Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Vận hành trường nghề bằng tư duy của doanh nghiệp
Trần Hà - 14/12/2019 21:37
 
Cơ chế tự chủ giúp trường nghề năng động, tăng nguồn thu, nhưng các trường chỉ thực sự thành công khi được vận hành bằng tư duy của doanh nghiệp, cung cấp cho thị trường những “sản phẩm” nhân lực có chất lượng và đáp ứng đúng nhu cầu.
Nhờ hợp tác với doanh nghiệp, học viên trường nghề có điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Trong ảnh: Đào tạo nghề tại Lilama II.
Nhờ hợp tác với doanh nghiệp, học viên trường nghề có điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Trong ảnh: Đào tạo nghề tại Lilama II.

Cơ chế “khoán 10” cho trường nghề

Trong hội thảo về đổi mới cơ chế tài chính các trường nghề tổ chức mới đây, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẳng định vai trò quan trọng của cơ chế “khoán 10” đối với các trường nghề.

“Chúng ta không thể trông chờ vào ngân sách. Một số trường còn chưa năng động và linh hoạt, mà đã không năng động thì không có nguồn thu. Các trường nghề phải năng động như doanh nghiệp, nếu người đứng đầu trường không thể tăng thu, không tăng thu nhập được cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, thì phải nghỉ việc”, ông Quân nhấn mạnh.

Để có thể tăng nguồn thu, các trường nghề cần được tạo điều kiện gia tăng các dịch vụ. Về vấn đề này, ông Quân cho biết, sẽ ủng hộ các trường nghề mở doanh nghiệp để thực hiện các dịch vụ đào tạo, thậm chí, doanh nghiệp trực thuộc trường nghề có thể xuất khẩu lao động.

Qua 3 năm thí điểm tự chủ, đến nay, kết quả mà Trường cao đẳng Kỹ nghệ II có được là nguồn thu dịch vụ đào tạo tăng hơn 30%/năm; tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 19 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, Trường cũng đã đầu tư thêm 1 xưởng thực tập với diện tích 1.000 m2; trang bị 3 xưởng thực tập theo mô hình của Đức; xưởng sản xuất của doanh nghiệp đã được hợp tác để khai thác đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Đáng nói là, số lượng tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng của Trường giữ ổn định, dù học phí tăng lên gấp 2 lần so với thời kỳ chưa tự chủ. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau khi trường thực hiện tự chủ được nâng từ 80% lên 92%.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết, những kết quả này xuất phát từ việc đổi mới cơ chế tài chính khi trường thực hiện khoán cho từng đơn vị.

Theo bà Hằng, tự chủ không có nghĩa là ngân sách nhà nước cắt nguồn đầu tư cho các trường nghề và thực tế, điều này là không thể, nếu Nhà nước muốn đầu tư phát triển nguồn nhân lực trọng điểm. Trên thế giới, nhiều nước chọn đầu tư 100% ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp và việc còn lại của các trường là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Nhờ tự chủ, đến nay, Trường cao đẳng Kỹ nghệ II có thể đảm bảo toàn bộ nguồn chi thường xuyên; 30% chi đầu tư đến từ nguồn ngân sách nhà nước và 70% còn lại đến từ hỗ trợ của doanh nghiệp. “Trường cũng đang tạo ra nguồn thu chính từ các hoạt động dịch vụ khi kết hợp với các doanh nghiệp chiến lược để tạo ra sản phẩm, dịch vụ ở tất cả các ngành, nghề đang đào tạo. Điều này không chỉ gia tăng thu nhập, mà còn góp phần tạo nên thương hiệu của nhà trường với doanh nghiệp”, bà Hằng chia sẻ.

Hợp tác với doanh nghiệp

Trong khi Trường cao đẳng Kỹ nghệ II tăng học phí gấp đôi so với khi chưa tự chủ, thì Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II lại đào tạo miễn phí chương trình chính quy thông thường.

Với khoảng 4.400 sinh viên đang theo học, ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II cho biết, nhà trường hiện không cung cấp đủ nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

Ông Cường thừa nhận, việc đặt vị trí tại tỉnh Đồng Nai, nơi có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất là điều kiện thuận lợi, nhưng quan trọng là người lãnh đạo phải nắm bắt được nhu cầu của địa phương, xu hướng nhân lực của địa phương và của vùng.

“Chúng tôi đang đào tạo theo cơ chế đặt hàng theo giá tính đúng, tính đủ mà không theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí. Nguồn thu chính đến từ doanh nghiệp với mô hình đưa sinh viên đến thực tập, đào tạo kép giữa trường với doanh nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho doanh nghiệp để tạo giá trị gia tăng. Trước đây, doanh nghiệp tìm đến, thì chúng tôi mới đào tạo, nhưng hiện nay, tôi phải đi thực tế tới doanh nghiệp để đánh giá, tư vấn cho họ đào tạo về lĩnh vực gì đảm bảo tăng năng suất cho doanh nghiệp”, ông Cường nói.

Dẫu vậy, Hiệu trưởng Lilama II khẳng định, việc hợp tác này không hề đơn giản, vì ban đầu, khi doanh nghiệp không hiểu, nhà trường phải giới thiệu cách triển khai, đưa cán bộ đến doanh nghiệp trực tiếp đào tạo, thuyết phục để họ thấy rõ lợi ích của việc hợp tác và tìm hiểu rõ nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp…, từ đó dần gắn kết với doanh nghiệp.

Hiện nay, mạng lưới đối tác của Lilama II gồm khá nhiều tập đoàn quốc tế như Lincoln Electric (Mỹ), Siemens (Đức), Rexroth (Đức), EBG (Đức), GMI (Malaysia)... Thay vì đưa nhân lực ra nước ngoài đào tạo, các tập đoàn này đã chọn Lilama II.

Những kết quả này cho thấy, với tư duy năng động, các trường nghề hoàn toàn có thể nâng hiệu quả hoạt động và khẳng định thương hiệu. Việc hợp tác với doanh nghiệp không chỉ giúp trường nghề ổn định đầu ra, mà còn là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội hợp tác.

Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II cho biết, Lilama II đã đào tạo được khoảng 80 sinh viên học chương trình đào tạo nghề của Đức (có thu học phí) và được Tổ chức HWK của Đức công nhận tiêu chuẩn chất lượng đào tạo, tham gia kỳ thi tương đương của Đức.

Ông Cường kỳ vọng, đây là cơ sở giúp nhân lực Việt Nam sang làm việc tại Đức với chi phí hợp lý.

Bước ngoặt mới cho hợp tác giữa trường nghề và doanh nghiệp
Một diễn đàn cấp Quốc gia tập trung chủ yếu vào giải bài toán giữa trường nghề và doanh nghiệp với chủ đề “Nâng tầm kỹ năng lao động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư