Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 8/7: Hướng dẫn điều trị hậu Covid-19 cho trẻ em tại nhà; TP.HCM số ca mắc tăng nhẹ
D.Ngân - 08/07/2022 11:08
 
Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sau nhiễm Covid-19 ở trẻ em. Hướng dẫn này áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân trên cả nước.

Bộ Y tế hướng dẫn điều trị hậu Covid-19 cho trẻ em tại nhà

Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sau nhiễm Covid-19 ở trẻ em. Hướng dẫn này áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân trên cả nước.

Theo báo cáo của ngành Y tế TP.HCM, tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 tại TP.HCM tăng.

Theo Bộ Y tế, phần lớn trẻ em sau nhiễm Covid-19 có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú và các triệu chứng sẽ khỏi sau 2-8 tuần. Tuy nhiên, cũng theo Bộ Y tế, sau khi khỏi bệnh vẫn có một số trẻ có hội chứng sau nhiễm Covid-19 cấp tính. 

Hội chứng sau nhiễm Covid-19 cấp tính khi các triệu chứng xuất hiện sau ≥ 04 tuần khi trẻ đã khỏi bệnh và không giải thích được bởi bất kỳ chẩn đoán nào khác.

Hội chứng sau nhiễm Covid-19 bao gồm: Triệu chứng hô hấp là thường gặp nhất.

Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ em ít gặp nhưng nặng cần nhập viện cấp cứu. Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em xuất hiện sau mắc Covid-19 khoảng 02 - 06 tuần khi trẻ bị: Sốt; 

Tăng các chỉ số viêm (CRP ≥ 5 mg/L, máu lắng, procalcitonin); Tổn thương ≥ 2 cơ quan (da niêm, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh)

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ: Các trường hợp sau nhiễm Covid-19 cần hỗ trợ hô hấp tuần hoàn hoặc cần can thiệp chuyên khoa sâu hoặc triệu chứng kéo dài trên 2 tuần không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thường, cần được hội chẩn chuyên khoa hoặc chuyển tuyến trên để trẻ được điều trị tốt hơn.

Ngăn "dịch chồng dịch"

Dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát trên quy mô toàn quốc nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên diện rộng. 

Bên cạnh đó, các bệnh dịch nguy hiểm khác đang có diễn biến khó lường, như số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương; rải rác ghi nhận ca mắc tay, chân, miệng; nguy cơ dịch đậu mùa khỉ xâm nhập…

Thời gian qua, hệ thống giám sát phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam thực hiện giám sát và qua giải trình tự gien cho thấy đã có sự xâm nhập biến thể phụ BA.5 của Omicron. 

Theo một số đánh giá bước đầu thì biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2. 

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, nhất là những nhóm có nguy cơ, cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại theo khuyến cáo để có thể tăng cường miễn dịch chống lại các biến thể mới của bệnh. 

Theo Bộ Y tế, hiện số mũi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại lần 1 và lần 2 cho người từ 18 tuổi trở lên của khu vực miền trung thấp nhất trong toàn quốc (mũi 3 mới đạt 54,8%, mũi 4 đạt 4,3%), tiến độ tiêm chậm; 

Mức độ tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi của khu vực này cũng chỉ đạt 7,5%, thấp so với cả nước; mức độ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng thấp nhất trong toàn quốc...

Trước thực tế đó, Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ để duy trì miễn dịch cộng đồng. 

Đồng thời nâng cao năng lực điều trị tại tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc Covid-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở. 

Tăng cường giám sát, có các biện pháp đồng bộ giảm thiểu ảnh hưởng sau điều trị Covid-19, truyền thông về tiêm vắc-xin, lợi ích và hiệu quả của vắc-xin phòng Covid-19; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng cho người dân nâng cao sức khỏe; cảnh báo với các biến chủng mới; hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới; 

Chủ động có giải pháp ứng phó dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta; 

Bảo đảm năng lực thu dung, điều trị khi số lượng ca bệnh tăng cao, tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở.

TP.HCM số ca mắc Covid-19 tăng nhẹ

Hệ thống giám sát dịch của ngành Y tế TP.HCM cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày có trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca mắc mới/ngày), mặc dù, số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ. 

Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố cho biết, ngành Y tế Thành phố đã sẵn sàng các kịch bản để thu dung điều trị các trường hợp F0 trong thời gian tới. 

Việc quản lý F0 tại nhà do trạm y tế phường, xã, thị trấn đảm trách với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số. Ngành y tế tiếp trục tập trung chủ yếu vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ.

Tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM hiện nay đều thực hiện đồng thời 2 chức năng, vừa khám, chữa bệnh thông thường vừa điều trị người mắc Covid-19 có các bệnh lý cấp tính, mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo tại các khoa/đơn vị điều trị Covid-19. 

Theo đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (cùng với các Bệnh viện trung ương trên địa bàn như Chợ Rẫy, Thống Nhất, Quân y 175) là các Bệnh viện tuyến cuối về điều trị Covid-19.

Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 với 1.000 giường hiện tạm ngưng nhận bệnh, phân công cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố phụ trách, sẵn sàng kích hoạt lại khi cần thiết. 

Ngoài ra các quận, huyện trện địa bàn thành phố cũng phải có kế hoạch sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao trở lại.

Để phòng chống dịch, quan trọng hơn hết là các biện pháp dự phòng Covid-19. Người dân cần tuân thủ vấn đề mang khẩu trang và khử khuẩn khi đến nơi công cộng, đồng thời với tăng cường tiêm vắc-xin.

Thành phố tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4) theo đúng tinh thần của chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ phát động. 

Trong đó, thành phố sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về lợi ích của tiêm vắc-xin đến từng hộ gia đình. 

Ngành Y tế luôn sẵn sàng tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng, trong bệnh viện, trong nhà máy, trong trường học,... và nhất là tổ chức các đội tiêm lưu động, tiêm tại nhà cho người thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, người mắc bệnh nền gặp khó khăn trong đi lại.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 tại TP.HCM tăng

Chỉ trong vòng 1 ngày (6/7), đã có hơn 76.000 người dân đi tiêm vắc-xin tại các điểm tiêm trên địa bàn TP.HCM. 

Sở Y tế TP.HCM cho biết, con số này cao gần gấp 10 lần nếu so sánh với thời gian trước khi ngành Y tế thành phố mở đợt cao điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (trước ngày 13/6/2022, trung bình mỗi ngày chỉ có 4.000 - 8.000 lượt tiêm).

Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến hết ngày 6/7/2022, TP.HCM đã tiêm tổng cộng 21.713.361 mũi vắc-xin phòng Covid-19. 

Cụ thể, mũi 1 là 8.499.172; mũi 2 là 7.553.886; 685.248 mũi bổ sung và 4.408.042 mũi nhắc lần 1; 567.013 mũi nhắc lần 2. Riêng trong ngày 6/7/2022, toàn thành phố đã tiêm được 76.580 mũi tiêm. 

Trong đó mũi 1 chiếm 5,5%, mũi 2 chiếm 3,6%, mũi bổ sung 0,02%, mũi nhắc lần 1 (18,6%). 

Đặc biệt, số lượt người dân đến tiêm mũi nhắc lần 2 vắc-xin phòng Covid-19 chiếm tỷ lệ cao nhất là 72,3% (55.356 người), tăng gấp 3,8 lần so với ngày trước đó 5/7/2022 (14.720 người). Công tác tổ chức tiêm chủng diễn ra trật tự, an toàn và đảm bảo công tác phòng chống Covid-19.

Hậu Covid-19, đừng lơ là trước sự xuất hiện của cục máu đông
Không chỉ gây ra các vấn đề hô hấp, Covid-19 còn có thể gây bất thường trong quá trình đông máu, nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư