
-
Cảnh báo bùng phát các bệnh vốn có thể phòng ngừa bằng vắc-xin
-
Đề xuất bán thuốc kê đơn online - số hóa hoạt động bán thuốc kê đơn
-
Người Việt chi khám chữa bệnh do thuốc lá nhiều gấp 5 lần thuế thu từ thuốc lá
-
Nhức nhối thuốc giả, sữa giả
-
Bổ sung nguồn vốn ngân sách triển khai mua sắm thiết bị y tế cho Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 -
Kết nối VNeID giúp người dân an tâm mua thuốc: Hơn 100.000 lượt truy cập chỉ sau hơn 3 tháng
Tác nhân gây ngộ độc thực phẩm có thay đổi so với trước đây
Nhiều chất độc mới, chưa có trong danh mục xét nghiệm, đang len lỏi trong chuỗi thực phẩm hàng ngày, gây ra những hậu quả nặng nề mà giới chuyên môn vẫn chưa thể theo kịp trong công tác chẩn đoán và điều trị.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Đây là cảnh báo nghiêm trọng được đưa ra bởi TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nhân dịp Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2025.
Theo bác sỹ Nguyên, hiện có ba nhóm chính gây ngộ độc thực phẩm: do vi sinh vật, do hóa chất và do độc tố tự nhiên. Trong đó, nhóm ngộ độc do vi sinh vật vẫn phổ biến nhất, thường đến từ thực phẩm bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, gây ra các bệnh như tiêu chảy, lỵ, thương hàn...
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ngộ độc do hóa chất, dù chiếm tỷ lệ nhỏ hơn lại gây ra tổn thương đa cơ quan nghiêm trọng và rất dễ dẫn đến tử vong. Đặc biệt, tình trạng ngộ độc mạn tính do ăn phải thực phẩm chứa hóa chất độc ở liều thấp trong thời gian dài đang diễn biến âm thầm, gây ra các bệnh lý ở gan, thận, thần kinh, thậm chí ung thư mà rất khó truy nguyên.
Thực tiễn cho thấy, các loại hóa chất độc hại trước đây như thuốc trừ sâu Monitor, Wofatox, DDT,... đã bị cấm, nhưng thị trường lại xuất hiện hàng loạt chất mới.
Các hóa chất này chưa được đánh giá đầy đủ về mức độ ảnh hưởng sức khỏe con người, bởi quá trình thử nghiệm chủ yếu vẫn thực hiện trên động vật, trong khi độ nhạy cảm của cơ thể người hoàn toàn khác biệt.
Việc này khiến các bác sỹ gặp không ít khó khăn khi xác định nguyên nhân gây ngộ độc, đặc biệt khi bệnh nhân không có biểu hiện ngộ độc cấp tính mà chỉ âm ỉ trong thời gian dài.
Tình hình càng phức tạp hơn khi nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm vì lợi nhuận đã sử dụng các loại phụ gia, hương liệu, chất bảo quản không rõ nguồn gốc, hoặc dùng hóa chất công nghiệp thay cho phụ gia thực phẩm.
Nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo hỗ trợ sức khỏe, giảm cân, tăng cường sinh lực nhưng lại bị phát hiện chứa hoạt chất của thuốc điều trị, như chất chữa rối loạn cương dương hoặc chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Điều nguy hiểm là những chất này không được công bố trên nhãn mác, khiến người tiêu dùng vô tình sử dụng quá liều, dẫn đến ngộ độc hoặc gặp phải tương tác thuốc nguy hiểm.
Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều vụ việc ngộ độc tập thể với quy mô lớn, nhưng sau khi điều trị và điều tra vẫn không thể kết luận rõ nguyên nhân. Trong một số trường hợp, mẫu vật đã bị hủy, mẫu bệnh phẩm không còn, hoặc hiện trường bị xáo trộn khiến việc tìm ra thủ phạm trở nên bất khả thi.
Trong khi đó, các loại hóa chất độc mới liên tục thay đổi, gây ra nhiều bệnh lý hiếm gặp, chẩn đoán khó khăn và thậm chí không có thuốc giải đặc hiệu.
Theo bác sỹ Nguyên, hiện có hàng triệu loại hóa chất độc trên thế giới, nhưng cơ sở dữ liệu xét nghiệm của Việt Nam mới chỉ phát hiện được vài nghìn loại. Điều này đồng nghĩa với việc chẩn đoán ngộ độc ngày càng khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh gian lận thương mại ngày càng tinh vi.
Một số vụ việc nổi cộm gần đây như vụ sữa bột chứa melamine tại Trung Quốc khiến ít nhất 6 trẻ tử vong, hay vụ kẹo rau củ mang nhãn hiệu KERA tại Việt Nam bị phát hiện chứa sorbitol, một chất nhuận tràng chỉ được sử dụng theo chỉ định y tế là minh chứng cho sự nguy hiểm khi các sản phẩm không đảm bảo an toàn được lưu hành công khai.
Những sản phẩm này thường được quảng cáo hấp dẫn, đánh vào tâm lý “sạch - tự nhiên - tốt cho sức khỏe”, nhưng thực chất lại chứa các hoạt chất không phù hợp để sử dụng tùy tiện.
Từ góc độ quản lý, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên nhận định rằng hệ thống giám sát an toàn thực phẩm hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong khâu hậu kiểm. Việc để doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm mà không có biện pháp giám sát độc lập là lỗ hổng lớn.
Ông cho rằng cần có cơ chế thanh tra đột xuất, kiểm nghiệm ngẫu nhiên trên thị trường thay vì chỉ dựa vào hồ sơ đăng ký. Khi phát hiện vi phạm, các chế tài cần đủ mạnh để răn đe, kể cả xử lý hình sự nếu có thiệt hại lớn về sức khỏe cộng đồng.
An toàn thực phẩm không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó chính quyền địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Khi xảy ra vụ ngộ độc, các ban ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ, khẩn trương thu thập mẫu vật, bảo vệ hiện trường, truy xuất nguồn gốc để xác định chính xác nguyên nhân. Chỉ khi nguyên nhân được công bố rõ ràng, minh bạch thì mới có cơ sở để rút kinh nghiệm, điều chỉnh chính sách, ngăn ngừa các vụ việc tương tự.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần được trang bị đầy đủ kiến thức để trở thành người tiêu dùng thông thái. Việc lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, tránh mua hàng trôi nổi, cẩn trọng với các sản phẩm được quảng cáo “quá tốt để là thật” là những biện pháp cơ bản nhưng thiết yếu. Chỉ khi toàn xã hội chung tay từ quản lý đến ý thức tiêu dùng thì mới có thể dần kiểm soát và đẩy lùi được nguy cơ ngộ độc thực phẩm đang ngày càng hiện hữu trong đời sống hàng ngày.
“Chúng ta không thể chữa cháy mãi. Ngăn chặn từ gốc, kiểm soát từ khâu sản xuất đến bàn ăn mới là giải pháp bền vững để bảo vệ sức khỏe cộng đồng,” bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Nỗ lực giảm tỷ lệ trẻ sinh non tại Việt Nam
Sinh non là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh, để lại hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe lâu dài của trẻ và là gánh nặng với hệ thống y tế. Trẻ càng sinh non ít tuần tuổi, nguy cơ biến chứng như suy hô hấp cấp, viêm phổi và nhiễm trùng càng cao.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, nhờ các can thiệp y tế chuyên sâu và đồng bộ, tỷ lệ tử vong ở trẻ em đang có xu hướng giảm tích cực. Cụ thể, từ năm 2015 đến năm 2023, tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 22,1‰ xuống còn 18,2‰; ở trẻ dưới 1 tuổi giảm từ 14,7‰ xuống 12,1‰; và ở trẻ sơ sinh giảm từ 12‰ xuống còn 9,8‰.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong chuyên ngành sơ sinh. Nhiều trẻ sinh cực non, nhẹ cân dưới 500g đã được điều trị và nuôi dưỡng thành công, phát triển bình thường cả về thể chất và trí tuệ. Tuy nhiên, thành tựu này chưa đủ để xóa bỏ hoàn toàn các thách thức đang tồn tại.
Thứ nhất là sự chênh lệch về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em giữa các vùng miền. Ở các khu vực vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em cao gấp 2–3 lần so với khu vực thành thị. Riêng người dân tộc H'Mông có tỷ lệ tử vong mẹ cao gấp 7 lần người Kinh.
Thứ hai, tốc độ giảm tử vong trẻ sơ sinh vẫn chậm hơn so với trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi – phản ánh một phần do tỷ lệ sinh non và nhẹ cân chưa được kiểm soát hiệu quả.
Thứ ba, tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi của Việt Nam hiện vẫn còn khá cao so với các nước phát triển (chỉ từ 2‰ đến 3‰).
Để từng bước giảm tỷ lệ sinh non và tử vong sơ sinh, cần có sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Y tế, các bộ, ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng. Việc nâng cao nhận thức của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và xã hội dân sự, là nền tảng quan trọng.
Một số nhóm giải pháp trọng tâm gồm tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em: Các địa phương cần đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế chất lượng, nâng cao năng lực sàng lọc trước sinh và sơ sinh, đồng thời theo dõi thai kỳ sát sao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Phát hiện sớm nguy cơ sinh non: Việc sớm nhận diện các thai phụ có nguy cơ sinh non sẽ giúp họ được tư vấn và điều trị kịp thời tại các cơ sở chuyên khoa, từ đó giảm nguy cơ biến chứng.
Chăm sóc tiền thai kỳ: Phụ nữ cần được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản trước khi mang thai, nhằm đảm bảo thể trạng tốt và phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.
Ứng dụng công nghệ thông tin: Việc kết nối và tích hợp dữ liệu sức khỏe bà mẹ và trẻ em vào hệ thống y tế sẽ giúp quản lý hiệu quả, từ đó chủ động phòng ngừa sinh non do các nguyên nhân có thể kiểm soát.
Việc giảm tỷ lệ trẻ sinh non không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành y tế, mà đòi hỏi sự tham gia sâu rộng và bền vững từ toàn xã hội - từ từng người mẹ, người cha cho đến các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể và các đối tác phát triển. Mỗi hành động nhỏ từ hôm nay sẽ góp phần tạo nên một thế hệ trẻ em Việt Nam khỏe mạnh hơn, tương lai hơn.
Khàn tiếng kéo dài, người đàn ông 60 tuổi phát hiện ung thư thanh quản
Ông L.P.T. (60 tuổi, ngụ tại Khánh Hòa) bị khàn tiếng kéo dài suốt ba tháng nhưng chủ quan nghĩ do viêm họng thông thường. Dù đã uống thuốc nhiều lần, tình trạng không thuyên giảm, thậm chí giọng nói ngày càng yếu, khó lấy hơi khi nói chuyện. Khi đến khám tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, ông bàng hoàng khi được chẩn đoán mắc ung thư thanh quản.
Nội soi hoạt nghiệm thanh quản và chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy tổn thương nghi ngờ ác tính ở thanh quản: dây thanh trái sùi loét, sụn phễu sung huyết, rung động dây thanh giảm rõ rệt, đóng thanh môn hở.
Kết quả sinh thiết xác định ông T. mắc ung thư biểu mô tế bào vảy xâm nhập độ 3 dạng ung thư phổ biến nhất vùng thanh quản. Ngoài ra, ông còn có nhiều bệnh lý nền phức tạp như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu, di chứng tai biến mạch máu não và bệnh mạch vành mạn tính.
Theo GS-TS.Trần Phan Chung Thủy, cố vấn Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, người bệnh được xác định ở giai đoạn T2, với khối u chiếm một phần ba dây thanh trái, đã xâm lấn xuống hạ thanh môn. Để ngăn chặn tế bào ung thư lan rộng và đồng thời bảo tồn chức năng nói và thở, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật cắt bán phần thanh quản.
Hậu phẫu, ông T. được chăm sóc tích cực tại phòng hồi sức, theo dõi sát các chỉ số sinh tồn, kiểm soát đau và chăm sóc đường thở. Do chưa thể ăn uống bằng miệng ngay, bác sỹ đặt ống thông dạ dày qua mũi và xây dựng chế độ dinh dưỡng riêng biệt nhằm đảm bảo đủ năng lượng và giúp vết mổ lành nhanh. Trong thời gian nằm viện, ông T. đã được hướng dẫn tập phát âm trở lại và bước đầu có thể giao tiếp bằng giọng nói khá rõ ràng.
Sau 10 ngày, sức khỏe người bệnh ổn định, vết mổ lành tốt và được xuất viện. Hai tháng sau phẫu thuật, ông T. ăn uống bình thường, thể trạng cải thiện rõ rệt, giọng nói phục hồi gần như hoàn toàn, có thể giao tiếp rõ ràng với người đối diện.
Theo thống kê từ Thư viện Y khoa Mỹ, tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư thanh quản phụ thuộc phần lớn vào giai đoạn phát hiện bệnh. Với những trường hợp phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1- 2), khi ung thư còn khu trú tại thanh quản, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể đạt đến 78%. Tuy nhiên, nếu đã có di căn hạch (giai đoạn 3), tỷ lệ này giảm còn 46%, và nếu có di căn xa, chỉ còn 34%.
Ung thư thanh quản là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất vùng đầu cổ, chiếm khoảng một phần ba tổng số ca mắc. Loại thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy, phổ biến ở nam giới nhiều gấp 4 - 5 lần nữ giới, đặc biệt ở độ tuổi trung niên và cao tuổi. Hút thuốc lá được xem là nguyên nhân hàng đầu, chiếm đến 70% số ca mắc. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác bao gồm lạm dụng rượu bia, tiếp xúc khói thuốc lá thụ động, bụi gỗ, môi trường độc hại hoặc phóng xạ kéo dài.
GS.Trần Phan Chung Thủy khuyến cáo, khàn giọng kéo dài trên 2 tuần, ho mạn tính, nuốt đau hoặc cảm giác vướng họng... là những dấu hiệu cảnh báo cần được kiểm tra sớm. Bệnh phát hiện càng sớm thì khả năng điều trị bảo tồn chức năng nói, thở càng cao.
Để phòng ngừa ung thư thanh quản, người dân cần bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, sử dụng thiết bị bảo hộ khi làm việc trong môi trường độc hại, duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc và đi khám định kỳ, đặc biệt khi có triệu chứng bất thường ở vùng họng hoặc giọng nói.

-
Cảnh báo bùng phát các bệnh vốn có thể phòng ngừa bằng vắc-xin
-
Tin mới y tế ngày 25/4: Tác nhân gây ngộ độc thực phẩm thay đổi và lo ngại từ chuyên gia
-
Đề xuất bán thuốc kê đơn online - số hóa hoạt động bán thuốc kê đơn
-
Tin mới y tế ngày 24/4: Cứu sống nhiều bệnh nhân tim cấp nhờ stent phủ thuốc thế hệ mới
-
Tin mới y tế ngày 25/4: Tác nhân gây ngộ độc thực phẩm thay đổi và lo ngại từ chuyên gia -
Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo khẩn thu hồi toàn bộ 12 sản phẩm sữa giả -
Người Việt chi khám chữa bệnh do thuốc lá nhiều gấp 5 lần thuế thu từ thuốc lá -
Tin mới y tế ngày 23/4: Cảnh báo biến chứng nguy hiểm từ cúm mùa -
Nhức nhối thuốc giả, sữa giả -
Bổ sung nguồn vốn ngân sách triển khai mua sắm thiết bị y tế cho Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 -
Bộ Y tế tiếp nhận nửa triệu liều vắc-xin sởi do FPT Long Châu trao tặng
-
VPBank cho vay tới 90% giá trị xe với doanh nghiệp vay mua ô tô
-
Cathay Life Việt Nam vào "Top 50 doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam năm 2025"
-
Khởi công dự án năng lượng mặt trời áp mái tại nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV)
-
Ngân Tín Group: Kiên định mục tiêu, vững vàng vượt thử thách
-
3 lực đẩy từ phát triển công nghiệp đưa bất động sản Phổ Yên cất cánh
-
Bình Dương: Điểm sáng tăng trưởng bất động sản vùng lân cận TP.HCM