người đều được bảo vệ bởi hệ thống y tế bình đẳng và hiệu quả nhất.

Sáng kiến truyền thông sáng tác vũ điệu “Smoke-free dance-Cuộc sống không khói thuốc” dành cho các cá nhân/nhóm không giới hạn độ tuổi, giới tính được triển khai đồng bộ tại Hội LHPN 63 tỉnh/thành phố và các trường đại học/cao đẳng trên phạm vi toàn quốc.

Hơn 14.000 người Việt tử vong mỗi năm do bệnh lao
Theo báo cáo của Bệnh viện Phổi Trung ương, trung bình mỗi năm, hơn 14.000 người chết vì bệnh lao. Riêng trong năm 2021, 169.000 người mắc bệnh và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư