Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em 5-19 tuổi tăng nhanh
D.Ngân - 25/12/2023 15:35
 
Theo đại diện Viện Dinh dưỡng, sau 10 năm (từ 2010 đến 2020), tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.

Tại buổi nói chuyện chuyên đề về dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em dưới 16 tuổi do Viện Dinh dưỡng tổ chức chiều ngày 25/12, PGS-TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng cho hay, trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, hầu hết các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2010 đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

PGS-TS. Bùi Thị Nhung phát biểu tại sự kiện.

Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc đã giảm từ 29,3% năm 2010 xuống còn 19,6% năm 2020 (mức < 20% được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới).

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em từ 5-19 tuổi cũng đã giảm từ 24,3% năm 2010 xuống 14,8% năm 2020. Giảm suy dinh dưỡng thấp còi ở lứa tuổi tiền học đường và học đường trong giai đoạn này cũng đã góp phần cải thiện chiều cao của thanh niên Việt Nam.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tới chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn cao ở khu vực miền núi, cao nguyên… và vấn đề thừa cân, béo phì tăng nhanh ở cả khu vực nông thôn và thành thị.

Sau 10 năm tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Thừa cân, béo phì gây ra nhiều hậu quả xấu đối với sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành.

Kết quả điều tra trên 5.028 học sinh tại 75 trường của TP. Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Nghệ An, tỉnh Sóc Trăng năm 2017 - 2018 cho thấy gánh nặng kép về dinh dưỡng của học sinh đã nghiêng về phía thừa cân, béo phì nhiều hơn suy dinh dưỡng: Tỷ lệ nhẹ cân, gầy còm và thấp còi của học sinh tiểu học ở vùng thành thị nhìn chung khá thấp lần lượt là 3,7%; 5,5% và 3,9 %; Ở vùng nông thôn là 13,4%, 8,7%; 10,7%.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì của học sinh tiểu học chung cho cả khu vực nông thôn và thành thị là 29,0%, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (41,9% và 17,8%).

Đối với học sinh trung học cơ sở tỷ lệ gầy còm và thấp còi cũng khá thấp ở vùng thành thị lần lượt là 3,4%; và 3,8%; Ở vùng nông thôn, tỷ lệ gầy còm là 15,6% và 20,1%.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì chung của học sinh trung học cơ sở ở hai khu vực là 19,3%, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (30,5% và 11,2%).

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em cũng đã được cải thiện rõ rệt sau 10 năm: tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 5-59 tháng tuổi đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 9,5% năm 2020.

Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 5-9 tuổi là 4,9% (2020) ở mức nhẹ về sức khỏe cộng đồng theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tỷ lệ thiếu máu ở nhóm trẻ 5-59 tháng đã giảm từ 29,2% năm 2010 xuống 19,6% năm 2020, tỷ lệ thiếu máu của trẻ em 5-9 tuổi và 10-14 tuổi năm 2020 là 9,2% và 8,4%, đều ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nhẹ theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới.

Trong giai đoạn này có rất nhiều nghiên cứu về thực trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi học đường và tiền học đường đã được triển khai, trên cơ sở đó các giải pháp, chính sách cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi học đường và tiền học đường cũng đã được nghiên cứu, xây dựng và triển khai.

Nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi học đường ở Việt Nam và các nước trong khu vực cho thấy gánh nặng kép về dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi tiền học đường và học đường đang có xu hướng nghiêng về thừa cân, béo phì ở cả khu vực nông thôn và thành thị, trong khi đó ở khu vực miền núi và cao nguyên gánh nặng kép về dinh dưỡng có xu hướng nghiêng về suy dinh dưỡng thấp còi nhiều hơn.

Đây là một trong những thách thức về dinh dưỡng và sức khỏe học đường trong giai đoạn tới mà chúng ta cần phải tiếp tục xây dựng các giải pháp về dinh dưỡng ở tại nhà trường và gia đình, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Mạng lưới giám sát dinh dưỡng và đánh giá quốc gia cần được xây dựng và cập nhật số liệu hàng năm về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em các cấp học, là cơ sở dữ liệu cho việc điều chỉnh các chính sách, các can thiệp dinh dưỡng học đường, chương trình bữa ăn học đường và chương trình giáo dục dinh dưỡng học đường.

Đáng lo tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em
Viện Dinh dưỡng Quốc gia khảo sát học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện Hà Nội năm 2023, kết quả 45-55% số trẻ ở nội thành thừa cân, béo phì.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư