Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Việt Nam cần có nhiều tập đoàn kinh tế mạnh
GS-TSKH. Nguyễn Mại - 05/10/2019 07:35
 
Các tập đoàn kinh tế hùng mạnh không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà còn đạt đến tầm cỡ khu vực và thế giới là biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng hùng cường của dân tộc Việt Nam.
Chiến lược của Vingroup là đầu tư trọng điểm vào công nghệ - công nghiệp. Trong ảnh: Công nhân điều kiển hệ thống vận hành rô-bốt tại Nhà máy VinFast. Ảnh: Đức Thanh
Chiến lược của Vingroup là đầu tư trọng điểm vào công nghệ - công nghiệp. Trong ảnh: Công nhân điều kiển hệ thống vận hành rô-bốt tại Nhà máy VinFast. Ảnh: Đức Thanh

Các tập đoàn kinh tế hùng mạnh trên thế giới

Các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới thường là các công ty xuyên quốc gia (TNC) kinh doanh nhiều ngành nghề, có nhà máy, cửa hàng, văn phòng đại diện ở nhiều nước, tiềm lực kinh tế hùng mạnh với hình tượng “mặt trời không bao giờ lặn tại tập đoàn”.

Theo Tạp chí Forbes, năm 2017, 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất nước Mỹ sử dụng 28,2 triệu nhân viên, có doanh thu 12.800 tỷ USD, đóng góp 2/3 GDP, lợi nhuận 1.000 tỷ USD, giá trị thị trường 21.600 tỷ USD.

Những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Amazon, GE, Apple, Facebook, Microsoft, IBM, Citygroup... là biểu tượng sức mạnh của nền kinh tế số một thế giới, đang dẫn đầu nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ hiện đại, có tầm ảnh hưởng đến xu hướng phát triển công nghệ của nhân loại.

Sự thần kỳ của Nhật Bản vào thập niên 60 đến 80 của thế kỷ XX có sự đóng góp to lớn của các TNC như Sumitomo, Toyota, Honda, Mitsubishi... đều xuất phát từ doanh nghiệp nhỏ và đã trở thành những thương hiệu lớn trên phạm vi toàn cầu.       

Các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Nhật Bản đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công chiến lược phát triển “bội tăng thu nhập quốc dân” do Thủ tướng Ikeda Hayato - chính trị gia kiệt xuất của Nhật Bản khởi xướng, đã biến quốc gia này thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Trong 10 năm (1960 - 1970), tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đạt 11,6%/năm, GDP/người tăng 10,4%/năm, xuất khẩu tăng 16,8%, nhập khẩu tăng 15,5%/năm (theo Trần Văn Thọ - Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam, NXB Tri thức 2016).

Tại Hàn Quốc, chaebol đóng vai trò quan trọng trong việc biến đổi nước này thành nước công nghiệp phát triển chỉ trong hai thập niên.

Các chaebol gồm nhiều công ty có mối quan hệ liên kết về tài chính, kinh doanh như Samsung, Daewoo, LG. Đặc trưng của chaebol là toàn bộ các công ty thành viên thường do một hoặc một số ít gia đình sáng lập, nắm giữ cổ phần chi phối. Chaebol là “tài phiệt”, được ghép từ 2 bộ chữ có ý nghĩa là “giàu có” và “dòng họ”.

Năm 1961, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee quyết định tiến hành công cuộc công nghiệp hóa thần tốc thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ các chaebol. Chính phủ giao nhiệm vụ cho các ngân hàng quốc doanh cho các chaebol vay với lãi suất rất thấp, bảo lãnh nợ nước ngoài của các chaebol, giảm thuế đánh vào sản phẩm của các chaebol, đặc biệt là các công ty xây dựng, khi nước này bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Nhờ những chính sách ưu đãi đó, mà các chaebol nhanh chóng phát triển thành các tập đoàn tầm cỡ thế giới.

Hanjin, Kumho, Lotte, SK, Hyundai, LG và Samsung là những chaebol nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc. Các chaebol đã giúp nền kinh tế xứ kim chi thoát được cảnh nhập siêu, trở thành nước có thặng dư mậu dịch lớn từ năm 1986. Từ thập niên 90 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã trở thành nước công nghiệp mới, người dân được hưởng chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Đặt nền móng cho cuộc cách mạng sữa tươi sạch ở Việt Nam, đến nay, TH đã trở thành một tập đoàn đa ngành vững mạnh. Trong ảnh: Dây chuyển sản xuất tại Nhà máy Sữa TH true MILK (Nghệ An). Ảnh: Đức Thanh
Đặt nền móng cho cuộc cách mạng sữa tươi sạch ở Việt Nam, đến nay, TH đã trở thành một tập đoàn đa ngành vững mạnh. Trong ảnh: Dây chuyển sản xuất tại Nhà máy Sữa TH true MILK (Nghệ An). Ảnh: Đức Thanh

3 chaebol lớn nhất (năm 2018) là Samsung (Tam Tinh), Hyundai (Hiện đại) và Daewoo (Đại Vũ) được coi là “tam trụ” của nền kinh tế Hàn Quốc. 5 chaebol hàng đầu đóng góp 58% GDP; Samsung chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực năm 1997 và cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng nhiều chính sách và giải pháp để cải tổ các chaebol theo hướng chống độc quyền, minh bạch tài chính, cạnh tranh lành mạnh; khắc phục “quan hệ cánh hẩu” giữa doanh nghiệp, quan chức nhà nước, ngân hàng thương mại.

Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc có các chiến lược và quá trình phát triển khác nhau, hiện đã trở thành những quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới do có chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn kinh tế, là 3 nước có nhiều tập đoàn nhất trong danh sách 500 tập đoàn lớn nhất thế giới.

Một số tập đoàn kinh tế tiêu biểu của Việt Nam

Ngày 5/12/2018, Vietnam Report công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018, trong đó, 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất lần lượt là Vingroup, Thế giới Di động, Vinamilk, DOJI, Thaco, Hòa Phát, FPT, Vietjet, VP Bank và Masan.

Giai đoạn 2014 - 2017, tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) của Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam đạt 21,8%; 5 nhóm ngành đứng đầu về doanh thu năm 2018 là tài chính; thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản; thép và viễn thông, tin học, công nghệ thông tin. 5 nhóm ngành này chiếm 64,2% doanh thu và 75,5% lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp tư nhân.

Việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam khá đa dạng, một số đi lên từ bất động sản nhờ vào tích lũy vốn từ đất đai; số khác khởi nghiệp bằng kinh doanh thương mại, mở các cửa hàng bán buôn, bán lẻ ở trong nước và xuất nhập khẩu; không ít doanh nghiệp nhờ vào tích lũy vốn từ kinh doanh ở nước ngoài. Dưới đây là một số tập đoàn kinh tế tiêu biểu.

Tập đoàn Đèo Cả của ông Hồ Minh Hoàng là điển hình của quá trình phát triển từ hợp tác xã đến tập đoàn kinh tế vững mạnh. Từ Hợp tác xã xây dựng, xây lắp điện Hải Thạch (ra đời năm 1985) phát triển thành Công ty cổ phần Hải Thạch, rồi góp vốn vào Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC). Tháng 5/2018, SBRC đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả.

Tập đoàn Đèo Cả có đủ năng lực thi công các công trình đường hầm lớn đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và công nghệ hiện đại như hầm Đèo Cả (dài 4.125 m), hầm Cổ Mã (dài 500 m), hầm đường bộ qua Đèo Hải Vân 2, hầm Cù Mông.

Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng - điển hình của người Việt Nam kinh doanh thành công ở nước ngoài trở về nước để đầu tư - kinh doanh nhiều lĩnh vực như bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học, nông nghiệp, sản xuất ô tô, xe máy, smartphone...

Vingroup công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028 sẽ trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế.

Ngày 6/9/2018, Vingroup đã được Tạp chí Forbes vinh danh trong Bảng xếp hạng 50 doanh nghiệp hàng đầu châu Á. 

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo - cũng là một ví dụ tiêu biểu cho sự thành đạt khi kinh doanh ở nước ngoài đầu tư về nước - đã đưa Vietjet Air trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam vận hành theo mô hình hàng không thế hệ mới, chi phí tiết kiệm và linh hoạt, cung cấp đa dạng các dịch vụ cho khách hàng lựa chọn. Vietjet Air là thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) với Chứng nhận An toàn khai thác IOSA, được AirlineRatings (tổ chức uy tín hàng đầu thế giới chuyên đánh giá về an toàn và sản phẩm của các hãng hàng không toàn cầu) xếp hạng an toàn hàng không ở mức cao nhất thế giới với mức 7 sao.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong 15 nữ tỷ phú tự thân mới trong danh sách của Forbes năm 2017.

Tập đoàn Truemilk (TH) của bà Thái Hương - người tiêu biểu cho trí tuệ và tài kinh doanh của phụ nữ Việt Nam - từ hơn 10 năm trước đã bắt đầu nuôi bò để sản xuất sữa tươi. Bà Thái Hương sang Israel, nước có công nghệ nuôi bò, sản xuất sữa tiên tiến trên thế giới để khảo sát, tìm hướng phát triển. Bà đã thuê công ty tư vấn của Israel để mua bò từ Australia, New Zealand; nuôi bò, trồng cỏ, sản xuất sữa, thu hút người tài là kỹ sư, cán bộ quản lý, chuyên gia kinh tế để thành lập trang trại đầu tiên ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Chỉ trong thời gian ngắn, TH đã chiếm 40% sản phẩm sữa trên thị trường nội địa.

Đến nay, TH đã trở thành một tập đoàn đa ngành, đầu tư vào giáo dục, y tế và đang thực hiện dự án nuôi bò, sản xuất sữa với quy mô nhiều tỷ USD tại Liên bang Nga trên diện tích hơn 100.000 ha.

FPT là điển hình thành công của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trở thành tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, đang kinh doanh khá thành công ở nhiều nước công nghiệp phát triển. FPT làm chủ công nghệ trên tất cả các hướng phát triển của mình, đang sở hữu trên 1.000 chứng chỉ công nghệ cấp quốc tế của các đối tác công nghệ hàng đầu thế giới và phấn đấu trở thành tập đoàn hàng đầu phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ điện tử cho cộng đồng công dân điện tử (E-citizen).

FPT trở thành công ty xuyên quốc gia kinh doanh tại 21 quốc gia trên thế giới.

Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) là điển hình của quá trình phát triển từ một công ty công nghiệp quy mô nhỏ thành một tập đoàn hàng đầu trong ngành chế tạo.  Thaco sản xuất, lắp ráp, phân phối, cung ứng dịch vụ bảo trì sửa chữa và phụ tùng ôtô gồm xe thương mại (xe tải và xe bus); xe du lịch các thương hiệu Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp), BMW (Đức) với tỷ lệ nội địa hóa 16 - 50%. Năm 2014 và 2015, Thaco là doanh nghiệp đứng đầu bảng xếp hạng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).

Tuy đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh trong khoảng10 năm gần đây, nhưng các tập đoàn kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ, chưa đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển (R&D), chưa làm chủ được công nghệ hiện đại, còn quá ít tập đoàn có vị thế trong khu vực.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về tập đoàn kinh tế

Thực tiễn phát triển của các tập đoàn kinh tế tại Việt Nam đã nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi phải có hành lang pháp lý điều chỉnh, để vừa thực hiện đúng đường lối của Đảng đối với kinh tế tư nhân, vừa tạo tiền đề để có nhiều tập đoàn kinh tế hùng mạnh đạt đến tầm cỡ khu vực và tiếp đến là thế giới.

Thứ nhất, về mô hình tập đoàn kinh tế. Tập đoàn kinh tế tập hợp nhiều doanh nghiệp thành viên, hình thành công ty mẹ, công ty con. Về pháp lý, bản thân tập đoàn không có tư cách pháp nhân, nhưng công ty mẹ là hạt nhân để liên kết hoạt động của các công ty con và công ty liên kết, nắm quyền điều hành, kiểm soát, chi phối hoạt động toàn bộ tập đoàn.

Do tập đoàn kinh tế mới được hình thành ở nước ta, nên có cấu trúc khá đa dạng, tùy thuộc vào chủ doanh nghiệp, vì thế, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn để luật pháp hóa mô hình tập đoàn kinh tế, quy định các điều kiện hình thành và cơ chế hoạt động của tập đoàn như quan hệ giữa công ty mẹ, công ty con và công ty liên kết, quyền lợi và nghĩa vụ của tập đoàn.

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển tập đoàn kinh tế trong nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, R&D, làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm, đồng thời quy định minh bạch về quan hệ hợp đồng trong nội bộ tập đoàn để đề phòng và xử lý kịp thời tình trạng “chuyển giá”, trốn thuế, sở hữu chéo, hình thành mối “quan hệ cánh hẩu” giữa doanh nghiệp với ngân hàng, với cơ quan nhà nước.

Tập đoàn kinh tế cần được khuyến khích phát triển thành công ty đại chúng đa sở hữu nhằm giải bài toán tích lũy vốn, tạo lập nguồn lực để phát triển nhanh và hiệu quả cao, có chiến lược kinh doanh dài hạn, tầm nhìn toàn cầu, quản trị hiện đại và minh bạch, nhanh chóng mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tập đoàn kinh tế tạo ra sức mạnh quốc gia, nhưng cũng dễ phát sinh trạng thái độc quyền nhờ vào tiềm lực vốn khổng lồ có thể mua lại hoặc sáp nhập các doanh nghiệp khác, cấu kết và thông đồng với nhau để triệt tiêu cạnh tranh, buộc người tiêu dùng phải trả giá cao hơn và lấy đi của họ quyền được lựa chọn. Để khắc phục tình trạng đó, Chính phủ nên nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, ví dụ, Mỹ ban hành Đạo luật Chống độc quyền Sherman (năm 1890) và Đạo luật Chống độc quyền Clayton (năm 1914).

Thứ hai, về vấn đề hình thành thương hiệu - tài sản, yếu tố sống còn của tập đoàn kinh tế. Chiến lược xây dựng thương hiệu của tập đoàn kinh tế trước hết là phải trở thành số 1 trên thị trường trong nước bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ, giá cả cạnh tranh để chinh phục người tiêu dùng Việt Nam; trên cơ sở đó, từng bước vươn ra khu vực và toàn cầu. Đó là chiến thuật rất thành công của Keiretsu của Nhật Bản và các chaebol của Hàn Quốc. Điển hình là, Waltmart - nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ đã phải rút lui khỏi thị trường Hàn Quốc vì chiến thuật này của Lotte. Đó cũng là bài học được đúc rút từ kinh nghiệm của Vingroup khi một số tập đoàn Thái Lan mua lại các siêu thị như Metro, BigC; chính bằng việc hình thành chuỗi cung ứng nông sản từ hợp tác xã sản xuất - nhà phân phối - siêu thị với chiết khấu thấp hơn nhiều so với Metro, BigC, nên Vingroup có được lợi thế cạnh tranh với các ông chủ người Thái ở thị trường nội địa.

Các tập đoàn đã khẳng định được vị thế trong nước cần tận dụng lợi thế của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ hội mới khi nước ta ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để có chiến lược kinh doanh trên thị trường khu vực và thế giới, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tập đoàn kinh tế xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới để không chỉ gia tăng nhanh chóng quan hệ thương mại và đầu tư, mà còn có thể tham gia đầu thầu quốc tế những dự án quy mô lớn mà hiện nay nhiều tập đoàn kinh tế nước ta đủ sức thực hiện.

Thứ ba, về tích tụ vốn, tập đoàn kinh tế có nhiều phương thức huy động để tăng nhanh vốn kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi mở rộng quy mô của doanh nghiệp. Nhà nước cần hoàn thiện luật pháp liên quan đến huy động vốn, tích tụ và tập trung vốn tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của tập đoàn.

Đối với phát hành trái phiếu, các tập đoàn khi phát hành trái phiếu chỉ trả lãi suất cho các nhà đầu tư thường thấp hơn lãi suất tín dụng của ngân hàng thương mại; tiền lãi trái phiếu được hạch toán vào chi phí kinh doanh, được khấu trừ thuế.

Đối với phát hành cổ phiếu ưu đãi, người mua cổ phiếu này được ưu tiên, khi công ty gặp khó khăn về tài chính, thì chủ sở hữu cổ phiếu ưu đãi được nhận tiền lãi chỉ sau chủ sở hữu trái phiếu, nhưng trước chủ sở hữu cổ phiếu phổ thông.

Đối với phát hành cổ phiếu thường, các ngân hàng đầu tư thường giúp công ty phát hành cổ phiếu, thỏa thuận mua bất kỳ cổ phần mới nào được phát hành với mức giá đặt trước, nếu công chúng từ chối mua cổ phiếu đó với mức giá tối thiểu.

Đối với việc đi vay, các công ty huy động vốn ngắn hạn để bảo đảm hoạt động thường xuyên bằng cách vay tín dụng của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác.

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích

phát triển tập đoàn kinh tế trong nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, R&D, làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm.

Đối với việc sử dụng lợi nhuận, một số tập đoàn thanh toán lợi nhuận của doanh nghiệp cho các cổ đông dưới hình thức lãi cổ phần; một số tập đoàn khác chỉ thanh toán một phần lợi nhuận, phần còn lại để tái đầu tư; cũng có tập đoàn sử dụng toàn bộ lợi nhuận vào R&D, mở rộng kinh doanh, chưa chia lợi tức cổ phần với mục tiêu tăng nhanh giá trị cổ phiếu.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài xác định: “Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”. Quy định này cần được áp dụng đối với các tập đoàn kinh tế Việt Nam.

Thứ tư, về công nghệ và nguồn nhân lực, tập đoàn kinh tế cần coi trọng đầu tư vốn để có công nghệ hiện đại nhằm tạo lập và quảng bá thương hiệu đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng.

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, các tập đoàn kinh tế đóng góp khoảng 40% chi phí R&D của quốc gia, thành lập các trung tâm hoặc viện nghiên cứu chuyên ngành, thu hút các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu để triển khai các đề tài khoa học và công nghệ, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp phục vụ cho chiến lược phát triển của tập đoàn.

R&D là yếu tố quyết định thành công của tập đoàn theo hướng đổi mới và sáng tạo, luôn đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Samsung là một thành công điển hình để các doanh nghiệp Việt Nam học tập. Từ một thương hiệu điện tử không nổi tiếng, bằng việc tập trung nguồn lực vào R&D, nên chỉ khoảng 10 năm, Samsung trở thành thương hiệu số 1 trên thị trường thế giới, không chỉ trong lĩnh vực điện tử, mà còn trong lĩnh vực viễn thông .

Các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào R&D phải trả lời được hai câu hỏi: sản phẩm của công ty có gì khác biệt so với đối thủ và lợi ích nào có thể tạo ra nhu cầu mới của khách hàng.

Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ và R&D bằng chính sách ưu đãi như “khấu hao nhanh”, áp dụng cơ chế thuận lợi và thủ tục đơn giản để doanh nghiệp tiếp cận được các quỹ của ngành và của địa phương.

Một số tập đoàn kinh tế nước ta đã hình thành chiến lược thu hút người tài, tiền lương và thu nhập cao, lao động và phúc lợi tốt để vừa có đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu hiện tai, vừa kế thừa bằng vài thế hệ để duy trì và phát triển tập đoàn. Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn gửi cán bộ, chuyên viên ra nước ngoài bồi dưỡng ngắn hạn, thuê người nước ngoài làm cán bộ quản lý. Đó là xu hướng tất yếu trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng do nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng nhân lực cấp cao gia tăng, nên Nhà nước cần khuyến khích các trường đại học có đủ điều kiện thành lập phân hiệu, các nhà đầu tư xây dựng trường đào tạo cán bộ quản trị doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu đó.

Thứ năm, về quan hệ hợp tác, hợp tác theo chuỗi cung ứng sản phẩm trong nước và toàn cầu là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị trường trong nước và cạnh tranh thắng lợi trên thị trường thế giới.

Để ứng phó có hiệu quả với nguy cơ hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trái đất tăng đã xuất hiện thuật ngữ “nền kinh tế xanh”, từ đó cũng ra đời “chuỗi cung ứng xanh”.

Theo Sách trắng về doanh nghiệp năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2018, cả nước có 714.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 670.000 doanh nghiệp tư nhân, chưa kể khoảng 5 triệu hộ kinh doanh. Trên 97% doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ gần 3% là doanh nghiệp lớn, trong đó có vài trăm tập đoàn kinh tế.

Chìa khóa cho sự thành công của việc theo đuổi chuỗi cung ứng xanh là thay đổi cách làm việc với khách hàng và nhà cung cấp. Sử dụng các phương thức hoạt động mới để quản lý chuỗi cung ứng thông minh và thương mại điện tử cho phép hình thành cộng đồng thương mại toàn cầu với chi phí thấp cùng với sử dụng hệ thống tự động hóa để gia tăng hoạt động của doanh nghiệp và đạt được kết quả tốt về môi trường.

Để có được nhiều công trình nghiên cứu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo bước đột phá về khoa học và công nghệ, cần hoàn thiện khung pháp lý về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo theo hướng khuyến khích tập đoàn kinh tế hợp tác dài hạn bằng nhiều phương thức với viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, chuyên gia từng lĩnh vực để giải quyết thành công các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của từng tập đoàn.

Bên cạnh đó, cần tạo lập quan hệ hợp tác trong đầu tư ra nước ngoài và nhận thầu quốc tế khi nhiều doanh nghiệp nước ta đang mở rộng hoạt đông ra khu vực và ở nhiều nước. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tận dụng thế mạnh của tập đoàn và hợp tác giữa các doanh nghiệp ở từng nước là chìa khóa thành công của doanh nghiệp Việt Nam khi hoạt động ở nước ngoài.

Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) đang hoạt động ở nước ta, được Chính phủ và chính quyền các tỉnh, thành phố trân trọng, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư của nước đó, đồng thời tham vấn cho Nhà nước Việt Nam các vấn đề có liên quan đến môi trường kinh doanh và đầu tư. Đó là mô hình cần được các bộ nghiên cứu để chỉ đạo doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh ở nước ngoài.

Cạnh tranh và hợp tác là hai mặt của kinh tế thị trường, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác bằng nhiều phương thức đa dạng là đòi hỏi đồng thời của việc xây dựng nhiều tập đoàn kinh tế mạnh, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng chủ yếu để thực hiện khát vọng của dân tộc tiến cùng thời đại, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với lãnh đạo 14 tập đoàn kinh tế tư nhân
Sáng 30/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc tọa đàm đối thoại chính sách với một số tập đoàn kinh tế tư nhân với chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư