Thứ Hai, Ngày 14 tháng 04 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 13/4: Bộ Y tế ban hành hàng nghìn chỉ số cận lâm sàng
D.Ngân - 13/04/2025 09:25
 
Bộ Y tế vừa ban hành hàng nghìn chỉ số cận lâm sàng nhằm thống nhất thuật ngữ chuyên môn, chuẩn hóa dữ liệu, phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh án điện tử, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên thông kết quả xét nghiệm, dữ liệu khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế ban hành hàng nghìn chỉ số cận lâm sàng, tiến tới chuẩn hoá liên thông xét nghiệm toàn quốc

 Thứ trưởng Bộ Y tế TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức đã ký Quyết định số 1227/QĐ-BYT ban hành Danh mục mã dùng chung đối với kỹ thuật, thuật ngữ chỉ số cận lâm sàng (Đợt 1).

Ảnh minh họa.

Đây là bước đi quan trọng trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.

Tổng cộng, 2.964 chỉ số cận lâm sàng đã được ban hành trong đợt này, bao gồm: Huyết học - Truyền máu (1.022 chỉ số), Hóa sinh (447 chỉ số), Vi sinh (174 chỉ số), Giải phẫu bệnh (81 chỉ số), và Điện quang (1.240 chỉ số). Danh mục mã dùng chung này được áp dụng trên toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh công lập và tư nhân trong cả nước.

Theo TS.Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, việc ban hành Danh mục mã này nhằm thống nhất thuật ngữ chuyên môn, chuẩn hóa dữ liệu, phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh án điện tử, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên thông kết quả xét nghiệm, dữ liệu khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế.

Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, mà còn giảm thiểu chi phí cận lâm sàng, hạn chế xét nghiệm trùng lặp, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh.

Danh mục lần này được xây dựng với sự đóng góp chuyên môn của nhiều bệnh viện đầu ngành như: Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên... Việc đồng bộ và chuẩn hóa dữ liệu y tế sẽ tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y tế.

Theo các chuyên gia, triển khai bệnh án điện tử mang lại lợi ích toàn diện cho cả người bệnh, thầy thuốc, cơ sở y tế lẫn cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với người bệnh, bệnh án điện tử giúp họ không còn phải lưu trữ nhiều loại giấy tờ, không lo thất lạc kết quả xét nghiệm. Khi được kết hợp với hồ sơ sức khỏe điện tử, người bệnh có thể tự quản lý toàn bộ thông tin sức khỏe của mình một cách liên tục, suốt đời, từ đó nâng cao ý thức phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe.

Đối với thầy thuốc và nhân viên y tế, bệnh án điện tử cho phép truyền tải thông tin người bệnh giữa các khoa, phòng và cơ sở y tế một cách nhanh chóng, hỗ trợ chẩn đoán, điều trị hiệu quả hơn, đồng thời tránh được các chỉ định cận lâm sàng trùng lặp không cần thiết. Việc này cũng giúp giảm thời gian chờ đợi và thủ tục hành chính cho người bệnh.

Về phía cơ sở khám chữa bệnh, bệnh án điện tử giúp cung cấp dữ liệu lâm sàng đầy đủ và kịp thời, tiết kiệm chi phí lưu trữ hồ sơ giấy, đồng thời phục vụ tốt hơn cho công tác nghiên cứu khoa học và quản lý chất lượng dịch vụ y tế. Hơn nữa, việc triển khai bệnh án điện tử còn góp phần minh bạch hoá chi phí khám chữa bệnh như thuốc, vật tư tiêu hao, chi phí giường bệnh và các kỹ thuật cận lâm sàng.

Đối với công tác quản lý ngành, khi bệnh án điện tử được đồng bộ với hồ sơ sức khỏe cá nhân, hệ thống y tế sẽ có được dữ liệu sức khỏe đầy đủ, chính xác và kịp thời cho từng người dân. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe dựa trên dữ liệu, hướng tới mô hình y tế thông minh và dự phòng sớm các nguy cơ bệnh tật.

Việc ban hành Danh mục chỉ số cận lâm sàng chuẩn hoá là một bước tiến lớn, cho thấy quyết tâm cao của Bộ Y tế trong thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống y tế quốc gia, lấy người dân làm trung tâm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và từng bước số hóa toàn diện ngành y tế Việt Nam.

Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm vụ giáo viên bạo hành trẻ 20 tháng tuổi ở Quảng Nam

Theo nội dung công văn của Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), ngày 11/4, một số cơ quan truyền thông đã đăng tải thông tin và video clip ghi lại hành vi bạo hành trẻ em xảy ra tại nhóm trẻ tư thục Con Cưng, thuộc thôn Phước Chánh, xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Trong đoạn video, một giáo viên đã có hành vi xách ngược chân và đánh liên tiếp vào một bé trai khoảng 20 tháng tuổi trong giờ ngủ trưa.

Đoạn clip nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, gây phẫn nộ trong dư luận và làm dấy lên lo ngại về tình trạng bạo hành trẻ tại các cơ sở giữ trẻ ngoài công lập.

Trước diễn biến nghiêm trọng của vụ việc, Cục Bà mẹ và Trẻ em đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tại địa phương, bao gồm UBND xã, cơ quan công an và các tổ chức bảo vệ trẻ em, tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc và xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với cá nhân có hành vi xâm phạm quyền trẻ em.

Đồng thời, cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp tâm lý cho nạn nhân và gia đình theo quy định của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Trẻ em.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế địa phương tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và giáo viên mầm non về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, không để xảy ra các hành vi bạo lực, xâm hại tại các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục có chỉ đạo mở rộng phạm vi kiểm tra, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ tại các cơ sở chăm sóc, giáo dục.

Bộ nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; đồng thời triển khai hiệu quả Luật Trẻ em và Nghị quyết số 121/2020/QH14 của Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách bảo vệ trẻ em.

Các địa phương được yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; khuyến khích người dân sử dụng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để phản ánh kịp thời các vụ việc.

Bộ Y tế cũng đề nghị tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, đặc biệt là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Các cơ sở hoạt động tự phát, không phép hoặc không đủ điều kiện cần được xử lý nghiêm.

Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam, người có hành vi bạo hành trẻ là bà N.N.U.L (sinh năm 1995, trú tại xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn). Bà L. là chủ nhóm trẻ gia đình Con Cưng, đã được UBND xã Quế Mỹ cấp phép hoạt động với quy mô tối đa 7 trẻ từ 21 đến 24 tháng tuổi.

Thời điểm xảy ra vụ việc vào khoảng 11h55 ngày 11/4. Sau khi cho các cháu ăn trưa và ngủ, hai bé sinh năm 2023 là N.P.Đ.K và N.L.H.N tỉnh dậy và quấy khóc. Mặc dù đã dỗ dành nhưng không hiệu quả, bà L. đã có hành vi bạo hành và đe dọa hai cháu nhằm ép các cháu nín khóc và ngủ lại.

Hành vi này đã bị camera trong lớp ghi lại đầy đủ. Đến khoảng 18h30 cùng ngày, phụ huynh của một trong hai cháu phát hiện sự việc, trích xuất camera, sau đó đăng tải đoạn video lên mạng xã hội và trình báo cơ quan công an.

Tại cơ quan điều tra, bà N.N.U.L đã thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm. Công an tỉnh Quảng Nam đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự đối với bà L. để điều tra về hành vi hành hạ người khác theo quy định pháp luật. Hiện sức khỏe của hai cháu nhỏ đã ổn định.

Vụ việc đau lòng tại Quảng Nam là lời cảnh báo rõ ràng về những lỗ hổng trong công tác quản lý và giám sát các cơ sở nuôi dạy trẻ. Bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm, cần có giải pháp căn cơ hơn để xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh, nơi trẻ em được chăm sóc và phát triển trong tình yêu thương và sự tôn trọng.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu xét nghiệm làm rõ nghi vấn ngộ độc khiến 29 học sinh nhập viện

Sau khi 29 học sinh tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7, TP.HCM) có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế đã chỉ đạo khẩn trương truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu xét nghiệm và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã tiếp nhận báo cáo ban đầu số 801/BC-SATTP ngày 10/4/2025 của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7. Theo đó, sau bữa ăn trưa ngày 9/4, có 29 học sinh xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn ói, sốt và tiêu chảy.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 713/ATTP-NĐTT yêu cầu Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc. Trong đó, tập trung truy xuất nguồn gốc thực phẩm, xác định đơn vị cung cấp nguyên liệu, cơ sở chế biến liên quan đến suất ăn nghi vấn. Đồng thời, lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm của học sinh để xét nghiệm, tìm nguyên nhân chính xác.

Cơ quan chức năng được yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến suất ăn nếu phát hiện có nguy cơ tiếp tục gây ngộ độc thực phẩm, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có). Kết quả kiểm tra cần được công khai kịp thời để cảnh báo cho cộng đồng, ngăn chặn nguy cơ lặp lại sự cố tương tự.

Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu địa phương tăng cường quản lý bếp ăn tập thể, đặc biệt là các cơ sở cung cấp suất ăn cho trường học. Việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu; vệ sinh trong sơ chế, chế biến, vận chuyển; kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm phải được thực hiện nghiêm túc.

Ngoài ra, yêu cầu thực hiện đầy đủ các nội dung tại các công văn trước đó của Bộ Y tế liên quan đến việc tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là trong triển khai Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó thông tin từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin từ phụ huynh về tình trạng bất thường của học sinh, nhà trường đã báo cáo sự việc đến Phòng Y tế, Trung tâm Y tế và Phòng Giáo dục & Đào tạo quận 7 để xin hướng dẫn xử lý.

Sáng ngày 10/4, bộ phận y tế nhà trường ghi nhận có tổng cộng 21 học sinh nghỉ học vì có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy. Trong đó, 7 em được gia đình đưa đến bệnh viện khám và đã được cho về nhà theo dõi sức khỏe. Riêng lớp 3/6, nhà trường tiếp tục ghi nhận thêm một học sinh có triệu chứng tương tự và đã nhập viện sáng cùng ngày để theo dõi.

Được biết, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu sử dụng suất ăn công nghiệp cho học sinh bán trú. Sau sự cố, nhà trường đã chủ động niêm phong và lưu giữ mẫu thực phẩm ngày 9/4 để phục vụ công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc.

Hiện tình trạng sức khỏe của các em học sinh đã tạm thời ổn định. Các cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp điều tra, xét nghiệm và làm rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ việc nghi ngộ độc thực phẩm nói trên.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư