Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 07 tháng 09 năm 2024,
TP.HCM: Áp dụng giải pháp trong đại dịch Covid-19 để phòng, chống dịch sởi
Ngô Sơn - 07/09/2024 10:13
 
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” là giải pháp hiệu quả trong tiêm phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua mà TP.HCM sẽ áp dụng đối với dịch bệnh sởi đang bùng phát.

Sau khi UBND TP.HCM ban hành quyết định công bố dịch sởi , ngày 30/8/ 2024, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch 8647/KH-SYT về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn Thành phố. 

Theo Sở y tế TP.HCM, khác với COVID-19 là dịch bệnh mới nổi khi bùng phát chưa có vắc xin, với dịch bệnh sởi, chỉ sau 2 ngày công bố dịch, 300.000 liều vắc xin đã về đến kho dự trữ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và Sở Y tế đã triển khai ngay chiến dịch tiêm vắc xin. Việc này đã được Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao về sự chuẩn bị khẩn trương và đồng bộ của Thành phố.

Tuy nhiên,  trong 5 ngày đầu của chiến dịch vừa qua (bắt đầu từ ngày 31/8), chỉ có 16.164 trẻ em của TP.HCM được tiêm chủng (đạt 29%). Đáng lo ngại hơn là các quận huyện đang có nhiều ca bệnh nhưng có tiến độ tiêm còn thấp như Bình Tân (10%), Thủ Đức (24%).

TP.HCM tiêm chủng phòng bệnh sởi cho trẻ.


Mặt khác, việc tổng rà soát trẻ em trong thực tế đang sinh sống trên địa bàn rất quan trọng cho sự thành công của chiến dịch tiêm vắc xin sởi. Trong khi đó, tính đến hết tháng 8/2024, các địa phương chỉ mới lập danh sách được 271.036 trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi trong độ tuổi phải tiêm chủng. Con số này chỉ tương đương khoảng 62% số trẻ của Thành phố có trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia (437.412 trẻ). Hiện hiện có đến 17 quận, huyện chỉ mới rà soát được dưới 80% số trẻ. Đáng nói, còn hàng loạt quận hyuyện rà soát ở mức 50% hoặc dưới 50% là Tân Bình (50%), Bình Thạnh (46,9%), Củ Chi (42,3%), Gò Vấp (33,5%). 

Trước tình hình này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Diệu Thúy vừa ký văn bản yêu cầu Sở ngành và đặc biệt UBND các quận huyện và TP. Thủ Đức phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh sởi, góp phần kiểm soát dịch bệnh sởi. Cách làm này đã tỏ ra hiệu quả trong đại dịch Covid-19 vừa qua. 

Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố phòng, chống dịch bệnh trong mùa tựu trường
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến nay, trong năm 2024, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư