Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Về Mũi Cà Mau nhớ người xưa đi khẩn hoang mở cõi
Ngọc Thọ - 21/04/2016 08:05
 
Tôi thấy tiếc cho Nguyễn Tuân. Năm 1963 chưa có cơ hội được vào đến Cà Mau, ông cũng không thể được như bây giờ dễ dàng xem bản đồ vệ tinh cái mũi đất tận cùng tổ quốc. Đến việc nhận “Bức thư Cà Mau” của Anh Đức gửi ra cũng là nghe qua Đài phát thanh Giải phóng.

Nhưng mà phục, bởi Nguyễn Tuân khi đó tuy không đi thực địa mà đã viết những trang bút ký rõ dài. Thậm chí, ông còn hình tượng Mũi Cà Mau thành một “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”.

Mũi Cà Mau trên bản đồ vệ tinh
Mũi Cà Mau trên bản đồ vệ tinh

Ngón chân cái lội bùn trong tưởng tượng khi ấy của nhà văn bây giờ chính xác nằm ở 8°37’30’’ độ vĩ Bắc và 104°43’ độ kinh Đông. Nói “bây giờ”, là bởi thực tế địa lý hiện nay Mũi Cà Mau không còn là điểm đất liền tận cùng phía Nam, mà chỉ thuộc vùng cực Nam của đất nước. Điểm cực nam trên đất liền của tỉnh Cà Mau và cũng là của cả nước bây giờ được cho rằng nằm ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển.

Bên trái là Biển Đông, bên phải là Vịnh Thái Lan, Mũi Cà Mau không hướng về phía Nam mà hướng về phía Tây và cũng là điểm cực Tây của tỉnh Cà Mau. Vùng cực Nam này vốn đất bồi, mỗi năm vẫn bồi lấn thêm ra biển. Tuy nhiên, với tâm thức “đất nước ta trải dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau”, Mũi Cà Mau vẫn được coi coi là biểu tượng thiêng liêng của giới hạn đất liền phương Nam tổ quốc.

Về địa giới hành chính, Mũi Cà Mau hiện thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Huyện Ngọc Hiển tiền thân trước kia là huyện Năm Căn. Còn tỉnh Cà Mau cùng với tỉnh Bạc Liêu hiện nay thì được tách ra từ tỉnh Minh Hải cũ.

Biểu tượng mũi thuyền ở Mũi Cà Mau
Biểu tượng mũi thuyền ở Mũi Cà Mau

Tên của huyện Ngọc Hiển được đặt theo tên của nhà báo, nhà giáo, nhà văn, chí sĩ yêu nước Phan Ngọc Hiển. Sinh năm 1910, Phan Ngọc Hiển đã lãnh đạo Khởi nghĩa Hòn Khoai (một hòn đảo nhỏ có thể nhìn thấy từ Đất Mũi) chống chính quyền thực dân Pháp và hy sinh năm 1941. Ngoài huyện Ngọc Hiển là cái nôi của cuộc khởi nghĩa, tên ông còn được đặt cho đường phố và trường học ở thành phố Cà Mau.

Tại mũi đất biểu tượng này, có lẽ do ấn tượng hơn với hình tượng trong thơ Xuân Diệu: “Đất nước ta là một con tàu/Mũi tuyền ta đó – Mũi Cà Mau”, một biểu tượng mũi thuyền được dựng lên với cột cờ và thông số tọa độ.

Mốc tọa độ quốc gia
Mốc tọa độ quốc gia

Một khu du lịch được lập ra ngay trên Đất Mũi tuy còn khá sơ sài. Mũi đất nhoi ra biển cũng được làm đường bao quanh trên biển. Đứng trên đường bao đó dang tay đón gió mà cố tưởng tượng về cảm xúc phóng khoáng của tiền nhân khi khai hoang mở cõi, chợt nhớ đến Nguyễn Tuân, chợt thấy “ngón chân cái” lấm bùn cần lao vạn dặm nay dường như đã được… xỏ giày.

Đường bao Mũi Cà Mau
Đường bao Mũi Cà Mau

Hàng ngày, hàng tuần vẫn có những người con phương xa háo hức vượt nhiều khoảng cách địa lý từ gần xa đến với Mũi Cà Mau. Đến đây, ai cũng giữ cho mình một tấm ảnh chụp kỷ niệm nơi mũi tàu biểu tượng và mốc tọa độ quốc gia, rồi vội vã lật đật lên xe lên tàu chia tay Đất Mũi. Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch ở vùng đất này vẫn đang ở mức sơ khai.

Từ Thành phố Cà Mau, có hai cách đến được Đất Mũi. Một bằng tàu thủy cao tốc chạy thẳng đến bến Rạch Tàu, hai là bằng đường bộ qua thị trấn Năm Căn. Ngay trong những ngày tháng Tư này, đường quốc lộ từ thị trấn Năm Căn đến trung tâm xã Đất Mũi đã bắc xong cầu cống và đang hoàn thiện phần mặt đường. Không lâu nữa khi đoạn đường này hoàn tất, kinh mạch giao thông từ cực Bắc đến cực Nam chính thức được nối liền một dải. Bên phía bãi biển Khai Long, một khu du lịch mới đang ở giai đoạn đầu xây dựng, từ đó nhìn ra Hòn Khoai rất gần.

Đường về Đất Mũi
Đường về Đất Mũi

Đường sá khai thông, lại có sẵn tiềm năng và ý nghĩa địa lý, Mũi Cà Mau sẽ nằm trong kế hoạch lữ hành của thêm nhiều du khách. Người Cà Mau vốn chất phác chân thành, nhưng khách du lịch nhiều hơn sẽ phải có nhiều dịch vụ đáp ứng. Tôi đã thấy cách chào mời lên xe của chị hàng nước và cách tính tiền của anh lái xe đò từ Năm Căn có phần "tinh ranh". Trước cửa chợ Đất Mũi trên bến Rạch Tàu, một tổ xe ôm và cho thuê xe Honda đã có hẳn biển niêm yết giá đàng hoàng nhưng lui ra phía cầu Rạch Tàu, cánh xe ôm đồng loạt chào giá gấp đôi trong lúc họ quay sang nhìn nhau như là "nháy mắt"…

Từ TP. Hồ Chí Minh có thể đi bằng đường bộ đến TP. Cà Mau (khoảng 310km) có nhiều nhà xe khởi hành mọi thời gian trong ngày, giá vé khoảng 185.000đ/khách, xe giường nằm. Hoặc có thể đi thẳng TP. HCM – thị trấn Năm Căn, giá khoảng 195.000đ/khách, tuy nhiên tuyến chạy thẳng này ít chuyến hơn.

Có đường bay TP. HCM – TP. Cà Mau di chuyển hàng ngày.

Từ TP. Cà Mau, trước khi đường quốc lộ Năm Căn – Đất Mũi hoàn thành, cách dễ nhất là đi tàu cao tốc, giá khoảng 100.000đ/khách.

Từ Năm Căn cũng có thể bắt tàu cao tốc đi Đất Mũi (Bến xe và bến tàu Năm Căn nằm cùng một chỗ). Bến cuối cùng là Rạch Tàu nằm ở trung tâm chợ xã Đất Mũi, từ đây có thể thuê xe máy hoặc xe ôm vào Mũi Cà Mau, khoảng cách khoảng 4km, giá thuê xe máy 40.000đ/giờ, 150.000đ/ngày.

Có thể đến Mũi Cà Mau bằng xe ô tô cá nhân, nhưng từ cầu Rạch Tàu vào Mũi xe du lịch loại to không đi vào được.

Mời độc giả có thể xem thêm Bộ ảnh về Mũi Cà Mau ảnh tại đây!

Thủ tướng phát lệnh thông xe cầu và đường từ Năm Căn xuống Đất Mũi, Cà Mau
Cụm công trình cầu Hòa Trung vượt sông Gành Hào và đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi, tỉnh Cà Mau vừa được thông xe đã nối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư