Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 23/10: Nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm ở nam giới khi thời tiết chuyển lạnh
D.Ngân - 23/10/2024 08:52
 
Các bác sỹ cảnh báo nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm ở nam giới thường xảy ra khi thời tiết chuyển lạnh. Nếu không được cấp cứu, chẩn đoán cũng như xử lý kịp thời, người bệnh có thể phải đối diện với nguy cơ sức khoẻ sinh sản.

Nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm ở nam giới khi thời tiết chuyển lạnh

Ngày 22/10, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thông tin vừa phẫu thuật và bảo tồn thành công một ca xoắn tinh hoàn cho nam sinh 15 tuổi.

Ths.Trịnh Kiên Cường trong một ca phẫu thuật cho bệnh nhân.

Bệnh nhân thấy đau bộ phận nam giới, sợ mình mắc bệnh nên bệnh nhân vội vàng nhập viện thăm khám và phẫu thuật kịp thời nên đã bảo tồn được tối đa chức năng.

Tại Bệnh viện, qua khám lâm sàng, bác sỹ nhận thấy tình trạng bệnh nhân nặng nên bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu ngay để bảo toàn tối đa chức năng tinh hoàn.

ThS.Trịnh Kiên Cường, chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thông tin, từ lúc bệnh nhân vào viện đến lúc bắt đầu tiến hành mổ chỉ khoảng hơn 1 tiếng. Quá trình thăm khám diễn ra rất nhanh và các bác sỹ xác định mổ càng sớm càng tốt.

Cũng theo ThS.Trịnh Kiên Cường, nếu không được cấp cứu, chẩn đoán cũng như xử lý kịp thời thì người bệnh có thể phải đối diện với nguy cơ sức khỏe sinh sản.

Mặc dù đây là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trên thực tế, bệnh thường gặp trong các tình huống trước hoặc trong tuổi dậy thì; khi thời tiết lạnh, dẫn đến kích thích hoặc có các bất thường. Bệnh thường xảy ra vào ban đêm hoặc rạng sáng với triệu chứng xuất hiện cơn đau đột ngột, dữ dội.

Tuy nhiên, bệnh ở lứa tuổi thanh niên có thể chỉ gây đau nhưng không nhiều khiến nhiều nam giới trẻ chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu và thường đến viện quá trễ. Hệ quả của việc điều trị xoắn tinh hoàn muộn sẽ rất nặng nề.

Để tránh những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra, Ths.Trịnh Kiên Cường nhấn mạnh, nam giới khi có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo nguy cơ xoắn tinh hoàn, người bệnh nên nhập viện để được cấp cứu sớm, tránh nguy cơ điều trị muộn hoặc sai phương pháp có thể buộc phải cắt bỏ tinh hoàn.

Biến chứng bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường

Nam bệnh nhân 66 tuổi, mắc bệnh tiểu đường, xuất hiện bọng nước khoảng 2 cm ở chân, bốn tháng sau thành vết loét rộng hơn 15 cm.

Vết thương của bệnh nhân loét nông, chưa ảnh hưởng đến các mô sâu và xương. Xung quanh vết loét là các mảng da dày sừng do quá trình viêm kéo dài.

Đây là vết thương mạn tính hình thành trên nền bệnh bọng nước tiểu đường.

Theo TS.Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bệnh nhân điều trị bằng thuốc kháng sinh, cắt lọc loại bỏ những mô hoại tử, mảng mục và mô xơ chai.

Các bác sỹ đánh giá tình trạng vết thương hàng ngày, hàng tuần để điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần thiết. Sau một tháng, vết thương lên mô hạt, dần lành lặn, bệnh nhân ổn định sức khỏe.

Quá trình lành thương bình thường có 4 giai đoạn gồm đông máu, viêm, tăng sinh mô hạt, biểu bì hóa và tái cấu trúc.

Bác sỹ Hoàng cho biết người bệnh tiểu đường bị rối loạn chuyển hóa khiến giai đoạn viêm kéo dài từ vài tháng đến hai năm, còn gọi là vết thương mạn tính.

Vết thương mạn tính hình thành từ vết loét tì đè, bàn chân tiểu đường, môi trường, tổn thương da bởi tia bức xạ, phù bạch huyết, khối u... Bệnh nhân không điều trị đúng nguy cơ nhiễm trùng nặng, biến chứng, phải cắt cụt chân, mất nhiều thời gian và chi phí điều trị.

Bác sỹ khuyến cáo người bệnh tiểu đường có vết thương, nhất là ở bàn chân, nên đi khám chuyên khoa Nội tiết - đái tháo đường để điều trị đúng kỹ thuật.

Bé gái 8 tuổi tử vong sau khi ăn cà gai leo trên rừng

Sau khi ăn cà gai leo trên rừng, cháu bé có biểu hiện đau đầu, li bì. Bệnh nhi được cấp cứu tích cực song tình trạng quá nặng, người nhà xin đưa về nhà lo hậu sự.

Ngày 22/10, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, vừa tiếp nhận một ca bệnh nghi ngộ độc do ăn cà gai leo trên rừng.

Trước đó, bệnh nhi 8 tuổi, trú tại xã miền núi Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, nhịp tim rời rạc.

Khai thác bệnh sử, người nhà cháu bé cho biết quá trình lên rừng, cháu có hái cà gai leo để ăn. Khi cháu có triệu chứng mệt, đau đầu, li bì thì được đưa tới viện.

Bệnh nhi được cấp cứu tích cực song tình trạng quá nặng, người nhà xin đưa về nhà lo hậu sự. Bác sỹ chẩn đoán bệnh nhi ngừng hô hấp tuần hoàn, ngộ độc cà gai leo.

Bác sỹ Trần Thị Lệ Hồng, Trưởng Khoa Y Dược cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết, cà gai leo được đánh giá là một loại dược liệu tốt, tính ấm, vị the, có tính hơi độc được dùng chữa trị nhiều loại bệnh lý.

Người ta thường dùng rễ, cành, lá của cà gai leo để chế xuất dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc viên. Loại dược liệu này cũng có thể dùng bằng cách giã nát lá chiết nước uống và lấy bã đắp.

Tuy nhiên, trong cà gai leo chứa thành phần alcaloid có thể tác động lên hệ thần kinh giao cảm làm tăng nhịp tim, vã mồ hôi, giãn đồng tử, khô môi, khô miệng, chảy nước mắt, lơ mơ.

Nếu sử dụng quá nhiều cà gai leo hoặc sử dụng không đúng cách có thể ngộ độc alcaloid, nguy cơ tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Trong cà gai leo có nhiều hoạt chất nếu xử lý đúng thì có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, tăng cường sức khỏe. Nếu chế biến không đúng cách có thể trở thành chất độc. Trường hợp cháu bé này có thể do lượng cà tươi cháu dùng trên rừng nhiều dẫn đến ngộ độc.

Đặc biệt, một số trường hợp không nên sử dụng cà gai leo như phụ nữ mang thai, người có bệnh lý về thận.

Cùng với đó, khi sử dụng cà gai leo cần xác minh rõ nguồn gốc, xuất xứ tránh việc nhầm lẫn với các loại cà khác không đảm bảo chất lượng, có thành phần không tốt cho sức khỏe.

Do đó, khuyến cáo nếu muốn sử dụng cà gai leo nên được tư vấn bởi các bác sĩ y học cổ truyền để biết liều lượng phù hợp với bản thân.

Đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế cho điều trị vô sinh, hiếm muộn
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2024 đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và theo dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư