Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vụ tranh chấp giữa Big C Đà Nẵng và DMC: Chấm dứt hợp đồng do Big C đổi chủ
Ngọc Tân - 08/07/2016 22:27
 
Như Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã đưa tin, vào ngày 7/7, tại Trung tâm Vĩnh Trung Plaza (đường Hùng Vương, TP Đà Nẵng) đã xảy ra tranh chấp dữ dội giữa phía đơn vị chủ toà nhà là Công ty Cổ phần Đầu tư Đức Mạnh (DMC) và Trung tâm thương mại Big C Đà Nẵng.

Lý do của việc tranh chấp bắt nguồn từ việc là Công ty cổ phần Đức Mạnh đơn phương yêu cầu chấm dứt hợp đồng cho thuê và buộc Big C Đà Nẵng phải trả lại mặc bằng, song đơn vị này đã này không tuân theo. Hơn 200 nhân viên của siêu thị Big C đã tập trung phía trước toà nhà để phản đối, sự việc chỉ chấm dứt sau khi  Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh có mặt và giải quyết. Theo đại diện Big C Đà Nẵng cho biết, hiện nay Big C đã tiến hành khởi kiện vụ việc lên Trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam (VIAC).

Về phần mình, giải thích về lý do yêu cầu chấm dứt hợp đồng, đại diện chủ toà nhà Vĩnh Trung Plaza, ông Đàm Quang Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đức Mạnh cho biết, vào năm 2006, DMC có ký hợp đồng với Công ty Vindemia (Pháp) về hợp đồng thuê mặt bằng tại toà nhà Trung tâm thương mại Vĩnh Trung Plaza. Tuy nhiên sau đó trong quá trình làm sổ sách DMC phát hiện việc Công ty Vindemia đã chuyển nhượng Big C Đà Nẵng cho các đối tác khác (mới đây nhất chính là Tập đoàn Central Group Thái Lan).

Nhân viên an ninh của Big C và các bảo vệ của toà nhà Vĩnh Trung Plaza xảy ra tranh chấp.
Nhân viên an ninh của Big C và các bảo vệ của toà nhà Vĩnh Trung Plaza xảy ra tranh chấp.

Ông Tuấn cho rằng, Luật đầu tư nước ngoài tại thời điểm ký hợp đồng quy định, mọi sự thay đổi, kể cả thay đổi chủ sở hữu thì chủ thể ký hợp đồng phải ra thông báo các đơn vị hợp tác liên quan (ở đây là chủ toà nhà Vĩnh Trung Plaza) được biết. Sau đó các bên phải tiến hành thoả thuận, ký lại hợp đồng, giấy phép hợp tác mới. Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển nhượng, Vindemia đã không thực hiện đúng điều này.

“Big C đã lợi dụng hợp đồng giữa DMC và Vindemia để bán, chuyển nhượng trái phép cho chủ mới nhưng không xin phép nhà nước và chủ toà nhà là DMC. Big C chuyển nhượng lại cho chủ mới nhưng chủ mới họ chưa bao giờ làm việc với mình. Luật kinh doanh BĐS tại thời điểm ký hợp đồng không cho phép nhà đầu tư nước ngoài thuê lại nhưng Big C đã cho thuê lại, và trong hợp đồng DMC cũng không cho phép Big C cho thuê”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn giải thích, tại thời điểm này, khi Big C đã thay đổi chủ sở hữu thì mối quan hệ pháp lý giữa Vindemia (tức là chủ thể ký hợp đồng với DMC) đã không còn, do đó hợp đồng hợp đồng cho thuê giữa DMC, Vindemia và Big C Đà Nẵng là vô giá trị. “Chúng tôi ký hợp đồng với chủ thể bên Pháp, nhưng giờ chủ thể đó không tồn tại. Mà trong bản Phụ lục hợp đồng kế thừa cho Big C Đà Nẵng thuê lại thì chủ thể ký hợp đồng là Vindemia cũng không ký vào đó nên phụ lục này cũng không có giá trị pháp lý. Có thể nói DMC và Big C không có quan hệ gì cả và Big C đang cố tình chiếm giữ trái phép tài sản của DMC”, ông Tuấn nói.

Nói về việc Big C phản ánh DMC cản trở các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Big C, ông Tuấn cho rằng: “Đức Mạnh hiện tại giờ chỉ ngăn cản những hành vi vi phạm của Big C chứ không ngăn cản hoạt động kinh doanh của Big C. Cụ thể đó là những vi phạm về môi trường, về phòng cháy chữa cháy, về an toàn cháy nổ, vi phạm về chuyển nhượng cho thuê trái pháp luật. Còn việc tranh chấp hợp đồng, DMC sẽ chấp hành nghiêm chỉnh phán quyết của Toà”.

Cũng trong sáng 8/7, cơ quan chức năng đã có buổi làm việc với các bên liên quan về tranh chấp nói trên dưới sự chủ trì của ông Trần Phước Thu - quyền Cục trưởng Cục Thi hành án TP Đà Nẵng.

Tại cuộc họp, Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng đề nghị đại diện Siêu thị Big C đưa ra các bằng chứng để chứng minh những hành động cản trợ kinh doanh của phía DMC.

Bà Nguyễn Nữ Tố Nga, Trưởng Ban quản lý vận hành Trung tâm thương mại Big C Đà Nẵng, đã cung cấp nhiều bằng chứng về việc bảo vệ của DMC khóa thang máy; cắt nước, đặt trạm barie lối vào siêu thị, ngăn xe vận chuyển hàng nhập vào kho…

Vừa qua, Tập đoàn Casino (Pháp) đã chính thức thông báo chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam cho Tập đoàn Central Group (Thái Lan), giá trị vụ chuyển nhượng lên đến 1,04 tỉ USD. Theo quy định, sau 10 ngày kể từ khi thương vụ được hoàn tất, bên chuyển nhượng sẽ phải nộp thuế chuyển nhượng vốn, dự kiến khoảng 3.600 tỷ đồng.

Từ sau thương vụ chuyển nhượng cho đến nay hàng loạt siêu thị Big C tại VN đã như Big C Thanh Hóa, Big C ở Hà Nội, Big C Đồng Nai... đã tiến hành thay đổi người đại diện pháp luật, tuy vậy cho đến giờ cơ quan thuế vẫn chưa nhận được hồ sơ kê khai và nộp thuế thương vụ chuyển nhượng. Theo quy định của Việt Nam, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 kể từ ngày các bên thỏa thuận chuyển nhượng vốn. Ước tính số tiền thuế thu được từ thương vụ chuyển nhượng Big C vào khoảng 3.600 tỷ đồng.

Vì sao hàng trăm cán bộ nhân viên BigC Đà Nẵng phản ứng chủ tòa nhà Vĩnh Trung Plaza
Với lý do phía chủ tòa nhà Vĩnh Trung Plaza là Công ty cổ phần Đức Mạnh (DMC) phong toả lối ra vào, gây cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư