Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Viêm màng não nặng do phế cầu khuẩn
D.Ngân - 11/03/2024 11:37
 
Thông tin từ các cơ sở y tế cho thấy hiện đã có nhiều ca viêm màng não nặng do vi khuẩn phế cầu.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vừa tiếp nhận và điều trị cho một bé trai (13 tuổi) bị viêm màng não nặng do vi khuẩn phế cầu.

Tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn là biện pháp quan trọng để phòng chống các loại bệnh nguy hiểm do phế cầu gây ra.

Bệnh nhi nhập viện sau kỳ nghỉ Tết, với bệnh cảnh khởi phát cấp tính trong 2 ngày, các triệu chứng nổi bật như sốt cao, đau đầu, nôn ói, kèm co gồng toàn thân và rối loạn tri giác diễn tiến nhanh.

Nhận thấy đây là một trường hợp nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương nặng, các bác sĩ khoa Nhiễm đã nhanh chóng xử trí cấp cứu, đặt nội khí quản thở máy cho bệnh nhi do tình trạng tri giác xấu dần, chụp CT Scan sọ não và tiến hành thủ thuật chọc dò thắt lưng lấy dịch não tủy làm xét nghiệm.

Kết quả dịch não tủy ghi nhận, số lượng tế bào bạch cầu trong dịch não tủy rất cao; đồng thời các chỉ số sinh hóa trong dịch não tủy cũng thay đổi điển hình của một ca viêm màng não do vi khuẩn. Qua các xét nghiệp, chụp PCR, kết quả dự đoán ban đầu là phế cầu, đây là nhóm vi khuẩn gây các bệnh cảnh viêm phổi, viêm màng não nặng rất thường gặp ở trẻ em.

Trong thời gian đầu điều trị, bệnh nhi sốt cao liên tục, bé được hạ sốt, truyền kháng sinh liều cao và nhiều chế phẩm thuốc đảm bảo quá trình điều trị tích cực cho bệnh nhi.

Sau 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện hơn khi giảm sốt, tri giác cải thiện. Các chỉ số xét nghiệm máu và dịch não tủy những lần sau đều cho kết quả khả quan, đáp ứng điều trị. Sau gần 3 tuần điều trị, bệnh nhi đã hồi phục hoàn toàn, tỉnh táo, ăn uống và vận động tốt.

Theo các bác sĩ, viêm màng não là một dạng của nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi và lứa tuổi nào cũng đều có nguy cơ bệnh nặng. Với trẻ em, bệnh chủ yếu là các ca riêng lẻ, xuất hiện quanh năm.

Nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn như Haemophillus influenza nhóm B (HiB), não mô cầu, phế cầu, lao, Escheria coli (E.coli)… một số ít do virus, ký sinh trùng, nấm…

Theo các bác sĩ phế cầu vẫn là tác nhân chiếm tỷ lệ hàng đầu của viêm màng não. Viêm màng não do phế cầu là một bệnh cảnh nặng, có nhiều biến chứng và nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, phế cầu khuẩn có thể gây ra một số căn bệnh nguy hiểm, như viêm phổi (nhiễm trùng phổi), nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang, nhiễm khuẩn huyết, trong đó, viêm phổi là gánh nặng bệnh tật lớn mà chúng ta đang đối mặt.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), năm 2014, tỷ lệ mắc viêm phổi ở nước ta là 561/100.000 người dân, đứng hàng thứ hai, sau tăng huyết áp; tỷ lệ tử vong do viêm phổi là 1,32/100.000 người dân, đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong.

Viêm phổi có 2 loại, viêm phổi mắc phải trong bệnh viện và viêm phổi mắc phải trong cộng đồng. Hai tác nhân gây bệnh viêm phổi thường gặp do vi khuẩn là streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn) và haemophilus influenza.

Các tác nhân gây bệnh này thường biến đổi và cũng thường gây ra tình trạng kháng thuốc. Bệnh thường xảy ra trên cơ địa những người bị suy giảm sức đề kháng.

Viêm phổi ảnh hưởng đến khoảng 450 triệu người trên thế giới mỗi năm. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở các nhóm tuổi. Tỷ lệ tử vong cao nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 75 tuổi.

Viêm phổi mắc phải trong cộng đồng có nhiều triệu chứng lâm sàng tương đồng với các bệnh lý hô hấp khác, cần được chẩn đoán phân biệt sớm. Phế cầu khuẩn chiếm 75% trong số các tác nhân gây viêm phổi ở cộng đồng.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh lý viêm phổi thường tăng cao ở thời điểm giao mùa, do thời tiết và nhiệt độ thay đổi, mưa nắng thất thường tạo môi trường cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Ngoài ra, chất lượng không khí thường xuyên ở mức có hại cho sức khỏe cũng khiến hệ hô hấp khó phục hồi khi bị nhiễm trùng.

Các chuyên gia cho biết, bệnh nhân cao tuổi mắc viêm phổi thường rất nặng. Nguyên nhân là người cao tuổi thường có nhiều bệnh kết hợp như phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa như đái tháo đường.

Để phòng chống viêm phổi do phế cầu khuẩn, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống Tiêm chủng Safpo/Potec khuyến cáo, một số nhóm đối tượng nên tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn là người trên 65 tuổi; người có hệ thống miễn dịch yếu;

Người bị bệnh tim, tiểu đường, hen suyễn hoặc COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), những người phải trải qua hóa trị liệu, người cấy ghép tạng, người nhiễm HIV/AIDS; người hút thuốc lá; nghiện rượu nặng; người bệnh trải qua phẫu thuật hoặc mắc bệnh nghiêm trọng.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải cho biết, có 2 loại vắc-xin phế cầu khuẩn được sử dụng để bảo vệ chống lại các loại nhiễm trùng khác nhau. Đó là PCV13 (hay vắc-xin Prevenar 13) giúp bảo vệ cơ thể tránh khỏi 13 loại vi khuẩn nguy hiểm nhất gây viêm phổi và PPSV23 (Pneumon 23) bảo vệ cơ thể chống lại thêm 23 loại vi khuẩn gây viêm phổi khác.

Những người cần tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn nên tiêm cả hai mũi: Mũi thứ nhất tiêm PCV13 và một năm sau sau tiêm PPSV23. Ngoài ra, trẻ em nên tiêm đầy đủ một số loại vắc-xin có vai trò hỗ trợ ngăn ngừa viêm phổi, như vắc-xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh viêm phổi - viêm màng não do HIB), vắc-xin cúm, phế cầu, ho gà...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư