Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
VAMC chẳng khác gì… anh ve chai
Mạnh Bôn - 04/12/2013 16:04
 
Trong khi ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội ví Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chẳng khác gì bác sỹ của trung tâm y tế dự phòng trong thời điểm có dịch bệnh, thì TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) ví Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chẳng khác gì… anh ve chai. >>> >>> >>> >>>

Thậm chí ông Hùng còn cho rằng, việc cứu chữa bệnh của bác sỹ trung tâm y tế dự phòng còn dễ hơn, hiệu quả đạt được từng ngày nếu phòng bệnh, chữa bệnh kịp thời, còn VAMC xử lý nợ xấu chưa biết hiệu quả ra sao do hiện tại định chế tài chính nhà nước này mới chỉ đi gom bệnh nhân vào một chỗ để cách ly chứ chưa tìm ra cách chữa hiệu quả. Cụ thể là VAMC hiện mới chỉ đi mua nợ xấu chứ chưa biết bán nợ thế nào, bán cho ai.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa

Nhưng với cách so sánh VAMC với… anh ve chai, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc xử lý khối nợ xấu mua về không thể nóng vội mà cần phải có thời gian.

“Công việc của anh ve chai ban đầu là đi mua tất cả những thứ mà người khác bỏ đi (đồng nát), đem về nhà tiến hành phân ra từng loại, đồng riêng, sắt riêng, giấy riêng… sau đó mới gọi người đến bán chứ không thể bán hổ lốn cả mớ được. VAMC cũng vậy, công việc chính bây giờ là đi mua thứ mà ngân hàng muốn bỏ đi “cho khuất mắt” (nợ xấu), sau đó phân loại nợ rồi mới chào bán”, ông Nghĩa nói.

Nguyên Phó chủ tịch NFSC Lê Xuân Nghĩa cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tìm hiểu từng món đồng nát của anh ve chai VAMC và sẵn sàng bỏ tiền mua những món đồng nát lớn (nợ xấu) nếu xét thấy hiệu quả.

Trở lại với việc vì sao phải thành lập VAMC, ông Nghĩa cho biết đây là hậu quả tất yếu sau một thời gian phát triển thị trường tài chính quá nóng.

Năm 2006-2007, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng mới bằng 60% GDP thì đến năm 2011 đã gấp 2 lần GDP - đứng đầu trong các nước ASEAN và đứng ở mức kỷ lục so với các nước có thu nhập trung bình trên thế giới chứ chưa nói đến nước có thu nhập thấp như Việt Nam.

Tổng tài sản của hệ thống ngân hàng tăng quá mạnh là do tư tư tưởng nóng vội trong việc nâng vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần. Cụ thể, trước năm 2007, vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn chỉ có 70 tỷ đồng, thì vài năm sau phải nâng lên 500 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng.

Do không có tiền để nâng vốn theo yêu cầu, các ông chủ nhà băng thực hiện chiêu bài “lấy mỡ nó rán nó” bằng cách sử dụng chính tiền gửi của dân làm tiền của mình để góp vào ngân hàng cùng với việc thành lập công ty con để thực hiện các đòn bẩy tài chính, phát hành trái phiếu ảo và biến ngân hàng cổ phần thành ngân hàng cá nhân.

Sự phát triển thần tốc chưa từng có trong lịch sử tài chính nhân loại của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tạo ra hậu quả khôn lường là khi quy mô vốn tăng lên, áp lực lợi nhuận tăng lên khủng khiếp nên các nhà băng đua nhau mở rộng quy mô cho vay bằng mọi giá, không cần tính tới khoản vay có an toàn hay không; mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch không cần biết có hiệu quả hay không.

Và tệ hại hơn nữa là rất nhiều ông chủ nhà băng góp “tiền âm phủ” nhưng đã lũng đoạn nhà băng. Khi ngân hàng đã bị tư nhân hóa thì quản trị rủi, quản trị doanh nghiệp, chuẩn mực an toàn… bị vô hiệu hóa, muốn cho ai vay là quyền của ông chủ.

“Trong giai đoạn 2007-2011, phần lớn vốn trung dài hạn của ngân hàng là cho doanh nghiệp của vợ con, anh em nội ngoại vay của ông chủ nhà băng vay, nhưng khi tiến hành thanh tra, giám sát, ngay cả NFSC và Cơ quan Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước cũng không thể phát hiện được. Có ngân hàng, NFSC và phát hiện 7.000-8.000 tỷ đồng cho vay không đúng quy định, trong đó chỉ phát hiện ông chủ nhà băng vay 150 tỷ đồng, số còn lại là doanh nghiệp của người thân ông chủ nhà băng vay nhưng rất khó phát hiện vì việc cho vay lòng vòng như vòng xoáy đa cấp. Đây là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu và buộc Chính phủ phải nhảy vào xử lý nếu không sẽ có hàng loạt ngân hàng bị sụp đổ hoàn toàn”, ông Nghĩa nói.

Chia sẻ với các chuyên gia kinh tế tham dự Hội thảo Tổ chức kiểm toán quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế vừa được Kiểm toán Nhà nước và ACCA tổ chức, ông Nghĩa kể, trước thực tế hàng loạt ngân hàng sẽ bị giải thể, phá sản do nợ xấu, nhóm tư vấn chính sách kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ đã đệ trình 3 phương án để Thủ tướng lựa chọn.

Thứ nhất là để ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tự xử lý. Trong trường hợp này xử lý nợ xấu mất 10 năm đủ thời gian để thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán sụp đổ, tín dụng đóng băng và GDP rơi vào tăng trưởng 0% trong vòng 15-20 năm.

Thứ hai là mạnh tay dùng ngân sách nhà nước, vay tiền từ Quỹ Tiền tệ quốc tế, vay tiền của các định chế tài chính quốc tế và vay cả của dân để xử lý. Thực hện phương án này, xử lý nợ xấu chỉ mất 2 năm, sau đó, thị trường bất động sản, chứng khoán phục hồi, tăng trưởng kinh tế vào khoảng 7-8%/năm. Nhưng áp lực nợ công sẽ tăng cao khủng khiếp và cũng không thể thuyết phục được Quốc hội vì ngân sách không có tiền.

Thứ ba là dùng chính tiền của Ngân hàng Trung ương để xử lý nợ xấu bằng một trong 2 cách là bơm thẳng tiền cho ngân hàng thương mại hoặc thành lập một khâu trung gian hoạt động như một doanh nghiệp nhà nước để xử lý nợ xấu.

“Cuối cùng, mọi người đã biết, Thủ tướng lựa chọn phương án ba. Bởi phương án này không phải bơm tiền ngay cho ngân hàng mà phát hành trái phiếu đặc biệt nên tránh được áp lực về lạm phát và cũng tránh được tình trạng xin - cho như cách bơm thẳng tiền cho ngân hàng thương mại - ông Nghĩa chia xẻ - Hy vọng, trong thời gian ngắn tới, “anh ve chai” VAMC sau khi phân loại nợ sẽ bán được với “giá hời” hơn so với “mớ đồng nát” trị giá 17.300 tỷ đồng (tính đến ngày 15/11/2013) đã mua về.

VAMC chốt phương án mua nợ theo giá thị trường
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thường trực Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, việc mua nợ theo giá thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư