Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 6/11: Hà Nội tăng thêm hơn 2.500 ca sốt xuất huyết
D.Ngân - 06/11/2023 09:55
 
Mặc dù đã bước sang tháng 11 nhưng số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội trong tuần qua vẫn tăng cao hơn tuần trước đó, chưa thấy xu hướng giảm.

Chặn dịch sốt xuất huyết từ các điểm nóng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần vừa qua (từ ngày 27/10 đến 3/11), trên địa bàn TP ghi nhận 2.590 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 10 ca so với tuần trước đó.

Sốt xuất huyết đang phức tạp tại nhiều địa phương.

Số mắc mới tập trung nhiều nhất ở Hà Đông với 218 ca, tiếp đến là Thanh Oai (162 ca), Phú Xuyên (149 ca), Đống Đa (143 ca)… Các phường, xã có nhiều bệnh nhân mới được phát hiện gồm: phường Dương Nội (quận Hà Đông) và Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có trên 30 bệnh nhân; xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) và phường Xuân La (quận Tây Hồ) có 25 bệnh nhân; xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) có 24 bệnh nhân…

Cũng trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 107 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 25 quận, huyện, thị xã, tăng 7 ổ dịch so với tuần trước đó.

Các quận huyện có nhiều ổ dịch mới là: Đống Đa, Thanh Trì (12 ổ dịch); Thường Tín (11 ổ dịch); Quốc Oai (8 ổ dịch); Hai Bà Trưng (7 ổ dịch); Bắc Từ Liêm, Hà Đông (6 ổ dịch)…

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 28.483 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022) và 1.661 ổ dịch, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn rất nóng, trong tuần qua, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã kiểm tra tại Hà Nội.

Qua kiểm tra, GS-TS.Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, người dân đã có ý thức hơn trong công tác vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những ổ bọ gậy tồn tại mà người dân không ngờ đến như lọ cắm hoa, vỏ lon bia, vũng nước nhỏ đọng trong nhà…

Ngành Y tế kêu gọi người dân tự triển khai diệt bọ gậy/ lăng quăng ngay tại hộ gia đình mỗi tuần 10 phút bằng cách tự kiểm tra trong và ngoài nhà, phát hiện những ổ nước đọng có bọ gậy để xử lý triệt để.

Nhiều người phải đi viện vì kiến ba khoang

Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận nhiều ca viêm da do tiếp xúc với nọc độc của kiến ba khoang dẫn đến viêm da, nhiễm trùng. Có người chỉ sau vài tiếng tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, cả gương mặt và mắt sưng vù, đau nhức phải vào viện.

Theo bác sĩ Quách Thị Hà Giang, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, thời gian qua, Bệnh viện ngày nào cũng tiếp nhận vài ca là nạn nhân của kiến ba khoang.

Bác sĩ Quách Thị Hà Giang cho biết, tác hại của kiến ba khoang không gây nguy hiểm tính mạng, chủ yếu gây tổn thương trên da, nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang loét.

Viêm da do kiến ba khoang là dạng viêm da kích ứng do chất tiết từ kiến ba khoang gây ra, làm hoại tử, gây rát đỏ, hình thành vẩy nước tạo thành vệt, có thể có lõm trắng ở giữa.

Các dấu hiệu này thường xuất hiện sau khi người dân tiếp xúc với chất dịch độc trong kiến ba khoang vài giờ. Đối tượng bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Đặc biệt, có nhiều trẻ em vào nhập viện trong tình trạng nặng.

Hà Nội: Tầm soát ung thư cho hàng nghìn phụ nữ

Ngày 5/11, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố phối hợp Sở Y tế và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, tổ chức truyền thông, tư vấn cách tầm soát, phòng bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho cán bộ hội viên phụ nữ huyện Thanh Trì.

Theo Bộ Y tế, ung thư vú, ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Theo thống kê của tổ chức ung thư toàn cầu, tại Việt Nam, mỗi năm có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, với 9.345 ca tử vong; 27,6% trường hợp ung thư vú phát hiện ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3, 4); tỷ lệ tái phát chiếm 30%.

Còn với ung thư cổ tử cung, trung bình mỗi năm có hơn 5.000 ca mắc mới và khoảng 2.400 phụ nữ tử vong. Nguyên nhân chính của các tình trạng này là do phụ nữ chưa được khám sàng lọc định kỳ.

Đáng nói, ung thư vú, ung thư cổ tử cung là căn bệnh có tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90% nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp; phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao, chi phí điều trị thấp.

Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy, vẫn còn một tỷ lệ cao chị em chưa chủ động trong việc khám sàng lọc bệnh dẫn tới phát hiện bệnh muộn, để lại di chứng nặng nề về sức khỏe; ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình và tạo gánh nặng y tế cho xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, hằng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng, phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, cấp, phát thuốc miễn phí cho hội viên, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ đơn thân, khuyết tật, nữ lao động nhập cư…

Chương trình truyền thông tư vấn tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung được tổ chức tại Thanh Trì nằm trong Kế hoạch 124/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 tại 18 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố (từ tháng 10-12-2023).

Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng về ung thư vú, ung thư cổ tử cung cũng như tầm quan trọng của việc chủ động phát hiện sớm để kịp thời điều trị bệnh.

Theo kế hoạch, có 32.500 phụ nữ trên toàn thành phố được khám tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung.

Hà Nội khẳng định chưa quá tải trong điều trị sốt xuất huyết
Trước tình hình ca mắc sốt xuất huyết Hà Nội vẫn có chiều hướng gia tăng, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư