Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 3/5: Yêu cầu đình chỉ cơ sở bánh mì nghi ngờ gây ngộ độc tại Đồng Nai
D.Ngân - 03/05/2024 08:52
 
Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu khẩn trương điều trị cho bệnh nhân, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc khiến gần 300 người ngộ độc tại Đồng Nai.

Đình chỉ cơ sở bánh mì nghi ngờ gây ngộ độc tại Đồng Nai

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin đã có công văn số 911/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai triển khai các nội dung liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại cơ sở bánh mì trên địa bàn phường Xuân Bình, TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, khiến gần 300 người nhập viện.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chỉ đạo bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Đình chỉ ngay cơ sở bánh mì nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở trên, nếu phát hiện có sai phạm cần xử lý nghiêm theo quy định.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu cho bệnh nhi ngưng tim. Ảnh: Thúy Hà. Nguồn: baodongnai.com.vn

Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đồng Nai tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.

Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Liên quan đến vụ hơn 320 người ngộ độc do ăn phải bánh mỹ xảy ra tại thành phố Long Khánh, chiều ngày 2/5/2024 theo thông tin từ cơ quan chức năng, đến hơn 15h cùng ngày đã có 328 bệnh nhân phải vào viện thăm khám, điều trị.

Trong đó, có 220 bệnh nhân thăm khám điều trị ở Bệnh viện Long Khánh, 13 bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Cao Su, 9 ca được chuyển viện lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, 11 ca xuất viện và cấp 88 toa thuốc…

Hiện tại, có hai bệnh nhân có biểu hiện bệnh hơi nặng là một bé 7 tuổi (bị sốc nhiễm khuẩn) và một bé 6 tuổi là em T.G.H. (6 tuổi, ngụ phường Xuân Hòa, TP.Long Khánh) hiện đang hôn mê, thở máy và tiên lượng rất nặng.

Các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc nhiễm trùng từ đường tiêu hóa, ngưng tim, ngưng thở, trên thể trạng béo phì. Các bác sĩ đang tích cực cứu chữa cho bệnh nhi.

Phát hiện dạng mới của bệnh đậu mùa khỉ ở Congo

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, kể từ tháng 1-2024, Congo đã ghi nhận hơn 4.500 trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ và gần 300 ca tử vong, tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh lan rộng buộc quốc gia Trung Phi phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe trên phạm vi toàn quốc.

Một phân tích về các bệnh nhân nhập viện từ tháng 10-2023 đến tháng 1-2024, tại thị trấn miền Đông Kamituga, cho thấy, những đột biến gen gần đây ở bệnh đậu mùa khỉ là kết quả của việc lây truyền ở người.

Tiến sĩ Placide Mbala-Kingebeni đến từ Viện Nghiên cứu y sinh quốc gia Congo (INRB) cho biết, bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ dạng mới dường như có nguy cơ tử vong thấp hơn. Tuy nhiên, mức độ tổn thương nhẹ hơn lại gây khó khăn trong chẩn đoán.

Trong báo cáo mới nhất về bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu, WHO cho biết, dạng mới của bệnh đậu mùa khỉ có thể yêu cầu một chiến lược xét nghiệm mới để phát hiện các đột biến.

Tiến sĩ Boghuma Titanji, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Emory, nhận định, những đột biến mới rất đáng lo ngại vì vi rút đang thích nghi để lây lan nhanh hơn ở người và có thể gây ra một số đợt bùng phát nghiêm trọng.

Mặc dù, dịch bệnh đậu mùa khỉ ở phương Tây đã được ngăn chặn nhờ vắc xin và điều trị nhưng những biện pháp này gần như không được triển khai ở Congo. Cris Kacita Osako, điều phối viên của Ủy ban Ứng phó bệnh đậu mùa khỉ của Congo, cho biết, Bộ Y tế quốc gia này đã cho phép sử dụng vắc xin ở các tỉnh có nguy cơ cao. Giới chức Congo cũng đang tiến hành đàm phán với các quốc gia tài trợ như Nhật Bản để mua vắc xin.

Nắng nóng, làm sao để phòng ngộ độc thực phẩm?
Thời tiết nắng nóng khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao, người dân cần chú ý khâu chế biến và sử dụng thực phẩm để tránh rước họa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư