Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 17 tháng 10 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 17/10: Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ
D.Ngân - 17/10/2024 09:34
 
Phụ nữ chiếm một phần lớn lực lượng lao động trong xã hội. Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là yếu tố quyết định đến sự phát triển của xã hội.

Sức khỏe của phụ nữ cần được cộng đồng quan tâm

Việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ không chỉ là một vấn đề cá nhân mà còn là một yếu tố quyết định trong sự phát triển của xã hội, góp phần tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Sức khỏe tốt giúp phụ nữ tham gia tích cực hơn vào các hoạt động xã hội, gia đình và công việc.

Phụ nữ chiếm một phần lớn lực lượng lao động trong xã hội. Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là yếu tố quyết định đến sự phát triển của xã hội.

Khi phụ nữ khỏe mạnh, họ có khả năng nuôi dưỡng và chăm sóc gia đình tốt hơn, từ đó tạo ra một môi trường sống lành mạnh cho thế hệ tiếp theo.

Phụ nữ chiếm một phần lớn lực lượng lao động, và sức khỏe tốt giúp họ làm việc hiệu quả hơn. Việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ không chỉ mang lại lợi ích cá nhân mà còn nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho toàn xã hội.

Việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, đặc biệt là trong các giai đoạn nhạy cảm như mang thai, sinh nở, và mãn kinh, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng.

Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí y tế mà còn giảm áp lực cho hệ thống y tế. Chăm sóc sức khỏe phụ nữ là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.

Khi phụ nữ có quyền tiếp cận dịch vụ y tế, họ có thể đưa ra những quyết định về sức khỏe của bản thân và gia đình, từ đó nâng cao vị thế của họ trong xã hội. Một xã hội mà phụ nữ được chăm sóc sức khỏe tốt sẽ dẫn đến sự phát triển bền vững hơn.

Sức khỏe phụ nữ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em và gia đình, qua đó tạo ra một cộng đồng khỏe mạnh và thịnh vượng hơn.

Để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh, đang trở thành vấn đề cấp thiết khi số lượng phụ nữ chịu ảnh hưởng từ quá trình suy giảm nội tiết ngày càng gia tăng.

Giai đoạn không chỉ gây ra những thay đổi về thể chất và tinh thần, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý như loãng xương, tim mạch và suy giảm chất lượng cuộc sống. Do đó, việc chú trọng phòng ngừa, quản lý và điều trị sớm là yếu tố then chốt giúp phụ nữ duy trì sức khỏe và chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Tại Hội thảo “Hưởng ứng Ngày mãn kinh thế giới năm 2024: Liệu pháp Nội tiết Mãn kinh”, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cho biết, Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, trong đó có 13 triệu phụ nữ ở độ tuổi này.

Nếu tính cả những người bắt đầu bước vào giai đoạn suy giảm nội tiết tố (từ sau 35 tuổi), con số này tăng lên khoảng 20 triệu, chiếm 1/5 dân số.

Ông Tuấn nhấn mạnh rằng suy giảm nội tiết là quá trình sinh lý tự nhiên, nhưng hậu quả của nó có thể trở thành vấn đề bệnh lý, đặc biệt là nguy cơ loãng xương, bệnh tim mạch và các vấn đề xương khớp ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh.

Ông Tuấn khuyến cáo, phụ nữ không nên chỉ điều trị khi có triệu chứng mà cần chủ động phòng ngừa từ sớm bằng cách cải thiện chế độ sinh hoạt, tập luyện, ăn uống, bổ sung vi chất và nội tiết từ nguồn thực vật.

Nếu gặp các vấn đề bất thường, cần tìm đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. Hiện tại, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh, đồng thời đào tạo nhân lực và triển khai các phòng khám tư vấn mãn kinh tại các bệnh viện sản phụ khoa.

Gánh nặng bệnh ung thư vú

Việt Nam ghi nhận khoảng 24.600 ca mới mắc ung thư vú và 10.000 ca tử vong mỗi năm, chiếm 1/3 tổng số ca ung thư ở nữ giới. Tuy ung thư vú là căn bệnh có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, nhưng vẫn còn rất nhiều chị em phụ nữ chưa chủ động tự đi khám sàng lọc.

Độ tuổi mắc ung thư vú ngày càng trẻ hóa, tạo ra thách thức lớn cả phía người bệnh và hệ thống y tế

Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở nữ giới không chỉ trên thế giới mà cả tại Việt Nam. Theo thống kê từ GLOBOCAN năm 2022, thế giới ghi nhận gần 2,3 triệu ca mới mắc và 666.000 ca tử vong do ung thư vú mỗi năm. Việt Nam ghi nhận khoảng 24.600 ca mới mắc và 10.000 ca tử vong mỗi năm, chiếm 1/3 tổng số ca ung thư ở nữ giới.

Đặc biệt, độ tuổi mắc bệnh ung thư vú ngày càng trẻ hóa, tạo ra thách thức lớn cho cả người bệnh và hệ thống y tế. Nhiều phụ nữ vì e ngại mà trì hoãn việc khám tầm soát, dẫn đến việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khiến điều trị trở nên khó khăn và kém hiệu quả.

Tuy nhiên ung thư vú là căn bệnh có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.

GS-TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, y học đã đạt nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư vú, từ phẫu thuật, xạ trị, hóa trị cho đến các phương pháp tiên tiến như liệu pháp nội tiết, nhắm trúng đích và miễn dịch. Những bước tiến này đã nâng cao chất lượng điều trị, mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân.

Những năm gần đây, tỷ lệ phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm (giai đoạn 0, 1,2) đã đạt 76,6% so với 52,4% ở giai đoạn 2008-2010"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói và nhấn mạnh thêm nếu được chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống thêm 5 năm của bệnh nhân có thể lên đến 90%, thậm chí với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, tỷ lệ sống thêm 10 năm ở giai đoạn sớm là trên 80%.

Tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thắng thắn cho hay, trên thực tế vẫn còn rất nhiều chị em phụ nữ Việt Nam chưa chủ động trong việc tự đi khám sàng lọc bệnh ung thư vú.

Khắc phục tình trạng thiếu nguồn hiến mô, tạng

Kể từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 tại Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), đến nay, ghép tạng ở Việt Nam đã trở thành kỹ thuật thường quy, trình độ kỹ thuật đã bắt kịp thế giới.

Tuy nhiên, nguồn mô, tạng hiến ở nước ta, đặc biệt là từ người hiến sau chết não, còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, ghép tạng ngày càng gia tăng của người bệnh trên cả nước.

Ghép tạng là điều kỳ diệu nhất của y học và là một trong 12 phát minh khoa học kỹ thuật vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20.

Theo đánh giá, ghép tạng chỉ thực hiện được ở một nước có nền y học tiên tiến. Tuy nhiên tại Việt Nam, từ một nước công nghiệp lạc hậu, chiến tranh kéo dài kèm theo với cấm vận, lại xuất phát chậm hơn thế giới hơn 40 năm, chỉ sau hơn 30 năm ghép tạng Việt Nam đã theo kịp được thế giới.

Số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho thấy, tính từ ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại Học viện Quân y vào ngày 4/6/1992, đến hết tháng 8/2024, tổng số ca ghép tạng đã được thực hiện tại Việt Nam là 9.089 ca.

Cụ thể, có: 8.331 ca ghép thận (8.011 ca hiến sống, chết não 313 ca và 7 ca chết tim); ghép gan 649 ca (521 ca hiến sống, 128 ca chết não); ghép tim 90 ca; ghép thận-tụy 1 ca; ghép tụy 1 ca; ghép tim-phổi 1 ca; ghép phổi 11 ca; ghép chi trên 3 ca; ghép ruột 2 ca.

Đáng chú ý, số lượng ca chết não hiến mô, tạng trong 9 tháng năm 2024 là 25 ca (năm 2023 chỉ có 14 ca chết não hiến mô, tạng), góp phần tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/829 bệnh nhân ghép (đạt tỷ lệ 10,49%).

Đây cũng được coi là số kỷ lục của Việt Nam, vì trước đây, tỷ lệ tạng hiến từ người chết não khoảng từ 5% đến 6%. Ngoài ra, với sự nỗ lực của ngành y tế, đến nay cả nước đã có 29 bệnh viện thực hiện ghép tạng, trong đó có 27 bệnh viện ghép thận, 8 bệnh viện ghép gan, năm bệnh viện ghép tim, bốn bệnh viện ghép phổi và hai bệnh viện ghép tụy.

GS-TS.Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam đánh giá, ghép tạng Việt Nam trong hơn 30 năm qua đạt được những kết quả kỳ diệu, song một cản trở lớn là thiếu nguồn tạng ghép.

Mặc dù thời gian qua, tỷ lệ đăng ký hiến tặng của người dân và tỷ lệ hiến tặng sau chết não của Việt Nam có tăng, nhưng vẫn thuộc nhóm các nước có tỷ lệ hiến tạng từ người sau chết não thấp nhất thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Trung tâm Điều phối tạng quốc gia và Hội Ghép tạng Việt Nam đã tích cực tìm các giải pháp, song kết quả vẫn rất hạn chế, thiếu tính bền vững.

PGS-TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết, tính đến tháng 7/2024, số người đăng ký hiến mô, tạng tại Việt Nam khoảng 101 nghìn người.

Trong khi đó, nguồn hiến mô, tạng tại Việt Nam trong giai đoạn 1992-2023 từ hiến chết não mới đạt khoảng 6%. Ngược lại, tại các quốc gia phát triển trên thế giới, phần lớn tạng đến từ nguồn người cho chết (từ 90% đến 95%), nguồn người cho sống chỉ chiếm từ 5% đến 10%.

Để thúc đẩy hoạt động hiến mô, tạng tại Việt Nam, PGS-TS.Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, cần có sự chung tay của toàn xã hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chức sắc tôn giáo từ Trung ương đến địa phương, nhất là các cơ quan truyền thông.

Hệ thống các bệnh viện hiến và ghép tạng cần thành lập các chi hội vận động hiến mô, tạng và các đơn vị tư vấn hiến tạng sau chết não để có sự đồng ý hiến tạng từ phía gia đình người bệnh; tôn vinh, tri ân kịp thời người hiến tạng chết não và gia đình của người hiến mô, tạng.

Các địa phương cần xây dựng mạng lưới hội vận động hiến mô, tạng; tổ chức tập huấn kiến thức, thực hành và truyền thông vận động hiến mô, tạng tại cộng đồng.

Trong dự thảo Luật Hiến tạng sửa đổi tới đây, Chính phủ, Bộ Y tế cần nghiên cứu bổ sung quy định như: Những người lúc sống chưa đăng ký hiến mô, tạng nhưng khi qua đời được gia đình đồng ý vẫn có thể hiến tạng, xây dựng cơ chế tài chính, chi trả cho công tác tư vấn hiến, lấy, ghép và điều phối tạng từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn tài chính hợp pháp khác để hỗ trợ nhiều người có cơ hội được cứu sống, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Chính phủ cũng cần có quy định về quản lý nguồn tạng từ người hiến tặng; hiến tạng và được ghép tạng là quyền công dân, cần bảo đảm công bằng, công khai, để từng bước đáp ứng nhu cầu ghép mô, tạng của người bệnh ngày một gia tăng...

Cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ toàn diện cho người cao tuổi
Ngày 4/10 và 5/10/2024, Hội Lão khoa Việt Nam và Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ V.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư