Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
VN-Index bật tăng cuối phiên xác lập kỷ lục mới, sắc tím phủ rộng sàn UPCoM
Thanh Thủy - 12/11/2021 18:11
 
Hàng loạt cổ phiếu tăng trần phiên 12/11, tập trung ở sàn UPCoM với mức biên độ 15%. Dòng ngân hàng bứt tốc kéo VN-Index đóng cửa tăng hơn 11 điểm lên mức kỷ lục mới 1.473,37 điểm.

Hôm nay, VN-Index có thời điểm giảm xuống mốc 1.453 điểm, nhưng đã tăng hơn 20 điểm từ mức thấp nhất phiên chỉ trong một tiếng đồng hồ giữa phiên chiều.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 11,02 điểm (0,75%) lên 1.473,37 điểm. Chỉ số sàn HoSE một lần nữa tiến sát mốc 1.475 điểm và đóng cửa ở mức cao nhất trong lịch sử giao dịch. HNX-Index tăng 2,9 điểm (0,66%) lên 441,63 điểm. UPCoM-Index là chỉ số tăng mạnh nhất (1,33%) lên 110,66 điểm khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch tích cực.

.
Sắc xanh trở lại áp đảo, sàn UPCoM vọt tăng với loạt cổ phiếu tăng trần.

Top 3 cổ phiếu dẫn dắt đà tăng của UPCoM-Index là MSR (Masan High-Tech Materials), PGV (Phát điện 3 – EVNGENCO 3) và ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam). Cổ phiếu MSR tăng kịch biên độ (14,9%) đồng thời ghi nhận khối lượng giao dịch tăng đột biến gần 3,3 triệu đơn vị (gấp hơn 3 lần mức bình quân 10 phiên gần đây).

PGV tăng 7,9% trong phiên và cũng đã duy trì phiên tăng thứ ba liên tiếp. Dự kiến, cổ phiếu này sẽ chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE. Đầu tuần qua, Phát điện 3 đã hoàn tất nộp hồ sơ niêm yết đến Sở GDCK TP.HCM.

Cổ phiếu ACV chỉ nhích tăng 0,9% nhưng doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất sàn UPCoM vẫn đóng góp đáng kể cho phiên tăng mạnh này. Cổ phiếu nhiều doanh nghiệp khác cũng tăng mạnh như SJG (Tổng công ty Sông Đà) tăng 8,6%; VSF (Vinafood 2) tăng  6,9%... “gánh” bớt đà giảm của một số cổ phiếu doanh nghiệp quy mô lớn khác như BSR, VGI, OIL.

Không riêng cổ phiếu vốn hóa lớn, sắc tím phủ trên diện rộng còn đưa UPCoM trở thành sàn giao dịch có nhiều mã tăng trần nhất, với 127 mã trong 350 mã tăng, trong khi chỉ có 144 mã giảm và 70 mã đứng giá tham chiếu.

Trong khi đó, sự trỗi dậy của cổ phiếu nhà băng là động lực chính kéo VN-Index đảo chiều tăng mạnh. Cổ phiếu của VietinBank và Techcombank là hai đầu tàu dẫn dắt chỉ số đi lên, cùng đó EIB và MBB cũng đều nằm trong top 10 tác động tích cực đến VN-Index.

Đáng chú ý, EIB tăng kịch biên độ trong phiên này, lên 28.200 đồng/cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu tăng 1-3% như CTG, MSB, OCB… Trừ ông lớn VCB và SHB giảm lần lượt 0,1% và 0,4%, sắc xanh phủ rộng ở nhóm cổ phiếu nhà băng ở thời điểm đóng cửa sau khi miệt mài leo dốc phiên chiều.

Còn trên sàn HNX, nhóm bất động sản phân hóa mạnh. Trong khi L14 và CEO đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho chỉ số chung, cổ phiếu IDICO quay đầu giảm 3,26% lại là yếu tố ghìm chân chỉ số. IDC đã giảm giá thứ hai liên tiếp với mức giảm hơn 6,3% sau khi xác lập mức đỉnh mới 95.000 đồng/cổ phiếu hôm 10/11.

Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước với giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 34.572 tỷ đồng. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 31.491 tỷ đồng, giảm 26,7%. Trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 31,5% xuống còn 24.560 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây vẫn là mức thanh khoản rất cao trên thị trường.

Điểm tích cực là khối ngoại trở lại mua ròng 180 tỷ đồng trên 3 sàn. Riêng trên sàn HoSE, các nhà đầu tư ngoại mua ròng 200 tỷ đồng với số tiền giải ngân thêm hơn 1.590 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 1.377 tỷ đồng. Riêng giao dịch nội khối tại cổ phiếu ACB có giá trị gần 337 tỷ đồng. Cổ phiếu CTG và MSN được mua ròng thêm lần lượt 117 tỷ đồng và 103 tỷ đồng. Lực cầu từ khối ngoại cũng là cú hích cho đà tăng của cổ phiếu này với mức tăng lần lượt 2,35% và 1,84%.  

Dòng tiền lớn tham gia, thị trường chứng khoán lại có phiên giao dịch 2 tỷ USD
Thanh khoản giao dịch sáng ngày 11/11 vọt lên hơn 30.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong các phiên sáng trên thị trường. Giao dịch giằng co và sắc đỏ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư