Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 04 tháng 07 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Vàng bị "thổi bay" 7 triệu đồng/lượng; Yêu cầu ngân hàng ổn định lãi suất huy động
P.V - 02/06/2024 08:38
 
Giá vàng giảm 7 triệu đồng/lượng tuần này trước thông tin big 4 ngân hàng bán vàng cho người dân, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay, xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản từ 1/7/2024... là tiêu điểm tuần qua.
TIN LIÊN QUAN
Big 4 bán vàng: Không vì mục tiêu lợi nhuận, trước mắt chỉ bán tại Hà Nội và TP.HCM 
Từ 3/6 tới, NHNN sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 Ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Các ngân hàng này chỉ bán vàng ra, không mua vào.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cho hay, đây là chủ trương đúng đắn của NHNN, Ngân hàng BIDV rất trách nhiệm trong triển khai. Cụ thể, ngân hàng công bố danh sách các điểm bán vàng miếng trên website của Ngân hàng. Việc bán vàng trực tiếp tới người dân sẽ được thực hiện bắt đầu ngay trong ngày thứ Hai (3/6/2024). Ngân hàng thực hiện hoàn thiện thủ tục thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với NHNN.

BIDV cũng thiết lập mạng lưới phân phối ở các địa bàn chính về kinh doanh vàng (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu…).  Giá vàng miếng sẽ được công bố công khai hàng ngày trên website của BIDV. 

Được biết, trước mắt, các ngân hàng trên mới chỉ bán vàng trực tiếp cho người dân tại một số điểm tại TP.HCM và Hà Nội. Trước đó, theo thông tin của NHNN, tình trạng xếp hàng mua vàng chỉ diễn ra một số thời điểm, một số cửa hàng vàng tại Hà Nội và TP.HCM, không xảy ra tại các địa phương khác.

Về giá bán vàng, ông Lê Ngọc Lâm cho hay, NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 NHTMNN theo mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới và mục tiêu điều hành giảm giá chênh lệch trong nước và quốc tế so với hiện nay. Giá bán vàng miếng sẽ được công bố công khai trên wesite chính thức của các NHTMNN để người dân tiện theo dõi.

"Chúng tôi xác định nhằm thực hiện chủ trương bình ổn thị trường của Chính phủ và NHNN nên không đặt ra mục tiêu lợi nhuận mà sẽ cung ứng với mức giá phù hợp trên cơ sở giá mua từ NHNN. Việc này sẽ góp phần để sớm hiện thực hoá mục tiêu giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới", ông Lâm nói.

Đại diện Vietcombank cho biết sẽ bán vàng trực tiếp cho người dân, trước mắt tại 6 điểm giao dịch tại địa bàn TP. Hà Nội và TP.HCM, cụ thể:

Tại Hà Nội sẽ bán tại 3 điểm giao dịch gồm: Trụ sở chi nhánh Vietcombank Sở Giao dịch: số 11 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình; Trụ sở chi nhánh Vietcombank Hà Nội: số 11B Cát Linh, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa; Trụ sở chi nhánh Vietcombank Ba Đình: số 72 Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.

Tại TP.HCM sẽ bán tại 3 điểm giao dịch: Trụ sở chi nhánh Vietcombank TP.HCM: số 5 Công trường Mê Linh, phường Bến Nghé, quận 1; Trụ sở chi nhánh Vietcombank Nam Sài Gòn: số 23 Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Hưng, quận 7;  Trụ sở chi nhánh Vietcombank Thủ Đức: số 50A Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, TP. Thủ Đức.

Về giá bán vàng, căn cứ vào giá mua vàng miếng từ NHNN, Vietcombank sẽ xác định và công bố giá bán vàng miếng SJC tại website Vietcombank và tại các địa điểm bán vàng của Vietcombank nêu trên.

Khách hàng muốn mua vàng sẽ đến trực tiếp các địa điểm bán vàng của Vietcombank nêu trên để giao dịch, thực hiện thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và nhận vàng giao ngay, hóa đơn bán hàng được cung cấp cho khách hàng mua vàng theo hình thức hóa đơn điện tử.

Vietcombank đã được cơ quan chức năng chính thức cấp phép kinh doanh vàng miếng và đang hoàn tất các điều kiện để đảm bảo việc triển khai bán vàng miếng trực tiếp tới người dân một cách thuận tiện, an toàn, minh bạch, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới về mức phù hợp, bền vững theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Vietcombank lưu ý, trong trường hợp dự kiến mua vàng với khối lượng lớn, để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền, khách hàng chuẩn bị sẵn thông tin để khai báo hoặc thực hiện mở tài khoản tại Vietcombank trước khi giao dịch hoặc thực hiện thanh toán bằng hình thức chuyển khoản để thuận tiện, nhanh chóng hơn trong giao dịch.

Sau khi NHNN công bố bán vàng qua các NHTMNN để các ngân hàng này bán trực tiếp cho người dân, giá vàng trên thị trường đã giảm mạnh. Kết thúc tuần này, giá vàng SJC bán ra giảm tới 7 triệu đồng/lượng.

Tăng cung có kiểm soát để thu hẹp chênh lệch giá vàng
NHNN sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 NHTMNN để các ngân hàng này trực tiếp bán lại cho người dân bắt đầu từ tuần tới (3/6). TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, đây là giải pháp đúng, tăng cung có kiểm soát, nhằm thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Thay vì đấu thầu vàng, NHNN chọn cách tăng cung vàng ra thị trường, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thông qua bán vàng cho nhóm ngân hàng thương mại nhà nước - “big 4” - để các ngân hàng này bán lại cho người dân. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp can thiệp thị trường vàng mới này?

Như tôi đã nói, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế. Muốn thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, phải phân tích đúng nguyên nhân để tìm ra giải pháp.

Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới là mất cân đối cung - cầu. Nhiều năm nay, NHNN không nhập khẩu vàng, tức nguồn cung chính thức không có. Những năm trước, cung vàng trong nước chủ yếu đến từ vàng nhập lậu. Tuy nhiên, trong năm 2023, Nhà nước đã thực hiện công tác chống buôn lậu rất hiệu quả, trong khi sức cầu lại tăng đột biến (do thị trường bất động sản suy thoái và lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục). Điều này dẫn tới nguồn cung khan hiếm, giá vàng bị đẩy lên cao, chênh lệch giá trong nước và thế giới ngày càng lớn.

Do vậy, vẫn cần phải giải quyết câu chuyện về nguồn cung một cách hợp lý, thông qua cân đối nguồn ngoại tệ để nhập khẩu một lượng vàng nhất định về bổ sung cho thị trường. Việc NHNN nhập vàng về để bán cho 4 NHTMNN là giải pháp đúng, là tăng cung có kiểm soát.

Chúng ta xuất khẩu nhiều mặt hàng (như nông, lâm, thủy sản) tạo ra giá trị thực dương về ngoại tệ, thì lấy một phần giá trị đó chuyển thành vàng, đáp ứng nhu cầu mua tài sản tích lũy của người dân cũng tốt. Với nền kinh tế, tích lũy vàng còn tốt hơn là tích lũy đất. Lý do là, đất tích lũy thường không tạo giá trị gia tăng cho quốc gia. Giá đất tăng thậm chí còn gây nguy hiểm cho nền kinh tế (giá đất tăng dẫn tới giá thuê đất tăng, khiến các khu công nghiệp khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài…). Trong khi đó, vàng có tính thanh khoản rất cao, có thể chuyển thành ngoại tệ bất kỳ lúc nào.

Theo ông, mức giá mà NHNN bán cho nhóm “big 4” nên áp dụng ra sao, thì mới có thể kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới?

Hiện giá vàng miếng SJC trong nước đang ở mức trên 90 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới quy đổi khoảng 75 triệu đồng/lượng. Nếu NHNN bán cho nhóm “big 4” với giá tương đương giá thế giới, thì không thể đủ nguồn cung, vì ai cũng chen mua dù chưa có nhu cầu. Vì vậy, tôi cho rằng, NHNN sẽ bán theo giá thế giới cộng thêm độ chênh lệch nhất định để đảm bảo từng bước giảm độ chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới, đồng thời phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, lượng bán cũng sẽ chia nhỏ mỗi lần để đưa từ từ vào thị trường, từng bước giảm giá vàng Việt Nam phù hợp.

Chắc chắn, NHNN chỉ nhập một lượng vàng nhất định để tăng cung cho thị trường trong nước chứ không phải nhập khẩu khối lượng lớn đáp ứng toàn bộ cầu trong nước vốn phần nhiều có yếu tố đầu cơ. Do đó, chúng ta phải chấp nhận giá vàng trong nước và thế giới có sự chênh lệch nhất định và sẽ hạ dần theo thời gian khi lượng vàng được NHNN cung ra, cũng như người dân bắt đầu chuyển qua các kênh khác như gửi tiết kiệm, mua bất động sản, đầu tư sản xuất - kinh doanh… Theo tôi, sau một thời gian xử lý, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đưa về 2 - 4 triệu đồng/lượng là hợp lý.

Trong giai đoạn đầu can thiệp thị trường, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chưa thể giảm ngay. Điều quan trọng là phần chênh lệch này nằm trong tay Nhà nước để có dự trữ phòng ngừa rủi ro và điều tiết, thay vì chảy vào túi đầu cơ, buôn lậu. Dĩ nhiên, Nhà nước không chủ trương neo giá vàng cao so với giá thế giới để hưởng chênh lệch. NHNN thông qua bán vàng cho 4 NHTMNN hạ dần chênh lệch giá vàng, giá thị trường hạ đến đâu, thì NHNN hạ giá bán vàng cho NHTMNN đến đó.

Ngoài giải pháp này, tôi cho rằng, giải pháp tăng cường thanh kiểm tra thị trường vàng đang tiến hành là rất hiệu quả. Điều này sẽ đảm bảo vàng giao dịch trên thị trường có nguồn gốc rõ ràng, ngăn chặn vàng lậu.

Theo ông, tại sao NHNN không bán vàng cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng, mà lại bán vàng cho các NHTMNN, để các ngân hàng này bán lại cho người dân? Về lâu dài, có nên mở rộng đối tượng mua vàng từ NHNN sang các doanh nghiệp vàng?

Theo tôi, NHNN ngoài bán vàng cho 4 NHTMNN, thì nên bán cho cả Công ty SJC một lượng nhất định. SJC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có kinh nghiệm kinh doanh vàng lâu đời, có dây chuyền gia công và mạng lưới kinh doanh vàng sâu rộng. Chúng ta đã rất thành công trong việc xây dựng nên một thương hiệu vàng quốc gia, không thể để thương hiệu này bị lu mờ.

Ngoài ra, NHNN cũng nên xem xét bán vàng cho các công ty chế tác có đơn hàng xuất khẩu nữ trang. Với các công ty này, phía ngân hàng hoàn toàn có thể quản lý tài khoản ngoại tệ của doanh nghiệp (doanh nghiệp vay ngoại tệ để nhập khẩu vàng, sau khi xuất khẩu thu ngoại tệ về sẽ trả lại cho ngân hàng).

Ông đánh giá thế nào về cầu vàng trong nước thời gian tới?

Giá vàng trong nước thời gian qua tăng mạnh chủ yếu do 2 nguyên nhân: một là, do giá vàng thế giới tăng; hai là, do chênh lệch cung - cầu. Trên thế giới, tình hình địa chính trị vẫn hết sức phức tạp, năm nay lại là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng nghĩa với nhiều yếu tố khó dự đoán, nên giá vàng có thể sẽ còn neo cao đến hết năm nay, sau đó sẽ chững lại.

Với thị trường trong nước, Việt Nam là một nền sản xuất nông nghiệp mới chuyển đổi, tâm lý tích trữ vàng vẫn còn khá nặng nề, nhất là với thế hệ 8x trở về trước. Với giới trẻ dưới 30 tuổi, thì nhu cầu đầu tư nhà đất nổi trội hơn nhu cầu tích lũy vàng. Nói cách khác, thế hệ “mê vàng” sẽ giảm, do đó cầu về vàng dần dần sẽ giảm.

Ngoài ra, nhìn về dài hạn, cầu vàng không thể mãi tăng, vì thị trường bất động sản rồi cũng sẽ phục hồi, người dân cuối cùng vẫn sẽ nhận thấy gửi tiết kiệm ngân hàng là một trong những kênh đầu tư an toàn, hiệu quả. 

Đề nghị ngân hàng ổn định lãi suất huy động, phấn đấu tín dụng nửa đầu năm tăng 5-6%
NHNN đề nghị các ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ. NHNN vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng; các chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3/2024, Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 05/4/2024, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024, Thông báo kết luận số 231/TB-VPCP ngày 18/5/2024 và tiếp tục triển khai nhiệm vụ tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay để nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.

Thứ hai, tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, quyết tâm thực hiện giải pháp thiết thực, hiệu quả để phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II/2024 ở mức 5-6% theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Thứ ba, tích cực rà soát các Dự án để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, đẩy nhanh việc xét duyệt cho vay, áp dụng các biện pháp, hình thức tài sản đảm bảo cho vay linh hoạt, phù hợp quy định của pháp luật, thuận lợi cho khách hàng vay vốn. Đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp với từng phân khúc khách hàng, chú trọng phát triển các sản phẩm tín dụng mới đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Chủ động và tích cực truyền thông kịp thời, rõ ràng, đầy đủ về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của  tổ chức tín dụng để giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt, hiểu rõ và tiếp cận các chương trình, chính sách của  tổ chức tín dụng.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh tham gia các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thực chất, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân. 

Bắt buộc xác thực khuôn mặt từ ngày 1/7: Nhà băng đã sẵn sàng, tự tin không gián đoạn
Từ ngày 1/7/2024, khách hàng muốn chuyển khoản trên 10 triệu đồng hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực khuôn mặt. Các ngân hàng cho biết, đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng quy định này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Khắc Trung, Trưởng ban Ngân hàng số của Ngân hàng Agribank cho hay, để đáp ứng quy định của NHNN, các ngân hàng thương mại phải song song thực hiện hai nhiệm vụ: tích cực xây dựng kho dữ liệu sinh trắc học về khách hàng của mình; hệ thống kết nối phải sẵn sàng để có thể kết nối ngay với kho dữ liệu của Bộ Công an khi cần thiết.

“Thời gian qua, Agribank tích cực thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng. Ngoài ra, ngay trong tháng 6/2024, toàn bộ hệ thống xác thực kết nối trực tuyến với Bộ Công an cũng sẽ được Agribank đưa vào vận hành, các ứng dụng (app) xác thực cũng đã được hoàn thiện. Agribank đã sẵn sàng để áp dụng quy định mới từ tháng 7/2024”, ông Trung cho biết. 

Dù chưa phải 100% khách hàng đã cung cấp dữ liệu sinh trắc học cho ngân hàng, nhưng theo ông Trung, từ ngày 1/7, khi áp dụng quy định mới, ngay cả khách hàng chưa cung cấp dữ liệu sinh trắc học cũng không cần lo lắng, bởi quy trình hoàn thiện thủ tục chỉ mất vài giây, không ảnh hưởng đến quá trình trải nghiệm giao dịch số của khách hàng, cũng như không làm gián đoạn cung cấp dịch vụ của ngân hàng.

Theo NHNN, lượng giao dịch trong ngày có giá trị dưới 10 triệu đồng (không cần xác thực khuôn mặt) chiếm khoảng 70%. Số giao dịch trong ngày trên 10 triệu đồng chiếm khoảng 11,3% số lượng giao dịch và khoảng 11,64% số tài khoản. Số tài khoản có tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng chiếm tỷ lệ nhỏ, dưới 1%. Như vậy, lượng giao dịch buộc phải áp dụng xác thực khuôn mặt chiếm tỷ lệ chưa cao. 

Hiện cả nước có khoảng 87 triệu căn cước công dân gắn chip, tức là hầu hết khách hàng của các ngân hàng đã có căn cước công dân gắn chip. Do đó, việc xác thực sinh trắc học sẽ không gặp khó khăn gì.

Theo thông tin của các ngân hàng, vài tháng qua, tốc độ thu thập dữ liệu sinh trắc học của các ngân hàng tăng lên nhanh chóng. Tại các ngân hàng nhỏ, trung bình mỗi ngày có 10.000 - 20.000 mẫu khuôn mặt và căn cước công dân được cập nhật vào kho dữ liệu của ngân hàng. Tại các ngân hàng lớn, con số lên tới khoảng 200.000 - 300.000 mẫu/ngày. 

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VietinBank cho biết, từ đầu tháng 6/2024, VietinBank sẽ nhắc nhở khách hàng (đặc biệt là nhóm khách hàng thường xuyên chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc khách hàng chưa cập nhật căn cước công dân gắn chip) để khách hàng biết và sớm xác thực.

Một số ngân hàng còn áp dụng xác thực khuôn mặt sớm hơn quy định, nhằm khuyến khích khách hàng thực hiện sớm quy định, như trường hợp TPBank. “Việc triển khai sớm xác thực giao dịch bằng sinh trắc học từ trước cả thời điểm quy định mới có hiệu lực không chỉ sớm tăng cường bảo mật, mà còn giúp khách hàng chủ động thời gian đăng ký, tránh tình trạng quá tải đăng ký nhận diện trước ngày 1/7”, đại diện TPBank cho biết.

Ngoài ra, với nhóm khách hàng nước ngoài (không có căn cước công dân gắn chip), các ngân hàng cũng đang tích cực thu thập dữ liệu sinh trắc học theo quy định mới của NHNN. 

Theo đại diện các ngân hàng, với đa phần khách hàng thường xuyên chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, việc xác thực khuôn mặt đã được tiến hành và nếu chưa xác thực thì quy trình cũng đơn giản, dễ thực hiện. Quy định này cũng gây lúng túng, phiền hà cho một số khách hàng, đặc biệt là các khách hàng lớn tuổi, không thành thạo về công nghệ, hoặc khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy vậy, đây là giải pháp mang lại lợi ích cho chính khách hàng, vì vậy các ngân hàng khuyến cáo khách hàng nên dành thời gian để tuân thủ, tự bảo vệ chính mình.

Hiện lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng đang trở thành vấn đề nhức nhối. Riêng quý I/2024, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tiếp nhận hơn 4.100 phản ánh liên quan đến lừa đảo trực tuyến. 60% người truy cập bị lừa đảo khi sử dụng thiết bị di động. Việc áp dụng quy định xác thực khuôn mặt từ ngày 1/7/2024 là một trong những giải pháp để ngăn chặn lừa đảo.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc NHNN cho hay, quy định trên sẽ đảm khuôn mặt của người giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu hoặc con chip điện tử do Bộ Công an cấp. “Mục đích của quy định là bảo vệ chủ tài khoản, phòng ngừa việc thuê, mượn tài khoản. Kẻ gian ăn cắp thông tin khi cài ứng dụng vào thiết bị khác cũng phải xác định sinh trắc học lại, yêu cầu người sử dụng phải là chính chủ. Nói cách khác, các tài khoản không chính chủ được mở bằng những giấy tờ giả trước đây sẽ được loại bỏ dần”, ông Dũng nói. 

Hiện tội phạm công nghệ cao sử dụng nhiều hình thức tinh vi để chiếm đoạt tài khoản khách hàng. Dòng tiền lừa đảo này được chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản khác nhau, chủ yếu là qua các tài khoản thuê mượn, không chính danh. Việc áp dụng xác thực khuôn mặt trong giao dịch trực tuyến sẽ khiến tình trạng trên giảm mạnh, qua đó góp phần ngăn chặn lừa đảo.

Lãi suất sẽ nhích dần lên, áp lực tỷ giá giảm xuống

Trong bối cảnh tỷ giá chưa hết áp lực, nhất là trong mùa cao điểm cuối năm, các nhận định đưa ra rằng, khả năng lãi suất sẽ nhích dần, nhằm giảm áp lực tỷ giá vào cuối năm nay.

NHNN công bố tỷ giá trung tâm giữa VND với USD ngày 27/5 là 24.268 VND/USD, tăng 4 VND so với cuối tuần trước. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng theo. Giá USD tại Vietcombank được cộng thêm 4 VND, đưa giá mua chuyển khoản lên 25.281 VND/USD và bán ra lên 25.481 VND/USD. Eximbank giữ nguyên giá mua chuyển khoản 25.260 VND/USD, nhưng tăng 4 VND ở chiều bán ra, lên 25.481 VND/USD…

Đồng thời, NHNN vẫn giữ giá mua giao ngay không đổi ở mức 23.400 VND/USD và giá bán ở mức 25.450 VND/USD. Đây là giá bán can thiệp mà NHNN thông báo bán USD cho các nhà băng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0 kể từ ngày 19/4. 

Ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB nhận định, khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối năm nay có thể giúp giảm bớt sức mạnh của USD, hỗ trợ sự phục hồi của VND. Do lạm phát tăng cao hơn dự kiến trong năm nay, Fed đã phát tín hiệu rằng, họ cần duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn.

“Tuy nhiên, quan điểm của UOB là, Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12. Hơn nữa, chúng tôi kỳ vọng, NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay. Do đó, sức mạnh của USD sẽ giảm bớt trong những tháng tới và tỷ giá VND/USD sẽ phục hồi về mức 24.000 VND/USD vào cuối năm”, ông Abel Lim cho biết.

Chia sẻ thêm về sự mất giá của VND từ đầu năm đến nay, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ UOB Việt Nam cho rằng, việc lãi suất USD neo ở mức rất cao trên 5% gây áp lực mất giá lên hầu như toàn bộ đồng tiền chính trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, trong đó có VND. 

Theo ông Quang, nhìn vào dữ liệu tổng hợp của các đồng tiền từ các nền kinh tế lớn và quan trọng nhất trong hoạt động thương mại, đầu tư toàn cầu, sẽ thấy mức giảm giá từ đầu năm 2024 đến nay của VND nằm trong xu thế chung và ở mức trung bình. Báo cáo của UOB cho thấy, VND và cả các đồng tiền khác có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong nửa sau năm 2024, khi lãi suất USD có thể được cắt giảm, trong khi lãi suất VND hầu như không có khả năng giảm thêm và sẽ tăng trở lại.

Thời gian gần đây, tỷ giá chịu nhiều áp lực do cả yếu tố kinh tế cũng như một số tin đồn gây ảnh hưởng tới tâm lý, kỳ vọng thị trường. Các nhà phân tích tài chính - kinh tế nhận định, việc NHNN tăng lãi suất kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá lên mức 4,5%/năm sẽ có phần tác động làm giảm áp lực lên tỷ giá.

Trong phiên ngày 22 và 23/5, một số ngân hàng thương mại đã tìm đến kênh hỗ trợ thanh khoản của NHNN với khối lượng trúng thầu trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) liên tục ở mức cao. Đi kèm với đó, NHNN cũng tăng lãi suất OMO lên mức 4,5%/năm, tăng thêm 25 điểm cơ bản so với trước. Riêng phiên ngày 23/05, NHNN bơm ròng 42.666 tỷ đồng thông qua thị trường mở - cũng là mức bơm ròng cao nhất của nhà điều hành kể từ giữa tháng 10/2022.

Theo SSI Research, NHNN phải thực hiện nghiệp vụ bán can thiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ từ phía các ngân hàng thương mại với khối lượng tương đối lớn. Cụ thể, cán cân thương mại trong nửa đầu tháng 5 nhập siêu lên tới 2,6 tỷ USD đã tạo áp lực lớn lên trạng thái ngoại tệ của ngân hàng thương mại, bên cạnh yếu tố mùa vụ khi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá của NHNN là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường. Do đó, doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trước những tin đồn.

Theo ông Quang, từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước thời gian qua.

Tuy nhiên, NHNN cho rằng, tất cả các khó khăn, thách thức chỉ là ngắn hạn, vì thời gian tới, với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu, thì nguồn cung ngoại tệ sẽ được hỗ trợ gia tăng. Trong khi đó, doanh nghiệp tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó cân đối cung - cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn. 

Thống đốc: Tỷ giá sẽ nguội dần, chênh lệch giá vàng cao không loại trừ đầu cơ, đẩy giá
Phát biểu tại Quốc hội chiều nay (29/5), Thống đốc NHNN nhận định về xu hướng tỷ giá cũng như giải thích nguyên nhân dừng đấu thầu vàng và áp dụng phương án can thiệp mới với thị trường vàng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác.  

Phát biểu tại hội trường, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cảm ơn ý kiến của các đại biểu đã quan tâm đến các hoạt động của hệ thống ngân hàng. Những vấn đề mà các đại biểu nêu đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo rất quyết liệt và toàn diện.

Liên quan đến các kết quả đạt được mà các đại biểu Quốc hội nêu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, các nước khi kiểm soát lạm phát thì phải hy sinh tăng trưởng. Nhưng đối với Việt Nam, nước ta đã đạt được cả hai mặc dù kết quả không đạt được mục tiêu như Quốc hội đề ra nhưng so với các nước trên thế giới, đây là điểm sáng được quốc tế đánh giá rất cao. Đồng thời khẳng định, trong 5 tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô và tiền tệ tiếp tục ổn định.

Tuy nhiên, có một số vấn đề mà Chính phủ đang quyết liệt quan tâm chỉ đạo.

Về tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá ở mức độ tương đối cao. Đối với NHNN, trong môi trường kinh tế thế giới biến động như hiện nay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tỷ giá có lúc tăng lúc giảm là điều hết sức bình thường. Chính phủ đã chỉ đạo phải ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Theo đó, NHNN cũng đã theo dõi rất sát. Vừa qua, NHNN đã phối hợp cùng bộ thực hiện các giải pháp, chính sách để điều tiết tiền tệ và thực hiện can thiệp để đảm bảo nguồn ngoại tệ để doanh nghiệp nhập khẩu, phục vụ sản xuất trong nước.

Với sự phát triển quay trở lại của sản xuất và tăng xuất khẩu trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, điều này sẽ hỗ trợ cho cung - cầu ngoại tệ. Nhiều dự báo cho thấy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất và tỉ giá vào cuối năm nay sẽ được hạ nhiệt. NHNN vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có giải pháp kịp thời.

Đối với vấn đề tín dụng thấp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây cũng là vấn đề được đề cập ở nhiều kỳ họp trước và xu hướng tăng trưởng tín dụng thấp không chỉ ở Việt Nam mà đây là xu hướng chung của thế giới khi các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt các thành viên của Chính phủ, trong đó có NHNN thực hiện rất nhiều các giải pháp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ rõ, tín dụng tăng thấp có rất nhiều nguyên nhân đó là vấn đề đầu ra cả về xuất khẩu và đầu ra ở trong nước. Các lĩnh vực có vốn vay lớn như thị trường bất động sản hiện nay đang gặp khó khăn về yếu tố pháp lý và Chính phủ đã chỉ đạo rất  quyết liệt, thành lập các Tổ công tác để hướng dẫn các địa phương giải quyết.

Chính phủ vừa qua đã tăng cường chỉ đạo việc thúc đẩy đầu tư công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, qua đó sẽ tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp và từ đó sẽ kích hoạt tín dụng của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN cũng nhiều lần báo cáo và kiến nghị với 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần có giải pháp tăng cường như bảo lãnh các doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng, qua đó sẽ thúc đẩy tín dụng cao hơn.

Về lãi suất tiền gửi ngoại tệ, ý kiến đại biểu cho rằng, nên tăng lãi suất huy động ngoại tệ để thu hút tiền gửi ngoại tệ trong dân. Tuy nhiên, Thống đốc cho rằng, chủ trương lớn của Chính phủ là chống đôla hoá, NHNN kiên định mục tiêu và đưa ra nhiều giải pháp kiểm soát lạm phát, tăng giá trị VND.

NHNN điều hành theo hướng VND hấp dẫn hơn, vì thế, lãi suất USD 0% là một giải pháp, khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng để tăng ngoại hối. Khi dự trữ ngoại hối tăng lên, NHNN có dư địa can thiệp thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá như năm 2022 và những tháng đầu năm nay.

Với thị trường vàng, Thống đốc thừa nhận, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước thế giới là nhiệm vụ thách thức trong điều kiện giá vàng thế giới tăng cao, phức tạp. Vừa qua, NHNN đã tiến hành 9 phiên đấu thầu vàng để tăng cung vàng ra thị trường song chênh lệch giá không giảm như kỳ vọng, do đó, Ngân hàng Nhà nước đã dừng đấu thầu, triển khai phương án mới, đi đôi với minh bạch hóa các giao dịch của thị trường vàng. 

“Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt ở các bộ, ngành phải phối hợp từ tất cả các khâu để tăng cường minh bạch các giao dịch thị trường vàng và Ngân hàng Nhà nước đã quyết định lập Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện về mọi mặt, từ hóa đơn, chứng từ, các giao dịch về phòng, chống rửa tiền liên quan đến các giao dịch về vàng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.

Theo Thống đốc, những biến đông trên thị trường vàng vừa qua không loại trừ hành vi đầu cơ thao túng, đẩy giá.

“Bẫy” lãi suất thấp ngày càng hiện hữu

Lãi suất VND duy trì ở mức thấp như thời gian qua không chỉ kích hoạt bong bóng tài sản, dẫn tới dòng tiền chạy ra khỏi ngân hàng, mà còn khiến tỷ giá nổi sóng, mục tiêu lãi suất thấp để kích cầu tín dụng cũng không hiệu quả.

Tuần qua, thị trường tiền tệ chứng kiến một số động thái lớn của ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể, cơ quan này đã tăng lãi suất trên thị trường mở (OMO) từ 4,25% lên 4,5%/năm, lãi suất trúng thầu tăng lên 4,2% từ mức dưới 4% đầu tuần. Ngoài ra, trong phiên giao dịch ngày 23/5, NHNN bơm cho các ngân hàng vay tới gần 43.064 tỷ đồng qua kênh OMO - mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Những động thái của NHNN chưa phải là dấu hiệu của sự đảo chiều chính sách tiền tệ, mà chủ yếu là nhằm nâng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, hy vọng tăng cung USD. Với nỗ lực của NHNN, lãi suất liên ngân hàng đã tăng đáng kể, lãi suất kỳ hạn qua đêm đang ở mức 5,18%, tăng khá cao so với mức dưới 4% giữa tháng 5/2024.

Dù vậy, lãi suất VND vẫn đang chênh lệch âm so với lãi suất USD. Đây là lý do khiến NHNN bán ra ngoại tệ dự trữ vẫn không ngăn cản được đà tăng của tỷ giá. Giá USD bán ra tại các ngân hàng liên tục tăng kịch trần suốt cả tháng qua. 

Năm 2023, đi ngược các nước, Việt Nam liên tiếp giảm lãi suất 4 lần để hỗ trợ tăng trưởng. Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế độc lập, lãi suất thấp kỷ lục tại Việt Nam chưa thể kích cầu tín dụng trong khi lại đang gây ra rủi ro lớn cho nền kinh tế.

Rủi ro đầu tiên và rõ rệt nhất là tỷ giá. Sóng tỷ giá đã nổi lên ngay từ đầu năm 2024 và kéo dài đến nay, bất chấp NHNN tung ra nhiều quân bài như: bán ngoại tệ dự trữ, phát hành tín phiếu hút tiền về, tăng nhẹ một số loại lãi suất điều hành.

Tình trạng lãi suất VND thấp hơn lãi suất USD diễn ra từ năm 2023 và kéo dài đến nay, tạo hiện tượng đầu cơ ăn chênh lệch lãi suất (carry trade). Bước sang năm nay, tỷ giá tăng mạnh không chỉ do hiện tượng carry trade, mà còn bởi nhập siêu có nguy cơ trở lại. Xuất siêu trong tháng 4/2024 hầu như không đáng kể, nhập siêu có nguy cơ trở lại khiến áp lực lên tỷ giá thêm nặng nề.  

“Năm 2023, dù chênh lệch lãi suất bắt đầu xuất hiện, nhưng tỷ giá chưa quá căng, nguyên nhân là xuất siêu tăng (do tăng trưởng kinh tế chậm), giúp cung ngoại tệ dồi dào. Tuy nhiên, năm 2024, khi các hoạt động kinh tế ấm lên, kéo theo nhu cầu nhập khẩu cao, nhập siêu có nguy cơ diễn ra, tỷ giá căng là điều khó tránh khỏi”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cảnh báo.

Không chỉ gây áp lực với tỷ giá, lãi suất thấp như giai đoạn vừa qua đang khiến tiền gửi tháo chạy ra khỏi ngân hàng. Tăng trưởng tiền gửi dân cư của cả dân cư và doanh nghiệp đầu năm nay lần đầu tiên suy giảm sau hơn 25 tháng liên tiếp tăng trước đó.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất huy động quá thấp sẽ khiến người dân rời bỏ kênh tiết kiệm, khiến các ngân hàng đối mặt với “bẫy thanh khoản”.

Theo tính toán của Think Future Consultancy, lãi suất điều hành của Thái Lan, Indonesia đang thực dương khoảng 3%, trong khi lãi suất của Việt Nam đang thực âm. 

Theo các chuyên gia kinh tế, việc bán ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá chỉ như “gió vào nhà trống”. Dù lãi suất trên thị trường OMO vừa tăng, song mức điều chỉnh còn quá nhẹ, chưa đủ chặn đà tăng của tỷ giá. Một khi nhập siêu quay lại, đà tăng của tỷ giá sẽ rất nhanh.

Nếu VND mất giá nhiều hơn nữa, bong bóng tài sản sẽ quay lại, gây xáo trộn toàn nền kinh tế. Thực tế, tình trạng xếp hàng mua vàng từ đầu năm đến nay là một dấu hiệu cảnh báo của bong bóng tài sản. Nâng lãi suất huy động VND cũng là mũi tên trúng nhiều đích, vừa hãm đà tăng tỷ giá, vừa ngăn chặn tác nhân hình thành bong bóng.  

“Trước đây, tôi ủng hộ việc giữ mặt bằng lãi suất thấp, vì lãi suất cao khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây cho thấy, lãi suất phải linh hoạt tùy từng giai đoạn. Trong bối cảnh hiện nay, duy trì mặt bằng lãi suất quá thấp không những không thể kích thích tăng trưởng (do cầu trong nước và quốc tế thấp), mà còn gây ra rủi ro lớn cho tỷ giá và cả nền kinh tế”, một chuyên gia phân tích độc lập nhận định.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chần chừ giảm lãi suất, một số nước vẫn tiếp tục tăng lãi suất điều hành (Indonesia tăng lãi suất điều hành thêm 0,25% trong tháng 4/2024), thì Việt Nam cũng cần linh hoạt hơn với lãi suất.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, trong bối cảnh hiện nay, việc NHNN tiếp tục tăng lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu chỉ còn là vấn đề thời gian. Xu hướng gần như chắc chắn là xuất siêu sẽ giảm, thậm chí nhập siêu quay lại, độ “căng” của USD sẽ là yếu tố quyết định tới mức độ tăng lãi suất của nhà điều hành. 

Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, việc tăng lãi suất OMO hay lãi suất tín phiếu sẽ không tác động nhiều đến mặt bằng lãi vay của các doanh nghiệp, vì lãi suất huy động trên thị trường 1 đã giảm sâu thời gian qua.

“Lãi suất cho vay vẫn có thể giảm thêm vì giá vốn của các ngân hàng thời gian qua đã hạ nhiệt đáng kể”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Tất nhiên, để giữ mặt bằng lãi suất ổn định, các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài bắt buộc các ngân hàng thương mại công khai lãi vay, NHNN, người dân và các cơ quan truyền thông cũng cần vào cuộc giám sát, phản biện để có được mặt bằng lãi suất hài hòa lợi ích các bên.

Nguy cơ “nợ ngập đầu” của người trẻ 
Dùng thẻ tín dụng vô tội vạ, vay nóng từ các app cho vay trực tuyến…, thói quen phóng tay chi tiêu đang khiến nhiều người trẻ rơi vào vòng xoáy nợ nần.

“Thế hệ 8x trở về trước vẫn giữ thói quen khá cẩn trọng trong việc chi tiêu, tiết kiệm, nhưng đa số người trẻ hiện nay ngày càng cởi mở hơn về thói quen chi tiêu và trải nghiệm cuộc sống”, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT nhận xét.

Số liệu về phân bổ chi tiêu trong các gia đình trung lưu do FIDT thực hiện trên 300 khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập của người trên 35 tuổi cao hơn 10-15% so với người trẻ dưới 35. Bên cạnh đó, khả năng đón nhận và thích ứng với công nghệ và xu hướng mới tốt hơn cũng giải thích cho việc có đến 89% người trẻ tại các thành phố lớn sở hữu thẻ tín dụng, so với 40% của những người trên 30 tuổi.

Thực tế hiện nay, một bộ phận giới trẻ (20-30 tuổi) đang ngập trong nợ nần do thói quen mua trước trả sau, từ mua sắm đồ gia dụng, đồ điện tử đến vui chơi, du lịch, giải trí… đều sử dụng thẻ tín dụng. Nhiều người có trong tay 3-4 thẻ tín dụng, bị cám dỗ bởi các khoản chi tiêu, sau đó rơi vào vòng luẩn quẩn lương không đủ trả nợ thẻ tín dụng, sau đó lại quẹt thẻ (vay nợ) tiếp để chi tiêu.

Các cố vấn tài chính cho hay, lứa tuổi 20-30 thường không biết quản lý tài chính, không thiết lập mục tiêu tài chính rõ ràng; không xây dựng kỷ luật tài chính; thiếu kiến thức tài chính cá nhân; không biết quản lý nợ và không đầu tư sớm. Điều này dẫn tới cảnh nợ ngập đầu khi đang còn trẻ.

“Việc mắc nợ không kiểm soát có thể trở thành một cơn ác mộng trong tương lai. Đừng vội vàng mượn tiền hoặc trả nợ bằng thẻ tín dụng một cách không cần thiết. Tìm hiểu về cách quản lý nợ và lãi suất để không bị rơi vào tình huống khó khăn về tài chính. Hãy tận dụng thời gian để học hỏi về các lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là các khoản đầu tư có lợi suất cao và rủi ro phù hợp”,  một cố vấn tài chính đưa ra lời khuyên.

TS. Đỗ Thị Hà Thương (Trường đại học ngân hàng TP.HCM) cho rằng, người dân không nên tùy tiện mở thẻ tín dụng mà không hiểu biết kỹ. Khách hàng cần nắm bắt kỹ các loại phí, lãi (đặc biệt là lãi phạt), ngày thanh toán…, để tránh trường hợp như một khách hàng tại Eximbank tiêu 8,5 triệu đồng bị phạt 8,8 tỷ đồng. Ngoài ra, khách hàng cần bảo mật thẻ và nâng cao ý thức phòng ngừa rủi ro từ thanh toán điện tử, về ăn cắp thông tin, gian lận thẻ tín dụng… để tránh bị mất tiền oan.

Quản lý gia sản ngay từ khi chưa giàu

Theo các cố vấn tài chính dày dạn, hiện nay, rất nhiều người trẻ 20-30 tuổi gặp sai lầm trong quản lý tài chính cá nhân, “vung tay quá trán”, dẫn tới cảnh nợ nần. Để khắc phục tình trạng này, người trẻ nên có ý thức chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư song song với nhau một cách bài bản từ khi còn chưa giàu.

Đầu tiên là phải xác định thu nhập, xem xét các khoản tiết kiệm và đầu tư hiện có, lập ra một kế hoạch tài chính cá nhân chi tiết để xác định mức độ chi tiêu cũng như tiết kiệm của mình. Sau đó, phải xác định được các mục tiêu tài chính quan trọng cho mình (mua nhà, mua xe…) và có kế hoạch để đạt mục tiêu đó. Với những khách hàng đang trong vòng xoáy nợ nần, phải ưu tiên kế hoạch trả nợ, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, tuân thủ nguyên tắc “trả tiền trước, tiêu tiền sau”.

Sau khi trả hết nợ nần, có được một khoản tiết kiệm, người trẻ cần tính đến kế hoạch đầu tư và xây dựng một khoản dự phòng. “Sai lầm của người trẻ về quản lý tài chính cá nhân chủ yếu do thiếu kiến thức tài chính, không có kỹ năng chi tiêu và quản lý tiền bạc. Vì vậy, lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia, các cố vấn tài chính là bước khởi điểm đầu tiên để có được kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư thông minh và hợp lý”, một cố vấn tài chính đưa ra lời khuyên.

Nhiều người cho rằng, tài sản phải lên tới hàng triệu USD mới cần tính đến quản lý gia sản, song theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, người dân nên tìm tới dịch vụ quản lý gia sản ngay từ khi còn trẻ và còn nghèo, bởi quản lý gia sản trước hết phải từ tiết kiệm, tích lũy sau đó mới đến đầu tư.

Theo chuyên gia này, nhà đầu tư cá nhân có tài sản từ 50 triệu đồng đã có thể tìm tới đơn vị tư vấn quản lý gia sản. Đây là cách tốt nhất để tăng trưởng và bảo toàn vốn đầu tư của mình. Tất nhiên, các đơn vị quản lý tài sản thích khách hàng có tổng tài sản lớn vì phí cao, nhưng muốn thị trường phát triển lớn mạnh thì đơn vị tư vấn phải “nuôi” từ các khách hàng nhỏ, tiềm năng.

“Hiện số nhà đầu tư Việt Nam tham gia đầu tư tài chính mới chiếm 7-8% dân số, trong khi tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, tỷ lệ này lên tới 40-80%. Tốc độ tăng tài sản tích sản của Việt Nam cũng vào nhóm cao nhất thế giới, cho thấy cơ hội đầu tư rất lớn. Nếu chúng ta có được nền tảng pháp lý tốt và xây dựng được những định chế đủ mạnh, thì thị trường quản lý gia sản của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt”, ông Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư