Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Từ BOT giao thông lo quy định kiểm toán dự án PPP
Nguyễn Lê - 28/05/2020 11:17
 
Trái chiều quan điểm về kiểm toán khi Quốc hội thảo luận dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình).

Nhiều dự án BOT giao thông vừa qua không tuân thủ đầy đủ quy định về kiểm toán, không công khai minh bạch, dẫn đến dư luận nghi ngờ gì đó phía sau và thực tế cũng cho thấy "có gì đó" phía sau thật, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhận định.

Tiếp tục kỳ họp thứ 9, sáng 28/5 Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về kiểm toán.

Tại báo giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công . Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển.

Do đó, dự thảo luật mới nhất quy định kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.

Hai là kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước để bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có) quy định tại Điều 74 của Luật này; hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần quy định tại điểm a khoản 5 Điều 72 của Luật này; sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật.

Ba, kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công sau thời gian vận hành, khai thác tối thiểu 3 năm.

Và bốn, khi chuyển giao cho Nhà nước, thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.

Phải kiểm toán toàn diện

Ngay từ đầu phiên thảo luận đã có 38 đại biểu đăng ký đăng đàn. Phát biểu đầu tiên, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhấn mạnh phải xác định PPP là dự án đầu tư công nên phải tuân thủ kiểm toán theo đúng quy định của Luật Kiểm toán hiện hành.

Nếu được kiểm toán một cách chuẩn mực, nghiêm túc thì sẽ không có dự án BOT đặt sai vị trí, làm đường tránh nhưng trạm đặt trên quốc lộ 1, hay  như mấy dự án mà Bộ Giao thông vận tải đang đề nghị lấy tiền vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư, trong đó có trạm Bỉm Sơn thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây thành phố Thanh Hóa, ông Phương nói.

Đại biểu Phương cũng cho rằng dự án nào ngại kiểm toán thì đó là điều không bình tường. Và nếu dự án nào cũng tuân thủ nghiêm túc quy định về kiểm toán thì đã không có những bài học đau xót thời gian qua, dân cũng không thắc mắc, không nghi ngờ "có gì đó" phía sau và thực tế thì cũng "có gì đó" phía sau thật.

Ngay sau đó đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng đề nghị cần kiểm toán toàn bộ dự án PPP. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng chỉ kiểm toán vốn nhà nước là chưa phù hợp.

Nhờ có kiểm toán BOT mới giảm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, ông Phương phát biểu.

Kiểm toán toàn diện không hợp lý

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng trong quá trình bắt đầu triển khai dự án tới khi vận hành dự án thì có cả vốn Nhà nước, vốn tư nhân. Chỉ khi nào hết quá trình vận hành nhà đầu tư chuyển giao dự án cho Nhà nước thì lúc đó mới là đầu tư công. Vì vậy, nếu đặt vấn đề kiểm toán dự án PPP một cách toàn diện thì không hợp lý, bởi có dự án Nhà nước chỉ hỗ trợ nhà đầu tư phần giao đất, mặt bằng… thì kiểm toán lúc này vào là kiểm toán tài sản công.

Còn toàn bộ phần vốn nhà đầu tư đầu tư vào thì chỉ kiểm toán giá trị đầu ra, sản phẩm đầu ra. Ví dụ, con đường dài bao nhiêu, rộng bao nhiêu, chất lượng như thế nào, lưu lượng xe đảm bảo là bao nhiêu… Rõ ràng toàn bộ quá trình đầu tư này nhà đầu tư dùng công nghệ để đạt hiệu suất cao nhất, chất lượng môi trường tốt nhất thì chúng ta có nên kiểm toán hay không.

Ông Sinh khẳng định cách thiết kế như dự thảo luật đúng với Hiến pháp, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, Nhà nước, người dân.

Cũng tranh luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nói, dự án PPP bản chất là dự án công kết hợp tư nên không thể áp dụng kiểm toán toàn bộ với loại dự án này.

Ông Thành cho rằng, phải xem hoạt động kiểm toán tại các dự án PPP là hoạt động độc lập và xem xét kiểm toán quá trình chuẩn bị dự án, quá trình xây dựng cần thiết kiểm toán cả phần vốn Nhà nước theo danh mục cụ thể nếu có và phần vốn nhà đầu tư đóng góp nhưng dưới góc độ tổng thể dự án.

Theo đại biểu Thành, kiểm toán dự án PPP không kiểm toán hết các chỉ số như quy định hiện hành mà chỉ nên áp dụng 1 số chỉ số, nếu không sẽ gây vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư. Đây sẽ là cơ sở để tiến hành kiểm toán bước 2, đánh giá các chỉ số chất lượng, chỉ số phân chia lợi nhuận, chia sẻ rủi ro dự án…

Ông Thành cũng đề nghị xem xét, xác định thời điểm kiểm toán để vừa thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa chặt chẽ. Chỉ nên kiểm toán ở 2 thời điểm: khi công trình đã hoàn thành, đi vào vận hành và chuyển giao cho Nhà nước thì kiểm toán toàn bộ phần vốn Nhà nước.

Cân nhắc 3 yếu tố kiểm chứng hiệu quả dự án PPP
Một dự án PPP hiệu quả cần xem xét trên ba yếu tố, lợi ích cho người sử dụng công trình/dịch vụ công, mức lợi nhuận hợp lý để nhà đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư