Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Rõ dần phương án đóng mạch
Bảo Như - 04/08/2021 07:39
 
Thêm nhiều ẩn số vừa được làm rõ trong kế hoạch “đầy tham vọng” của Bộ GTVT về việc đầu tư hơn 700 km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức PPP, giai đoạn 2021-2025.

Phương án “9 trước 3 sau”

Bộ GTVT vừa có Tờ trình số 7766/BGTVT-TTr gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Công trình này được đánh giá là quan trọng nhất trong số 6 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đầu tư mới sẽ được Bộ GTVT ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 (5 công trình còn lại là: cao tốc TP.HCM - Chơn Thành; vành đai 4 TP. Hà Nội; vành đai 3 TP.HCM; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề; cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong).

Phải có cam kết đủ mạnh để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư

Là một trong những hạ tầng quan trọng hàng đầu của nền kinh tế, hạ tầng giao thông đang được đặc biệt quan tâm phát triển. Trong những năm qua, Nhà nước đã bố trí lượng ngân sách lớn cho các Dự án giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, dù Nhà nước có đầu tư bao nhiêu, thì việc huy động vốn đầu tư của toàn xã hội vẫn là điều quan trọng nhất. Nếu chỉ trông chờ vào vốn đầu tư công, thì chúng ta khó đảm bảo yêu cầu về hạ tầng giao thông cho sự phát triển trong thời gian tới.
Để làm được điều này, phải đẩy mạnh hình thức PPP trong các dự án giao thông, nhất là những công trình trọng điểm. Mỗi một đồng vốn đầu tư công cần được coi như “vốn mồi” và phải kéo theo nhiều đồng vốn từ xã hội, thì mới thành công. Cách làm của Quảng Ninh thời gian qua là một ví dụ rất điển hình.
Bên cạnh đó, để huy động được toàn xã hội tham gia đầu tư hạ tầng giao thông, cần phải có những chính sách, cơ chế phù hợp, đảm bảo lợi ích giữa nhà đầu tư với Nhà nước. Ví dụ, hiện nay, các nhà đầu tư đề xuất nâng mức vốn Nhà nước tham gia dự án PPP lên trên 50% tổng mức đầu tư dự án (Luật PPP quy định, vốn góp của Nhà nước không vượt quá 50%).
Cùng với sửa đổi, cập nhật Luật Đầu tư theo phương thức PPP, nếu có cam kết chính sách đảm bảo để nhà đầu tư cảm thấy an toàn, nhìn thấy lợi nhuận, thì chắc chắn họ sẽ đầu tư.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (PMU2), đơn vị được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cho biết, quá trình chuẩn bị nghiên cứu công trình được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII được bắt đầu từ gần 1 năm trước.

Sau 4 lần chỉnh sửa, vào ngày 27/7/2021, PMU2 đã hoàn tất Dự thảo Tờ trình để lãnh đạo Bộ GTVT xem xét, ký gửi Thủ tướng Chính phủ sau đó 2 ngày.

“Bên cạnh việc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành liên quan và của 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tuyến đường đi qua, chúng tôi đã cập nhật nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và đặc biệt là Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại Hội nghị lần thứ ba về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025”, ông Lê Thắng cho biết.

Điểm nhấn quan trọng nhất tại Tờ trình số 7766 là việc Bộ GTVT chính thức kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến, phạm vi đầu tư Dự án là 729 km, gồm 3 đoạn: từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị); từ Quảng Ngãi đến Nha Trang và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT đề xuất chia dự án này thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.

Cụ thể, 9 dự án thành phần gồm các đoạn: từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Vũng Áng (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến Nha Trang (Khánh Hòa); từ Cần Thơ đến Cà Mau với tổng chiều dài 552 km sẽ được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Tổng mức đầu tư dự kiến của 9 dự án này khoảng 114.088 tỷ đồng, trong đó, phần vốn nhà nước tham gia khoảng 57.044 tỷ đồng (50%); phần còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động.

Đối với 3 dự án thành phần từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị) có chiều dài khoảng 177 km, Bộ GTVT đề xuất tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành các dự án độc lập. Các dự án này sẽ sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước với chi phí khoảng 4.584 tỷ đồng để tiến hành đồng thời công tác giải phóng mặt bằng với 9 dự án PPP.

“Qua khảo sát, đơn vị tư vấn cho biết, năng lực vận tải của Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và một số tuyến song hành khác qua Quảng Bình, Quảng Trị có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2028. Do vậy, đối với 3 đoạn: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ (dài 177 km) có thể thực hiện trước công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư trong giai đoạn 2021 - 2025 và chuyển tiếp đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Sẽ áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro

Theo Bộ GTVT, trong số 2.063 km trong quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau, tính đến tháng 7/2021, đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư.

Tuy chưa thể đóng mạch toàn tuyến, nhưng với 552 km dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn sẽ mang lại động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng cho 31 tỉnh, thành phố dọc tuyến đường.

Mặc dù vẫn phải đợi làm rõ hơn trong bước lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi, song đến thời điểm này, với Tờ trình số 7766, có thể hình dung tương đối về phương án tài chính của 9 dự án PPP thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, với kịch bản Nhà nước sẽ góp khoảng 50% vốn đầu tư, mức giá dịch vụ khởi điểm là 1.700 đồng/xe tiêu chuẩn/km và sẽ tăng thêm 300 đồng/xe tiêu chuẩn/km sau mỗi 3 năm; thời gian thu phí hoàn vốn của 9 dự án sẽ dao động từ 17 đến 32 năm.

So với 3 dự án thành phần PPP trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (có thời gian hoàn vốn 16 - 18 năm), các dự án thành phần giai đoạn 2021 - 2025 có thời gian thu phí dài hơn (bình quân 24,8 năm, trong đó, 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau có thời gian thu phí 31 - 32 năm). Tuy nhiên, các dự án thành phần giai đoạn 2021 - 2025 lại được Bộ GTVT kiến nghị áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng/giảm doanh thu theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

“Đây là điều kiện thuận lợi khi các ngân hàng xem xét cung cấp tín dụng. Hiện nay, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trước yêu cầu của các tổ chức tín dụng là phải có bảo lãnh doanh thu, mà hợp đồng BOT triển khai tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 lại không được áp dụng”, ông Phùng Tiến Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết.

Bên cạnh đó, ngoài nguồn cung cấp tín dụng của các ngân hàng, Luật Đầu tư theo phương thức PPP đã cho phép doanh nghiệp dự án được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, được huy động vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo quy định tại hợp đồng dự án PPP (không bắt buộc vay từ nguồn tín dụng của các ngân hàng).

“Do vậy, mặc dù có thời gian thu phí hoàn vốn dài hơn, nhưng chưa thể khẳng định khả năng huy động vốn vay của các dự án thành phần giai đoạn 2021 - 2025 kém hấp dẫn hơn so với các dự án thành phần PPP giai đoạn 2017 - 2020”, lãnh đạo Bộ GTVT nhận định.

Do đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, là tuyến huyết mạch có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh quốc gia, nên Bộ GTVT kiến nghị áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.

Nếu suôn sẻ, Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiến hành chuẩn bị dự án từ năm 2021 - 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư trong các năm 2022 - 2023 trước khi đồng loạt thi công xây dựng để hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2025.

Chính phủ thúc tiến độ giải phóng mặt bằng, xử lý vướng mắc cho cao tốc Bắc - Nam
Đến ngày 14/5/2021, mới chỉ có 01/13 tỉnh (tỉnh Nam Định), 01/11 dự án thành phần (đoạn Cao Bồ - Mai Sơn) hoàn thành công tác GPMB.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư