Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 9/7: Thận trọng trước biến thể mới, người dân không nên lơ là việc đeo khẩu trang
D.Ngân - 09/07/2022 11:00
 
Sự xuất hiện của hai biến thể phụ nguy hiểm mới BA.4 và BA.5 có khả năng thoát miễn dịch. Những người đã mắc biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Tại nước ta, thời gian qua số ca mắc Covid-19 đã giảm sâu, nên người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, lơ là việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Nhiều người không còn thói quen đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, trong không gian kín.

Đeo khẩu trang là biện pháp dự phòng, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp không chỉ với bệnh Covid-19 mà cả cúm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Cần linh hoạt trong việc đeo khẩu trang (có thể đeo khẩu trang y tế và cả khẩu trang vải).

Ảnh minh hoạ

Có thể không cần phải đeo khẩu trang ở môi trường thoáng khí như khi tập thể dục, khu vực ngoài trời, không tiếp xúc gần. Tuy nhiên, tại những khu vực nguy cơ cao như phòng kín, tiếp xúc gần với người có triệu chứng thì nên đeo. Tại nơi đông người có điều kiện thì nên đeo khẩu trang để phòng bệnh một cách linh hoạt

Tại khu vực ngoài trời, không có nguy cơ cao thì có thể dùng khẩu trang vải, vừa chống ô nhiễm bụi bẩn lại có thể tái sử dụng, giặt đi giặt lại dùng nhiều, tránh việc lãng phí khẩu trang y tế.

Tình trạng thiếu vật tư, y tế vẫn diễn ra cục bộ tại nhiều tỉnh, thành phố

Tại Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về bảo hiểm y tế (BHYT), đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, hiện nay tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang diễn ra phổ biến tại một số tỉnh.

Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Hiện nay có 1.030 thuốc hóa dược, sinh phẩm và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi thanh toán của BHYT. Trong số này, có 136 hoạt chất/thuốc được quy định điều kiện chỉ định ưu tiên trong một số trường hợp; 25 hoạt chất được quy định tỷ lệ thanh toán (30%, 50%, 60%, 70%) và 31 hoạt chất được quy định cả điều kiện chỉ định và tỷ lệ thanh toán.

Danh mục thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT, bao gồm 349 vị thuốc y học cổ truyền; 229 thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu với khoảng hơn 1.200 chế phẩm...

Trước băn khoăn về việc người bệnh có được hoàn trả chi phí thuốc, vật tư y tế đã phải mua, ông Lê Văn Phúc cho rằng, thực tế, trong quy định về thanh toán trực tiếp hiện nay đối với người bệnh không có việc thanh toán khi người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế. Luật BHYT quy định, một số trường hợp đặc biệt có thể thanh toán trực tiếp, tuy nhiên cũng cần xác định, đây có phải trường hợp thanh toán trực tiếp hay không.

Nguyên nhân của tình trạng này là do chậm đấu thầu cung cấp thuốc, thiết bị, vật tư. Thực tế, có những gói thầu từ năm ngoái đến nay vẫn chưa hoàn thành, thực hiện được. Trong đó, lý do dễ thấy nhất là do tình hình dịch Covid-19 phức tạp thời gian trước gây khó khăn cho các hoạt động.

Còn theo ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến (BHXH Việt Nam) cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn đang diễn ra cục bộ, một trong những lý do là việc đấu thầu tập trung ở các cơ cơ sở y tế tại Trung ương và địa phương khá chậm.

Người dân ở TP. HCM có thể gửi phản ánh địa điểm có nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết qua ứng dụng "Y tế trực tuyến"

Sở Y tế TP. HCM cho biết đã cập nhật và bổ sung ứng dụng "Y tế trực tuyến" để người dân có thể dễ dàng phản ánh đến Thanh tra Sở Y tế và các phòng chức năng những địa chỉ trong cộng đồng có nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết        

Cụ thể, người dân có thể chụp ảnh, quay video clip, nhắn tin có địa chỉ cụ thể những nơi có nhiều muỗi, nhiều ổ lăng quăng phản ánh lên ứng dụng "Y tế trực tuyến".

Người dân có thể cài đặt ứng dụng "Y tế trực tuyến", vào mục phản ánh vi phạm, và bấm vào mục phản ánh về tình hình thuốc và dịch bệnh để phản ánh.

Khi nhận được những phản ánh này, Sở Y tế sẽ xác nhận và chuyển ngay thông tin phản ánh của người dân đến chính quyền địa phương để xử lý, ngay cả xử phạt hành chính theo quy định.

Sở Y tế Thái Bình, Nam Định cảnh báo về thuốc giả

Sở Y tế Thái Bình vừa có văn bản gửi tới phòng Y tế các huyện, thành phố; Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh liên quan đến việc nghi ngờ thuốc nhập khẩu, lưu hành trái phép.

Đơn vị này đã nhận được công văn số của Cục Quản lý Dược về việc thuốc nghi ngờ nhập khẩu/ lưu hành trái phép. Cụ thể, các thuốc Nexium 20mg (Enterik Kaph Pellet Tablet) và Nexium 40mg (Enterik Kaph Pellet Tablet) bao gồm cả thuốc Nexium có dán tem "Thuốc nhập khẩu song song, số GP: 2765/QLD-KD ngày 27/02/2013, DNNK: Công ty Cổ phần Armepharco" là thuốc không được phép nhập khẩu, lưu hành tại Việt Nam, mạo danh doanh nghiệp nhập khẩu.

Sở Y tế tỉnh Nam Định cũng phát đi thông báo liên quan thuốc giả Tetracyclin. Thực hiện công văn của Cục Quản lý Dược về việc thuốc giả Tetracyclin, Sở Y tế Nam Định yêu cầu các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được sử dụng thuốc giả trên nhãn ghi: Viên nén TETRACYCLIN 250mg, SĐK: VD-30127-18, lô SX: 092019, NSX: 180919, HD: 180923; Công ty TNHH MTV 120 Armepharco có các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt với thuốc thật như trong thông báo của Cục Quản lý Dược.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật, Sở Y tế Thái Bình, Nam Định phối hợp các phòng, ban trong UBND huyện/thành phố thông báo tới các cơ sở kinh doanh, người dân trên địa bàn biết, để không buôn bán, sử dụng và kịp thời cung cấp thông tin tới cơ quan chức năng khi phát hiện thuốc có dấu hiệu trong thông báo của Cục Quản lý Dược.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tăng cường công tác truyền thông thông tin tới các cơ sở kinh doanh và người dân biết để không buôn bán, sử dụng thuốc có dấu hiệu nêu trên.

Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; Phòng Y tế các huyện/thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về thuốc có dấu hiệu nêu trên (nếu có) và báo cáo Thanh tra Sở Y tế, Ban chỉ đạo 389 tỉnh, huyện/thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.

Biến thể phụ BA.5 Omicron đã xâm nhập Việt Nam
Theo thông tin từ Bộ Y tế, biến thể phụ BA.5 Omicron đã xâm nhập Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư