Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 29/9: Hơn 1.000 người được khám tim mạch miễn phí; Dược phẩm Nam Hà bị xử phạt
D.Ngân - 29/09/2024 09:21
 
Hưởng ứng ngày tim mạch thế giới, 1.000 người dân được khàm sàng lọc bệnh tim mạch, thận, chuyển hóa tại bệnh viện Bạch Mai.

Hơn 1.000 người được khám tim mạch miễn phí

Ngày 29/9/2024, tại bệnh viện Bạch Mai diễn ra chương trình Hưởng ứng ngày tim mạch thế giới - khàm sàng lọc bệnh tim mạch, thận, chuyển hóa cho 1.000 người dân.

Tại nước ta, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.

Đây là chương trình tổng kết chuỗi 3 sự kiện nhân kỷ niệm Ngày tim mạch thế giới, nâng cao nhận thức về các bệnh tim mạch - thận - chuyển hóa tại 3 thành phố lớn trên cả nước.

Bệnh tim mạch là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, cũng như tại Việt Nam; chiếm khoảng 17.9 triệu ca tử vong mỗi năm, tương đương 32% tổng số tử vong trên thế giới.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2019, tử vong do bệnh tim mạch chiếm tới 39,5%, trong đó đứng đầu là bệnh mạch máu não (55,4%) và bệnh mạch vành (32%). Những bệnh lý này gây nên những gánh nặng về sức khỏe, chất lượng cuộc sống và chi phí điều trị cho người bệnh cũng như người chăm sóc.

Tại Việt Nam, xu hướng tử vong do bệnh tim mạch đang ngày càng tăng, tử vong do tim mạch hơn cả tử vong do ung thư, COPD và đái tháo đường cộng lại

Tại nước ta, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Trong đó tử vong do bệnh mạch máu não chiếm tỷ lệ lớn nhất, với tỷ suất tử vong tăng từ 127,3/100.000 dân (năm 2000) lên 164,9/100.000 dân hiện nay.

Bên cạnh bệnh tim mạch, bệnh thận mạn tính là một bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp đồng thời là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.

Tử vong do bệnh thận mạn tính đã gây ra 4,6% tử vong trên toàn cầu và nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 12 vào năm 2017. Tại Việt Nam, có hơn >8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số.

Việt Nam hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Y tế Việt Nam năm 2022, chi phí thanh toán cho chạy thận nhân tạo hiện đang đứng đầu danh sách chi trả, ước tính lên tới hơn 4.000 tỷ.

Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn tính, cũng như làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, điều trị thay thế thận sẽ đem đến đến những lợi ích đáng kể và lâu dài về kinh tế đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngành y tế.

Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán bệnh thận mạn hiện nay còn rất cao, đặc biệt ở giai đoạn sớm do các triệu chứng của bệnh không điển hình, chỉ có khoảng 4,5-15,5% bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn 3 được chẩn đoán, trong đó, tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán trên một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn như tăng huyết áp, đái tháo đường hiện vẫn còn cao, lần lượt là 68,4% và 51,7%(10).

Trong khuôn khổ chương trình, hơn 1.000 người dân đã được khám và xét nghiệm tầm soát miễn phí nâng tổng số bệnh nhân được khám sàng lọc trong tháng 9 là hơn 3000 người.

Đội ngũ y bác sỹ đã tận tâm kiểm tra sức khỏe, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến bệnh tim mạch và thận mạn. Qua đó, người dân đã nhận được những lời khuyên thiết thực về cách chăm sóc sức khỏe, chế độ ăn uống, và lối sống lành mạnh để ngăn ngừa các bệnh lý nghiêm trọng.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức cũng trao tặng 10 phần quà cho các bệnh nhi nghèo, giúp các em có thêm niềm vui và  động lực trong học tập.

Bộ Y tế và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã trao tặng thiết bị khám chữa bệnh công nghệ cao cho bệnh viện Bạch Mai gồm 1 màn hình telehealth di động và hệ thống AI đọc X-quang phổi phát hiện bệnh lao và ung thư phổi.

Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại địa phương, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của ngành Y tế đối với sức khỏe cộng đồng. Những thiết bị này không chỉ giúp cải thiện điều kiện làm việc cho đội ngũ y bác sĩ mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại.

Bộ Y tế yêu cầu bảo đảm tiến độ xếp cấp chuyên môn kỹ thuật cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các bộ, ngành về việc triển khai xếp cấp chuyên môn kỹ thuật cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành nghiên cứu văn bản và thực hiện xếp cấp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định;

Gửi báo cáo các công việc đã triển khai liên quan đến xếp cấp chuyên môn kỹ thuật của Sở Y tế, tiến độ thực hiện về Bộ Y tế trước ngày 15/10/2024;

Gửi báo cáo và kết quả tổng hợp bảng chấm điểm xếp cấp theo Phụ lục V trong Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của toàn bộ các bệnh viện trực thuộc trên địa bàn quản lý và của các bệnh viện tư nhân đã được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động, trừ bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) trước ngày 25/10/2024.

Bộ Y tế đề nghị Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai tự chấm điểm và hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xếp cấp chuyên môn kỹ thuật, gửi về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để thực hiện việc xếp cấp theo quy định trước ngày 15/10/2024.

Bộ Y tế lưu ý toàn bộ các bệnh viện thực hiện tự chấm điểm và nhập kết quả tự chấm theo Phụ lục V trong Nghị định số 96/2023/NĐ-CP trên phần mềm trực tuyến tại địa chỉ chatluongbenhvien.vn trước ngày 25/10/2024.

Theo Bộ Y tế, đây là nhiệm vụ quan trọng, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các bộ, ngành ưu tiên chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện để bảo đảm lộ trình quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15.

Dược phẩm Nam Hà bị xử phạt vì sản xuất lô thuốc vi phạm chất lượng

Thanh tra Bộ Y tế vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà (địa chỉ ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) về việc vi phạm chất lượng trong lô thuốc viên nén Ubiheal 300 thường được chỉ định điều trị biến chứng thần kinh do đái tháo đường gây ra.

Công ty này sản xuất thuốc viên nén Ubiheal 300, số Giấy đăng ký lưu hành: VD-27692-17, số lô: 22103, ngày sản xuất: 17/11/2022, hạn dùng 17/11/2025 vi phạm chất lượng mức độ 2 theo quy định của pháp luật.

Với hành vi vi phạm này, công ty bị phạt 70 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ lô thuốc viên nén Ubiheal 300 trên đây.

Thuốc Ubiheal 300 của Dược phẩm Nam Hà có thành phần chính là acid thioctic 300mg. Thuốc được chỉ định để điều trị các rối loạn cảm giác, biến chứng thần kinh do đái tháo đường gây ra, như xơ vữa động mạch, thoái hóa điểm vàng, đột quỵ, bệnh mạch vành, viêm gan cấp, viêm gan mạn, nhiễm độc gan...

Trước đó, đầu tháng 9, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có công văn thông báo thu hồi thuốc vi phạm mức độ 2 đối với lô thuốc viên nén Ubiheal 300 (Thioctic acid 300mg), số Giấy đăng ký lưu hành: VD-27692-17, số lô: 22103 do Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà sản xuất do mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan, định lượng.

Sau công văn này, sở y tế các địa phương có công văn yêu cầu thu hồi thuốc để bảo đảm an toàn cho người sử dụng và ngăn chặn thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng lưu hành trên thị trường. Các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh dược tuyệt đối không được phân phối, kinh doanh, sử dụng lô thuốc này.

Thông tư 11/2018/TT-BYT quy định về thuốc vi phạm mức độ 2 là thuốc có bằng chứng về việc không bảo đảm đầy đủ hiệu quả điều trị hoặc có nguy cơ không an toàn cho người sử dụng nhưng chưa đến mức gây tổn hại nghiêm trọng đối với sức khỏe hoặc chưa ảnh hưởng đến tính mạng của người sử dụng.

Bộ Y tế quy định có 24 trường hợp được coi là thuốc vi phạm mức độ 2, đơn cử như thuốc có kết luận không bảo đảm yêu cầu về hiệu quả điều trị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thuốc được sản xuất từ nguyên liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng;

Thuốc thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu đã hết hạn hoặc đã có thông báo thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không có nguồn gốc hợp pháp; thuốc có hàm lượng nằm ngoài mức giới hạn 5% so với giới hạn quy định tại hồ sơ đăng ký; Thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ nhiễm khuẩn...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư