Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 25/1: Bắn pháo hoa mừng tiệc tất niên, nhiều người bị bỏng
D.Ngân - 25/01/2024 08:50
 
Thông tin từ một số cơ sở y tế cho hay đã có nhiều bệnh nhân bị bỏng phải nhập viện vì bắn pháo hoa mừng tất niên.

Cảnh báo nguy hiểm từ sự chủ quan

Chị V.H.A. (26 tuổin ở TP.HCM) đến khám tại chuyên khoa Da liễu-Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng chân trái sưng phù, rộp nước, rỉ dịch vàng… không đi lại được, phải hỗ trợ di chuyển bằng xe lăn.

Thông tin từ một số cơ sở y tế cho hay đã có nhiều bệnh nhân bị bỏng phải nhập viện vì bắn pháo hoa mừng tất niên - Ảnh minh họa

Trước đó, chị A. tham dự tiệc cuối năm cùng công ty. Buổi tiệc mở màn với tiết mục bắn pháo hoa. Sau 4 phát đầu bắn lên cao, hộp pháo văng khỏi vị trí cũ, miệng pháo hướng thẳng về phía bàn tiệc. Nhiều người tháo chạy, một số người bị tia lửa bắn sượt qua mặt, tay chân, hoặc bắn thủng quần áo.

“Tôi không tránh kịp nên bị nặng nhất, tia lửa phụt thẳng vào mu bàn chân kéo dài lên giữa ống chân trái”, chị A. kể lại cảnh tượng hỗn loạn lúc đó.

Sau vài phút, dàn pháo tắt hoàn toàn. Phát hiện chân bị bỏng, nóng rát, có vệt bột màu trắng ngà trên da, chị A. vội rửa với nước sạch, chườm đá lạnh. Chị tự mua thuốc bôi nhưng qua 5 ngày vết thương không đỡ.

Bác sĩ CKI Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, cho biết chị A. bị bỏng độ hai, bội nhiễm (có tình trạng nhiễm trùng kèm theo).

Người bệnh được điều trị với thuốc kháng sinh, kháng viêm và thuốc thoa; đồng thời, bác sĩ hướng dẫn chị cách vệ sinh và thay băng vết thương mỗi ngày.

Theo bác sĩ Vân, ngày đầu tiên bị bỏng, vết thương của người bệnh không quá nghiêm trọng nhưng dần diễn tiến nặng là do các hóa chất có trong pháo hoa (phốt pho, lưu huỳnh, kali clorat…).

Hóa chất không được loại bỏ hoàn toàn hoặc rửa sạch kịp thời sẽ thấm sâu hoặc lan rộng ra các vùng mô xung quanh, gây tổn thương cấu trúc và chức năng của da, mô dưới da.

Phản ứng dị ứng hoặc kích ứng đối với hóa chất cũng gây ra hiện tượng viêm dẫn đến đỏ, ngứa, sưng, đau kéo dài. Ngoài ra, vết bỏng bị nhiễm khuẩn thêm do chưa được điều trị và chăm sóc đúng cách.

“Nếu chị A. đến bệnh viện trễ hơn hoặc tiếp tục điều trị không đúng cách, vết thương có thể ngày càng nặng hơn, nhiễm trùng lan rộng. Dù lành thương vẫn dễ bị các di chứng sẹo xấu, như sẹo lồi, sẹo co kéo gây đau hoặc ảnh hưởng đến việc đi lại. Nguy hiểm hơn, một số trường hợp nặng, vết thương bị hoại tử, phải cắt lọc phần hoại tử hoặc đoạn chi, nguy cơ nhiễm trùng huyết”, bác sĩ Vân nhấn mạnh.

Sau một tuần điều trị, vết thương của chị A. đã lành dần, chị không còn đau nhức, đi lại bình thường. Tuy nhiên có nguy cơ bị sẹo nhỏ ở hai điểm tổn thương sâu nhất và tăng sắc tố (vết thâm) sau viêm ở các vùng khác.

Bác sĩ Vân cho biết tai nạn do pháo dịp gần Tết rất thường gặp. Bỏng pháo được xem là một trong những loại bỏng nguy hiểm nhất. Pháo hoa phát nổ tạo ra nhiệt độ cao và áp suất mạnh, nếu bắn trúng người sẽ gây bỏng sâu và nghiêm trọng hơn so với bỏng nhiệt thông thường. Tia lửa còn gây cháy và bỏng đối với người đứng ở cự ly gần.

Các mảnh vỡ của pháo bay ra phía ngoài với tốc độ rất nhanh và thường có nhiệt độ cao, ngoài bỏng còn có thể gây ra các vết cắt hoặc chấn thương đi kèm, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Mặt khác, pháo hoa có chứa các chất nổ và các nhiên liệu có khả năng gây cháy, nhất là đối với các loại pháo tự chế. Loại này thường dùng lưu huỳnh và kali clorat (KClO3) rất dễ bốc cháy và phát nổ trong lúc chế tạo gây bỏng nặng, tổn thương cơ quan nghiêm trọng, nhất là vùng mặt và tay.

Nếu bị tai nạn do pháo, cần nhanh chóng ngâm, rửa vùng da bị bỏng bằng nước sạch trong 30 phút. Người gặp nạn nên cởi bỏ quần áo chật, loại bỏ các dị vật hoặc tác nhân gây bỏng còn bám dính trên bề mặt da. Che phủ bề mặt vết bỏng bằng gạc hoặc khăn sạch và đưa người gặp nạn đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

“Không được sơ cứu vết bỏng bằng bôi nước vôi, kem đánh răng, mỡ trăn hoặc đắp các loại lá lên vùng bị thương để tránh nhiễm trùng, biến chứng nghiêm trọng hơn”, bác sĩ Vân khuyến cáo.

Theo hướng dẫn sử dụng của Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng (Việt Nam), pháo hoa giàn phun viên chỉ sử dụng ở ngoài trời, nơi không có mái che. Không sử dụng sản phẩm ở nơi có chất dễ gây cháy (xăng, dầu, khí ga). Khi sử dụng, không hướng sản phẩm vào người, động vật hoặc vật liệu dễ gây cháy, nổ.

Không để sản phẩm bị đổ khi sử dụng. Giàn pháo phải được đặt thẳng đứng trên mặt phẳng cứng theo chiều mũi tên hướng lên trên. Nếu đặt sản phẩm lên các vật liệu dễ cháy (gỗ, thảm), phải lót vật liệu chống cháy hoặc làm ẩm xung quanh với khoảng cách lớn hơn 1m. Khi kích hoạt (đốt dây mồi cháy) xong phải lùi ra xa ít nhất 10m để giữ an toàn.

Không để người nhà bệnh nhân nằm ngoài hành lang, ghế đá ngoài trời rét

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa, bệnh thực hiện phòng chống rét cho người nhà người bệnh hợp lý, không để người nhà người bệnh nằm ngoài hành lang hoặc ghế đá ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp gây nguy hại đến sức khoẻ.

rong những ngày qua, nhiệt độ của Thủ đô Hà Nội xuống thấp, rét đậm, rét hại có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Công văn số 21/SYT-NVY gửi các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập yêu cầu tăng cường công tác phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc Gia, thời tiết tại miền Bắc đang xuống thấp, dự kiến sẽ có những ngày rét đậm trong mùa đông năm nay và những tháng đầu năm 2024.

Thời tiết giá lạnh gây ảnh hưởng tới tình hình sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ em, những người có bệnh mãn tính về hô hấp, xương khớp, tim mạch, huyết áp…

Để giảm thiểu tác hại thời tiết đối với sức khỏe nhân dân, người bệnh và người nhà chăm sóc người bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh.

Các cơ sở chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp như các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp… có nguy cơ xảy ra nhiều hơn trong thời tiết giá lạnh.

Đặc biệt, các cơ sở cần tăng cường tập huấn kỹ năng chẩn đoán, xử trí bệnh đột quỵ, đánh giá tình trạng bệnh và nguy cơ để chuyển viện cứu chữa kịp thời trong “giờ vàng”.

Cùng với đó, các cơ sở bảo đảm việc phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện: nơi xếp hàng chờ khám, khoa khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, buồng bệnh… cần bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, lò sưởi và phương tiện giữ nhiệt độ phù hợp như yêu cầu của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện 2.0.

Mặt khác, các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện phòng chống rét cho người nhà người bệnh hợp lý, không để người nhà người bệnh nằm ngoài hành lang hoặc ghế đá ngoài trời, gây nguy hại đến sức khoẻ.

Các đơn vị phối hợp với các đơn vị thực hiện tuyên truyền cho người dân địa phương về nguy cơ của thời tiết tới sức khoẻ, tăng cường phòng chống rét đặc biệt các đối tượng người già và trẻ em; nhà cửa được che chắn kỹ, bảo đảm quần áo đủ ấm. Cảnh báo để người dân biết về các tai nạn do sưởi như bỏng lửa, ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong không gian kín.

Nhiều người ở Lạng Sơn bị ngộ độc, cấp cứu do sưởi than

Thời tiết buốt giá, khắc nghiệt ở Lạng Sơn, nhiều gia đình sử dụng đặt than ấm sưởi trong nhà và phòng tắm khiến 3 nạn nhân ngộ độc khí CO, nguy hiểm đến tính mạng.

Các ngành chức năng Lạng Sơn khuyến cáo, những ngày này, thời tiết lạnh giá, nhiệt độ xuống thấp, người dân thường có thói quen đốt than sưởi ấm.

Tuy nhiên, việc làm này lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Theo các bác sĩ, đốt than trong phòng ngủ, không gian chật hẹp, đóng kín cửa sẽ đốt hết khí oxy, sản sinh ra khí CO gây ngộ độc.

Với đặc điểm của khí CO là không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ. Quá trình nhiễm độc khí xảy ra rất nhanh, khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy cơ thể bất thường gần như đã rơi vào tình trạng ngộ độc, khó nhận thức, không còn khả năng ứng phó và tự ra khỏi khu vực có khí độc rồi lịm dần.

Ngộ độc khí CO có thể gây nên những tổn thương não khó hồi phục nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Một số trường hợp ngộ độc nặng sẽ dẫn tới tử vong.

Khi phát hiện có người bị ngạt khí, cần nhanh chóng đưa nạn nhân rời khỏi phòng, ra ngoài không gian thoáng khí để kịp thời bổ sung oxy, đồng thời gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư