Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 24/7: Ban bố tình trạng khẩn cấp với đậu mùa khỉ
D.Ngân - 24/07/2022 12:17
 
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, ngày 23/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ, mức cảnh báo cao nhất của WHO.

Nâng mức cảnh báo

Tối 23/7 theo giờ Việt Nam, WHO đã quyết định ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì làn sóng bùng phát các ca mắc đậu mùa khỉ tại nhiều nơi trên thế giới.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với đậu mùa khỉ. Ảnh: GETTY IMAGES

Reuters dẫn thông báo trên trang chủ của WHO cho hay, cơ quan y tế của Liên hợp quốc quyết định ban bố tình trạng y tế khẩn cấp công cộng trên phạm vi toàn cầu, sau khi số ca mắc đậu mùa khỉ gia tăng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đây là mức cảnh báo cao nhất của WHO liên quan tới sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ.

Phát biểu với báo giới, Tổng giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus nhận định, mối đe dọa của bệnh đậu mùa khỉ hiện ở mức độ vừa phải trên toàn cầu, ngoại trừ ở châu Âu là mức cao.

Theo các quan chức WHO, gần một nửa trong số những nước phát hiện bệnh đậu mùa khỉ vào thời điểm hiện nay đã bảo đảm khả năng tiếp cận vắc-xin ngừa căn bệnh này.

Trước nay, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lưu hành ở Trung Phi và Tây Phi nhưng từ tháng 5 vừa qua, bệnh đã xuất hiện ở bên ngoài 2 khu vực này và bắt đầu lây lan nhanh. 

Tính đến nay đã có hơn 15.000 ca được báo cáo mắc bệnh đậu mùa khỉ ở những nước trước đây không hề phát hiện căn bệnh này. Ở Mỹ và châu Âu, phần lớn các ca lây nhiễm xảy ra ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, mặc dù các quan chức y tế nhấn mạnh bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm loại virus này.

Theo các quan chức WHO, gần một nửa trong số những nước phát hiện bệnh đậu mùa khỉ vào thời điểm hiện nay đã đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin ngừa căn bệnh này.

 Phát hiện thêm 3 ca hoại tử xương hàm sau mắc Covid-19 trong đó có 2 ca tử vong

Tại Hội nghị Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 48, diễn ra tại TP. HCM mới đây, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã báo cáo về chùm ca bệnh nhiễm nấm đen Mucormycosis mà bệnh viện đã điều trị trong thời gian gần đây.

Đáng chú ý, có hai trường hợp nhiễm nấm đen bị hoại tử xương nặng, không qua khỏi là bệnh nhân "hậu Covid-19".

Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường, trường hợp đầu tiên là một người đàn ông 64 tuổi, sống ở Nam Định, có tiền sử đái tháo đường. 24 ngày trước khi nhập viện, ông phát hiện nhiễm Covid-19 và tự theo dõi tại nhà.

Khoảng 3 tuần sau, ông cảm thấy đau răng hàm trái nên đi khám và uống thuốc ở phòng khám tư. 

Tuy nhiên, mặt ông bị sưng nề nhanh, mắt phải gần như mất thị lực và được chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai.

Tại đây, các bác sĩ tai mũi họng chẩn đoán ông bị viêm xoang cấp, nghi ngờ áp xe. Chỉ trong 20 ngày, bệnh nhân hoại tử mũi, khoét sâu và phải mổ cấp cứu. 

Khi mở ra, các bác sĩ thấy niêm mạc xoang hàm, cánh mũi và phần mềm che phủ trước gò má đã hoại tử đen.

Ê kíp phẫu thuật cắt lọc toàn bộ phần hoại tử, tạo vạt che phủ cánh mũi. Giải phẫu bệnh cho thấy người này bị nhiễm nấm đen Mucormycosis và được điều chỉnh sử dụng thuốc kháng nấm.

Sau 4 tuần, mức độ hoại tử ngày càng tăng lên. Bệnh nhân hoại tử toàn bộ xương hàm, xương gò má và cánh mũi, phải chuyển sang khoa phẫu thuật tạo hình. Sau ca tạo hình hàm mặt, bệnh nhân rơi vào suy kiệt, sốc nhiễm khuẩn và tử vong sau đó. 

Trường hợp thứ 2 là một người đàn ông 59 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, được chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai hồi cuối tháng 3/2022. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhưng không điều trị. 

Bác sĩ Cường cho hay, 15 ngày trước nhập viện, người này bị sưng đau vùng hàm mặt bên trái, có nhổ răng và đau nhức. Một ngày sau, ông mắc Covid-19 và tự theo dõi ở nhà.

Tuy nhiên, bệnh nhân tiếp tục sưng đau mặt kèm sốt, đau đầu, khó thở tăng dần. Do đó, ông được chuyển đến một bệnh viện tại Nghệ An trong tình trạng ý thức lơ mơ, CT-Scan sọ có hình ảnh tụ khí nội sọ, tổn thương thùy thái dương.

Khi chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã sưng nề toàn bộ mặt, lan đến vùng cổ, mắt trái sưng lồi, chảy mủ, đồng tử giãn 4mm, mắt gần như hỏng.

Bác sĩ quyết định điều trị theo hướng nhiễm trùng huyết, dùng kháng sinh phổ rộng. MRI sọ não cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não cấp tính, tắc hoàn toàn động mạch não giữa, kèm theo viêm đa xoang biến chứng áp xe vùng má, lan vào mắt trái và nội sọ, viêm màng não.

Bệnh viện Bạch Mai đã hội chẩn toàn viện và tiến hành mổ cấp cứu với nhiều chuyên khoa như Phẫu thuật thần kinh, Tai mũi họng, Răng hàm mặt. 

Ê-kip lấy ra rất nhiều niêm mạc hoại tử, mủn, tắc mạch kèm theo. Bệnh nhân được cắt lọc hoại tử từ răng đến xoang hàm, lấy bỏ áp xe răng và sàn dưới hốc mắt, mở sọ giảm áp. Giải phẫu bệnh cho kết quả tổn thương sợi nấm, thâm nhiễm xương hàm do nhiễm nấm Mucormycosis.

Mặc dù được điều tích cực nhưng sau mổ, bệnh nhân hôn mê sâu, tổn thương não. Gia đình đã xin về và người bệnh tử vong sau đó.

“Đó là ca bệnh thứ hai liên quan Covid-19 trên bệnh nhân tiểu đường”, bác sĩ Cường nói.

Ngoài 2 trường hợp trên, Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận bà N.T.T. (72 tuổi), nhập viện ngày 15/6 với tình trạng viêm xoang hàm cấp trên, chưa ghi nhận nhiễm Covid-19 nhưng có tiền sử đái tháo đường không kiểm soát tốt. Bệnh nhân được mổ cấp cứu, giải phẫu bệnh cho kết quả tổn thương do nhiễm Mucormycosis.

Hậu phẫu, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, thuốc kháng nấm liên tục 3 tuần. Hiện tình trạng bệnh nhân có cải thiện nhưng chưa biết còn điều trị kéo dài bao lâu nữa.

Sau 3 ca bệnh, nhận thấy nấm Mucormycosis chủ yếu gây tổn thương hàm mặt trên người có bệnh lý đái tháo đường, có thể sau khi mắc COVID-19. Tất cả bệnh nhân đều đến khám đầu tiên ở chuyên khoa Tai mũi họng và Răng hàm mặt.

Bệnh nấm đen Mucormycosis là một bệnh nhiễm trùng nấm nghiêm trọng, hiếm gặp do nấm mốc Mucormycetes gây ra. Nấm sống ở môi trường như đất, nước, nhất là chất hữu cơ (như rau quả) đang thối rữa, có thể hít vào hoặc xâm nhập qua vết xước trên da. 

Nấm dễ xâm nhập trên người suy giảm miễn dịch, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường trong giai đoạn toan ceton, hay người sử dụng nhiều corticoid.

Thống kê cho thấy, trên bình diện toàn cầu, tỷ lệ nhiễm Mucormycosis dao động từ 0,005 đến 17/1.000.000 dân. Ấn Độ là nước có tỷ lệ nhiễm Mucormycosis cao nhất thế giới, gấp hơn 80 lần so với các nước phát triển. 

Sau đại dịch, nước này từng báo cáo hàng loạt ca nhiễm nấm đen ở bệnh nhân từng mắc Covid-19. Các ca nhiễm nấm thường xảy ra từ 12-18 ngày sau khi khỏi Covid-19. 80% trong số này cần phẫu thuật và tỷ lệ tử vong lên đến hơn 94% nếu xâm lấn vào não.

Thống kê đặc điểm các ca nhiễm nấm Mucormycosis là bệnh nhân Covid-19, người ta thấy 78% là nam giới, 80% có bệnh tiểu đường không kiểm soát, nhiều trường hợp biểu hiện tổn thương xoang, mắt, phổi và trên 30% bệnh nhân tử vong.

Được biết, cách đây ít ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đã ghi nhận 11 ca viêm hoại tử xương vùng hàm mặt, xương sọ do nấm Candida, Aspergilus và vi trùng trong vòng 2 tháng. 

Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương tại TP.HCM có 16 ca hoại tử hàm trên trong 5 tháng (3 ca nặng được chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy).

Trước đó, Bộ Y tế yêu cầu 2 bệnh viện lập hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân gây bệnh hoại tử xương hàm mặt ở một số bệnh nhân.

Tin mới về y tế ngày 4/6: WHO khuyến cáo về bệnh đậu mùa khỉ
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật sang người và giữa người với người.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư