Thứ Bảy, Ngày 26 tháng 04 năm 2025,
Tới Mũi Cà Mau - ngắm nơi đất biết sinh sôi
Thanh Hương - 23/11/2024 13:10
 
Đất mũi Cà Mau là vùng đất mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng mong muốn ít nhất một lần trong đời được đặt chân tới để ngắm nơi đất biết sinh sôi.

Mũi Cà Mau là địa danh thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt Nam, nơi ai cũng muốn một lần đặt chân đến mảnh đất thân thương này.

 Mũi Cà Mau, vùng đất cực Nam của Tổ quốc. 

Để đến được điểm cực Nam của Tổ quốc này, du khách sẽ vào Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - điểm đến nổi tiếng mang tính địa lý, văn hóa và du lịch sinh thái tiêu biểu của cả nước.

 Chi phí các phương tiện để di chuyển trong Vườn Quốc gia. 


Nếu trước đây từ TP. Cà Mau đến Đất Mũi chỉ có thể di chuyển bằng cano mất 3-4 tiếng, thì từ đầu năm 2016, du khách đã có thể di chuyển bằng đường bộ tới điểm cực Nam của Tổ quốc. Đất Mũi Cà Mau cũng là điểm cuối cùng của tuyến đường Hồ Chí Minh được bắt đầu từ Pắc Bó (Cao Bằng) và đi qua 28 tỉnh/thành phố. 

Đất Mũi là điểm cuối cùng của Đường Hồ Chí Minh trên đất liền. 



Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là vùng đất ở địa đầu cực Nam của bán đảo Cà Mau tỉnh Cà Mau, với tọa độ địa lý : từ 80 32’ - 8049’ vĩ độ Bắc, từ 104040’ đến 104055’ kinh độ Đông trên địa phận hành chính các xã Đất Mũi, Viên An huyện Ngọc Hiển và xã Lâm Hải và Đất Mới huyện Năm Căn, xã Nguyễn Việt Khái huyện Phú Tân.

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cũng là khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước cả nước. Nằm ở vị trí tiếp giáp với biển Đông và biển Tây nên chịu ảnh hưởng cả hai chế độ thủy triều là bán nhật triều biển Đông và nhật triều biển Tây, nơi đây là bãi đẻ của nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế, là điểm dừng chân của nhiều loài chim nước di cư trú đông.

Vì những giá trị của hệ sinh thái này mà ngày 13/12/2012, Ban thư ký công ước Ramsar đã công nhận Vườn Quốc gia Cà Mau là Khu Ramsar thứ 2088 của thế giới và thứ 05 của Việt Nam.

Tổng diện tích đất của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau khoảng 41.862 ha. Trong đó, khoảng 15.262 ha là diện tích vùng đất liền; còn lại 26.600 ha là diện tích vùng ven biển tiếp xúc với đất liền.

 Mốc toạ độ quốc gia GPS 0001. 

Theo thống kê, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có số lượng động thực vật sinh sống rất phong phú đa dạng, với khoảng 27/32 loài cây ngập mặn đã được phát hiện ở Việt Nam, khoảng 26 loài thú, 93 loài chim, 43 loài động vật bò sát, 139 loài cá khác nhau, với 9 loài lưỡng cư, 49 loài sinh vật phù du…

Tại đây cũng có hai loài nằm trong sách đỏ thế giới là khỉ đuôi dài, voọc bạc và bốn loài có trong sách đỏ Việt Nam.

Chính vì sự phong phú của hệ động thực vật và vị trí địa lý đặc biệt này mà việc khám phá vùng đất biết đẻ này là điều rất thú vị và hấp dẫn với nhiều người.

Tiểu cảnh con tàu là nơi check in ưa thích của du khách. Ảnh: Trần Huy

Tại đây du khách sẽ được chạm tay vào cột Mốc tọa độ GPS 0001. Đây là một trong bốn điểm cực đánh dấu lãnh thổ Việt Nam trên đất liền bao gồm cực Bắc là Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây là xã Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), cực Đông là Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) và cực Nam là Cột Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 (Đất Mũi, Cà Mau).

Trong Vườn Quốc gia mũi Cà Mau còn có tiểu cảnh panô với hình ảnh con tàu với cánh buồm căng gió, du khách sẽ tham quan bờ kè chắn sóng, biểu tượng óc len, cá thòi lòi, cầu làng rừng, cột mốc điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh, Đền thờ Lạc Long Quân, Tượng Mẹ… Tuy nhiên, thú vị nhất là đi tour xuyên rừng đước, mắm, ngắm nhìn thiên nhiên và bãi bồi lấn biển.

 Bãi bồi là nơi phù sa lắng lại và các cây mắm sẽ mọc lên đầu tiên để giữ đất. 

Bãi bồi tại Mũi Cà Mau hình thành từ sự bồi lắng phù sa tại các cửa sông trong vùng. Đây cũng là nơi lý tưởng của các loài chim đi di trú hàng năm và là bãi đẻ thiên nhiên của đa số các loài thủy sản đang trong giai đoạn còn non.

Quy tụ tại đây là cả một thế giới sinh vật đặc trưng của vùng Đất Mũi: tôm, cua, cá thòi lòi, bống sao, còng gió, ba khía, ốc len, sò huyết…

 Khu dân cư Đất Mũi là xóm cư dân cuối cùng trên đất liền của Tổ quốc với đặc trưng "nhà không cửa". 

Trong hành trình xuyên rừng này, du khách sẽ được ngắm hệ sinh thái tự nhiên “mắm đi trước, đước theo sau”.

Là loại cây dễ bén rễ ở vùng đất bồi, những phần rễ cây mắm mọc ngược trở lên và tiếp tục giữ lại những lượng phù sa bị sóng đánh vào bãi. Đến khi mảnh đất chỗ đó dần dần nổi lên khỏi mặt nước, mặt đất bắt đầu săn lại thì cũng là lúc mắm cho quả. 

Vào khoảng tháng tư hàng năm là thời điểm cây mắm bị sâu phá hoại trầm trọng. Lúc này cây đước từ phía đất liền bắt đầu lấn chiếm ra phía bãi mắm. 

Đất Mũi là một trong số ít những nơi trên thế giới có thể quan sát trọn vẹn quá trình mặt trời mọc ở phía Đông và lặn ở phía Tây. Ảnh: Trần Huy

Được hưởng lớp phù sa mới, cây đước mạnh mẽ vươn lên, nhiều cây cao tới 20-30m. Để trụ được ở vùng bùn nhão, bộ rễ của đước rất đặc biệt: rễ chính (rễ cọc) nhỏ, trong khi hệ thống hàng chục rễ phụ mọc quanh cây lại phát triển to, rất vững chắc. Có lẽ vì thế, sóng gió bão giông của biển khơi cũng không giật nổi đước ra khỏi lòng đất mẹ.

Còn cây mắm, trước khi bị cây đước lấn át và chết dần vẫn kịp ra hoa, kết trái và rụng xuống để mùa sau tiếp tục sinh sôi giữ đất, lấn biển. Nhờ vậy, mỗi năm, mảnh đất cực Nam Tổ quốc lại "nở" rộng ra phía biển gần 100 m.

 Có 7 homestay đón khách lưu trú qua đêm và cung cấp dịch vụ ăn uống tại ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi. 

Trên chuyến du lịch xuyên rừng này, du khách cũng còn được ngắm nhìn những dãy hàu lồng san sát khắp mặt sông và có dịp tìm hiểu nghề nuôi hàu lồng - một nghề nuôi trồng thủy sản đem lại nguồn lợi kinh tế ổn định nâng cao đời sống đối với người dân vùng Đất Mũi.

Xóm dân cư thuộc xã Đất Mũi cũng là xóm dân cư cuối cùng của Tổ quốc trên đất liền. Nghề chính của bà con vùng đất này là đánh bắt thủy hải sản và nuôi tôm.

 Phòng lưu trú tại homesstay. Ảnh Trần Huy

Nhà không cửa là một nét văn hóa độc đáo của người dân ấp Xóm Mũi, xã Đất Mũi. Hiện nay, ấp có khoảng 350 hộ gia đình, trong đó có gần 40% hộ cất nhà nhưng không làm cửa. Sở dĩ người dân chủ yếu làm nhà không cửa là do đặc thù chủ yếu là họ làm nghề biển, làm nhà không cửa để thuận tiện vận chuyển thủy hải sản lên xuống cho tiện và rộng rãi.

 Khách có thể chọn ngủ lều trên nền gỗ dựng giữa thiên nhiên. Ảnh: Trần Huy

Dẫu vậy, theo thời gian, bắt đầu có những ngôi nhà kiên cố được người dân dựng lên tại đây.

Nếu muốn ngủ đêm trên Đất Mũi, du khách có thể chọn lưu trú tại 1 trong 7 homestay tại đây.

Ông Nguyễn Đức Sinh, chủ homestay Hải Nam tại ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển cho biết, gia đình đã làm du lịch sinh thái homestay được 5 năm. Có tất cả là 7 hộ được làm homestay trên tuyến sông Lạch Vàm và hộ lâu nhất đã được khoảng 11 năm.

Du khách có thể chọn ngủ trong các căn phòng khép kín có trang bị khu vệ sinh và điều hoà với mức giá từ 250.000 đồng - 400.000 đồng/đêm. Tuy nhiên, rất nhiều du khách lại thích trải nghiệm cảm giác nằm ngủ trên sàn gỗ và hưởng không khí tự nhiên của đất rừng phương Nam.

 Có nhiều dịch vụ để du khách tham gia trong thời gian lưu lại Đất Mũi. 

Homestay sẽ cung cấp mùng mền cho du khách ngủ trên sàn với giá 50.000 đồng/người và luôn sẵn sàng cả trăm bộ. 

Ở đây, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân bản xứ, được thưởng thức hoặc tự tay chế biến các món ăn đặc sản của địa phương với cách nấu dân dã để cảm nhận được chân thực hương vị của vùng Đất Mũi.

 Du khách tham gia các tour du lịch trải nghiệm tại Đất Mũi. 

Nếu du khách thích khám phá có thể bơi xuồng quanh vuông tôm, câu cá, đặt lợp cua, mò sò huyết, soi ba khía ban đêm, bắt ốc len...

Nếu muốn ngắm bình minh, du khách sẽ xuất phát từ homestay lúc khoảng 5h15 sáng và di chuyển bằng cano khoảng 15 phút. Còn nếu ngắm hoàng hôn thì xuống cano lúc 17h. 

Tuor di chuyển bằng ca nô cả đi và về cho 5 người trở lại là 800.000 đồng/vỏ lãi, còn từ 6-10 người thì phải dùng vỏ lãi lớn hơn với chi phí nhỉnh hơn 1 triệu đồng/vỏ lãi. Nếu chọn cano thì thêm 200.000 đồng/tour.

Đầu tư 12.728 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng tuyến đường đoạn TP. Cà Mau - Đất Mũi
Đường Hồ Chí Minh đoạn từ TP. Cà Mau đến Mũi Cà Mau (trong đó đoạn TP. Cà Mau đến thị trấn Năm Căn đi trùng Quốc lộ 1) nằm trong quy hoạch phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư