Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 7/11: Ghép tế bào gốc tự thân lần đầu tại Thái Nguyên
D.Ngân - 07/11/2023 10:08
 
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân với sự chuyển giao kỹ thuật của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Ghép tế bào gốc tự thân lần đầu thực hiện tại Thái Nguyên

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân với sự chuyển giao kỹ thuật của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Ảnh minh hoạ.

Ông Trần Văn H., 50 tuổi, ở TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cách đây 2 năm thấy đau vùng hông thắt lưng, đau ngày nhiều hơn, không đi lại được kèm theo tê bì tay chân và gầy sút cân.

Ông H. đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám, làm xét nghiệm và được chẩn đoán đau tủy xương. Sau 8 đợt điều trị hóa chất tại Khoa Huyết học lâm sàng, các triệu chứng đau giảm dần, có thể tự đi lại được, tình trạng tê bì tay chân đã cải thiện.

Tuy nhiên, với căn bệnh của ông H., để có thể kéo dài thời gian sống, cách điều trị tối ưu nhất cho người bệnh phải được ghép tế bào gốc tạo máu tự thân.

Để phát triển kỹ thuật mới, giúp ích nhiều người bệnh, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện Đề án ghép tế bào gốc tạo máu tự thân sau khi được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật.

Các chuyên gia của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trực tiếp chuyển giao kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho bệnh nhân H. sau khi đạt lui bệnh hoàn toàn (sau điều trị hóa chất các chỉ số về bình thường).

Với phương pháp lấy tế bào gốc của chính người bệnh ghép lại cho người bệnh, các tế bào gốc sẽ hỗ trợ và giúp phục hồi nhanh chóng hệ thống sinh máu của người bệnh sau hóa trị liệu liều cao, nhằm phòng tránh những biến chứng đe dọa tính mạng.

Hiệu quả của ghép tế bào gốc tạo máu tự thân chủ yếu có được là nhờ hóa trị liều cao nhằm mục đích tiêu diệt tối đa các tế bào ác tính.

Đối với ông H., sau khi làm các xét nghiệm đánh giá kiểm tra đạt lui bệnh hoàn toàn đã đủ tiêu chuẩn thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu tự thân.

Người bệnh được chuyển đến khu vực phòng ghép tế bào gốc tạo máu - khu cách ly vô trùng tuyệt đối.

Nhờ sự chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cùng phối hợp tốt giữa các khoa, phòng, ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho bệnh nhân H. được thực hiện thành công.

Hơn 12.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn

Để đảm bảo nguồn cung thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 80 ngày 9/1/2023 của Quốc hội, Cục Quản lý Dược đã ký quyết định công bố Danh mục 163 thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước và nước ngoài có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15.

Theo đó, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Tính đến thời điểm này, đây là đợt gia hạn thứ 9 của năm 2023 theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.

Lãnh đạo Cục Quản lý dược cho hay, tổng 9 đợt công bố gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế theo Nghị quyết 80 của Bộ Y tế đến nay là 11.866 (bao gồm 9.202 thuốc trong nước, 2.420 thuốc nước ngoài, 244 vắc-xin sinh phẩm).

Cùng đó, Cục Quản lý Dược đã nhiều lần thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc sản xuất trong nước và thuốc nước ngoài theo quy định của Luật Dược 2016 cho nhiều mặt hàng thuốc trong nước và nước ngoài có thời hạn 3 năm hoặc 5 năm để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh của nhân dân. Đến nay đã có tổng số 4.087 thuốc được gia hạn, cấp mới theo Luật Dược 2016.

Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng cho biết cơ quan chức năng đang trình Hội đồng tư vấn xem xét, chuẩn bị cấp cho gần 1.200 thuốc; giải quyết trên 9.000 hồ sơ thay đổi, bổ sung.

Được biết các sản phẩm thuốc trong nước và nước ngoài được gia hạn, cấp mới số đăng ký thời gian qua khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng virus, thuốc điều trị bệnh lý đường hô hấp, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vắc-xin, sinh phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều trong khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.

Đến thời điểm hiện tại đang có trên 22.000 loại thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại nên đảm bảo được nguồn cung thuốc trên thị trường.

Nguy cơ nhiễm khuẩn khi tiếp xúc bùn đất bẩn

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ vừa cứu sống một trường hợp bệnh nhi (10 tuổi, ở tỉnh Tuyên Quang) bị nhiễm khuẩn huyết - sốc nhiễm khuẩn do nhiễm một loại vi khuẩn hiếm gặp.

Người nhà của bệnh nhi cho biết, trước khi nhập viện 6 ngày, trẻ chơi đá bóng ở sân bùn đất bẩn. 5 ngày trước vào viện, trẻ sốt cao 41 độ C, nổi mụn nước nhỏ, dịch trong ở lưng, bụng, tay chân 2 bên.

Gia đình cho rằng trẻ bị thủy đậu, tự mua thuốc về điều trị nhưng không đỡ, tình trạng trẻ ngày một nặng hơn. Bệnh nhi nhập viện tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng trẻ khó thở nhiều, nhịp tim nhanh, sốt cao liên tục 39-40 độ C.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Trung tâm Nhi khoa cho biết, sau khi nhập viện 1 ngày, bệnh nhi diễn biến nặng lên, xuất huyết phổi liên tục, bão hòa ô xy chỉ còn 40 - 50% và rơi vào sốc nhiễm khuẩn rất nặng, nguy cơ tử vong cao và gần như kháng với các phương pháp điều trị thông thường.

Được biết, kết quả cấy máu đã phát hiện ra một vi khuẩn rất hiếm gặp, có tên khoa học là Chromobacterium violaceum, một trực khuẩn gram âm, hiếm khí. Vi khuẩn này thường phân biệt với các vi khuẩn khác trong bùn đất, đặc biệt là Whitmore, rất ít trường hợp được báo cáo ở trẻ em.

Theo các báo cáo, vi khuẩn này thường gây tiêu hủy xương và ăn vào các tổ chức của cơ và da gây hoại tử, khó hồi phục.

Sau khi có kết quả của vi khuẩn cấy máu, các bác sĩ đã phối hợp với khoa Vi sinh làm kháng sinh đồ, hội chẩn với các chuyên gia dược lâm sàng của Bệnh viện Bạch Mai, may mắn là vi khuẩn này nhạy với 2 loại kháng sinh đang sử dụng cho bệnh nhân. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã có tiến triển rất tốt, tự thở, không có di chứng nào về não hay các cơ quan khác.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, là loại vi khuẩn hiếm gặp nhưng lại có trong bùn đất, do đó khi cho con trẻ chơi ở nơi có bùn đất cần giữ vệ sinh cho trẻ, tránh để trẻ bị xây xát, trầy xước vì đây là cơ hội để các vi khuẩn gây bội nhiễm, đặc biệt ở nơi tổn thương qua da và niêm mạc của trẻ.

Ngoài ra, việc để trẻ nhỏ chơi đùa tại khu vực bùn đất bẩn có thể dẫn tới nguy cơ cao trẻ nhiễm các loại vi khuẩn độc hại khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Thực tế đã ghi nhận rải rác những trường hợp trẻ mắc bệnh Whitmore do nguyên nhân này.

Gần đây, một bệnh nhi 15 tuổi ở Thanh Hóa đã tử vong do mắc bệnh Whitmore dù được các bác sĩ tích cực chăm sóc, chữa trị. Được biết, đây là căn bệnh do vi khuẩn B. Pseudomallei sống trong đất và nước bị nhiễm khuẩn.

Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi lội trong nước, bùn thời gian dài hoặc có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm vi khuẩn.

Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn này từ người sang người hoặc từ động vật sang người và không lây lan thành dịch lớn.

Tuy nhiên, hiện nay đang mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển, những người làm việc, tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp.

Đặc biệt, những trường hợp có các vết thương, mụn nhọt và trẻ em cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm.

Nếu không may bị nhiễm bẩn cần phải được rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Điều trị ung thư “êm ái” nhờ ghép tế bào gốc thành công
Chẩn đoán đúng, phác đồ chuẩn, tuân thủ chặt chẽ quy trình điều trị - đó là “chìa khóa” dẫn tới thành công ngoài mong đợi của ca ghép tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư