Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 09 năm 2024,
TP.HCM triển khai ứng dụng tra cứu nhanh thuốc cấp cứu tại các bệnh viện
Hoài Sương - 04/09/2024 21:53
 
Ứng dụng này sẽ giúp các bác sĩ trực cấp cứu nhanh chóng và dễ dàng tra cứu xem bệnh viện nào hiện có thuốc cấp cứu mà ca trực đang cần để cứu chữa bệnh nhân kịp thời.

 

Thời gian gần đây, một số trường hợp tại TP.HCM nhờ chia sẻ thuốc cấp cứu, thuốc giải độc đã mang lại hiệu quả. Ví dụ điển hình là việc cứu sống 2 bệnh nhân bị Methemoglobin nặng tại Bệnh viện Trưng Vương nhờ sự chia sẻ thuốc Xanh methylen từ Bệnh viện Nhi Đồng 1. Hay trường hợp điều trị các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhờ sự chia sẻ từ Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Do đó, ứng dụng tra cứu thuốc cấp cứu được xây dựng nhằm mục đích tạo ra một hệ thống thông tin liên kết giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn TP.HCM. Hệ thống này sẽ giúp theo dõi, cập nhật và giúp điều phối các loại thuốc cấp cứu. Từ đó hỗ trợ các bệnh viện trong việc tiếp cận nhanh chóng các loại thuốc cần thiết khi đối mặt với các ca cấp cứu khẩn cấp.

Ứng dụng giúp tối ưu hóa quy trình quản lý và điều phối thuốc, nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, phần mềm gồm các chức năng chính như: Cập nhật tình hình tồn kho thuốc cấp cứu; tra cứu và tìm kiếm thuốc cấp cứu tại các cơ sở khám, chữa bệnh; theo dõi, cảnh báo tình hình tồn kho thuốc cấp cứu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để có các biện pháp can thiệp kịp thời.

“Việc sẵn sàng chia sẻ thuốc cấp cứu lẫn nhau chắc chắn sẽ được các bệnh viện hưởng ứng cao độ vì ý nghĩa cứu người. Ngoài ra, hệ thống giúp tối ưu hóa quy trình quản lý và điều phối thuốc, đảm bảo chất lượng hoạt động cung ứng bệnh viện, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Hoạt động này sẽ diễn ra thường xuyên, liên tục và sẽ được Sở Y tế điều phối”, Sở Y tế chia sẻ.

Trước mắt, từ tháng 9/2024, Sở Y tế triển khai thực hiện cập nhật dữ liệu tồn kho thuốc cấp cứu hiện có của một số bệnh viện đa khoa thành phố, bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của TP.HCM (Sản, Nhi, Nhiễm, Huyết học…). Trong thời gian tiếp theo, Sở Y tế sẽ tiếp tục mở rộng sự tham gia chia sẻ dữ liệu, sử dụng phần mềm với các bệnh viện Bộ ngành và các bệnh viện tư nhân trên địa bàn.

Để hệ thống này hoạt động hiệu quả, cần có sự hợp tác chặt chẽ từ các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM. Các bệnh viện cần phải chủ động cập nhật tình trạng tồn kho, chia sẻ dữ liệu và phối hợp khi cần thiết để đảm bảo mọi ca cấp cứu đều nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng và đầy đủ. 

Tuy nhiên, Sở Y tế cho rằng, một thách thức đặt ra là những loại thuốc này thường có nhu cầu sử dụng thấp, không thường xuyên, một số thuốc chi phí rất cao. Những năm gần đây một số thuốc cấp cứu trở nên khan hiếm làm cho việc một bệnh viện đảm bảo phải có đủ tất cả các loại thuốc cấp cứu là điều rất khó khăn. 

Do đó, ứng dụng tra cứu nhanh thuốc cấp cứu tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM cùng hoạt động giám sát cập nhật dữ liệu thuốc cấp cứu từ các bệnh viện, điều phối thuốc trong những tình huống khẩn cấp từ Sở Y tế sẽ là một giải pháp thiết thực trước những thách thức trên.

Bên cạnh việc triển khai phần mềm tra cứu thuốc cấp cứu, trong khi chờ Bộ Y tế triển khai mô hình các kho dự trữ thuốc quý hiếm, cấp cứu, Sở Y tế TP.HCM sẽ đề xuất UBND TP.HCM cho phép xây dựng và triển khai một số cơ sở dự phòng cho các loại thuốc cấp cứu thuộc danh mục thuốc hiếm. 

Mục tiêu là đảm bảo khả năng ứng phó kịp thời với các tình huống cấp cứu khẩn cấp trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Nhiều người trẻ mắc rối loạn tiền đình
Các bác sĩ đã tiếp nhận người bệnh mắc rối loạn tiền đình ở lứa tuổi trên 20, trong khi đó đây là bệnh hay xảy ra ở người trên 40 tuổi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư