Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 16/10: Tăng cao số ca bệnh được ghép giác mạc
D.Ngân - 16/10/2024 09:56
 
Từ tháng 5 tới nay, số lượng ca hiến tạng từ người chết não tăng gấp 3 lần, các ca ghép tạng trong đó có ghép hiến giác mạc tăng 10% so với thời điểm trước.

Số ca bệnh được ghép giác mạc tăng

Tại Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thu nhận và điều phối giác mạc Việt Nam và Singapre do Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức, PGS-TS.Hoàng Thị Minh Châu, Giám đốc Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, chỉ trong 8 tháng, Bệnh viện đã thu nhận 57 giác mạc từ nhiều nguồn hiến. Trong đó, thu nhận có 2 ca hiến tặng trong nước, còn lại là giác mạc hiến tặng từ các ngân hàng mắt của Mỹ.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thu nhận và điều phối giác mạc Việt Nam và Singapre. 

Tính riêng Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thực hiện thành công 42 ca ghép giác mạc mang lại ánh sáng cho người bệnh. Số còn lại được điều phối sang các bệnh viện khác.

Thông tin chung về tình hình ghép giác mạc tại Việt Nam thời gian qua, theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam, từ tháng 5 tới nay, số lượng ca hiến tạng từ người chết não tăng gấp 3 lần, các ca ghép tạng trong đó có ghép hiến giác mạc tăng 10% so với thời điểm trước.

Tuy nhiên còn một số khó khăn bởi Việt Nam hiện chỉ có 2 cơ sở y tế có khả năng thu, ghép giác mạc trên cả nước; bên cạnh đó số lượng giác mạc hiến ít.

Ngoài nguồn hiến trong nước, Việt Nam được tặng nguồn giác mạc từ nước ngoài. Tuy nhiên, thủ tục hải quan và bảo quản giác mạc còn khó khăn bởi giác mạc không phải bệnh phẩm, không phải thiết bị, hay mẫu vi sinh vật mà giác mạc là mô cần bảo quản sống.

Vì thế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất, các cơ quan chức năng, các cơ sở thu, ghép giác mạc cần có kiến nghị chính thức tới Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan cần tạo điều kiện về thủ tục để chuyển nguồn giác mạc từ nước ngoài về Việt Nam ghép cho người bệnh sớm.

Chúng ta biết rằng với những người đã mất đi đều có thể hiến giác mạc mang lại ánh sáng cho 2 người khác, điều đó rất ý nghĩa, cần phải động viên khuyến khích.

Còn theo TS.Howard Cajucom-Uy, đại diện Ngân hàng Mắt Singapore chia sẻ, ở Singapore từ năm 2004 đã ban hành luật Hiến ghép tạng, và 2010 đã rất hoàn chỉnh, họ thành lập Ngân hàng Mô và giác mạc trước chúng ta, có cơ chế về tài chính, pháp luật thuận lợi hơn chúng ta, công nghệ, kỹ thuật và chính sách cũng được đầu tư hơn… do vậy nguồn cho của họ tương đối tốt.

Tại Việt Nam, việc lấy-ghép giác mạc được thực hiện từ năm 2007. Đến nay đã có hơn 3.000 người được ghép giác mạc, trong đó có hơn 50% là từ nguồn người hiến tại cộng đồng, tập trung chủ yếu ở Ninh Bình, Nam Định..., nhiều nhất là năm 2020, có 169 người được ghép.

Đến nay, hơn 20 tỉnh, thành phố đã có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Tuy nhiên, số người mù vì bệnh lý giác mạc đang rất lớn, khoảng hơn 30.000 người, nhưng con số ghép được rất ít ỏi. Trong số bệnh nhân chờ ghép giác mạc, nhiều nhất là ở độ tuổi 30-60, có cả trẻ em.

Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, từ năm 2010 đến 2020, mỗi năm nước ta có 10-11 ca chết não hiến tạng. Riêng năm 2023, có 14 ca chết não hiến tạng.

Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2024, có 25 ca chết não hiến mô, tạng, góp phần tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/892 bệnh nhân ghép (tương đương 10,49%). Đây được coi là con số kỷ lục của Việt Nam vì trước đây, tỷ lệ hiến tạng từ người chết não chỉ chiếm khoảng 5-6%.

Tính đến tháng 9/2024, sau 32 năm triển khai ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng. Năm 2023, Việt Nam ghép tạng cho 1.000 người, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á.

Phát TV spot về tác hại của thuốc lá điện tử

Bộ Y tế vừa đồng loạt phát 3 TV Spot nhằm thu hút sự chú ý của khán giả, đặc biệt là giới trẻ về tác hại của thuốc lá điện tử trên các phương tiện truyền thông và kênh VTV.

Những TV Spot mô tả một chân thực hậu quả, tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhằm truyền tải thông điệp đến người xem về việc cần phải dừng hút thuốc ngay, nếu chưa hút thì không nên sử dụng.

Đồng thời, khuyến nghị cần có chính sách tăng thuế thuốc lá để giảm sự tiếp cận của người tiêu dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên, với mục tiêu bảo vệ gia đình và cộng đồng.

TV Spot thứ nhất được phát trên VTV từ ngày 24/9 đến 26/11/2024 với nội dung “Đừng để Thuốc lá điện tử/Thuốc lá nung nóng làm hỏng thế hệ tương lai”: 

5 thông điệp chính của chiến dịch được phát trên TV spot là: Nếu bạn nghĩ rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng an toàn, hãy suy nghĩ lại.

Sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có thể gây tổn thương phổi, tim và não, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi.

Giống như hút thuốc lá thường, thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử cũng tỏa ra các hóa chất độc hại như nitrosamines và hydrocarbon có trong khói xe ô tô và thuốc trừ sâu gây ung thư

Sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng nhanh chóng gây nghiện nicotine và khó cai nghiện. Nói không với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ

Tăng thuế thuốc lá để bảo vệ cuộc sống và gia đình của chúng ta: TV Spot thứ 2 về chiến dịch tăng thuế thuốc lá được phát từ ngày 10/10 đến 31/12/2024 trên các phương tiện truyền thông và kênh VTV.

Thông điệp chính mà TV Spot này muốn lan tỏa là: Hút thuốc lá phải trả giá rất đắt.

Khói thuốc như một kẻ giết người thầm lặng hủy hoại cơ thể bạn, gây ung thư phổi, đột quỵ, các bệnh về tim mạch và còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và hạnh phúc của những người xung quanh.

Hút thuốc và hút thuốc thụ động đều nguy hiểm cho sức khỏe của bạn và người thân. Đừng để người thân phải trả giá cho việc hút thuốc của bạn! Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay vì chính bạn và gia đình! 

TP.HCM: Số ca mắc tay chân miệng tăng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM thông tin cập nhật tình hình bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn tính đến tuần 41 của năm 2024 (từ 7 đến 13/10).

Theo đó, trong tuần 41, tại TP.HCM ghi nhận 488 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 21,2% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 41 là 13.247 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và quận 8.

Trong tuần 41, TP.HCM ghi nhận 484 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 24,7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 41 là 8.709 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, quận 7 và TP.Thủ Đức.

Tuần 41, TP.HCM ghi nhận 137 ca sởi, tăng 42,3% so với trung bình 4 tuần trước (96,3 ca). Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần 41 là 1.079 ca. Các địa phương có số ca mắc cao gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và thành Thủ Đức.

Tính đến hết ngày 13/10, TP.HCM chỉ còn 2 quận, huyện chưa đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng sởi từ 95% trở lên.

Về tình hình tiêm vắc-xin, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong ngày 13/10, thành phố đã tiêm được tổng cộng 369 mũi vắc-xin sởi tại 85 điểm tiêm. Như vậy, đến nay, đã có 99,91% trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vắc-xin sởi đã được tiêm.

Tính đến hết ngày 13/10, tổng số mũi tiêm vắc-xin sởi tích lũy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là 219.850 mũi.

Trong đó, trẻ từ 1-5 tuổi đã tiêm được 46.132 mũi (đạt 100%), trẻ từ 6-10 tuổi là 147.216 mũi (đạt 99,73%). Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh sởi đạt 99,91% theo kế hoạch.

Hiện tại, còn 2 quận, huyện có tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi chưa đạt 95%, gồm quận 3 và huyện Cần Giờ. Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị UBND hai địa phương này đẩy nhanh tiến độ để đạt mục tiêu chiến dịch. Với những quận, huyện đã đạt tỷ lệ từ 95% trở lên, cần duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động, tránh để bỏ sót trẻ chưa được tiêm chủng trên địa bàn.

Theo HCDC, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy đến nay ghi nhận trên địa bàn là 1.378 ca (571 ca sởi xác định phòng xét nghiệm, 528 ca sởi nghi ngờ lâm sàng và 279 ca loại trừ sởi).

TP.HCM lần đầu tiên công bố dịch sởi hôm 27/8/2024 và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi toàn thành phố. Ban đầu, thành phố dự kiến công bố hết dịch sởi trong tháng 9/2024, nhưng đến hạn, vẫn chưa đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin theo quy định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư