Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 6/8: Ngăn tình trạng đầu cơ, rao bán trái phép thuốc cúm
D.Ngân - 06/08/2022 06:50
 
Bộ Y tế đề nghị các địa phương có biện pháp để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, rao bán trái phép thuốc chữa cúm mùa

Tháo gỡ nhanh vướng mắc, cung ứng thuốc, thiết bị y tế

Văn phòng Chính phủ vừa phát Thông báo số 229/TB-VPCP ngày 5/8/2022 kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Cúm mùa đang gia tăng nhanh tại một số tỉnh phía Bắc.

Thông báo nêu rõ, căn cứ quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022, trên cơ sở kết quả thảo luận tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ động, khẩn trương rà soát, xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ Y tế chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, thống nhất phương án báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc và tập trung vào các vấn đề cấp bách, bức xúc nhằm bảo đảm thuốc, trang thiết bị và thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế kịp thời, phù hợp tình hình thực tiễn và đúng quy định; hoàn chỉnh hồ sơ Dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ trước ngày 15/8/2022.

Phó thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực phối hợp Bộ Y tế hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết.

Ngăn chặn tình trạng đầu cơ, rao bán trái phép thuốc chữa cúm mùa

Bộ Y tế có Công văn số 4216/BYT-TB-CT về việc tăng cường quản lý mua bán sinh phẩm xét nghiệm, thuốc chữa bệnh cúm mùa gửi UBND các tỉnh, thành phố.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2022, trong đó chú trọng đến phòng, chống dịch cúm mùa, dịch Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một bộ phận người dân không đến các cơ sở y tế để khám bệnh mà tự mua và sử dụng sinh phẩm chẩn đoán để xét nghiệm và tự mua thuốc điều trị cúm mùa dẫn đến có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc, trang thiết bị y tế bất hợp lý, kể cả việc giao bán trên mạng xã hội.

Để sẵn sàng và bảo đảm cung cấp thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm mùa, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn.

Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế: Cần chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng cung ứng thuốc điều trị, sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm cúm mùa, đặc biệt là test nhanh xét nghiệm cúm mùa.

Bảo đảm giữ ổn định giá thuốc điều trị, các trang thiết bị y tế xét nghiệm, phòng chống dịch cúm mùa, đặc biệt là test nhanh xét nghiệm cúm mùa. 

Không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường. Thực hiện kê khai giá, niêm yết giá thuốc điều trị, trang thiết bị y tế theo đúng quy định của pháp luật.

Các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kê khai giá, niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết;

Kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm thuốc, trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán các thuốc, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch cúm mùa bất hợp lý.

Kiểm tra, ngăn chặn các đơn vị thu mua, đầu cơ, rao bán trên mạng trái phép thuốc, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch cúm mùa để trục lợi, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến các cơ sở y tế, trạm y tế xã, phường để khám bệnh, xét nghiệm và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Số ca nhiễm cúm A tăng mạnh tại nhiều tỉnh phía Bắc

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trong thời gian gần đây, số trường hợp mắc bệnh cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây.

Tuy nhiên trong thời điểm từ đầu tháng 7/2022 đến nay, số nhập viện có xu hướng tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A (chiếm 97,6% số trường hợp dương tính với cúm theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương).

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong 6 tháng năm 2022 cả nước ghi nhận 141.179 trường hợp mắc cúm, không có trường hợp tử vong. 

Cả nước cũng không ghi nhận trường hợp mắc các chủng cúm gia cầm chủng độc lực cao như cúm A(H5N1), A(H5N6), A(H5N8), A(H7N9)...

Số mắc cúm ghi nhận chủ yếu tại các tỉnh miền bắc, trong đó các tỉnh, thành phố có số mắc cao: Thanh Hóa (36.759 trường hợp mắc), Thái Bình (13.876), Hưng Yên (13.392), Nghệ An (8.792), Hà Tĩnh (8.028), Đồng Tháp (6.033), Sơn La (4.572), Khánh Hòa (3.655), Lai Châu (3.378), Long An (3.329)...

Tại Hà Nội, số ca nhiễm cúm A được ghi nhận tăng mạnh tại các cơ sở y tế tuyến Trung ương. 

Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Phạm Ngọc Thạch, số bệnh nhân đến khám cúm chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, có lúc hàng trăm bệnh nhân đến khám cúm mỗi ngày, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em.

Tuy nhiên trong số hơn 3.500 người đến khám triệu chứng nghi nhiễm cúm, số bệnh nhân có test nhanh dương tính với cúm A là 1.134 ca và 34 trường hợp cúm B; có 178 trường hợp nhập viện điều trị.

Theo bác sĩ Thạch, về cơ bản đều là những trường hợp mắc cúm thông thường chưa ghi nhận chủng độc lực cao

Hiện nay theo phản ánh trên một số phương tiện thông tin truyền thông về việc người dân tự tìm mua thuốc Tamiflu chứa hoạt chất Oseltamivir để điều trị cúm.

Đây là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế.

Để tăng cường công tác điều trị, kê đơn và truyền thông đến cơ sở khám chữa bệnh, người dân, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các đơn vị tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống bệnh cúm để người dân hiểu và không tự ý mua thuốc kháng virus để điều trị cúm.

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc bán thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc đối với các thuốc chỉ được bán khi có đơn thuốc.

Chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện điều trị cúm theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm của Bộ trưởng Bộ Y tế, chú trọng công tác kê đơn an toàn, hợp lý và hiệu quả.

Bệnh nhân nguy kịch vì cúm A

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết nơi đây vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ, 40 tuổi, ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. 

Bệnh nhân được Bệnh viện tuyến dưới chuyển đến với chẩn đoán: suy hô hấp, cúm, viêm phổi.

Theo người nhà bệnh nhân, khi khởi phát bệnh nhân sốt cao gai rét liên tục, kèm theo ho khạc đờm, đau mỏi cơ, đau nặng đầu, không nôn, tức ngực khó thở tăng dần.

Bệnh nhân vào Điều trị tại Bệnh viên tuyến dưới một ngày không cải thiện và được chuyển ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tại đây bệnh nhân suy hô hấp, viêm phổi, thở ô xy kính, ô xy Mask và đặt ống thở máy. Tuy nhiên, bệnh nhân không đáp ứng với thở máy, các bác sĩ đã tiến hành đặt Ecmo (tim phổi nhân tạo).

Theo Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán Cúm A trên nền suy tủy.

Hiện tại bệnh nhân đang an thần, thở máy, phụ thuộc vào ecmo. Hôm nay, sau 1 ngày đặt ecmo, phổi đang có tiến triển hơn.

Bác sĩ Phúc cho biết thêm, bệnh nhân nhiễm cúm A trên nền suy giảm miễn dịch thì sẽ nặng hơn bệnh nhân thường. Và những đối tượng có yếu tố nguy cơ là tuổi trên 65, bệnh nhân có mắc các bệnh nền về tim mạch, hô hấp, tiểu đường, các bệnh lý về máu, trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai…

Để phóng tránh cúm A, theo bác sĩ Phúc những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm phòng cúm hàng năm. Đối với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ trở nặng khi bị nhiễm cúm A thì không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế khám để được tư vấn chuyên khoa, cùng theo dõi và chỉ định phù hợp.

Khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng cúm A

Để chủ động phòng chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần thực hiện bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối.

Mỗi người cũng cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh.

Người dân cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. 

Liên quan tới vắc-xin cúm A, các nhà nghiên cứu ở Đại học Miami, bang Florida (Hoa Kỳ) đã có một nghiên cứu đánh giá số liệu trên 2 nhóm bệnh nhân mắc Covid-19, có 37.377 bệnh nhân mỗi nhóm.

Các bệnh nhân phân bố ở Hoa kỳ, một số quốc gia châu Âu, Israel, Singapore. Số liệu trên bệnh nhân được thu thập và phân ra 2 nhóm: Nhóm có sử dụng vắc-xin phòng cúm mùa (trước khi mắc từ 6 tháng đến 2 tuần) và nhóm kia bao gồm các bệnh nhân không chủng ngừa vắc-xin cúm mùa trước đó.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy đã có sự giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng huyết, đột quỵ, tắc tĩnh mạch sâu trên nhóm bệnh nhân mắc Covid-19 đã tiêm phòng vắc-xin cúm mùa trước đó từ 2 tuần đến 6 tháng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra khả năng phải nhập điều trị tại đơn vị điều trị tích cực (ICU) cũng giảm tới 20% trên nhóm có tiêm vắc-xin phòng cúm mùa.

Nghiên cứu đã cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm. Làm như vậy có thể giúp tránh đại dịch "kép” sự bùng phát đồng thời của cả bệnh cúm và Covid-19.

Đồng thời giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế, tăng cường sự bảo vệ ở các quốc gia mà vắc-xin Covid-19 chưa được cung cấp đầy đủ. Tuy nhiên vắc-xin cúm mùa không thể thay thế vắc-xin Covid-19, vì vậy vẫn cần tiêm vắc-xin Covid-19 đầy đủ.

Trong số các vắc-xin cúm A đang lưu hành hiện nay, vắc-xin phòng cúm mùa 4 chủng bất hoạt (2 chủng nhóm A và 2 chủng nhóm B) (Quadrivalent) có thể sử dụng cho mọi đối tượng từ 6 tháng tuổi giúp phòng bệnh theo khuyến cáo WHO hằng năm cho các quốc gia Bắc bán cầu.

Được biết ở nước ta, tại Hệ thống tiêm chủng Safpo, vắc-xin cúm mùa 4 chủng (Quadrivalent) đang được sử dụng để tiêm phòng đáp ứng cho nhu cầu của người dân.

Vắc-xin Quadrivalent có thể sử dụng an toàn trên phụ nữ có thai, trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ.

Phụ nữ có thai khi được tiêm chủng vắc-xin cúm mùa có thể bảo vệ được bản thân và cả em bé sau khi sinh. Chưa ghi nhận được biến cố nghiêm trọng của vắc-xin phòng cúm mùa bất hoạt đối với thai nhi và thai phụ .

Để phòng chống bệnh cúm mùa, người từ trên 6 tháng tuổi nên tiêm chủng vắc-xin cúm mùa hằng năm (do các chủng virus cúm có thể thay đổi hằng năm).

Nhóm ưu tiên đặc biệt bao gồm trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi, người >50 tuổi, người có bệnh phổi tim phổi, gan, thận mạn tính, , rối loạn huyết học, chuyển hóa (gồm tiểu đường, người suy giảm miễn dịch) và phụ nữ mang thai.

Ứng phó với dịch sốt xuất huyết tại “điểm nóng” phía Nam

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Long An bùng phát mạnh. 

Đây là cao điểm và diễn biến phức tạp trong năm. Nhiều trường hợp tử vong, trong đó có cả người lớn tuổi. Số ca nhiễm bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm y tế huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) chọn xã Đức Hòa Đông thực hiện mô hình “Chiến dịch diệt loăng quăng” bằng cách tập trung tất cả nguồn lực nhanh chóng khống chế dịch bệnh này.

Xã Đức Hòa Đông yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia, trong đó, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các biện pháp diệt loăng quăng, nếu không thực hiện sẽ đánh giá đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.

Mô hình “Chiến dịch diệt loăng quăng” bước đầu có kết quả rất tốt, giảm tỷ lệ loăng quăng và muỗi trên địa bàn. 

Qua 4 tuần thực hiện, từ 17 ca/tuần giảm còn 8 ca/tuần. Mô hình đang tiếp tục duy trì và nhân rộng trong thời gian tới.

Sở Y tế tỉnh Long An cho biết, để kéo giảm tỷ lệ người dân mắc bệnh sốt xuất huyết xuống mức thấp nhất, Sở đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch và điều trị các ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết, nhất là công tác diệt loăng quăng và chuẩn bị hóa chất diệt muỗi để chủ động ứng phó với tình hình dịch diễn biến phức tạp, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang khuyến cáo, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân hằng tuần dành ít thời gian thực hiện những biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết thật cụ thể.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị các huyện, thị, thành chủ động tham mưu chính quyền cùng cấp chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt loăng quăng.

Các địa phương phải giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn; 

Tổ chức phun hóa chất 100% ở các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch, bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số trước và sau phun; 

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết, lồng ghép với truyền thông phòng, chống Covid-19; 

Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng hằng tuần nhằm phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả hơn.

Nhập viện vì tự ý điều trị cúm A
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Medlatec, thời gian qua, cơ sở đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mất sức vì tự mua thuốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư