Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Vụ nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì: Người tiêu dùng có quyền kiện hay không?
Hữu Tuấn - 03/06/2016 14:07
 
Khách hàng lỡ uống gần 1.200 thùng C2 hương chanh, Rồng Đỏ nhiễm chì có khởi kiện được nhà sản xuất hay không? Câu trả lời là có, nhưng…

Việc Thanh tra Bộ Y tế xử phạt 5,8 tỷ đồng và tiêu hủy 1.184 thùng C2 và Rồng Đỏ thuộc lô trà xanh hương chanh C2 (lô sản xuất ngày 4/2/2016, hạn sử dụng 4/2/2017) và lô nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu (lô sản xuất ngày 10/11/2015, hạn sử dụng 10/8/2016) do hàm lượng chì vượt ngưỡng mức công bố chỉ là giai đoạn đầu của việc xử lý hậu quả vụ việc này.

Câu hỏi đặt ra lúc này là hàng ngàn khách hàng “lỡ uống” C2 nhiễm chì, Rồng đỏ nhiễm chì có khởi kiện được nhà sản xuất URC hay không? Việc tiến hành khởi kiện liệu có khả thi và họ phải làm gì?

Khách hàng, đại lý, nhà phân phối có quyền khởi kiện

Đến thời điểm này, số hàng được xác định nhiễm chì rất có thể đã được khách hàng lỡ uống hết, nhưng cũng có thể đang “lang thang” ở quán cóc vỉa hè hay ở xó xỉnh của đại lý nào đó.

Trên nguyên tắc của luật pháp Việt Nam, khách hàng sử dụng sản phẩm, đại lý, nhà phân phối nếu chứng minh được mình bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe, uy tín… đều có quyền khởi kiện nhà sản xuất ra tòa. Quyền khởi kiện khá rõ ràng, nhưng để thắng kiện là vấn đề không hề đơn giản.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, về nguyên tắc, người tiêu dùng phải được bồi thường khi mua phải sản phẩm C2 và Rồng Đỏ thuộc hai lô nhiễm chì bị tiêu hủy. Tuy nhiên, rất khó khăn để xác định từng cá nhân sử dụng phải sản phẩm này, do người tiêu dùng mua nhỏ lẻ, đã uống hết, vứt bỏ vỏ, chai lọ, thì không thể nhớ được mình đã từng uống sản phẩm thuộc lô này hay không. Do vậy, rất khó để bồi thường cá nhân trong những tình huống như thế này. Vì vậy, nên thành lập một quỹ để dành riêng cho các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, như kiểm tra phát hiện thực phẩm bẩn...

Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, nếu người tiêu dùng, đại lý, nhà phân phối khi có căn cứ để chứng minh mình bị xâm phạm bởi các "sản phẩm khuyết tật" của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thì hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường về thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng và tài sản của mình. Người khởi kiện phải xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Tức là người bị thiệt hại phải chứng minh được sản phẩm khuyết tật đã gây thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng, tài sản của mình, phải thống kê được mức thiệt hại đã xảy ra trên thực tế, phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa sản phẩm khuyết tật và thiệt hại xảy ra...

Nhìn nhận việc chứng minh thiệt hại là một quá trình phức tạp, khó khăn, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn cầu (Hà Nội) cho rằng, việc chứng minh thiệt hại thực tế của những người đã uống phải sản phẩm C2, Rồng Đỏ nhiễm chì không phải đơn giản. Lý do là các chi phí khám chữa bệnh có hóa đơn thì dễ dàng đối chiếu, nhưng các chi phí gián tiếp như mất khả năng lao động, mất cơ hội việc làm, thời gian... lại khó đong đếm.

"Ngoài ra, với số lượng C2, Rồng Đỏ bán ra là rất lớn như vậy, thì ở đây khó có thể xác định ai là nạn nhân cụ thể. Trong khi, việc tích tụ chì hay kim loại khác trong cơ thể sẽ phải mất một thời gian dài, nên việc vừa uống sản phẩm này mà cho rằng sẽ gây tác hại ngay thì sẽ khó chứng minh được", luật sư Thiệp nói.

Đồng quan điểm, luật sư Phạm Hương Giang (Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải) cũng nhận xét, chiểu theo các quy định hiện hành về việc yêu cầu đòi bồi thường của người tiêu dùng, trong vụ việc này, để đòi được quyền lợi là điều không dễ dàng. Lý do là người bị hại phải chứng minh việc sử dụng trà xanh C2,  Rồng Đỏ gây hậu quả đến sức khỏe của mình. Nhưng vấn đề là chỉ uống 1-2 chai thì khó nhìn thấy “hậu quả nghiêm trọng”.

URC có bị khởi tố hình sự hay không?

Được quyền khởi kiện nhưng “kiện không dễ”, nhiều khách hàng đặt vấn đề, vậy có thể đưa URC ra cơ quan điều tra như một vụ “đầu độc” người tiêu dùng hay không?

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đăng Tư (Văn phòng Luật sư Trilaw) cho biết, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa quy định trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, do vậy Công ty URC sẽ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhưng giả định trong trường hợp nếu URC có hành vi “đưa hối lộ” để làm sai lệch kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì trong C2 và Rồng Đỏ thì theo Bộ luật Hình sự, cá nhân thực hiện hành vi này rất có thể bị khởi tố hình sự.

Theo luật sư Lê Văn Thiệp, việc bán hàng không đúng theo chất lượng công bố như trường hợp của Công ty URC có thể xem xét quy vào tội lừa dối khách hàng theo quy định của Bộ luật Hình sự. Để có đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra cần xác định ai là người chịu trách nhiệm, lợi dụng quyền hạn, chức vụ để xảy ra việc này.

Các chuyên gia, luật sư đều cho rằng, trong vụ việc này, người tiêu dùng “lỡ uống” sản phẩm nhiễm chì nên đi kiểm tra sức khỏe của mình.

Luật sư Nguyễn Minh Hương, Trưởng văn phòng Luật sư A Hòa khuyến cáo, khách hàng đã uống các sản phẩm thuộc những lô hàng có nồng độ chì vượt quá mức công bố, nếu thấy trong người không được khỏe hay có các dấu hiệu về sức khỏe khác, hoặc không có dấu hiệu nào, nhưng bất an thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và làm xét nghiệm cần thiết. Nếu có thiệt hại xảy ra thì được quyền yêu cầu URC bồi thường.

Có thể thấy rằng, việc xử lý hậu quả của vụ việc nước ngọt nhiễm độc chì ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp và sẽ kéo dài. Nếu URC không có ngay biện pháp xử lý khủng hoảng đối với người tiêu dùng thì uy tín Công ty sẽ giảm sút nghiêm trọng, không khác gì trường hợp của Tân Hiệp Phát vừa qua. Thiết nghĩ, cùng với việc tuân thủ các quyết định xử phạt, URC phải có lời xin lỗi với khách hàng, có những biện pháp hỗ trợ khách hàng kiểm tra y tế, trấn an tâm lý cho khách hàng để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bộ Y tế công bố kết quả thanh tra URC
Hôm nay (31/5), Bộ Y tế đã chính thức thông báo kết quả thanh tra đối với công ty URC Hà Nội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư