Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Vinh danh "Làng du lịch tốt nhất thế giới" ở Quảng Bình
Ngọc Tân - 19/10/2023 22:42
 
Chiều 19/10, tại Samarkand, Uzbekistan, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã vinh danh Tân Hóa (xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình) là Làng du lịch tốt nhất thế giới.

Cùng thời điểm này, tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, UBND tỉnh Quảng Bình và Sở Du lịch tỉnh này đã tổ chức buổi Họp báo cung cấp thông tin về sự kiện. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong chủ trì buổi họp báo.

Được biết, Tân Hóa là làng duy nhất của Việt Nam được UNWTO bầu chọn trong danh sách 260 làng đến từ 60 quốc gia tham gia dự giải năm 2023.

Đại diện UBND xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình nhận danh hiệu
Đại diện UBND xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình nhận danh hiệu "Làng du lịch tốt nhất thế giới".

Theo Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, giải thưởng Làng du lịch tốt nhất (Best Tourism Villages – BTV) là một sáng kiến toàn cầu của UNWTO nhằm mục đích nêu bật những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững. Sáng kiến này cũng công nhận sự đóng góp của các ngôi làng cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) thông qua du lịch.

Theo đó, sau khi đánh giá 260 hồ sơ đăng ký từ 60 quốc gia, UNWTO đã ghi nhận tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú và nổi bật của làng Tân Hóa, tỉnh Quảng Bình, cùng những cam kết và hành động của làng tuân thủ ba trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững. Theo đề nghị của Ban giám khảo giải thưởng, UNWTO chính thức công nhận làng Tân Hóa trở thành một trong những Làng Du lịch Tốt nhất của UNWTO.

Sự kiện được phát trực tiếp ngay tại buổi Họp báo công bố thông tin sự kiện do UBND tỉnh Quảng bình tổ chức
Sự kiện được phát trực tiếp ngay tại buổi Họp báo công bố thông tin sự kiện do UBND tỉnh Quảng bình tổ chức

Tân Hoá là một xã miền núi vùng sâu của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Xã có diện tích tự nhiên là 7.427,20 ha, nằm ở giữa các dãy núi đá vôi, có nhiều hệ thống hang động được kiến tạo qua hàng triệu năm như: Hang con Chuột, hang Dơi, hang Tụng, hang Tú Làn…Đây là nguồn lợi lớn về du lịch sinh thái và du lịch hang động.

Bên cạnh đó, núi rừng Tân Hoá cũng có nhiều loại gỗ, dược liệu quý như: Dạ hương, huệ, lim, sến, gỗ mun, lát, kiền kiền và các loại tre nứa, song mây…, sa nhân, hà thủ ô, ngũ da bì, sâm trần, mật ong và các loại cây thuốc nam khác.

Do vị trí địa lý và cấu tạo đặc thù của địa hình, Tân Hóa nằm ở phía tây của dãy hoành sơn và sự án ngự bởi các dãy núi đá vôi nên mang đậm tính chất khí hậu cận nhiệt đới, thể hiện rõ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Quanh năm khí hậu nóng, ẩm ướt, mưa nhiều và rét đậm.

Chính sự đa dạng về thời tiết đã tạo thuận lợi lớn để những người làm nông nghiệp phát triển các loại cây trồng. Song bên cạnh đó hàng năm xã Tân Hóa thường xảy ra lũ lụt, thời gian từ tháng 6- 9 (âm lịch). Do có nhiều hang động nên khi lũ lụt nước thoát chậm gây không ít khó khăn trong sản xuất phát triển kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Tân Hoá nằm trong vùng giao thoa nền văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc và văn hoá Sa huỳnh ở Phía Nam. Chính sự giao thoa này cùng với điều kiện sống giữa núi rừng bạt ngàn xa trung tâm kinh tế, văn hoá lớn, trải qua bao nhiêu năm tháng các thế hệ người dân Tân Hoá đã tạo dựng nên một nền văn hoá tinh thần mang bản sắc núi rừng quê hương, giản dị, chân chất, mộc mạc, với những điệu hát sắc bùa, hát nhà trò, hò thuốc cá, hò kéo đò, hò đối đáp giao duyên…

Về mặt văn hóa dân tộc, xã Tân Hoá tập trung chủ yếu là người Nguồn là tên gọi cộng đồng dân tộc thuộc nhóm Việt - Mường. Theo lời kể của những người lớn tuổi và gia phả của các dòng họ trong làng cho thấy tổ tiên của người Nguồn ở Tân Hoá đã đến khu vực này sinh sống từ khoảng 300 - 320 năm về trước.

Người Nguồn có ngôn ngữ riêng, đặc trưng cùng các nét sinh hoạt văn hoá riêng biệt và các giá trị văn nghệ dân gian.

Về nhà ở, trước đây người Nguồn làm nhà cột chôn, làm nhà rường cánh, xà luột, ai giàu có thì làm nhà chữ đinh lợp lá cọ. Ngày nay làm nhà tiền khách nền lát gạch hoa, sân phơi láng xi măng; cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, đường làng ngõ xóm được xây dựng cơ bản bằng bê tông.

Hiện nay, khu vực Tân Hoá đang bắt đầu được khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch tham quan, khám phá cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm…gắn với cảnh quan tự nhiên và văn hoá bản địa. Theo báo cáo từ ngành du lịch, trong giai đoạn 2013 – 2023, tổng lượt khách đón và phục vụ đến với Tân Hoá vào khoảng hơn 63,1 nghìn lượt khách. Trong đó tập trung chủ yếu ở tuyến Tú Làn (hơn 45 nghìn lượt khách) và tuyến Hang Tiên (hơn 18 nghìn lượt khách).

Xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình
Xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình

Tại buổi họp báo, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, có được danh hiệu này là một quá trình xây dựng nhiều năm từ hồ sơ, hoàn tất các thủ tục đáp ứng với tiêu chí của UNWTO.

"Việc Làng du lịch Tân Hóa được vinh danh là một trong những làng du lịch tốt nhất thế giới mới chỉ là bước đầu trong phát triển du lịch tại Tân Hóa. Giải thưởng danh giá này là cơ hội để Tân Hóa bước ra thế giới và dần trở thành điểm sáng của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du lịch, Tân Hóa cần phải giữ được bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam, không phá vỡ không gian sống xanh", ông Phong nhấn mạnh.

Du lịch Quảng Bình cần sự đồng hành từ các doanh nghiệp để vượt khó
Trong 2 năm vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, du lịch Quảng Bình đã đón hơn 4,65 triệu lượt khách đến với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư