Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Trần Minh Mạnh, Giám đốc tiếp thị Orisoy: Cơ hội có ngay ở chỗ đông người
Phi Vũ - 02/06/2016 15:09
 
Gia nhập thị trường hồi tháng 10/2014 bằng thương hiệu Orisoy, chuyên doanh các sản phẩm làm từ đậu nành không biến đổi gen, nhưng chưa đầy hai năm sau, Trần Minh Mạnh, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc tiếp thị Orisoy đã tính tới kế hoạch xuất khẩu Orisoy. “Tại sao lại không thử”, Mạnh đã nói vậy với những lời phản biện.

Tìm cơ hội chỗ đông người

Có thể nói, ý tưởng kinh doanh cửa hàng ăn vặt làm từ tàu hũ, những món ăn in đậm trong ký ức tuổi thơ của thế hệ 8x, 9x như Trần Minh Mạnh không phải mới. Thị trường đã có nhiều thương hiệu trong dòng sản phẩm này.

Chỉ tính riêng tàu hũ, TP.HCM có Thế giới Tàu hũ, Tàu hũ Xe lam, Tàu hũ Tornado…; Hà Nội thì có Vua Tàu phớ, Ngon hơn cả Tàu phớ. Đặc biệt, các chuỗi cửa hàng ở Hà Nội khá mạnh khi các doanh nghiệp ở khu vực này đều có từ 15 chi nhánh trở lên. Các doanh nghiệp TP.HCM quy mô khiêm tốn hơn, chỉ mới có từ một đến hai cửa hàng.

.
Trần Minh Mạnh, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc tiếp thị Orisoy

Chính vì thế, với việc có trong tay 6 cửa hàng, Orisoy có thể coi là công ty dẫn đầu thị trường kinh doanh dòng sản phẩm này ở phía Nam, dù mới tham gia chưa đầy hai năm.

Thực ra, tiền thân của Orisoy là đậu hũ HAT, một trong những doanh nghiệp tiên phong kinh doanh mặt hàng này ở TP.HCM hồi năm 2011. Đến năm 2014, Mạnh và các cộng sự quyết định “đổi áo” cho HAT cả về nhận diện thương hiệu lẫn chiến lược kinh doanh. Lý do là, Orisoy muốn đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng mới.

Có thể nói, định hướng trên chính là lý do để thương hiệu này tạm thời dẫn đầu thị trường khu vực TP.HCM.

Trao đổi về câu chuyện của Orisoy, Trần Minh Mạnh cho biết, Công ty xác định tập khách hàng chính là từ 18 đến 35 tuổi. Đặc điểm của nhóm khách hàng này là thích sự đa dạng trong sản phẩm và cũng không ngần ngại thử các hương vị mới.

“Bởi vậy, ngoài các loại ăn kèm phổ biến như đậu đỏ, hạt sen, nha đam, chúng tôi đã nghiên cứu để bổ sung thêm các loại thạch với nhiều hương vị mới khác nhau”, nhà sáng lập của Orisoy nói.

Và thế là Orisoy trở thành thương hiệu sở hữu các dòng sản phẩm độc quyền được chế biến từ đậu nành, như tàu hũ đá dứa, tàu hũ đá gấc, sữa đậu nành nấu, tàu hũ nước dừa…

Cùng với đó, để phục vụ tập khách hàng mục tiêu, vốn chủ yếu là nhân viên văn phòng, hộ gia đình, Orisoy đẩy mạnh dịch vụ giao hàng tận nơi.

Mạnh cho biết, trong 6 cửa hàng Orisoy đang có, công ty tự bỏ vốn xây dựng 3, số còn lại theo mô hình nhượng quyền thương hiệu. Đây cũng chính là hướng mà Mạnh đang nhắm tới mở rộng độ phủ của Orisoy.

Theo thống kê, mỗi ngày, hệ thống Orisoy tiếp hơn 1.200 lượt khách. Công ty đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượt khách phục vụ từ đây đến cuối năm.

“Chúng tôi cũng đang tính sẽ mở thêm 4 chi nhánh nữa theo mô hình nhượng quyền trong năm nay”, Mạnh nói.

Khởi nghiệp phải chịu khó “đóng” học phí

Có thể nói, để Orisoy hoạt động tạm ổn định như hiện nay là chuỗi ngày dài “đóng” học phí của Mạnh và các cộng sự cho mỗi lần sai sót.

Đầu tiên là học cách chọn và bảo quản nguyện liệu, cách phân biệt đậu nành không biến đổi gen, rồi đến học và kiểm soát được công thức chế biến, bảo quản sản phẩm theo đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc vận chuyển từ các công ty mẹ xuống các chi nhánh cũng vậy, phải tính toán để đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn nằm trong tầm kiểm soát.

Thứ đến, các sản phẩm làm từ đậu hũ cực kỳ khó chế biến, vì chỉ cần sai một khâu trong quá trình sản xuất là xem như mẻ đậu đó đổ bỏ. Đã vậy, khâu chuẩn bị sản phẩm luôn phải bắt đầu lúc 2 – 3 giờ sáng mới kịp thời gian cung cấp cho các cửa hàng, nên tìm và quản lý nhân lực cũng không phải dễ.

Khi quyết khởi nghiệp với Orisoy, nhà sáng lập sinh năm 1991 Trần Minh Mạnh gần như không có chút kinh nghiệm nào về nghề, ngoài tấm bằng Tài chính công của Đại học Kinh tế TP.HCM. “Kinh nghiệm thiết kế quán không có, kinh nghiệm nhượng quyền cũng không, quản lý cũng không nốt. Nên mỗi lần sự cố xảy ra, tiền học phí lại tăng lên”, Mạnh nói.

Nhưng, trong cái khó ló cái khôn. Sau 3 tháng khai trương luôn trong tình trạng thu không đủ chi, cả nhóm nghĩ ra dịch vụ giao hàng theo yêu cầu dành cho đơn hàng giá trị trung bình từ 80 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng. Dịch vụ này đã đóng góp doanh thu đáng kể cho Orisoy chỉ sau một tháng.

Không lâu sau đó, Mạnh quyết định mở cửa 24/24 giờ, 7 ngày/tuần để kéo dài thời gian kinh doanh. Tuy nhiên, do quy trình quản lý khá phức tạp, hiện mới chỉ có chi nhánh ở Đinh Tiên Hoàn (Quận 1, TP.HCM) áp dụng chính sách này.

“Chúng tôi đang nghiên cứu để xây dựng mô hình chuẩn, có thể áp dụng cho các chi nhánh. Chắc sẽ còn tốn nhiều học phí”, Mạnh cho biết.

Giờ đây, khi hoạt động đã dần đi vào ổn định, Mạnh và các cộng sự đang chuẩn bị cho việc xuất khẩu các món đậu hũ mang thương hiệu Orisoy.

“Nghe có vẻ xa vời, nhưng nhiều thương hiệu fast-food của nước ngoài đã nhập khẩu vào Việt Nam  như Mc Donald, KFC, Lotteria... Vậy tại sao Orisoy không thử?”, Mạnh đặt câu hỏi một cách tự tin.

Khởi nghiệp không phải là giấc mơ
Số tiền dành cho việc hỗ trợ khởi nghiệp từ các quỹ hướng dẫn của Chính phủ Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần trong năm qua. Tuy nhiên, việc bơm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư