Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam sau hai năm thực thi CPTPP: Ấn tượng từ Canada và Mexico
Hải Yến - 10/04/2021 10:21
 
Canada và Mexico là 2 thị trường có mức tăng xuất khẩu và tận dụng ưu đãi thuế quan cao nhất trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sau 2 năm thực thi Hiệp định CPTPP.
.
CPTPP đã mở rộng đường cho hàng Việt sang châu Mỹ, vốn rất mới mẻ và tiềm năng.

CPTPP được khai thác ra sao

Tại Hội thảo “Hai năm thực thi CPTPP, đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, thông tin về tăng trưởng xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan của hàng Việt sang thị trường CPTPP cho thấy, việc thực thi hiệp định thương mại tự do (FTA) này với doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều trở ngại.

Thị phần hàng xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp. Tại Nhật Bản, con số là 3,1%, Australia 1,9%, New Zealand 1,6%, Mexico 1,3%, Canada 1,1%, Singapore là 1%.

Nguồn: Bộ Công thương

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, CPTPP là FTA có tiêu chuẩn cao, việc thực thi khá vất vả bởi những yếu tố khách quan. Năm đầu tiên, doanh nghiệp xuất khẩu chịu tác động của thương chiến Mỹ - Trung, năm thứ hai lại chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. “Có thể nói, ít hiệp định nào vất vả như CPTPP trong thực thi, doanh nghiệp phải đương đầu với khó khăn lớn và đến nay, mới chỉ có 6 quốc gia phê chuẩn hiệp định”, ông Lộc thông tin.

Bức tranh xuất khẩu sang khối CPTPP chặng đường 2 năm 2019-2020 chưa có quá nhiều thay đổi. Năm 2019, xuất khẩu sang 6 nước đã phê chuẩn CPTPP (Mexico, Canada, Australia, New Zealand, Singapore và Nhật Bản) đạt 34,3 tỷ USD, tăng 8,1%. Năm 2020, xuất khẩu sang 6 nước này duy trì ở mức gần tương đương 2019, đạt 34 tỷ USD. Tỷ trọng trong tổng xuất khẩu năm 2018 là 12,02%, năm 2019 là 13% và năm 2020 là 12,02%.

Ấn tượng nhất là xuất khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ ở Mexico và Canada, vốn là 2 thị trường Việt Nam mới có FTA. Năm 2019, xuất khẩu sang Mexico đạt 2,83 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2018; năm 2020 đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%... Xuất khẩu sang Canada đạt 3,91 tỷ USD, tăng 29% và lên 4,4 tỷ USD, tăng 12% trong năm 2020 (cao hơn nhiều so với mức tăng xuất khẩu chung 7%).

Những con số trên khẳng định, CPTPP đã mở rộng đường cho hàng Việt sang châu Mỹ, vốn rất mới mẻ và tiềm năng. Nhưng chỉ dấu quan trọng nhất thể hiện ý nghĩa của CPTPP là tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan vẫn ở mức rất khiêm tốn. Báo cáo 2 năm thực thi CPTPP của VCCI cho hay, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP để hưởng ưu đãi thuế quan của hàng xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, rất thấp so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) và so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của các FTA khác.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phân tích, những ngành hàng dệt may, da giày, thủy sản… được kỳ vọng có mức tăng trưởng cao, nhưng thực tế không như vậy. Năm 2019, xuất khẩu da giày đạt 2,1 tỷ USD, tăng 15,1% so với năm 2018, nhưng năm 2020 giảm 12,2%, còn 1,84 tỷ USD. Dệt may từ mức 5,3 tỷ USD của năm 2019, tăng 7,4% so với năm 2018, đến năm 2020 đã giảm 9,6%, còn 4,8 tỷ USD.

Thủy sản cũng vậy. Năm 2019 đạt 2,13 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2018, đến năm 2020 đạt 2,1 tỷ USD, giảm 1,4%. “Việc tận dụng ưu đãi thuế quan của dệt may, da giày còn hạn chế do chưa đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ hàng hóa bởi sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu ngoại khối. Còn doanh nghiệp thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định về ghi nhãn hàng hóa, môi trường…”, bà Trang nhấn mạnh.

Báo cáo của VCCI chỉ ra, có tới 80% doanh nghiệp vốn nhà nước cho rằng, việc chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP nằm ở việc “nguồn nguyên liệu, công đoạn sản xuất của doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ”. Do đó, báo cáo cho rằng, sự linh hoạt trong chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất - kinh doanh là bài toán để các doanh nghiệp có thể chớp thời cơ từ CPTPP và các FTA khác.

Ngoài ra, ưu đãi thuế quan giai đoạn đầu của CPTPP có mức thấp hơn so với ưu đãi của các FTA mà Việt Nam đã có với các đối tác. Chưa kể, 4/6 nước đã có FTA với Việt Nam với quy tắc xuất xứ lỏng hơn mức thuế suất ưu đãi trong những năm đầu CPTPP có hiệu lực, khiến nhiều doanh nghiệp không chọn C/O mẫu CPTPP, mà chọn mẫu C/O với FTA khác để dễ hưởng lợi hơn.

Doanh nghiệp FDI nhanh nhạy

Một yếu tố bất ngờ khác, nhưng không mấy lạc quan đã được hé lộ từ đánh giá của doanh nghiệp về tác động chung của CPTPP. “Trong khi các doanh nghiệp FDI và dân doanh hiểu biết kỹ hơn, cảm nhận rõ nét về tác động của CPTPP (51-52% doanh nghiệp của các nhóm này nói CPTPP có tác động tích cực), thì khối doanh nghiệp nhà nước phần lớn đứng ngoài những tác động này khi có tới 64% nhóm này cho rằng, CPTPP không tác động gì và với các FTA khác cũng vậy”, báo cáo của VCCI nêu và khẳng định, dường như quá trình hội nhập theo chiều sâu thông qua CPTPP và các FTA chưa chạm tới khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) thông tin thêm,  tiến hành khảo sát các doanh nghiệp về CPTPP còn cho thấy chủ ý của các doanh nghiệp FDI khi từ bỏ ưu đãi thuế quan trong CPTPP để chọn ưu đãi theo nguyên tắc MFN với thuế 0% hoặc các FTA khác tốt hơn CPTPP.

Đánh giá về tác động của CPTPP tới tăng trưởng xuất khẩu, bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, tổng thể có thể khẳng định, việc CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019 đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Nhưng vẫn cần thời gian dài hơn với các số liệu dày dặn để định lượng được tăng trưởng đến từ CPTPP đóng góp chung vào tổng kim ngạch xuất khẩu ra sao, tận dụng ưu đãi thuế quan thế nào, bởi những yếu tố khách quan về dịch bệnh và thương chiến Mỹ - Trung tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường của doanh nghiệp.

Hai năm thực thi CPTPP: Xuất khẩu bật tăng ở khu vực châu Mỹ
Các nhóm hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu khả quan là nhóm điện thoại, máy móc thiết bị và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ, đồ chơi dụng cụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư