Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
TP.HCM: Nguồn kinh phí xã hội đang thúc đẩy phát triển lĩnh vực giáo dục
Hoài Sương - 09/09/2023 08:00
 
Trong những năm qua, nguồn kinh phí từ xã hội hóa của các công ty, đơn vị, cá nhân đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo tăng lên đáng kể.

Nguồn kinh phí xã hội đóng vai trò quan trọng

Mới đây, UBND TP.HCM vừa có văn bản phê duyệt Đề án “Xã hội hóa phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo TP.HCM giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Hiện nay, mạng lưới trường lớp ở các ngành học, bậc học đã được phủ khắp 21 quận, huyện và TP Thủ Đức với quy mô phát triển ngày một tăng. Trong đó, tính đến năm học 2022-2023, toàn TP.HCM có 2.716 cơ sở giáo dục đào tạo; 2.04.266 học sinh, sinh viên và 94.368 giáo viên.

Trong những năm qua, nguồn kinh phí từ xã hội hóa của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo tăng lên đáng kể. Hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã được xây mới, cải tạo sửa chữa, tăng cường đầu tư trang bị cơ sở vật chất, máy móc thiết bị… góp phần nâng cao các hoạt động giáo dục toàn diện, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển giáo dục của Thành phố.

CC
Trong những năm qua, hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã được xây mới, cải tạo sửa chữa, tăng cường đầu tư trang bị cơ sở vật chất, máy móc thiết bị… tăng lên đáng kể.

Trong đó, TP.HCM có 35 trường có vốn đầu tư nước ngoài, 703 trung tâm ngoại ngữ - tin học, 122 đơn vị tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa cũng tạo thêm nơi học tập nâng cao trình độ cho người dân.

Theo UBND TP.HCM, cùng với việc tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, nguồn ngân sách ngoài nhà nước tăng lên đáng kể, việc đóng góp từ các nguồn khác cho phát triển giáo dục cũng tăng hàng năm. Cụ thể, trong các nguồn kinh phí đầu tư cho sửa chữa, xây dựng trưởng lớp, ngân sách nhà nước chiếm khoảng 60%, vốn vay từ quỹ đầu tư và từ các nguồn khác khoảng 15% và vốn xã hội hóa chiếm 25%.

Đặc biệt, công tác xã hội hóa giáo dục tại TP.HCM đã phát huy đúng mức vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của cha mẹ học sinh tại trường học.

“Ngoài học phí, cha mẹ học sinh các trường đã tự nguyện đóng góp tài trợ hoạt động dạy và học, trang bị cơ sở vật chất (trung bình hàng năm khoảng 450 tỉ đồng) với các khoản chi như: Quỹ khen thưởng học sinh, cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm nhỏ phục vụ trường, lớp học, sửa chữa nhỏ trường, lớp…”, báo cáo nêu rõ.

Có thể thấy, việc đóng góp thông qua chương trình kích cầu của TP.HCM để đầu tư xây dựng trường và các cơ sở vật chất khác cho phép nhà nước tiết kiệm một phần kinh phí đầu tư xây dựng và chuyển nguồn ngân sách này cho khu vực khó khăn trong Thành phố. Đây là một mô hình ba bên, nhà trường cùng với cha mẹ học sinh và chính quyền thực hiện.

Nhờ đó, tỷ lệ các trường đã được công nhận kiểm định chất lượng giáo dục năm 2022 cấp mầm non đạt 92,46%, cấp tiểu học đạt 96,75%, cấp trung học cơ sở đạt 96,67%, cấp trung học phổ thông đạt 78,50% đã góp phần không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

cc
Tuy nhiên, tốc độ xã hội hóa còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa huy động được tổng thể các nguồn lực để phát triển giáo dục - đào tạo của TP.HCM.

Còn những hạn chế và khó khăn

Theo UBND TP.HCM, dù đã đạt được nhiều thành công trong quá trình xã hội hóa phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhưng nhận thức về xã hội hóa ở một bộ phận cán bộ, nhân dân còn chưa đầy đủ, tốc độ xã hội hóa còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa huy động được tổng thể các nguồn lực để phát triển giáo dục - đào tạo của Thành phố.

Không những thế, mâu thuẫn giữa yêu cầu đổi mới và cơ chế hoạt động luôn là sự cản trở cho những người thực hiện. Trong đó, một số quận, huyện chưa bố trí kinh phí để thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập, hoạt động chủ yếu lồng ghép từ các chương trình mục tiêu, dự án nên hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng còn hạn chế.

Chế độ chính sách chưa đồng bộ, thiếu và chậm hướng dẫn cụ thể và đặc biệt cơ chế hoạt động của các trường công lập chưa cho phép phát huy hết khả năng. Không những thế, trong khi nhu cầu học tập của người dân TP.HCM rất lớn, đòi hỏi nhiều loại hình đa dạng nhưng hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng còn hạn chế, chưa thu hút đông đảo sự tham gia của người dân.

Theo báo cáo, Nghị định của Chính phủ có ban hành về việc thực hiện chính sách xã hội hóa các lĩnh vực trong đó có giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên các Bộ, ngành liên quan chưa thật sự quan tâm sâu sắc, chưa tìm được tiếng nói chung để thực hiện. Việc này dẫn đến kết quả các năm qua về công tác xã hội hóa chưa có nhiều động thái tích cực.

Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp quy về thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục vẫn còn những mặt chưa được cụ thể hóa, tính pháp chế còn ít, tính động viên khuyến khích là chủ yếu. Chưa xây dựng được một chiến lược và một cơ chế để tạo ra sự đồng thuận xã hội cao trong công tác xã hội hóa giáo dục.

Ngành giáo dục tập trung 12 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023 - 2024
Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, năm học 2023 -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư