Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 19 tháng 10 năm 2024,
Ứng dụng công nghệ cao trong cấp cứu đột quỵ
D.Ngân - 19/10/2024 14:51
 
Cấp cứu là tình trạng y tế khẩn cấp, việc ứng dụng công nghệ đầy đủ, hiện đại sẽ giúp quá trình xử lý, can thiệp điều trị cho người bệnh càng nhanh chóng, hiệu quả.

Các tình trạng nguy kịch cần cấp cứu thường gặp như đột quỵ; suy tim, ngưng tim, nhồi máu cơ tim; suy thận cấp hay cần lọc thận, lọc máu cấp; ngộ độc, nhiễm độc, ngất xỉu; co giật, động kinh, sốc nhiệt; chấn thương, té ngã, khó thở, choáng váng nghiêm trọng…

Cấp cứu là tình trạng y tế khẩn cấp, việc ứng dụng công nghệ đầy đủ, hiện đại sẽ giúp quá trình xử lý, can thiệp điều trị cho người bệnh càng nhanh chóng, hiệu quả. 

Trong đó, cấp cứu đột quỵ là vấn đề được nhiều người quan tâm.Khi có người gặp tình trạng nguy kịch cần cấp cứu, những người xung quanh cần nhanh chóng lựa chọn đơn vị cấp cứu gần nhất nhưng cần có đầy đủ chuyên môn, nhân lực và kỹ thuật hiện đại, phục vụ chuyên sâu cho cấp cứu để người bệnh được cứu chữa kịp thời, hiệu quả.

Ví dụ, cơ sở y tế đó phải có các loại thuốc cấp cứu cần thiết, máy móc phục vụ hồi sinh tim phổi, thiết bị xử lý chấn thương đa dạng cũng như các thiết bị cấp cứu nhi khoa, dụng cụ đặt ống thở…

Với câu hỏi, người trong tình trạng nguy kịch cần được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu nào là phù hợp, giúp tối ưu hiệu quả cấp cứu, bác sỹ Hồng Văn In, Trưởng Đơn vị cấp cứu, Tâm Anh Quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, cấp cứu ngoài chạy đua với thời gian thì việc ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật càng hiện đại, cơ hội để cứu sống và giúp người bệnh bình phục nhanh chóng càng cao hơn.

Do vậy nếu cơ sở nào đảm bảo quy trình diễn ra nhanh chóng, chính xác, giảm tối đa thời gian cấp cứu thì là yếu tố then chốt trong quá trình cấp cứu đột quỵ. Bởi đột quỵ là bệnh cần được can thiệp nhanh chóng, đòi hỏi có đội ngũ y tế, máy móc và quy trình chặt chẽ để xử lý hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.

Để cấp cứu đột quỵ hiệu quả theo chuyên gia, cần xác định nhanh người bệnh đang bị đột quỵ thể loại gì, đột quỵ nhồi máu não hay đột quỵ xuất huyết não. Mỗi loại đột quỵ sẽ có cách cấp cứu khác nhau. Bác syc sẽ tiến hành chụp não để xác định thể loại đột quỵ.

Quan trọng là người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần và nhanh nhất có thể để đội ngũ bác sĩ xử lý kịp thời. Những phương pháp điều trị như thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp nội mạch lấy cục máu đông, bít tắc mạch máu đang bị vỡ với máy DSA, phẫu thuật não lấy máu tụ bằng robot… đều phụ thuộc vào loại đột quỵ và tình trạng cụ thể của người bệnh.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất, với khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm. Đây là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao. 

Tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình 50 ca nhập viện mỗi ngày, có những ngày cao điểm, đơn vị tiếp nhận gần 60 người bệnh.

Tuy nhiên, quá nửa bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong tình trạng rất nặng nề, qua giờ vàng của can thiệp, do người dân không có thói quen đi cấp cứu khi có dấu hiệu ban đầu.

PGS-TS.Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu dưới đây, đừng chậm trễ nhập viện vì nguy cơ đột quỵ rất cao.

Bởi khi mới đột quỵ biểu hiện nhẹ nên người bệnh chủ quan chờ xem có hồi phục không; nghĩ là cảm gió, hoặc dùng thuốc theo truyền miệng, đến khi nặng lên, đưa đến viện đã qua giai đoạn tối ưu để điều trị.

Dưới đây là 3 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ: Đầu tiên là liệt mặt: Mặt không cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống, đặc biệt khi bệnh nhân nói cười. 

Dấu hiệu thứ hai là yếu tay chân: Yêu cầu bệnh nhân giơ đều hai tay lên cao, nếu bên nào yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có bất thường. Bệnh nhân không nhấc được tay, chân hoặc nhấc lên khó khăn, một bên cánh tay hoặc chân (hoặc cả hai) đột ngột yếu đi, tê bì. 

Dấu hiệu thứ ba là nói khó: Hãy yêu cầu bệnh nhân nói, lặp lại một cụm từ đơn giản. Nếu bệnh nhân nói không lưu loát, đó là dấu hiệu bất thường.

Nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu này cho thấy bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ rất cao, hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất.

PGS. Mai Duy Tôn cho biết, ngày nay có rất nhiều phương pháp điều trị đột quỵ. Khả năng hồi phục cho người bị đột quỵ phụ thuộc nhiều vào việc điều trị sớm.

Thời gian vàng để làm tan cục máu đông trong vòng từ 4 đến 6 giờ. Nếu chậm hơn, tuần hoàn máu không lưu thông có thể dẫn đến vùng não đó bị hoại tử.

Hiện có những phương pháp mới, cho phép mở rộng điều trị với bệnh nhân đột quỵ trong 24 giờ đầu, tuy nhiên, càng được điều trị trong thời gian vàng, khả năng hồi phục càng cao.

Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai, nếu không được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”, hậu quả do đột quỵ rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong là 10 - 20%. Những người sống sót phải chịu cảnh tàn phế chiếm gần 30% và chỉ khoảng 30% người bị đột quỵ có thể sống bình thường.

Ngoài sơ cứu không đúng cách, một vấn đề rất cần lưu ý là việc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế quá chậm, dẫn đến mất cơ hội sống.

Tình trạng bệnh nhân đột quỵ nhập viện trễ vẫn còn rất phổ biến do nhiều nguyên nhân khách quan như giao thông không thuận lợi, ở xa trung tâm cấp cứu đột quỵ.

Theo giới chuyên môn, tuy có trọng lượng nhỏ, nhưng não người lại tiêu thụ ô xy nhiều nhất. Não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể, song lại cần đến 20-25% lượng máu nuôi toàn bộ cơ thể. Vì vậy, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức tại các cơ sở y tế có khoa cấp cứu đột quỵ để hạn chế tối đa tổn thương về não.

“Thời gian vàng” để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là trong tầm 3-4 giờ đầu sau khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên và được cấp cứu bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch; hoặc trong 24 giờ đầu với phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (tùy thuộc vùng não tổn thương) đối với các bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não.

Giới chuyên môn cảnh báo, sai lầm phổ biến trong sơ cứu đột quỵ là để người bệnh nằm ở nhà nghỉ ngơi, chờ đợi cơ thể tự hồi phục, thay vì đưa ngay tới bệnh viện.

Nhiều trường hợp người nhà cho bệnh nhân uống nước đường, nước chanh hoặc thuốc Đông y... Đây là việc làm nguy hiểm, bởi bệnh nhân đột quỵ thường bị khó thở, rối loạn nuốt. Ăn uống trong lúc này có thể gây sặc, nghẹn, suy hô hấp nặng hơn.

Thông thường, khi thấy ai lăn ra bất tỉnh, nhiều người cứ tưởng họ bị trúng gió và dùng những biện pháp dân gian, thay vì tức tốc chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Các phương pháp dân gian chữa đột quỵ như chích máu 10 đầu ngón tay, nằm dốc ngược đầu, đứng một chân... đều không được khoa học chứng minh là có hiệu quả. Việc chần chừ đưa người bệnh đi viện sẽ làm mất thời gian cấp cứu tốt nhất. Hiện vẫn còn những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như cạo gió, cúng bái; uống thuốc theo truyền miệng; vận chuyển người bệnh bằng xe 2 bánh, chờ cho người bệnh khỏe lại…

"Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc”, đại diện Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.

Trong khi đó, đột quỵ hoàn toàn có thể dự phòng sớm, đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ như bị tiểu đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, các bệnh lý van tim, loạn nhịp, bệnh lý về máu, thận, phổi. Người dân chỉ cần thay đổi lối sống cũng có thể giảm khả năng bị đột quỵ.

Còn theo bác sỹ Duy Tôn, để phòng đột quỵ, mỗi người nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh. Bên cạnh đó, cần tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường…

Đặc biệt lưu ý, khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…), cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh để lại di chứng đáng tiếc.

Hiệp hội Tim mạch và Đột quỵ não Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến nghị chế độ ăn uống để phòng đột quỵ, như ăn nhiều rau và trái cây; chọn thực phẩm nguyên hạt, nhiều chất xơ; giảm thịt trong bữa ăn sao cho ít nhất 50% khẩu phần ăn là trái cây và rau quả; 25% là ngũ cốc giàu chất xơ; ăn cá ít nhất 2 lần/tuần và chọn cá giàu omega 3 như cá hồi hoặc cá ngừ.

Đồng thời, hạn chế cholesterol, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa; chọn thịt nạc, thịt gia cầm và không sử dụng chất béo bão hóa hoặc chất béo chuyển hóa khi chế biến; tránh đồ uống và thực phẩm có thêm đường; chọn lựa, chuẩn bị thực phẩm với gia vị cùng hỗn hợp gia vị hạn chế muối.

Cần lưu ý việc hạn chế rượu, bia tối đa vì nó có thể tương tác bất lợi với một số thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng để ngăn ngừa tái phát đột quỵ não (ví dụ warfarin). Lạm dụng rượu, bia sẽ gây tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ đột quỵ não tái phát.

Nắng nóng, chú ý dấu hiệu đột quỵ sớm
Nắng nóng liên quan đến đột quỵ tương đối nhiều. Vừa qua, những đợt nắng nóng kéo dài khiến tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ vào Khoa Thần kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư