Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 8/1: Ứng dụng mã nguồn mở trong triển khai chuyển đổi số y tế
D.Ngân - 08/01/2023 10:10
 
Hội Tin học y tế Việt Nam phối hợp với Tập đoàn công nghệ Vietsens tổ chức hội thảo chuyên đề “Ứng dụng phần mềm nguồn mở trong chuyển đổi số y tế" và lễ ký bàn giao phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) nguồn mở cho Cộng đồng Công nghệ thông tin Việt Nam.

Tại hội nghị, các diễn giả trình bày tham luận về vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng nguồn mở; Cơ hội và thách thức của ứng dụng phần mềm mã nguồn mở và cơ sở pháp lý việc ứng dụng phần mềm mã nguồn mở trong y tế; Sự khác nhau giữa phần mềm mã nguồn mở và phần mềm không thu phí; Lợi ích, khó khăn của việc ứng dụng phần mềm mã nguồn mở trong y tế; Ứng dụng mã nguồn mở triển khai hạ tầng Cloud phục vụ chuyển đổi số lĩnh vực y tế...

Lợi ích của phần mềm mã mở: Không mất chi phí thuê/mua phần mềm; Giúp cộng đồng công nghệ thông tin y tế có thể làm chủ phần mềm, làm chủ cơ sở dữ liệu của đơn vị mình mà không phụ thuộc nhà cung cấp, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn hướng tới hội nhập quốc tế về công nghệ thông tin y tế.

Ảnh minh hoạ.

Việc ứng dụng này sẽ giúp các cơ sở y tế dễ dàng chuẩn hoá, trao đổi dữ liệu liên tuyến liên viện. Các bệnh viện đã triển khai thành công có thể hỗ trợ các bệnh viện khác nếu cần.

Tại sự kiện đã diễn ra lễ công bố và lễ ký bàn giao phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) nguồn mở cho Cộng đồng Công nghệ thông tin Việt Nam. Đây là phần mềm nguồn mở đạt mức 7 theo thang đánh giá trong bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám chữa bệnh của Bộ Y tế.

Từ ngày 7/1/2023, các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc sẽ được sử dụng phần mềm nguồn mở miễn phí tại địa chỉ: https://benhvienthongminh.vn.

Phần mềm nguồn mở đã được Tập đoàn công nghệ Vietsens xây dựng và hoàn thiện trong suốt 10 năm qua, hiện đang được sử dụng tại hơn 100 bệnh viện từ Trung ương đến địa phương cũng như tại các phòng khám và trạm y tế phường, xã. Sản phẩm sẽ liên tục được nâng cấp, bổ sung các tính năng phù hợp với nhu cầu sử dụng và xu thế phát triển của y học thế giới.

Bên cạnh việc triển khai phần mềm nguồn mở tại các cơ sở khám, chữa bệnh, việc thúc đẩy dùng thẻ quốc gia trong thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng PV com bank cũng được giới thiệu và quảng bá đến các đại biểu, đón nhận được sự đánh giá cao về tính khả thi, tiện ích, mang lại những thuận lợi cho bệnh nhân và cơ sở khám, chữa bệnh.

Tại hội thảo, PGS. TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam, đã trao tặng kỷ niệm chương vinh danh các thành viên xuất sắc trên toàn quốc đã có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự thành công của phần mềm nguồn mở.

TP.HCM tổ chức cao điểm tiêm phòng Covid-19 xuyên Tết

Đợt cao điểm tiêm phòng Covid-19 sẽ được thực hiện từ ngày 6/1 đến hết ngày 2/2/2023, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.

TP.HCM sẽ tổ chức nhiều điểm tiêm trên khắp các địa bàn quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng như các bệnh viện. Các điểm tiêm sẽ được treo băng rôn thông báo và đảm bảo an toàn tiêm chủng đầy đủ.

Theo báo cáo kết quả giải trình tự gene từ các bệnh nhân mắc Covid-19 do OUCRU (đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford) thực hiện, TP.HCM đã xuất hiện biến thể XBB, do sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân vào dịp lễ, Tết nên nguy cơ bùng phát, lây nhiễm Covid-19 cũng như xuất hiện các biến thể mới là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tại thời điểm tháng 9/2022, theo một khảo sát ngẫu nhiên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ghi nhận, miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 tại thành phố đạt 98,7%. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ cộng đồng của vắc-xin sẽ giảm theo thời gian nếu người dân không tham gia tiêm hoặc không tiêm nhắc lại đúng theo quy định, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch…

Do đó, ngành Y tế kêu gọi người dân thành phố hãy cùng trách nhiệm bảo vệ gia đình và duy trì miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 bằng cách tiêm đủ liều, đúng lịch, đưa người thân trong gia đình và trẻ em (từ 5 tuổi trở lên) đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nếu chưa tiêm, và tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung đúng theo quy định.

Các tỉnh miền Trung triển khai đợt cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm

Các tỉnh miền Trung đang tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh tập trung kiểm tra, tuyên truyền an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở sản xuất thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2023.

Tại tỉnh Quảng Trị, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh; các ngành y tế, nông nghiệp và công thương cũng tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Các đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Tại Quảng Nam, các đoàn kiểm tra liên ngành đồng loạt ra quân ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã, bắt đầu từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 12/3/2023.

Các đoàn sẽ tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Quý Mão và lễ hội Xuân như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... tại các cơ sở dịch vụ ăn uống với mục đích kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm ATTP để người dân yên tâm vui Xuân, đón Tết.

TP. Đà Nẵng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp thành phố cho đến cấp xã, phường, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề, cơ sở chế biến thực phẩm; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Đại diện Ban Quản lý ATTP TP. Đà Nẵng khuyến cáo người dân có kế hoạch mua sắm và sử dụng thực phẩm phù hợp cũng như lựa chọn mua và chế biến thực phẩm an toàn, không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng cũng như không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng.

Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức về ATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đram ATTP trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường phòng ngừa, chủ động xứ lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua đường thực phẩm.

Quảng Bình: Đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia chương trình “Chủ nhật đỏ”

Trường đại học Quảng Bình, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Bình phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Chủ nhật đỏ” lần thứ XV năm 2023.

Với thông điệp “Hiến máu cứu người - sinh mệnh của bạn và tôi”, chương trình “Chủ nhật đỏ” năm 2023 tại Quảng Bình đã thực sự mang nhiều ý nghĩa trở thành ngày hội thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên và người dân tích cực tham gia; tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ về hành động hiến máu cứu người, góp phần làm giảm tình trạng thiếu nguồn máu thường xảy ra dịp Tết Nguyên đán.

Hơn 400 đoàn viên, thanh niên của các cơ quan, đơn vị đã có mặt tại Trường đại học Quảng Bình để tham gia hiến máu, thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ Quảng Bình trong công tác nhân đạo, hiến máu tình nguyện hướng về cộng đồng.

Kết quả, ban tổ chức đã tiếp nhận được 260 đơn vị máu của các tình nguyện viên hiến tặng.

Trước đó, ngày 5/1, tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, tuổi trẻ của địa phương hưởng ứng chương trình này bằng việc hiến tặng 275 đơn vị máu.

Chương trình “Chủ nhật đỏ” năm 2023 do Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh, Hội chữ thập đỏ tỉnh phối hợp Báo Tiền phong thực hiện từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023 tại 5 huyện, thành phố trong tỉnh, dự kiến thu được hơn 1.300 đơn vị máu.

Đây là hoạt động rất ý nghĩa để có nguồn máu dự trữ, cung cấp cho các bệnh viện cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân, khắc phục tình trạng khan hiếm máu thường xảy ra dịp trước và sau Tết Nguyên đán hằng năm.

VMED Group hợp tác phát triển giải pháp trong chuyển đổi số y tế tại Việt Nam
VMED Group cùng Công ty TNHH Giải pháp WiTEK Quốc tế và CTCP Công nghệ giáo dục Thiên Hà Xanh vừa ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển giải pháp trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư