Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM: Thẻ xanh Covid-19 không thay thế cho giải pháp 5K và xét nghiệm
Việt Dũng - 14/09/2021 07:51
 
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, thẻ xanh Covid-19 không thay thế cho giải pháp 5K và xét nghiệm, cần tránh hiểu lầm có thẻ xanh thì không cần xét nghiệm.

Tại buổi họp báo định kỳ chiều 13/9, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã thông tin về việc cấp thẻ xanh cho các trường hợp mắc Covid-19 và khỏi bệnh mà chưa được ngành y tế ghi nhận.

Theo ông Thượng, thời gian đầu khi dịch bùng phát, số lượng người mắc rất lớn, nằm ngoài dự báo nên nhiều trường hợp F0 chưa được tiếp cận y tế để xét nghiệm theo quy định. 

Về mô hình thí điểm cách ly F0 tại nhà mà TP.HCM đang thực hiện, ông Thượng đánh giá bước đầu đạt hiệu quả thiết thực, không chỉ đơn thuần là F0 lưu trú tại nhà mà đi kèm thuốc điều trị và hỗ trợ y tế kịp thời.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng thừa nhận, phát hiện một số trường hợp F0 tại nhà không có triệu chứng, chưa được cơ quan y tế xác định để quản lý; đồng thời cho biết sẽ tham mưu biện pháp phù hợp. 

Tuy nhiên, đây là việc mới, trên thế giới cũng chưa khuyến cáo làm xét nghiệm kháng thể để chứng minh người nào đó đã mắc Covid. Sắp tới, Sở Y tế sẽ làm việc với các cơ quan chuyên môn, chuyên gia đầu ngành.

Ông Thượng khuyến khích người dân nên tiêm vắc-xin, nếu không thuộc trường hợp chống chỉ định thì những trường hợp đã mắc thì vẫn có thể tiêm vắc-xin được.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin tại buổi họp
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin tại buổi họp


Về việc cấp thẻ xanh Covid, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Thành phố đang tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, ông Thượng khẳng định: “Thẻ xanh không thể thay thế 5K và xét nghiệm, cần tránh hiểu lầm có thẻ xanh thì không cần xét nghiệm”.

Bởi vì những người được cấp thẻ xanh, dù có kháng thể thì chỉ bảo vệ cho cá nhân nhưng vẫn có thể mang bệnh và lây bệnh cho gia đình, cộng đồng. Phương châm của ngành y tế thành phố là thẻ xanh cộng với 5K và xét nghiệm chứ không thể thay thế cho 2 giải pháp trên.

Thông tin về những tiêu chí mà TP.HCM chưa đạt để tuyên bố kiểm soát được dịch Covid-19, ông Thượng cho biết, có một tiêu chí rất khó đó là số ca mắc giảm liên tục 2 tuần, và thấp hơn 50% so với tuần có ca mắc cao nhất.

Hiện biểu đồ số ca mắc Covid-19 của TP.HCM đang ở đường ngang, không đi lên nhưng không đi xuống, dao động 5.000 – 6.000 ca mỗi ngày. Mặt khác, nếu căn cứ các tiêu chí khác của WHO thì thành phố vẫn chưa đạt. Tuy nhiên, căn cứ vào dữ liệu hiện tại thì có nhiều tín hiệu khả quan như: số ca mắc, tử vong, xét nghiệm dương tính trong tuần đều giảm.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, biến biến thể Delta nằm ngoài dự kiến, thậm chí né tránh được một số kháng thể trong người. Theo lý luận của một số chuyên gia dịch tễ thì khó làm sạch F0 trong cộng đồng. 

“Chúng ta chỉ có thể kéo giảm ở mức độ nào đó, chứ khó giảm hẳn. TP.HCM đang nỗ lực thực hiện các biện pháp và trao đổi với bộ phận thường trực của Bộ Y tế để tìm ra những tiêu chí phù hợp; trong đó số tử vong phải giảm”, ông Thượng cho hay.

Cũng tại buổi họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, so với tiêu chí Chính phủ đề ra, rằng ngày 15/9 TP.HCM phải kiểm soát dịch, thì TP.HCM vẫn còn một số nội dung chưa đạt.

Vì vậy, để đảm bảo kết quả bền vững, từng bước nới lỏng phục hồi kinh tế, để hài hòa phòng chống dịch, thành phố quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dự kiến đến cuối tháng 9. Một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch bệnh tốt như Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Q.5, Q.7, Q.11 thì sẽ thực hiện Chỉ thị 16 (-) hoặc Chỉ thị 15 (+).

Theo ông Phan Văn Mãi, việc chuẩn bị như trên của thành phố là để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững; có sự chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn mở cửa sau dịch bệnh. Đồng thời, một số hoạt động thành phố sẽ tập trung thực hiện đến cuối tháng 9 như: tiêm vắc xin, qua đó sẽ tập trung đạt tỷ lệ cao nhất và đẩy nhanh tiêm mũi 2 khi tới hạn, hoặc rút ngắn thời gian từ 8 - 12 tuần xuống còn 6 tuần. 

Đây là điều kiện để nhanh chóng mở cửa trở lại các hoạt động bình thường. TP.HCM cũng sẽ tập trung củng cố năng lực hệ thống y tế, cơ sở; chuẩn bị kỹ kế hoạch phục hồi kinh tế sau tháng 9 trở đi.

TP.HCM: Tỷ lệ dương tính tại vùng cam, vùng đỏ đã giảm
Tại vùng cam, đỏ, tỷ lệ dương tính lần lượt giảm từ 3,6% xuống còn 2,7% và hiện là 1,3%. Tại vùng xanh là 0,78%, cận xanh là 1,27% và vùng vàng là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư