Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 25/10: Hai cơ sở thẩm mỹ hành nghề trái phép gây biến chứng nặng
D.Ngân - 25/10/2024 09:19
 
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc 2 cơ sở hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ trái phép, gây biến chứng nặng cho khách hàng, trốn tránh trách nhiệm.

TP.HCM: Hai cơ sở thẩm mỹ hành nghề trái phép

Trường hợp thứ nhất xảy ra tại Công ty TNHH Thẩm mỹ viện Kim An có địa chỉ tại 148C Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM.

Ảnh minh họa

Công ty TNHH Thẩm mỹ viện Kim An tại địa chỉ số 148C Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 10/7/2024 do ông L.N.K.N làm Giám đốc, với ngành nghề kinh doanh “Hoạt động của phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa; cắt tóc, gội đầu; chăm sóc da; xăm, phun, thêu trên da (không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm…”. Sở Y tế chưa cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, chiều ngày 22/10/2024, người bệnh đến cơ sở này và được nhân viên B.T.L (học lớp 8, không có bằng cấp về y tế) tiếp nhận, cân đo tình trạng mỡ bệnh nhân, tư vấn người bệnh phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ bụng với giá 30 triệu (người bệnh đã thanh toán 17 triệu), sau đó cho chỉ định xét nghiệm đường huyết nhanh, test nhanh HIV, xét nghiệm nước tiểu Quick test và được nhân viên L.T.T.N (cũng không có bằng cấp về y tế) thực hiện xét nghiệm, đọc kết quả các xét nghiệm.

Sau đó, người bệnh được thực hiện phẫu thuật hút mỡ bụng tại tầng 5 do ông Đ. thực hiện, ca phẫu thuật bắt đầu tiến hành lúc 18 giờ, kết thúc khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày. Sau đó, phát hiện người bệnh lơ mơ, tiếp xúc chậm, người nhà gọi báo Công an Phường Tân Định.

Khi Đoàn kiểm tra yêu cầu ông L.N.K.N cung cấp bằng cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề của ông Đ. và ê-kíp thực hiện hút mỡ cho bệnh nhân thì ông L.N.K.N chỉ cung cấp được số điện thoại, gọi điện thoại thì ông Đ. không nghe máy.

Ông L.N.K.N cho biết công ty này đã nộp hồ sơ về Sở Y tế đề nghị cấp Giấy phép hoạt động Phòng khám chuyên khoa Thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Thẩm mỹ viện Kim An do bác sĩ T.T.N.H chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, hiện đang chờ Sở Y tế thẩn định.

 Phòng Y tế Quận 1 tiến hành lập 3 biên bản vi phạm hành chính số 08/BB-VPHC, số 09/BB-VPHC và số 10/BB-VPHC đối với: (1) Đối với Công ty TNHH Thẩm mỹ viện Kim An do ông L.N.K.N làm Giám đốc, hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 18 tháng;

Đối với ông B.T.L và bà L.T.T.N, hành vi: Khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Đồng thời, tại thời điểm kiểm tra, Đội điều tra tổng hợp, Công an Quận 1 cũng đã tiến hành thu thập chứng cứ, tài liệu,…làm việc với các cá nhân có liên quan.

Mặt khác, Đoàn phát hiện thêm tại cơ sở có hồ sơ khách hàng ghi tên Thẩm mỹ viện FA +, theo bà H.K.D - vợ ông ông L.N.K.N cho biết cơ sở này được chuyển từ Công ty TNHH Thẩm mỹ viện FA +, địa chỉ: 190 Nguyễn Văn Thủ, Phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM đến.

Ngày 9/4/2024, Thanh tra Sở Y tế ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thẩm mỹ viện FA + do bà H.K.D làm Giám đốc, hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 18 tháng.

Cho đến nay, Công ty TNHH Thẩm mỹ viện FA + vẫn chưa chấp hành đóng tiền phạt mặc dù Thanh tra Sở Y tế đã nhắc nộp phạt 03 lần.

Sở Y tế yêu cầu ông Đ. và ê-kíp thực hiện hút mỡ bụng cho bệnh nhân đến làm việc tại Ủy ban nhân dân Quận 1 để làm rõ các sai phạm, Thanh tra Sở Y tế tiếp tục hỗ trợ Phòng Y tế Quận 1 để làm rõ các sai phạm của các cá nhân liên quan, đề nghị Phòng Y tế Quận 1 tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân Quận 1 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định, có báo cáo kết quả về Thanh tra Sở Y tế.

Trường hợp thứ hai ghi nhận thông qua báo cáo nhanh của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức về trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ vào ngày 21/10/2024 tại cơ sở MIN Beauty Academy có địa chỉ: 50C Đường 385, Phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức.

Tiến hành tra cứu nhanh thông tin tại ứng dụng “Tra cứu thông tin hành nghề y, dược TPHCM” ghi nhận tại địa chỉ nêu trên chưa được Sở Y tế cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (hoạt động "chui"), Thanh tra Sở Y tế phối hợp Phòng Y tế thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân Phường, Công an Phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức kiểm tra cơ sở.

Thời điểm kiểm tra ghi nhận cơ sở đóng cửa, không có người bên trong, không còn biển hiệu bên ngoài, bên trong lớp cửa khóa có biển "MIN beauty".

Qua rà soát thông tin, tại địa chỉ này có giấy chứng nhận Hộ kinh doanh Min Beauty Academy, mã số kinh doanh: 41Y8000358 do Phòng Kinh tế - Kế hoạch và Đầu tư - UBND Thành phố Thủ Đức cấp cho bà Đ.T.T.H; Ngành nghề kinh doanh "Cắt tóc, làm đầu, gội đầu, Dịch vụ tắm hơi và các dịch vu tăng cường sức khỏe tương tự (trừ hoạt động thể thao…".

Bệnh nhân cho biết thông qua trang facebook của cơ sở “MIN Beauty Academy” tại địa chỉ số 50C Đường 385, Phường Tăng Nhơn Phú A, Thành phố Thủ Đức và một người quen giới thiệu.

Ngày 21/10/2024 trước khi nhập viện khoảng 03 giờ, bệnh nhân có đi đến cơ sở MIN Beauty Academy phẫu thuật nâng mũi do bà Đ.T.T.H thực hiện.

Sau khi được tiêm thuốc tê và phẫu thuật, bệnh nhân có biểu hiện khó thở và được cơ sở chuyển vào Bệnh viện Lê Văn Việt cấp cứu sau đó chuyển Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức.

Thanh tra Sở Y tế mời Chủ hộ kinh doanh đến làm việc tuy nhiên bà Đ.T.T.H không đến làm việc theo lịch hẹn, có dấu hiệu trốn tránh cơ quan quản lý nhà nước.

Trước thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, có dấu hiệu hành hung người, né tránh, bỏ trốn khi gây tai biến cho khách hàng tại các cơ sở hành nghề "chui", Sở Y tế sẽ chuyển hồ sơ vụ việc đến Công an Thành phố để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Hướng dẫn các cơ sở khám, bệnh, chữa bệnh hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp điều chỉnh giấy phép hoạt động

Cục Quản lý khám, chữa bệnh vừa tổ chức Tập huấn trực tuyến hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục điều chỉnh giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, ngành, các Bệnh viện trường đại học và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

TS.Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục  Quản lý khám, chữa bệnh, cho biết việc lập hồ sơ, thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 9/1/2023 và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh là một công việc quan trọng, quyết định việc được điều chỉnh GPHĐ và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính này.

Thời gian qua, một số cơ sở khám, chữa bệnh công lập đã lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép hoạt động khi thay đổi quy mô hoạt động, phạm vi hoạt động chuyên môn, hoặc bổ sung danh mục kỹ thuật.

Tuy nhiên, hồ sơ còn chưa đầy đủ: như thiếu minh chứng về số liệu hoạt động chuyên môn làm căn cứ cho đề xuất điều chỉnh tăng quy mô giường bệnh, thành lập mới hoặc tách các khoa chuyên môn; nhân lực chưa đáp ứng với đề xuất điều chỉnh; chưa thể hiện đáp ứng yêu cầu về diện tích sàn trên giường bệnh… tác động đến  việc thẩm định, cấp phép.

Thông qua tập huấn giúp các cơ quan quản lý và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nắm rõ hơn và thực hiện lập hồ sơ, thủ tục, quy trình cấp điều chỉnh giấy phép hoạt động theo đúng quy định pháp luật và đồng thời là diễn đàn để Cục Quản lý Khám, chữa bệnh giải đáp, tiếp nhận, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp.

Cũng theo TS. Hà Anh Đức, Bộ Y tế đang xin ý kiến các địa phương về dự thảo Thông tư về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy phép hoạt động, đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố cho ý kiến về dự thảo thông tư được hoàn thiện.

Hôm nay, 25/10/2024, Cục quản lý Khám, chữa bệnh tiếp tục họp với các đơn vị về xếp cấp chuyên môn kỹ thuật và Phân cấp giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Cập nhật chẩn đoán và điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp

Đột quỵ nhồi máu não (thiếu máu não) cấp là nguyên nhân gây ra hơn 80% các trường hợp đột quỵ với số lượng người bệnh ngày càng tăng.

Để nâng cao hiệu quả cấp cứu, điều trị và tối ưu hoá các trang thiết bị hiện có tại các bệnh viện, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tổ chức Hội thảo khoa học “Cập nhật chẩn đoán và điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp”.

Thiếu tướng PGS-TS.Lê Văn Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhấn mạnh, trong bối cảnh hệ thống bệnh viện quân y hiện nay, do chức năng nhiệm vụ cũng như điều kiện thực tế không giống nhau nên sự phát triển của chuyên ngành đột quỵ và can thiệp đột quỵ cũng không đồng đều.

Điều đó dẫn đến việc khi người bệnh xuất hiện ngẫu nhiên ở bệnh viện bất kỳ, việc tiếp cận điều trị, chất lượng và kết quả điều trị không được đảm bảo.

Để hạn chế những điểm khuyết hổng trên, yêu cầu cấp thiết là tổ chức hệ thống liên kết chuyên ngành trong từng bệnh viện và giữa các bệnh viện, đây cũng là ý nghĩa tổ chức Hội thảo khoa học.  

Theo PGS-TS.Lê Văn Trường, để không bỏ lỡ cơ hội điều trị người bệnh mạch máu não và đột quỵ cần: Xây dựng hệ thống chẩn đoán và xử trí đột quỵ theo thực tiễn mỗi bệnh viện; trang bị phương tiện chẩn đoán hình ảnh mạch máu não;

Đồng thời đào tạo bác sĩ, kỹ thuật viên đáp ứng việc sử dụng phương tiện 24/7; tăng cường làm việc nhóm liên kết nội viện và ngoại viện; tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên ngành để thường xuyên cập nhật, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm.

Liên quan đến phương pháp tái thông mạch máu não trong điều trị đột quỵ não, Thượng tá TS.Nguyễn Trọng Tuyển, Chủ nhiệm Khoa Can thiệp Thần kinh, Viện Thần kinh, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, hiện nay, các kỹ thuật lấy huyết khối động mạch não rất đa dạng như hút huyết khối trực tiếp bằng ống hút lòng rộng (ADAPT), lấy huyết khối bằng stent, nong bóng và đặt stent.

Một số kỹ thuật mới cũng đã được triển khai như lấy huyết khối bằng kỹ thuật Solumbra, SAVE, ARST, BADDASS …

Các kỹ thuật tái thông mạch máu não bằng dụng cụ cơ học ngày càng phát triển với các kỹ thuật mới và dụng cụ mới chính vì vậy cần cá thể hoá từng bệnh nhân để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Được biết, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất, với khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm.

Đây là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao. 

Hiệp hội Tim mạch và Đột quỵ não Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến nghị chế độ ăn uống để phòng đột quỵ, như ăn nhiều rau và trái cây; chọn thực phẩm nguyên hạt, nhiều chất xơ; giảm thịt trong bữa ăn sao cho ít nhất 50% khẩu phần ăn là trái cây và rau quả; 25% là ngũ cốc giàu chất xơ; ăn cá ít nhất 2 lần/tuần và chọn cá giàu omega 3 như cá hồi hoặc cá ngừ.

Đồng thời, hạn chế cholesterol, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa; chọn thịt nạc, thịt gia cầm và không sử dụng chất béo bão hóa hoặc chất béo chuyển hóa khi chế biến; tránh đồ uống và thực phẩm có thêm đường; chọn lựa, chuẩn bị thực phẩm với gia vị cùng hỗn hợp gia vị hạn chế muối.

Cần lưu ý việc hạn chế rượu, bia tối đa vì nó có thể tương tác bất lợi với một số thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng để ngăn ngừa tái phát đột quỵ não (ví dụ warfarin). Lạm dụng rượu, bia sẽ gây tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ đột quỵ não tái phát.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư