Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Trái chủ và cơn uất nghẹn lịch sử: Bài 2: “Con kiến leo cành cụt…”
Ngô Nguyên - 31/05/2023 11:52
 
Với tư vấn của TVSI, sự nỗ lực của SCB, chỉ “tíc tắc” trước khi bị siết điều kiện chỉ bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát hoặc liên quan ồ ạt phát hành trái phiếu thuộc loại rủi ro nhất và huy động được số tiền khủng.
Nhiều trái chủ nộp đơn kêu cứu tại cơ quan công an TP.HCM là người già đã  bạc phơ mái tóc
Nhiều trái chủ nộp đơn kêu cứu tại cơ quan công an TP.HCM là người già đã bạc phơ mái tóc.

Bài 2: “Con kiến leo cành cụt…”

Hàng chục ngàn trái chủ của các công ty thuộc hệ sinh thái hoặc có dính dáng đến Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát  (Vạn Thịnh Phát) kêu cứu trong cảnh “con kiến leo cành cụt”.

Đều do TVSI tư vấn, SCB “dẫn khách”

Theo điều tra của chúng tôi, các mã trái phiếu gây tan cửa, nát nhà cho hàng chục ngàn trái chủ, gây “cơn uất nghẹn lịch sử”, gây “sóng gió” thị trường trái phiếu hiện nay đều của các công ty thuộc hệ sinh thái hoặc có dính dáng đến Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát  (Vạn Thịnh Phát).

Đặc biệt, các tổ chức phát hành này đều có nhiều điểm chung như: được Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) tư vấn, kiêm đơn vị phát hành…; trái phiếu thuộc loại nhiều không (không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không hoặc có tài sản đảm bảo, không hoặc có bảo lãnh thanh toán); chọn Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) làm tổ chức quản lý tài sản đảm bảo hoặc trái chủ mua qua ngân hàng này; huy động được số tiền “cực khủng”.

Chẳng hạn các lô trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát). Công ty này hoạt động từ năm 2007, kinh doanh bất động sản và có 2 chi nhánh là Windsor Plaza Hotel và The Garden Complex, trong đó Windsor Plaza là khách sạn tư nhân 5 sao nổi tiếng ở TP.HCM.

Tới tận năm 2022, SCB còn phát động hàng loạt chương trình lớn toàn hệ thống để “săn” nhà đầu tư như chương trình thi đua trái phiếu “Chặng đua thần tốc”, “Bản lĩnh dẫn đầu - Thống lĩnh đường đua”, “Giới thiệu hăng say - Nhận ngay thưởng lớn” để nhân viên nỗ lực đi “săn” nhà đầu tư dù chuyên hay không chuyên nghiệp mua trái phiếu đầy rủi ro nêu trên.

Dù có tài sản “khủng”, nhưng năm 2018 và 2019, An Đông phát hành 3 lô trái phiếu với tổng trị giá gần 25.000 tỷ đồng đều là trái phiếu không chuyển đổi; không kèm chứng quyền; không có tài sản đảm bảo... Ba lô trái phiếu này đều do TVSI tư vấn, kiêm luôn đại lý phát hành, còn SCB môi giới, tìm kiếm khách hàng của mình mua trái phiếu (có khoảng 40.000 trái chủ trái phiếu An Đông mua qua SCB).

Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, có cổ đông liên quan đến Vạn Thịnh Phát (Trương Huệ Vân, nguyên Tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát, đã bị Bộ Công an khởi tố) và nằm trong danh sách hơn 700 doanh nghiệp đang bị rà soát liên quan đến Vạn Thịnh Phát.

Năm 2018 và đặc biệt là năm 2020, Quang Thuận phát hành 60 lô trái phiếu mã QT.H2025.01 đến QT.H2025.60, với tổng giá trị huy động lên đến 6.000 tỷ đồng, đứng trong danh sách các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất năm 2020. Đây cũng là lô trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đầy rủi ro, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo.

Còn Công ty TNHH một thành viên Khách sạn quốc tế Thiên Phúc đã phát hành 30 lô trái phiếu mã THP.H2025.01-THP.H2025.30 vào tháng 8/2020, với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng. Đây cũng là loại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhiều rủi ro, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.

Cũng như trái phiếu An Đông, các mã trái phiếu Quang Thuận, Thiên Phúc nêu trên đều do TVSI tư vấn kiêm luôn phát hành; còn SCB đồng hành không chỉ với vai trò tổ chức quản lý tài sản đảm bảo, tổ chức quản lý tài khoản, mà còn “dụ” khách mua luôn.

 Các trái chủ xếp hàng tại Hội sở SCB (TP.HCM) gửi đơn kêu cứu
Các trái chủ xếp hàng tại Hội sở SCB (TP.HCM) gửi đơn kêu cứu

Đều “bung hàng” trước giờ G

Các trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có độ rủi ro cao nhất, nhưng bán cho cả “ông lão, bà cụ” gây khốn đốn trái chủ nêu trên đều chọn thời khắc phát hành trước khi bị siết chặt quy định “trái chủ” phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Cụ thể, ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm theo chứng quyền… chỉ được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, bởi loại hình trái phiếu  này rủi ro lớn hơn trái phiếu chào bán ra công chúng.

Chỉ trước “giờ G” khoảng 4 tháng, ngày 31/8/2020, Quang Thuận đã kịp phát hành 60 lô trái phiếu, với tổng giá trị huy động lên đến 6.000 tỷ đồng như đã nêu trên. Còn Thiên Phúc phát hành 30 lô trái phiếu mã THP.H2025.01-THP.H2025.30 với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng chỉ 4 tháng trước khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP có hiệu lực. An Đông chọn thời điểm sớm hơn 2 doanh nghiệp kia, phát hành 3 đợt trái phiếu vào năm 2018 và 2019.

Do “nhanh chân”, các doanh nghiệp tận dụng nhiều điều kiện ở quy định trước đó là Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 và Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các quy định này chưa bắt buộc điều kiện “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”, chỉ quy định chung chung: “Đối tượng mua trái phiếu là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài”.

Thế nên mới có chuyện, không chỉ TVSI, mà cả SCB cũng nhảy vào cuộc chào mời bán trái phiếu này để ký kết với bất kỳ ai, chứ không phải chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Không những vậy, với việc chọn thời điểm nêu trên để phát hành trái phiếu, nhà phát hành còn “thoát” hàng loạt quy định kiểm soát khác như việc kiểm tra hồ sơ, giám sát mục đích sử dụng vốn hoàn toàn không có cơ quan quản lý nhà nước nào can thiệp, mà doanh nghiệp “tự lo, tự chịu”.

Mặt khác, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP còn cho phép công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng… được cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu. Việc tư vấn, thẩm định của tổ chức tư vấn phát hành… phụ thuộc vào hồ sơ doanh nghiệp cung cấp.

Và Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 cho điều kiện chuyển tiếp: “Đối với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP và Nghị định số 81/2020/NĐ-CP… cho đến khi trái phiếu đáo hạn”.

Trong khi đó, 3 lô trái phiếu An Đông lại có thời điểm đáo hạn tới tận tháng 9/2023 và tháng 1/2024; 60 lô trái phiếu Quang Thuận mã QT.H2025.01 đến QT.H2025.60 đáo hạn ngày 31/8/2025; 30 lô trái phiếu Thiên Phúc mã THP.H2025.01-THP.H2025.30 đáo hạn ngày 31/8/2025.

Thế nên mới có cảnh, tới tận tháng 10/2022, chỉ trước vài ngày Bộ Công an khởi tố bắt bà Trương Mỹ Lan, nhiều người dân không có kiến thức tài chính (chứng khoán) vẫn bị “dụ” và trở thành trái chủ “bất đắc dĩ”.

Lãnh đủ… trái đắng, rồi rơi vào bế tắc

Với sự tận dụng “phút 89” của nhà phát hành nêu trên, những trái chủ không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, chỉ là những người già, bà bán nước mía hay cô giáo, anh bộ đội về hưu, không chỉ lãnh đủ hậu quả khi “xảy ra chuyện”, mà còn rơi vào cảnh bế tắc.

Cụ thể, do tiền ky cóp cả đời lao động có nguy cơ “bốc hơi”, hàng chục ngàn trái chủ trái phiếu An Đông, Quang Thuận, Thiên Phúc… tới các chi nhánh SCB, TVSI bức xúc rằng, TVSI đã bất chấp bán trái phiếu cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp; SCB không nói rõ rủi ro về trái phiếu, cố tình dẫn dắt khiến họ hiểu lầm là “tiền gửi linh hoạt 31 ngày” nên mới “sập bẫy”…

Tuy nhiên, do tư vấn và đồng hành cho doanh nghiệp phát hành lách kịp trước khi pháp luật siết lại đối tượng đầu tư, nên TVSI thản nhiên phản hồi trái chủ: “Theo quy định chuyển tiếp của Nghị định 153/2020/NĐ-CP, thì đối với các trái phiếu đã phát hành trước ngày 1/1/2021 và chưa đến ngày đáo hạn, thì đối tượng mua trái phiếu không bắt buộc phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”.  

Còn SCB cho rằng: “Hoạt động giới thiệu trái phiếu cho nhà đầu tư của SCB là thực hiện theo đúng nội dung hoạt động tại giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp; SCB chỉ ‘giới thiệu khách hàng cho TVSI’, chứ không tham gia ký kết hợp đồng mua bán trái phiếu… Việc ngân hàng phải mua lại các trái phiếu này, hoặc chuyển thành sổ tiết kiệm... theo yêu cầu của trái chủ là ‘không có cơ sở để thực hiện’”.

Nhà phát hành “biệt tích”, các tổ chức trung gian vận dụng sơ hở pháp lý dễ dàng chối từ cũng tức là hàng chục ngàn trái chủ kêu cứu trong cảnh “con kiến leo cành cụt”.

Ngày 24/4/2023, TVSI cho hay, đã gửi Công văn số 585/TB-TVSI ngày 4/4/2023; Công văn số 311/TB-TVSI ngày 20/2/2023; Công văn số 299/2023/CV-TVSI ngày 30/1/2023 yêu cầu An Đông mua lại 3 mã trái phiếu vì đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán, nhưng doanh nghiệp không hề phản hồi, dù rằng mã ADC-2018.09 phát hành năm 2018 vẫn chưa có quyết định khởi tố liên quan (của Bộ Công an). Kết cục tới giờ, 40.000 trái chủ An Đông mua qua SCB không biết “số phận” gần 25.000 tỷ đồng đã bỏ ra sẽ ra sao.

Còn trái phiếu Quang Thuận, dù Bộ Công an khởi tố An Đông, Vạn Thịnh Phát (tháng 10/2022), nhưng tháng 12/2022, TVSI có văn gửi SCB đề nghị cung cấp đầu mối liên hệ của các tổ chức phát hành này, rồi nhận được hồi đáp: “Thời gian qua, SCB đã gửi thư mời họp, nhưng tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa liên hệ được nhân sự đầu mối, cũng như chưa nhận được phản hồi từ phía tổ chức phát hành trên”.

Tháng 3/2023, TVSI có Thông báo số 357/TP-TVSI yêu cầu Quang Thuận thanh toán hơn 312 tỷ đồng tiền lãi và phạt lãi trái phiếu chậm thanh toán, nhưng tới giờ, trái chủ của lô trái phiếu tổng trị giá 6.000 tỷ đồng này vẫn chưa thấy tiền về tài khoản.

Tháng 3/2023, TVSI có Thông báo số 359/TB-TVSI yêu cầu Thiên Phúc thanh toán hơn 156 tỷ đồng tiền lãi Coupon trái phiếu chậm thanh toán, nhưng tới giờ này, trái chủ vẫn chưa hề nhận được, dù hơn 3.000 tỷ đồng đã bỏ ra mua.

(Còn tiếp)

Tới lượt doanh nghiệp khốn đốn vì Tân Thành Long An - Bài 1: Đem đất đã cho thuê thế chấp vay hơn 33.000 tỷ đồng
Công ty cổ phần Tân Thành Long An khiến một doanh nghiệp lao đao khi đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ thế chấp SCB để bảo lãnh cho...
Bình luận bài viết này
  • Tien Huynh 10:06 | 01-06-2023
    Người dân vô cùng biết ơn Nhà báo. Xin cảm ơn Nhà báo đã lên tiếng thay cho những khách hàng bị SCB dẫn dụ như chúng em... Cầu mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết để cuộc sống nhân dân được ổn định trở lại. Biết bao nhiêu con người, hoàn cảnh gia đình bị đẩy vào bế tắc và đường cùng.
  • Thanh Mai 09:13 | 01-06-2023
    Vậy ai, bộ ngành nào phải nhận trách nhiệm đã ban hành các quy định về phát hành trái phiếu không chặt chẽ, có kẽ hở để doanh nghiệp phát hành trái phiếu lợi dụng, liên kết với các tổ chức môi giới phát hành, ngân hàng bán trái phiếu đầy rủi ro cho người dân, gây hậu quả xấu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và gây ra tình trạng mất niềm tin với thị trường trái phiếu, ngân hàng, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước như hiện nay. Việc nhận trách nhiệm phải thể hiện bằng hành động là khắc phục hậu quả, bồi thường cho người dân bị thiệt hại do mua phải trái phiếu rác.
  • Chau Lê 08:39 | 01-06-2023
    Cảm ơn Quý Báo đã kêu cho nỗi khổ của những người dân. Chúng tôi đều là các khách hàng chung thân gửi tiết kiệm của SCB và đều bị dẫn dụ mua trái phiếu bằng cách bảo đây là gửi tiền tiết kiệm linh hoạt. Mong Quý báo tiếp tục hỗ trợ chúng tôi. Trân trọng cảm ơn!
  • nguyenyen 08:34 | 01-06-2023
    Quý Tòa soạn đã có bài báo lên tiếng thay cho nỗi lòng của người dân, bài viết sâu sắc, đi sát vào tình hình thực trạng của thị trường trái phiếu, nơi mà TVSI có mối liên hệ sâu sắc cùng SCB để lách luật, khiến bao người lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất. Mong Nhà nước xem xét và vào cuộc sớm.
  • Bùi Hữu Tuấn 08:14 | 01-06-2023
    Chào anh Ngô Nguyên, tôi là người đàn ông “già đã bạc phơ mái tóc” trong bài “ Con kiến leo cành cụt….” của anh viết mới đăng 31/5. Chân thành cám ơn anh chỉ trong thời gian ngắn đi sâu tìm hiểu sự việc đã thấu hiểu tình cảnh “ Con kiến leo cành cụt….” của những nạn nhân chúng tôi hơn 8 tháng đã trải qua. Loạt bài báo của anh (5 bài về Vạn Trường Phát và seri bài Trái chủ và cơn uất nghẹn lịch sử) đã và đang đi vào ngóc ngách tối tăm, những kẻ hở của luật pháp mà những kẻ sành sỏi, thành thạo kỹ thuật đã lợi dụng để tạo nên “Cơn uất nghẹn lịch sử” cho hàng trăm ngàn nạn nhân cùng gia đình chúng tôi! Như anh đã viết, tình cảnh của chúng tôi lúc này thật sự khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, cả về phương diện pháp lý trong hành trình gian nan đòi lại tài sản của mình! Họ đã nghiên cứu kỹ những lỗ hổng pháp luật, gài chúng tôi một cách bài bản, đưa chúng tôi vào thế bất lợi hoàn toàn khi soạn thảo những văn bản hợp đông chặt chẽ ném đá dấu tay không chừa lại dấu vết tội phạm, nạn nhân chúng tôi đã ký vào các văn bản đó dù không tự nguyện nhưng đã rơi vào thế “bút sa gà chết” “án tại hồ sơ”!!! Nhưng không lẽ mọi việc đã chấm dứt? Pháp luật đành bó tay? Với niềm tin vào luật nhân quả, tôi và các nạn nhân đều tin rằng những kẻ gây nên nỗi “Uất nghẹn lịch sử” này phải bị trả giá, sai phạm của họ sẽ bị vạch trần. Với quyết tấm sắt đá các nạn nhân, chúng tôi sẽ kiên trì đấu tranh và với ngòi bút sắc bén của các nhà báo có tâm như Ngô Nguyên sẽ phanh phui làm bừng sáng lên những góc khuất tội lỗi. Chúng tôi cũng tin tưởng các điều tra viên của Bộ Công an già dặn kinh nghiệm, được đào tạo nghiệp vụ bài bản sẽ sớm kết thúc điều tra đưa vụ án ra xét xử. Công lý nhất định sẽ được thực thi! Công bằng và tài sản sẽ được trả lại cho những bị hại trong vụ việc lịch sử này!
  • Thanh 20:27 | 31-05-2023
    Cảm ơn Báo Đầu tư đã nói hộ người dân trong vụ việc này. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để chúng tôi lấy lại được đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình.
  • Huỳnh Thu Cúc 17:22 | 31-05-2023
    Cảm ơn nhà báo đã hiểu được nỗi nổi khổ tột cùng của những khổ chủ, chúng tôi có hiểu biết trái phiếu là gì đâu, nhất là những người đã nghỉ hưu lâu năm như tôi, giờ không còn làm ra tiền nữa, nên chỉ còn biết mong chờ nhà nước nhanh chóng giải quyết cho mọi người dân được lấy lại số tiền đã gửi qua SCB.
  • Ansmann 14:35 | 31-05-2023
    Cảm ơn Quý báo đã nói lên nỗi thống khổ của người dân.
  • Seven Up 13:35 | 31-05-2023
    Cám ơn Báo Đầu tư đã lên bài cho nỗi khổ của người dân chúng tôi. Mong sao nhà nước sớm giải quyết trả lại tiền cho người dân, lấy lại niềm tin xã hội.
  • pham bichvan 13:24 | 31-05-2023
    Cảm ơn nhà báo lên bài. Dân khổ quá mà!
Xem thêm trên Báo Đầu Tư