Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam vẫn là trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều nhãn hàng
Thế Hoàng - 10/10/2021 11:13
 
Đó là khẳng định của đại diện nhiều nhãn hàng lớn khi nói về đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam đã gây ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng dệt may, da giày.
Nhiều nhãn hàng lớn khẳng định vẫn ở lại Việt Nam nhưng mong muốn hoạt động phục hồi sản xuất cần được đẩy nhanh hơn nữa.
Nhiều nhãn hàng lớn khẳng định vẫn ở lại Việt Nam, nhưng mong muốn hoạt động phục hồi sản xuất cần được đẩy nhanh hơn nữa.

Nhiều nhãn hàng lớn bày tỏ, dù bị ảnh hưởng không nhỏ, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những trung tâm sản xuất lớn của hãng, dù đợt dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay đang gây nhiều hệ lụy tới chuỗi cung ứng trong 2 ngành dệt may, da giày. Đây là kết quả khảo sát nhanh do Vitas, Lefaso và nhóm Hợp tác công tư (PPP) thực hiện trong tháng 9/2021.

"Việt Nam có những lợi thế rõ ràng: tốc độ, hiệu suất, năng lực, lao động trẻ và có trình độ, vị trí chiến lược, lộ tuyến vận chuyển thuận lợi tới Mỹ và EU. Đợt dịch này không làm mất đi các lợi thế ấy nên các doanh nghiệp vẫn tiếp tục làm ăn ở Việt Nam. Tuy nhiên, với tình trạng giãn cách tại nhiều địa phương trong đợt dịch tại Việt Nam sẽ làm nhiều công ty phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ", Tổng giám đốc Li&Fung ASEAN, có hơn 300 nhà máy tại Việt Nam cho biết.

Một nhãn hàng đến từ Mỹ có hơn 100 nhà cung ứng tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam vẫn là nước cung ứng số 1 của chúng tôi và điều đó không thay đổi. Nhưng đợt giãn cách vừa qua cho thấy rủi ro của việc quá phụ thuộc vào một quốc gia, việc chúng tôi có chuyển đơn hàng đi hay không phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể tái mở cửa nhanh chóng hay không.

Mới đây, trước thông tin Tập đoàn Nike chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang Trung Quốc và Indonesia, đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định, đó không phải là thông tin chính xác.

"Trong giai đoạn vừa qua, một số đơn hàng của Nike đến hạn, để kịp giao hàng và đảm bảo đúng tiến độ, họ đã chuyển đơn hàng sang nhà máy ở một số quốc gia khác. Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban ngành mới đây, CEO của Nike cũng khẳng định sẽ không rời bỏ Việt Nam, không có chuyện chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang các quốc gia khác", vị đại diện này cho biết.

Làn sóng Covid-19 lần thứ tư xảy ra khi ngành dệt may và da giày bước vào mùa cao điểm trong sản xuất xuất khẩu với số lượng đơn hàng tăng mạnh khi các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, và Trung Quốc đều phục hồi. 

Theo khảo sát, thị trường tiêu thụ lớn (Hoa kỳ, EU, Trung Quốc) phục hồi mạnh mẽ và bước vào mùa mua sắm cuối năm. Chi tiêu cho quần áo trong mùa Giáng sinh ở Mỹ dự kiến tăng 46% so với cùng kỳ 2020, trong khi tiêu thụ quần áo năm 2021 của EU dự kiến tăng 6,7% (McKinsey).

Trong khi đó, dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp tới các khu công nghiệp, khiến cho hàng nghìn người lao động bị nhiễm và hàng nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ”, mà các doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ cũng chỉ đạt 30% công suất. 

Thực tế trong đợt dịch này, có đến 68,1% số doanh nghiệp cho biết họ bị nhãn hàng phạt do doanh nghiệp giao hàng chậm; 12,2% doanh nghiệp bị đối tác hủy đơn, phải đền hợp đồng; 21% doanh nghiệp cho biết bị nhãn hàng chủ động hủy, nhưng không bắt doanh nghiệp đền bù;  13,1% nhãn hàng hủy đơn chưa ký”, Tiến sỹ Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động cho biết.

Các doanh nghiệp lo lắng khi bị chậm đơn hàng thì khách hàng có thể hủy giữa chừng và rút đơn hàng đang sản xuất chuyển sang thị trường khác như Trung Quốc, Indonesia. Hoặc nhãn hàng đồng ý cho giao hàng chậm nhưng doanh nghiệp phải trả chi phí xuất hàng bằng đường hàng không với phí rất cao.

Còn nếu doanh nghiệp dệt may, da giày xin lùi ngày xuất khẩu thì đối tác đề nghị giảm giá 15%. Đáng chú ý, các đơn hàng mùa mới của năm 2022 đã bị tạm dừng hoặc bị giảm số lượng.

Dù các nhãn hàng lớn khẳng định coi trọng thị trường Việt Nam nhưng nếu hoạt động sản xuất không được hồi phục sớm, nguy cơ cao các nhãn hàng dịch chuyển các đơn hàng gấp trong 5 tháng tới để đảm bảo được chuỗi cung ứng của họ, nhưng đây là sự dịch chuyển tạm thời chứ không phải lâu dài, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm lớn vào dịp cuối năm tại châu Âu, Mỹ.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) lo ngại, điều kiện để mở cửa sản xuất trong tình hình mới hiện vẫn khá phức tạp, nhất là việc di chuyển công nhân từ địa phương này tới địa phương khác, doanh nghiệp cũng đã kiệt quệ về tài chính.  Do đó, trước những quy định khắt khe về mở cửa, có những doanh nghiệp chấp nhận mở cửa sản xuất rồi chịu phạt sau, bởi nếu tiếp tục đóng cửa thì họ sẽ phá sản.

Nỗ lực không để đứt gãy chuỗi sản xuất
Trong bối cảnh nhiều địa phương áp dụng những biện pháp mạnh để chống Covid-19, các doanh nghiệp buộc phải tìm phương án khả thi nhằm tránh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư