Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
TP.HCM kỳ vọng kinh tế phục hồi theo hình chữ V
Năm 2022, TP.HCM đề ra mục tiêu phục hồi tốc độ GRDP khoảng 6-6,5%, trên cơ sở năm 2021 tăng trưởng âm 6,74%. Mục tiêu này cho thấy TP.HCM kỳ vọng kinh tế phục hồi theo hình chữ V.
TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2022, lấy lại vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước
TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2022, lấy lại vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước

Quyết tâm chính trị của chính quyền Thành phố

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố bất định và khó lường, nhất là diễn biến dịch bệnh Covid-19 khá phức tạp, việc “sống chung” với virus SARS-CoV-2 theo phương thức “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả Covid-19” của Chính phủ từ đầu tháng 10/2021 đến nay còn nhiều bất cập, thì mục tiêu mà TP.HCM đề ra thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của chính quyền Thành phố nhằm sớm lấy lại vị trí vai trò của mình đối với khu vực phía Nam và cả nước.

Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư biến TP.HCM thành địa phương có mức độ lây nhiễm nghiêm trọng, có thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất và dài ngày nhất. Mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn hoàn toàn ngưng trệ trong 4 tháng liền (từ 31/5 đến 30/9/2021). Đối với một trung tâm kinh tế và giao lưu quốc tế như TP.HCM, nơi mà khu vực dịch vụ chiếm đến 62% cơ cấu kinh tế, chịu ảnh hưởng quá nặng nề. Tốc độ tăng trưởng GRDP quý III/2021 giảm mạnh, âm 24,97% và quý IV/2021 âm gần 12% so với cùng kỳ, cả năm 2021 tăng trưởng âm 6,74% so với năm 2020. Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã đẩy kinh tế TP.HCM xuống đáy của sự suy giảm, tính từ năm 1986 đến nay.

TP.HCM đối diện với những thách thức chưa có tiền lệ, nhưng với tiềm lực về cơ sở hạ tầng kinh tế và sự năng động vốn có của lực lượng doanh nghiệp trên địa bàn, nhất định kinh tế Thành phố sẽ khởi sắc trong năm 2022.

Mặt khác, Covid-19 không chỉ kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà còn đặt ra nhiều vấn đề bất cập khác về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư, hạ tầng, quản lý đô thị và nhất là đe dọa đến vị trí vai trò của Thành phố đối với khu vực phía Nam, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước…

Chương trình trung hạn phục hồi và phát triển 2022-2025

Chương trình trung hạn 4 năm chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn I trong năm 2022, phục hồi sản xuất, kinh doanh; khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, nhất là nhóm ngành du lịch bị gãy đổ nghiêm trọng.

Giai đoạn II thực hiện trong 3 năm 2023-2025, thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa - dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu  phát triển bền vững; biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị; liên kết kinh tế vùng và phát triển vùng đô thị; tạo đột phá trong việc xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển; phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế (GRDP) của khu vực phía Nam và cả nước.

Các giải pháp hỗ trợ trên cơ sở lựa chọn và tác động vào những ngành và lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng: các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; các ngành, lĩnh vực công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghệ cao và kinh tế số; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị; những ngành, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Giải pháp hỗ trợ trong giai đoạn phục hồi không thực hiện tràn lan làm méo mó thị trường, mà sàng lọc theo 3 tiêu chí: đóng góp nhiều vào cơ cấu GRDP của Thành phố, có tác động lan tỏa cao và ít có khả năng tự hồi phục. Cụ thể là các nhóm ngành sau:

Một là, các nhóm công nghiệp chủ lực, trong đó tập trung hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu.

Hai là, ngành xây dựng. Tạo bước đột phá để phát triển lan tỏa, đặc biệt là đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thành phố, bao gồm hạ tầng giao thông, triển khai các chương trình nhà ở…

Ba là, kinh doanh bất động sản. Các dự án bất động sản nếu được triển khai sẽ tạo sự lan tỏa lớn đến các ngành kinh tế khác, đặc biệt ngành xây dựng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng, logistics…

Bốn là, ngành du lịch, lưu trú, lữ hành, vận chuyển và các dịch vụ có liên quan.

Năm là, thương mại (nội địa và xuất - nhập khẩu).

Sáu là, lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm.

Tập trung cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước có số lượng doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng khá lớn. Đây là thành phần kinh tế đóng góp lớn vào tăng trưởng của Thành phố trong thời gian qua, nhưng đồng thời cũng là thành phần kinh tế dễ bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19. 

Tạo đột phá trong cải cách hành chính

Với tinh thần “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, đòi hỏi bộ máy hành chính của Thành phố thực sự xem việc cung cấp dịch vụ hành chính công cho doanh nghiệp và người dân là trách nhiệm, là phục vụ, không phải xin - cho. Chỉ số PCI của Thành phố trong những năm gần đây không tương xứng với vị trí, vai trò của Thành phố (từ vị trí thứ 8 năm 2016, xuống vị trí thứ 14 năm 2020). Tháo gỡ những vướng mắc về quy trình thủ tục cấp phép đầu tư do tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định đối với các dự án đầu tư đang tồn đọng, nhất là trong lĩnh vực bất động sản để nhanh chóng thu hút vốn đầu tư tư nhân.

Ưu tiên khắc phục một số điểm nghẽn về thể chế đối với môi trường đầu tư, kinh doanh bằng kiến nghị, đề xuất đối với những vướng mắc tại các luật, nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành. Trên tinh thần công khai, minh bạch và vì lợi ích chung, rút ngắn và xử lý những điểm nghẽn trong quy trình thủ tục đầu tư công, giải ngân vốn... để tăng khả năng hấp thụ vốn đầu tư công.

Hỗ trợ dòng vốn cho doanh nghiệp thông qua công cụ tài chính - tín dụng

Bên cạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, các gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, TP.HCM nghiên cứu kéo dài thêm thời gian và đối tượng áp dụng trên địa bàn, phù hợp với tiến trình phục hồi và mức độ khó khăn mà các đối tượng gặp phải.

Bổ sung các giải pháp như: xây dựng cơ chế “bù lãi suất” vay cho doanh nghiệp có phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh thông qua tín dụng của các ngân hàng thương mại. Triển khai mô hình hỗ trợ những doanh nghiệp đang khó khăn về vốn, nhưng không đủ điều kiện vay theo quy định “Chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng”.

Nhìn chung, năm 2021, tuy kinh tế TP.HCM đối diện với những thách thức chưa có tiền lệ, nhưng với tiềm lực về cơ sở hạ tầng kinh tế và sự năng động vốn có của lực lượng doanh nghiệp trên địa bàn, nên sau 3 tháng mở cửa có điều kiện, các hoạt động đang dần khởi sắc. Nếu chính quyền Thành phố triển khai đồng bộ và có hiệu quả 3 nhóm giải pháp gồm: phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ phục hồi kinh tế thông qua 3 công cụ chính là tháo gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ nhanh và hiệu quả các nguồn vốn, tăng mức đầu tư công như “vốn mồi” để thu hút đầu tư tư nhân, kích thích tổng cầu và hỗ trợ tài chính, tín dụng cho những doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền… sẽ tiếp sức cho lực lượng doanh nghiệp và gần 400.000 hộ sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã phục hồi các hoạt động trong giai đoạn “bình thường mới”.

Hy vọng năm 2022 sẽ khởi đầu thành công cho mô hình phục hồi kinh tế theo mô hình chữ V như kỳ vọng của chính quyền TP.HCM.

10 sự kiện nổi bật của TP.HCM năm 2021
Các sự kiện được bình chọn trên cơ sở giới thiệu từ các cơ quan báo chí và lấy ý kiến của người dân, trên tất cả các lĩnh vực chính trị,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư