Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tránh hình thức trong kiểm định chất lượng đại học
Mộc An - 06/07/2021 11:57
 
Kiểm định chất lượng đại học không chỉ là đong đếm cơ học các chỉ số, các tiêu chí đặt ra, mà còn giúp các cơ sở giáo dục đại học tự nâng cao chất lượng đào tạo.
Ảnh minh họa. (Nguồn: hsb.edu)
Ảnh minh họa. (Nguồn: hsb.edu)

Mong muốn được kiểm định chất lượng để khẳng định với người học và dư luận về giá trị của trường là việc vốn dĩ bình thường trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt để thu hút người học hiện nay. Tuy nhiên, điều bình thường này sẽ hóa lạ khi cơ sở nào đó đặt mục đích kiểm định chất lượng chỉ để trưng ra bảng điểm đẹp, còn quá trình đánh giá lại nặng hình thức.

Thực tế công tác kiểm định chất lượng tại các trường đại học hiện nay vẫn chưa vượt qua được việc đong, đo, đếm theo danh mục. Kết quả sau kiểm định, hầu hết là đạt, số trường không đạt rất hiếm.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, có chuyện các trường rỉ tai nhau chọn trung tâm kiểm định “dễ” để được công nhận kết quả kiểm định cao. Bên cạnh đó, một số cơ sở chấp nhận tốn kém chọn trung tâm kiểm định ở khu vực xa về kiểm định cho trường. Chưa kể, nhiều cơ sở trước khi quá trình kiểm định diễn ra còn “đi mượn” cơ sở vật chất và giảng viên để làm đẹp hồ sơ.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, tiêu chí kiểm định thì nhiều, nhưng lại rất dễ đạt, việc kiểm định chất lượng vẫn mang tính hình thức, khi số trường đại học, cao đẳng đã được kiểm định đạt chuẩn lên đến hơn 96%.

Nhìn lại quá trình kiểm định chất lượng tại Việt Nam, PGS. Lê Đức Ngọc, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, lâu nay kiểm định chất lượng giáo dục ở nước ta là hoạt động đo lường đánh giá chất lượng mang tính tổng kết, không phải là hoạt động đo lường đánh giá chất lượng mang tính đánh giá quá trình.

Theo chuyên gia này, khi kiểm định chất lượng mang tính tổng kết, sẽ mang bản chất là đánh giá thành tích, vì vậy vô tình đã biến các báo cáo tự đánh giá thành báo cáo thành tích. Kết quả là không đánh giá được thực chất các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong đã triển khai của cơ sở giáo dục.

Còn theo GS. Đặng Ứng Vận, Trường đại học Hòa Bình, một nguyên nhân quan trọng khiến chất lượng kiểm định chưa cao là do chúng ta chưa thành lập được Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, việc thực hiện đảm bảo chất lượng giáo dục của nhiều cơ sở giáo dục còn mang tính đối phó.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa quyết định cho phép 3 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, gồm FIBAA, AQAS và ASIIN. Như vậy, bên cạnh 7 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, việc có thêm 3 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được kỳ vọng sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong việc đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy vậy ở một góc nhìn khác, GS. Trần Đức Cảnh, cố vấn Hội đồng tuyển sinh của Đại học Harvard, thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021 lo ngại cơ quan nào sẽ quản lý hoạt động của các trung tâm này khi số lượng ngày càng tăng.

“Nên chăng cần thành lập Hội đồng Kiểm định chất lượng quốc gia gồm các chuyên gia giỏi để công nhận chất lượng của các trung tâm kiểm định, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng trăm hoa đua nở, không kiểm soát được chất lượng”, ông Cảnh nêu quan điểm.

Cuộc đua đầu tư giáo dục tư nhân: Món hời không dành cho “tay mơ siêu lướt”
Cuộc đua đầu tư vào giáo dục tư nhân tại Việt Nam ngày càng nóng, khi các nhà đầu tư tinh tường nhìn thấy những món hời. Nhưng lĩnh vực đặc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư